Trước kia ở phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa có một ngôi miếu gọi là Mã Đồng, thờ một người chăn ngựa trẻ tuổi tên là Nguyễn Văn Quyên, quê ở địa phương này. Số là vào năm 1786 Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, tiêu diệt được thế lực họ Trịnh, giao trả quyền hành lại cho vua Lê Hiển Tông. Nhưng sau đó Hiển Tông mất, người cháu là Duy Kỳ lên nối ngôi tức Lê Chiêu Thống. Song nội bộ triều chính Bắc Hà luôn xảy ra lục đục, tranh giành quyền lực, nên năm 1788 Nguyễn Huệ phải kéo quân từ Phú Xuân ra giải quyết. Lê Chiêu Thống bèn cho người sang cầu cứu nhà Thanh giúp. Lợi dụng thời cơ để thực hiện âm mưu thôn tính, cuối năm này 29 vạn quân Thanh kéo sang xâm lược nước ta. Nguyễn Huệ lại kéo quân ra Bắc và chỉ trong mấy ngày Tết Kỷ Dậu (1789) đã đánh tan tành bọn xâm lược nhà Thanh, khiến chúng phải bỏ chạy tán loạn về nước. Lê Chiêu Thống và vài chục quần thần cũng tất tưởi chạy theo. Triều đình nhà Thanh cho Chiêu Thống và vài người ở Yên Kinh, trong số có chàng trai Nguyễn Văn Quyên giữ ngựa, còn cả bọn bị đày mỗi người một ngả…
Một hôm nghe tin vua Thanh tuần du, Nguyễn Văn Quyên cầm cương ngựa cho Lê Chiêu Thống đến để mong gặp vua Thanh cầu xin. Lính Tàu canh giữ bèn cướp lấy ngựa và lôi Chiêu Thống đi chỗ khác. Chiêu Thống thì chịu khuất phục, không dám mở miệng. Song kẻ giữ ngựa Văn Quyên tự lấy làm ô nhục, bất bình, cho rằng vua nước Nam mà bị lũ lính Tàu xua đuổi, bèn hô lớn rằng: “Thằng Ngô vô lễ, dám làm nhục vua ta!” và xông vào đánh trả. Cuối cùng Văn Quyên bị thương nặng rồi chết.
Lê Chiêu Thống là một ông vua thuộc tầng lớp thống trị đã cầu viện ngoại bang “cõng rắn cắn gà nhà”, cam chịu tuân phục bọn chúng gióc tóc, thay đổi lối mặc… để được dung thân. Thậm chí còn quỳ lạy, van xin “Vua tôi bàn nhau cứ phủ phục ở sân rồng mà khẩn khoản, yêu cầu…”(*). Nhưng người dân thường Nguyễn Văn Quyên, vốn là kẻ giữ ngựa, được xếp vào tầng lớp hạ lưu của xã hội thì lại thấy nhục, biết bảo vệ quốc thể, có ý chí bất khuất và lòng dũng cảm, không hề sợ chết.
Lê Chiêu Thống chết bên Trung Quốc. Triều Nguyễn Gia Long cho đem về chôn ở Bàn Thạch (Thanh Hóa). Hài cốt Văn Quyên cũng được mang về chôn cạnh Chiêu Thống. Ngày xưa quan niệm “Trung quân, ái quốc”, nghĩa là trung với vua tức là yêu nước. Nhưng hành động trên của Văn Quyên đã phân biệt rõ có những điểm khác nhau giữa “Trung quân” và “Ái quốc”. Chiêu Thống là vua nhưng phải cúi mình, chịu nhục, không dám phản kháng. Còn Văn Quyên là dân, song bất khuất, dám chống trả lại thế lực ngoại bang cường quyền!
Ngôi miếu Mã Đồng là biểu thị tinh thần yêu nước bất khuất Việt Nam. Không những là nơi để thờ chàng thanh niên chăn ngựa, mà còn thể hiện sức mạnh vô địch của lòng yêu nước và ý chí quật cường, vốn đã trở thành truyền thống của mọi người dân nước Việt!
____
(*) Quốc sử quán triều Nguyễn - Khâm Định Việt sử thông giám cương mục. Tập 2, tr.851. NXB Giáo Dục, 1998.