Người đương thời với Phạm Quỳnh & Nam Phong

(Tiếp theo và hết)

* Phạm Khắc Hòe

Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, tại Huế, ngày 11/3/1945, một cuộc Hội nghị Cơ mật đại thần do Phạm Quỳnh lúc này là Thượng thư Bộ Lại triệu tập, chi phối. Ông Phạm Khắc Hòe, nguyên Tổng lý Ngự tiền Văn phòng của triều đình Huế, viết về cuộc họp ấy như sau:

“Đúng 8 giờ, cuộc Hội nghị Cơ mật bắt đầu, do Bảo Đại đích thân chủ tọa và gồm đủ lục bộ Thượng thư. Đây là lần đầu tiên Bảo Đại chủ tọa một cuộc họp không được Văn phòng chuẩn bị tỉ mỉ trước, nên ông ta rất lúng túng!

Bảo Đại nhìn tôi hỏi:

- Bắt đầu được chưa?

- Tâu, được rồi.

- Hôm nay… Hôm nay… Thôi! Thầy Lại bắt đầu đi! – Bảo Đại nhìn Phạm Quỳnh nói.

Phạm Quỳnh liền sờ tay lên nút áo đeo bài vàng, lật mặt bài ra trước rồi đứng dậy trình bày mục đích cuộc họp có tầm quan trọng lịch sử này là để “Tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam”, và nói tiếp đại ý như sau: “Nhờ ơn quân đội Thiên Hoàng, nước nhà đã được giải phóng. Hôm qua, quan Đại sứ Nhật ở Đông Dương là Yokoyama đã vào chầu và tâu lên Hoàng đế nhã ý của Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng công nhận nền độc lập của nước ta và nếu được Hoàng đế chuẩn y, thì Đại sứ Yokoyama vui lòng tạm đảm nhiệm chức Tối cao cố vấn cho Chính phủ Việt Nam độc lập. Vậy nay cần tuyên bố nền độc lập của nước nhà cho quốc dân và thế giới biết càng sớm càng tốt”.

Phạm Quỳnh nói xong, Bảo Đại hỏi ai có ý kiến không, thì mọi người đều hoan nghênh việc tuyên bố độc lập và Bùi Bằng Đoàn nói thêm là trong bản tuyên bố cần nói rõ việc xóa bỏ các hiệp ước đã ký kết với Pháp. Phạm Quỳnh mỉm cười và nói ông ta đã không quên việc đó, rồi với vẻ mặt hớn hở, tự đắc, ông ta thò tay vào túi áo rút ra hai tờ giấy và nói tiếp: “Tâu Hoàng đế! Để cho gọn việc, chúng tôi đã trộm phép dự thảo một bản tuyên bố, xin Hoàng đế cho phép tuyên đọc”. Phạm Quỳnh trịnh trọng đọc bản quốc văn rồi bản dịch Hán văn. Bản dự thảo có ba ý kiến chính: Một là tuyên bố Việt Nam độc lập; Hai là xóa bỏ các hiệp ước đã ký với Pháp; Ba là Chính phủ Việt Nam độc lập sẽ hợp tác thân thiện với Chính phủ Đại Nhật Bản để cùng nhau xây dựng khối thịnh vượng chung Đại Đông Á.

Phạm Quỳnh đọc xong, Hồ Đắc Khải và Trương Như Đính tấm tắc khen “Cụ Lại giỏi thật”. Còn không ai có ý kiến gì thêm bớt cả. Bảo Đại bảo Phạm Quỳnh đưa bản thảo cho tôi làm mọi việc cần thiết để trong mươi lăm phút có văn bản đưa vào ký.

Mười phút sau tôi trở vào thì Bảo Đại đang kể chuyện với lục bộ Thượng thư về một con min (bò tót) rất to mà ông ta bắn được ở Cam Lộ hai hôm trước. Thấy nhà vua còn say sưa với câu chuyện săn bắn của mình, tôi để cho ông ta tả xong “cặp sừng rất đẹp” của con bò tót rồi mới đưa bản tuyên bố Việt Nam độc lập cho ông ta ký.

Sau khi bản tuyên bố được nhà vua và sáu vị Thượng thư ký xong, Lễ bộ Thượng thư Ưng Úy đề xuất vấn đề cáo yết sự phục hồi độc lập quốc gia với Liệt thánh và đề nghị tiến hành lễ ấy vào mồng1 tháng 2 âm lịch (14/3/1945) là một ngày rất “tốt”. “Sáng kiến” ấy được mọi người hoan nghênh.

Như thế là trong khoảng ba mươi phút, Hội nghị Cơ mật của triều đình Huế đã giải quyết xong vấn đề tuyên bố Việt Nam độc lập về cả các mặt chính trị, pháp lý, ngoại giao và nghi lễ. Nhưng nếu so sánh cuộc hội nghị này với cuộc “hội nghị bàn về mạt chược” cách nửa giờ trước ở Cung Diên Thọ thì phải nói rằng trong cuộc Hội nghị Cơ mật các vị đại thần đã không hào hứng và nhiều ý kiến bằng trong cuộc “hội nghị mạt chược”, trừ Lại bộ Thượng thư Phạm Quỳnh thì trong cả hai hội nghị đều tỏ ra rất phấn khởi, say sưa, đắc ý nhất là ở hội nghị tuyên bố độc lập, ông ta nói thao thao bất tuyệt cho đến lúc Bảo Đại đứng dậy kết thúc:

- Thôi. Các thầy về nghỉ. Ai thích mạt chược và thịt bò tót thì 7 giờ tối nay nhớ vô chầu Đức Từ.
Sau một đêm thao thức, suy nghĩ về những chuyện trên, sáng 12 tháng 3, tôi vào Đại Nội làm việc với ý định nêu vấn đề cải tổ Viện Cơ mật lại với Bảo Đại. Nhưng chưa biết bắt đầu như thế nào? Tôi đang ngồi bóp trán suy nghĩ thì một người thị vệ vào nói: “Dạ, bẩm, Hoàng đế ban Cụ qua chầu có việc gấp”.

Tôi liền sang Phòng Phê thì Bảo Đại bảo thảo một đạo Dụ cử Phạm Quỳnh làm người thay mặt Chính phủ Việt Nam độc lập giao thiệp với Tối cao cố vấn Nhật và các nhà chức trách Nhật nói chung. Thấy tôi làm thinh, tỏ vẻ không thông mệnh lệnh ấy, Bảo Đại nói thêm: “Nếu ông thấy có chi khó khăn thì cứ đi bàn với ông Lại mà làm cho kịp thời”. Sau một phút ngập ngừng, tôi nói toạc ra với Bảo Đại rằng: “Phạm Quỳnh là một người xấu, bị mọi tầng lớp nhân dân oán ghét và giới nhân sĩ trí thức khinh bỉ, mặc dù ai cũng biết ông ta học rộng, nói hay cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Cho nên nếu nhà vua thực tâm vì dân, vì nước thì không nên dùng Phạm Quỳnh nữa”. Câu chuyện kéo dài hơn nửa giờ và cuối cùng Bảo Đại nói: “Thôi! Hãy tạm cử Phạm Quỳnh cho dễ liên lạc với Nhật đã, rồi sau sẽ hay”.

Tôi trở về văn phòng thảo ngay một tờ Chỉ cử Lại bộ Thượng thư Phạm Quỳnh tạm thời làm nhiệm vụ liên lạc giữa Chính phủ Việt Nam độc lập với các nhà chức trách Nhật, đem lên cho Bảo Đại ký rồi sao lục ngay cho các Bộ và Tối cao cố vấn Nhật. Làm như vậy, tôi chắc rằng những chữ “Chỉ”, “tạm thời” và “liên lạc” thế nào cũng sẽ làm cho Phạm Quỳnh căm thù mình! Ấy thế nhưng sáng ngày 14 tháng 3, khi gặp tôi trong buổi lễ cáo yết Liệt thánh, Phạm Quỳnh lại tỏ ra ngọt ngào với tôi hơn bao giờ hết. Và lúc buổi lễ kết thúc, ông ta thiết tha căn dặn tôi chiều hôm ấy trên đường đi vào Đại Nội, ghé qua Bộ Lại nói chuyện.

Đúng hai giờ chiều, tôi ghé Bộ Lại, Phạm Quỳnh tiếp đón tôi niềm nở hơn trước nhiều và giữ lại nói chuyện hơn một tiếng đồng hồ. Nội dung câu chuyện xoay quanh “tương lai tốt đẹp” của Tổ quốc và “tiền đồ vẻ vang” của những người trí thức Âu – Á kiêm thông. Mục đích câu chuyện là lôi kéo tôi hợp tác chặt chẽ với ông ta trong việc làm đầy tớ cho chủ mới là phát xít Nhật. Ngay từ phút đầu của câu chuyện, tôi đã thấy rõ âm mưu đó của Phạm Quỳnh, cho nên ông ta nói gì, hỏi gì, tôi cũng cứ ì à cho qua chuyện và không hứa hẹn điều gì hết.

Từ giã Phạm Quỳnh, tôi nghĩ đến sự cần thiết phải tranh thủ ý kiến của những người có nhiều kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Lúc bấy giờ, trong tầm mắt hạn chế của tôi, thì ở Huế, tôi chỉ thấy có hai người có thể giúp đỡ mình về mặt đó: cụ Huỳnh Phúc Kháng mà ai cũng biết tiếng và ông Tôn Quang Phiệt, một người cũng đã từng bị tù vì hoạt động cách mạng. Nhưng với ông Tôn Quang Phiệt tôi có quan hệ thân thiết hơn và chung quanh ông ta lại có tất cả anh em trẻ trong “Nghệ Tĩnh đồng châu phổ” mà tôi là phổ trưởng, cho nên tối 14 tháng 3 tôi đến nhà anh Phiệt bàn chuyện thời sự và kể lại âm mưu của Phạm Quỳnh, thì anh Phiệt rất tán thành việc đánh đổ Phạm Quỳnh và vận động đưa những người tốt ra thành lập Chính phủ mới. Sáng 15 tháng 3, tôi lần lượt đến gặp cụ Bùi Bằng Đoàn và cụ Ưng Úy là hai vị Thượng thư tương đối có uy tín trong Hội đồng Cơ mật và trong quan trường nói chung. Hai ông này đều đồng ý là cần làm cho nhà vua thấy rõ bản chất xấu xa và nguy hiểm của Phạm Quỳnh…”

(Trích hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, NXB Thuận Hóa,1987)


* Dương Thiệu Thanh

Hồi ấy đâu là năm 1930… ký giả Pháp Pierre Mille ghé Hà Nội có phỏng vấn Phạm Quỳnh về thanh niên Việt Nam. Nhà học giả chủ bút Nam Phong vốn là người sống trong tháp ngà với một cuộc đời trưởng giả, phong kiến, rất có ác cảm với phe thanh niên mà ông cho là ngỗ nghịch. Có lần ông đã bị sinh viên cao đẳng đuổi theo ông trước nhà in Lê Văn Phúc ở phố Hàng Gai, chỉ vì ông đã thóa mạ thanh niên.

Sẵn có ác cảm với thanh niên nên khi đáp câu hỏi của Pierre Mille, ông Phạm Quỳnh đã có những lời xét đoán nông cạn, chê đám thanh niên Việt Nam là những óc trống rỗng, mất cội rễ… Ông ám chỉ mấy nhà tân học miền Nam đi Pháp nói tiếng Pháp giỏi mà không có nền cổ học như ông.

Sau khi bài phỏng vấn của Pierre Mille đăng lên báo Pháp, Hoàng Tích Chu bèn trích đăng vào báo Đông Tây và gây bút chiến với Phạm Quỳnh, kêu gọi thanh niên tỏ bày ý kiến đối với những lời mạt sát của chủ bút Nam Phong; chủ nhiệm báo Đông Tây tính gây ra một cuộc tranh luận hào hứng trên mặt báo.

Nhưng anh không tính đến khía cạnh chính trị của việc anh làm. Anh đã động đến một nhân vật mà Tổng giám đốc liêm phóng Đông Dương Louis Marty bảo vệ. Chính Louis Marty đã trợ cấp cho Nam Phong để tuyên truyền cho văn hóa Pháp cổ võ giới thượng lưu trí thức có cảm tình với Pháp. Bỗng nhiên có tờ báo dám động đến người mà Marty che chở, muốn hạ uy tín của người ấy thì thôi rồi đời tờ báo.

Tờ Đông Tây chưa nhận được bài của độc giả thanh niên trả lời cho Phạm Quỳnh thì đã nhận được thơ của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ đóng cửa báo.

Sau khi Đông Tây bị rút giấy phép, Hoàng Tích Chu khai thác tờ Thời Báo của một người bạn anh là Phùng Văn Long, nhưng chỉ được một tháng thì báo này cũng chung số phận với Đông Tây.

Hoàng Tích Chu không hoạt động gì, nằm chờ lúc thuận tiện hơn để tiếp tục sứ mạng trên đường văn trận bút, song anh không còn trở lại làng báo nữa vì mấy tháng bệnh hoạn liên miên đã cướp anh về thế giới khác vào đúng hôm 29 Tết năm anh mới 33 tuổi xuân.

(Trích hồi ký Mấy chàng trai thế hệ trước)


* Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải

Cụ Khải cho biết cụ có đọc Nam Phong, nhưng ngay từ đầu đã chống Nam Phong, Phạm Quỳnh vì lập luận thân Tây và bênh quan lại của tờ báo. Đó cũng là thái độ chung của các nhà Nho thời bấy giờ.

- Tại sao có một số nhà Nho như Nguyễn Đôn Phục, Đông Châu Nguyễn Văn Tiến v.v… đã viết cho Nam Phong?

- Những cụ đó là bạn của tôi, các cụ đó cũng biết dụng ý chính trị của Marty nhưng vì có bài không có báo nào để gửi đăng nên phải gửi Nam Phong, và nhất là sinh kế, các cụ cũng như tôi lúc đó nghèo lắm. Nhiều lần ông Phạm Quỳnh gặp tôi có mời tôi viết cho Nam Phong, nhưng tôi không nhận.

- Theo cụ, các cụ lúc đó có chịu ảnh hưởng gì của Nam Phong?

- Các cụ Nho ở thành phố Hà Nội ít đọc vì biết quá rõ tờ báo, nhưng có lẽ các cụ Nho ở thôn quê có đọc. Còn đám tân học, họ chịu ảnh hưởng Pháp văn khi viết văn rõ rệt như nhóm Hoàng Tích Chu…

- Cụ có biết về vụ án Truyện Kiều do cụ Ngô Đức Kế gây nên không?

- Tôi với cụ Kế là bạn thân, vì cụ không thạo quốc văn lắm, nên viết gì cũng đem bàn bạc với tôi và tôi sửa cho cụ như thể chúng tôi viết chung vậy, tuy bài báo ký tên cụ. Cái bài Luận về chánh học cùng tà thuyết cũng làm như thế.

- Nếu vậy, hiện nay cụ là chứng nhân độc nhất còn sống có thể cho biết chủ đích thực sự của các cụ khi bài bác việc suy tôn Truyện Kiều của Phạm Quỳnh và Nam Phong. Trong Nam ngoài Bắc các nhà văn học đều tranh luận về thực chất của vụ án này. Một lập luận vẫn thường được nêu lên để giải thích vụ án là lập luận cho rằng đây là một tranh luận về văn học giữa hai quan điểm: quan điểm đạo đức bảo thủ, chật hẹp của các nhà Nho với quan điểm nghệ thuật cởi mở, rộng rãi của phái tân học; một lập luận khác cho rằng, đây là một tranh đấu chính trị trên địa hạt văn học. Các cụ Nho không đả Truyện Kiều, mà là đả Phạm Quỳnh, đả việc suy tôn Truyện Kiều có tác dụng chính trị tai hại cho vận nước. Cụ cho biết ý định của các cụ lúc đó thật sự thế nào?

- Thật là lầm quá nếu coi đó là một tranh luận văn học. Lúc bấy giờ, chúng tôi thấy không thể chịu nổi, ngày này qua ngày khác Phạm Quỳnh đem Truyện Kiều ra mà suy tụng. Thấy rõ những dụng ý chính trị của việc suy tụng, cụ Kế đã lên tiếng công kích. Lời văn dữ dội như thế nào chứng tỏ nỗi lòng phẫn uất của chúng tôi lúc đó. Truyện Kiều, về văn chương thì nhất rồi, ai không thích? Nếu chống là chống cái việc suy tôn, cái dụng ý chính trị mà thôi, ngoài ra còn chống cả bản thân Phạm Quỳnh, chống thái độ tự đắc tự kiêu của ông tự cho mình là “thanh gươm trăm rèn nghìn đúc mới được như thế”.

Cũng vì chuyện chống này mà sau đó, ông Phạm Quỳnh thù tôi mách Tây bỏ tù tôi vì tập thơ Chơi xuân Nhâm Thân xuất bản hồi 1932 thuật lại một cách ám chỉ tất cả chuyện Yên Bái. Tập thơ in 5.000 cuốn và bán hết 3.000 cuốn trong một tuần. Tòa án kết tội là đã dùng những chữ phỉ báng người Pháp hoặc xúi giục làm loạn như “hổ báo, xé yến, bay cờ” trong bài Lời Trưng Trắc khuyên Trưng Nhị đánh Tô Định.

Rồi Phạm Quỳnh vào Huế làm quan. Nhân một chuyến ra Hà Nội, cụ Thượng Nguyễn Năng Quốc ở bên cạnh nhà tôi mời ông Quỳnh đến dùng cơm tối có tổ chức hát xướng inh ỏi.

Sáng hôm sau tôi gởi cho tờ Nhân Loại bài thơ Đêm nghe hàng xóm cười trong lúc lính Lê dương đàn áp cách mạng ở Nghệ Tĩnh và dân đói vì lụt ở miền Bắc. Tôi còn nhớ bài thơ như sau:

Tiếng chó oang oang lẫn tiếng cười

Đâu buồn đây xóm vẫn yên vui

Xa miền đói loạn không nghe khóc

Gần đám lo yên chỉ thấy cười

Ưu ái chừng thưa tay gánh vác

Giang hồ dân lắm mặt ăn chơi

Buồn tênh các chúng hồ thương thỏ

Họa gió tăng kia biết sự đời.

Mấy hôm sau, cụ Thượng Quốc sang chơi nói với tôi: “nhà Nho chửi đau lắm”. Tôi hỏi ở đâu, cụ Thượng chìa số báo Nhân Loại ra.

- Bài báo của cụ Ngô có làm cho các cụ hả dạ không?

- Các cụ rất hài lòng, và có rất nhiều cụ ở khắp nơi gởi thư về biểu đồng tình mà báo Hữu Thanh có trích đăng một ít bài ở số sau. Bài cụ Ngô thách ai đó lên tiếng, nhưng ông Quỳnh im lặng không trả lời ngay.

(Theo cuốn Trường hợp Phạm Quỳnh của Nguyễn Văn Trung – Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn, 1/1975)

pic


* Huỳnh Văn Tòng (Tiến sĩ về lịch sử báo chí Việt Nam tại Đại học Sorbonne - Pháp)

… Tại sao tạp chí Nam Phong ra đời? Vì lý do gì? Và do ai chủ xướng?

Có trả lời được những câu hỏi trên chúng ta mới có thể biết được cái sứ mạng của nó, mục đích của nó và cuối cùng giá trị của nó trong lịch sử văn học Việt Nam. Ở Pháp, trong những năm tìm kiếm tư liệu cho dự án Tiến sĩ về Lịch sử báo chí Việt Nam, tôi may mắn tìm được vài tài liệu của Pháp nói đến tờ Nam Phong. Căn cứ vào những tài liệu này, ta có thể hiểu được lý do tại sao tạp chí này ra đời, do ai chủ xướng và với mục đích gì. Tất cả những tài liệu này đều là tài liệu mật, trên có ghi “Secret et Confidentiel”, những bản báo cáo và tường trình của viên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương gởi cho Tổng trưởng Bộ Thuộc địa Pháp ở Paris. Đó là những tài liệu chắc chắn và đáng tin cậy.

Căn cứ vào những tài liệu trên thì người chủ xướng ra tờ Nam Phong là viên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương lúc ấy là ông Albert Sarraut và người điều khiển trực tiếp tờ báo là Louis Marty, Trưởng phòng Chánh trị và An ninh của Chính phủ Đông Pháp. “Một tờ báo! Một cây viết! Quả là một sức mạnh phi thường!”. Đó là lời nói của Albert Sarraut trong một bài diễn văn khai mạc buổi họp của Nghiệp đoàn Báo chí thuộc địa tại Sài Gòn ngày 8/9/1917. Là một người rất thông minh, quỷ quyệt và có tài mị dân, A.Sarraut đã từng là biên tập viên thường trực cho tờ La Dépêche du Midi ở tỉnh Toulouse. Do đó, biết lợi dụng báo chí cho mục tiêu chính trị quả không còn ai hơn viên Toàn quyền này. Có lẽ trong những viên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương, ông này là một nhà chính trị khôn khéo nhất và có tài mị dân giỏi đến nỗi một số trí thức Việt Nam lúc bấy giờ đã tin tưởng một cách thành thật về cái “sứ mạng cao cả của đại Pháp ở Đông Dương”.

Có hai nguyên nhân khiến Albert Sarraut cho ra đời tạp chí Nam Phong:

- Nguyên nhân gần: đánh bại ảnh hưởng của Đức ở Đông Dương

- Nguyên nhân xa: tách rời các giới sĩ phu Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng của văn hóa Tàu và “Pháp hóa” giới trí thức này để dễ bề thống trị lâu dài.

…Với ý định muốn chinh phục giới sĩ phu Việt Nam, “chính phủ Đông Pháp mới có sáng kiến thành lập một tạp chí bằng tiếng bản xứ cho người An Nam để giáo dục và tuyên truyền, tức là mục tiêu mà chúng ta phải theo”.

A.Sarraut viết tiếp: “Việc thành lập tạp chí này, mà ban biên tập đã được giao phó cho những nhà trí thức danh tiếng trong nước, đã được sửa soạn từ nhiều tháng trước, vì không những phải gom góp các vật liệu trước mà còn phải đợi nhà in tìm mua máy móc và làm những thứ chữ cần thiết cho việc in tiếng quốc ngữ”. Một khi vật liệu và máy móc xong xuôi, “văn phòng chính trị và an ninh được phép, do nghị định ngày 30/12/1916, xuất bản một tạp chí giáo dục và tuyên truyền hầu phổ biến trong giới trí thức An Nam”(1).

Tạp chí Nam Phong ra đời(2), A.Sarraut giao cho Louis Marty trọng trách điều khiển. Tất cả những bài vở trước khi in đều phải qua sự kiểm duyệt và chấp nhận của L.Marty.

Mục đích chính của tạp chí cũng đã được A.Sarraut nói rõ trong bản tường trình của ông gởi cho Tổng trưởng Thuộc địa Pháp ngày 15/9/1917: “Mục đích của tạp chí này là cung cấp cho giai cấp sĩ phu và trí thức An Nam những bài chính xác ngõ hầu họ quan niệm được cái vai trò của nước Pháp trên thế giới về phương diện văn hóa, khoa học và kinh tế. Tạp chí mới này, lấy tên là Nam Phong, sẽ đăng những bài phân tích chính xác về những tác phẩm khoa học và văn chương hay nhất, tiểu sử những nhà bác học danh tiếng nhất của chúng ta, những sự mô tả đẹp đẽ về nước Pháp, những bài phiên dịch những truyện ngắn hay tiểu thuyết… Ngay sau khi phát hành, tạp chí này đã hoàn toàn thành công trong giới độc giả trí thức mà nó muốn chinh phục và nhóm người này lần đầu tiên đã tìm thấy được một cái gì tương đương với những sách vở mà họ đã gởi mua từ bên Tàu trước đây…”.

Như vậy mục đích của tờ Nam Phong đã rõ. Nó là một dụng cụ cho bộ máy tuyên truyền của chính phủ Pháp; nó có mục đích là tôn trọng, ca ngợi người Pháp, chống lại sự bêu xấu của Đức qua các sách báo Trung Hoa ở Việt Nam... Chúng ta có thể đọc trong Nam Phong những bài viết về chiến tranh (1914-1918) với một giọng căm thù Đức rất hăng say của ký giả Tuyết Huy: “Vái Trời phù hộ mẹ nuôi ta, mau mau giết hết lũ yêu ma, mà vun lại mầm dân tộc” (Nam Phong, số 2).

… Như vậy, chúng ta có thể nói rằng văn học của tạp chí Nam Phong là một thứ văn học nhằm phục vụ cho mục đích chính trị của Pháp, vì nguyên do ra đời của nó là một dụng ý chính trị, do đó mục tiêu cuối cùng của nó là một dụng ý chính trị. Chúng ta không thể nào phán xét văn học của tạp chí Nam Phong một cách riêng rẽ, một thứ văn học thuần túy và coi như không có liên quan gì đến chính trị. Một sự nhận xét như thế là sai lầm và chủ quan, và dĩ nhiên là chúng ta không khỏi rơi vào bẫy của chính sách tuyên truyền văn hóa của thực dân Pháp.

… Để nói lên cái giá trị và địa vị của tờ Nam Phong trong lịch sử và văn học nước nhà, tôi xin trích ra đây một đoạn nói về Nam Phong đăng trong báo Phụ nữ Tân văn (số 273, 1935), mà theo tôi không có gì xác đáng hơn trong sự đánh giá đúng mức cái vai trò của tạp chí Nam Phong và của ông Phạm Quỳnh mà một vài trí thức Việt Nam vẫn còn chiêm ngưỡng: “Cái tinh thần của một người ăn vận quốc phục và cư xử như một giáo sĩ của đạo Nho truyền nhiễm khắp Nam Phong thật là tẻ ngắt, thật là nông nổi, thật là hèn. Ông Phạm Quỳnh hay khen, mà chỉ khen người có tiền của thế lực, đại khái như khen ông Bạch Thái Bưởi. Chính cái tinh thần thấp hèn ấy là yếu tố cho một thứ văn học mà ta có thể gọi là văn học Nam Phong.

Học trò ở các trường tiểu học phải đọc những bài văn trích ở Nam Phong thiệt là một sự bất hạnh. Công chúng không bao giờ mến ông Phạm Quỳnh, nhưng Nam Phong có lý tài vững vàng để xuất bản thường xuyên và được quan quyền ủng hộ thì thế nào nó cũng có ảnh hưởng trong hàng trí thức. Ảnh hưởng ấy là một cái ảnh hưởng rất xâu xa, cái văn học hàng phục đã dẫn dụ một số người trí thức cúi đầu mà nhận hết thảy những sự bất bình ở trong xã hội… Nam Phong đã ảnh hưởng sâu xa đến một số người viết báo và văn sĩ, thứ nhất là những người sơ học chỉ nhờ đọc quốc văn mà biết văn học, triết học. Vì thiếu phổ biến học thức, vì không am hiểu Pháp văn, thành ra nhiều văn sĩ phải học trong Nam Phong các môn học thức phổ thông, và nhân đó mà bị cảm nhiễm cái tinh thần nô lệ của nó. Cho đến nỗi nhiều nhà chủ trương rằng nên đánh đổ ý kiến chính trị của ông Phạm Quỳnh mà yêu cái tài văn chương của ông! Đó là một sự lầm lạc to tát: Tất cả ý kiến văn học, triết học, xã hội, chính trị của ông Phạm Quỳnh làm thành một cái thống hệ, mà cái thống hệ đó chỉ là cái chủ nghĩa khuất phục của một người muốn nhờ cây bút đưa đến chỗ giàu sang…”

(Trích từ  Báo chí tập san, bộ 3 năm 1972)


____________________

(1) Báo cáo của L.Marty gởi A.sarraut về tờ Nam Phong, 22/8/1917

(2) Trước tờ Nam Phong, A.Sarraut có giao cho hai ông Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trạc làm một tờ báo tên là Âu châu Chiến sử, viết bằng chữ Hán và được gởi sang phổ biến bên Trung Hoa.

ĐẶNG MINH PHƯƠNG - TRƯỜNG AN sưu tầm