Nagib Mahfuz (sinh năm 1911) - giải thưởng Nobel về văn học năm 1988. Tuyển tập truyện ngắn mang tính chất tự thuật Chuyện khu phố tôi là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất và phổ biến nhất của ông ở Ai Cập. Truyện ngắn dưới đây được rút ra từ cuốn sách đó, đề cập đến vấn đề bảo vệ nữ quyền.
Cái tin sét đánh đó đã bay khắp khu phố và chẳng mấy chốc lọt vào nhà tôi. Mẹ tôi là người đầu tiên nghe thấy nó.
Thím Fatima sống cạnh nhà tôi và nổi tiếng là người ngồi lê đôi mách, chuyên đi lan truyền những tin đơm đặt và đủ thứ chuyện giật gân, mặt đỏ phừng phừng vì xúc động đã gọi giật mẹ tôi ra khỏi nhà.
- Chị ơi chị, chị có nghe cái chuyện trơ trẽn đó chưa?!
Mẹ tôi vốn quanh năm bận việc nội trợ, rất ít khi ra khỏi nhà và thường biết được tất cả những tin tức tào lao qua thím tôi. Nỗi xúc động của Fatima lập tức được truyền sang cho mẹ tôi.
- Ôi, lạy Đức Allah! – mẹ tôi thốt lên - Lại có chuyện gì xảy ra nữa thế?
- Con bé Tavhida, em gái bác Um-Ali và Radzhiv…
- Ôi… ôi! Nó làm sao?
- Nó đi làm rồi!
- Đi làm ư?
- Đồ thối thây! Bây giờ nó là nhân viên… Nó đến văn phòng – cái đó được họ gọi là office – và ngồi ở đó trong đám đàn ông!
Cái tin đó rõ ràng đã tác động đến mẹ tôi. Bà giơ cả hai tay lên trời hướng tới Đức Allah:
- Trời cao đất dày! Chính nó là con nhà gia giáo... Mẹ nó là một người lao động còn ông bố thì được tất cả mọi người kính trọng.
- Thế mà nó bôi tro chát trấu vào mặt họ! Nhưng họ cũng có lỗi. Thử hỏi có ai trong số các bố mẹ nền nếp lại cho phép con gái đến văn phòng bao giờ!
- Con bé tội nghiệp! – Mẹ tôi vẫn cứ ái ngại cho Tavhida – Có thể nó gặp chuyện không may trong việc kén chồng chăng?
- Chị nói gì lạ thế! Thằng Omar, cháu của chúng ta, định dạm hỏi nó đấy thôi!
- Đội ơn Đức Allah, may mà thằng Omar chưa dạm hỏi – mẹ tôi mừng rỡ nói, bà liền đứng về phía thím Fatima – Suýt nữa thì gia đình nhà ta chuốc lấy mối ô nhục đó!
Trong ngày hôm ấy, những câu chuyện đại loại như thế tôi cũng nghe được ngoài phố xá. Khi bố của Tavhida là bác Radzhiv bước ra khỏi nhà thì lập tức những người đàn ông liền xì xào sau lưng:
- Tội nghiệp, Đức Allah sẽ phù hộ cho ông ta!
Nhưng những người đàn bà đeo mạng che mặt lại rất tàn nhẫn đối với Radzhiv, họ đay nghiến nói đuổi theo:
- Đức Allah sẽ không bao giờ tha thứ cho ông chuyện ấy!
Hồi đó tôi mới 12 tuổi vì vậy các vị có thể hiểu được tâm trạng của tôi. Tôi không sao hiểu được là những người sống trong khu phố của chúng tôi lên án cô gái tội nghiệp Tavhida và cha mẹ của cô là vì lẽ gì. Mãi sau này tôi mới nghĩ ra.

Minh họa: Đinh Dũng
Cùng với lũ bạn đồng tuổi, tôi thường lai vãng tới các khu phố của người Âu ở Cairo và nhìn thấy tại đó những cô gái không đeo mạng che mặt, bọn đàn ông hay lui tới chỗ họ và sau mấy câu trao đổi ngắn ngủi, các cô đi theo họ hoặc ngồi vào ô tô. Chắc là đến văn phòng! Cái từ tiếng Anh ấy thường hiện ra thấp thoáng trước mắt tôi. Tôi bèn quyết định bằng bất cứ cách nào cũng phải nhìn thấy cô nhân viên Tavhida của chúng tôi.
Qua người anh họ của Omar, tôi dễ dàng biết được địa chỉ văn phòng. Đúng 4 giờ chiều, Tavhida từ trong tòa nhà bước ra. Tôi nhìn vào khuôn mặt không đeo mạng của cô và không phát hiện ra ở đó bất cứ một dấu vết nào của tội lỗi cả. Đúng hơn cả là khuôn mặt đó hiện rõ sự mệt mỏi, cũng vẫn theo lời thím Fatima, của những người đàn bà làm việc trong bộ máy nhà nước.
Nhưng dầu sao thì Tavhida cũng đã làm hoen ố danh dự của khu phố chúng tôi, bởi vậy tôi với tư cách là một người theo đạo Hồi chân chính, chí ít phải trả thù cô bằng một cách nào đó. Cô đi về phía ngôi nhà của mình. Tôi ló đầu ra từ sau bức tường và đánh bạo gào rõ to:
- Đồ nữ nhân viên! Đồ vô liêm sỉ! Đức Allah sẽ không đời nào tha thứ cho cô về việc đó!
LÊ SƠN dịch