Người tác động nội các Dương Văn Minh đầu hàng ngày 30/4/1975

Tháng 3 vừa qua, chúng tôi có dịp trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (tức Sáu Trí), người từng chỉ huy Khối điệp báo - tình báo quân sự Quân giải phóng miền Nam. Ông từng thâm nhập hàng ngũ địch, hoạt động nội tuyến tại Sở Trung ương Tình báo Tổng nha Cảnh sát. Dưới đây là lời kể của ông về sự tác động nội các Dương Văn Minh đầu hàng ngày 30/4/1975.

Trưa ngày 28/4/1975, sau buổi cơm trưa, tôi đang ngồi đọc báo trên gác nhà của H3(1) tại khu Nguyễn Tri Phương - Chợ Lớn, bất thình lình con của H3 đến báo cho tôi biết có hai người lạ mặt không phải là bạn của ba cháu, đến muốn gặp anh Sáu Trí. Đây là một tình huống bất ngờ. Tôi nghĩ dù sao tránh né cũng vô ích, cần phải tìm hiểu cụ thể. H3 xuống phòng khách để kiểm tra hai người ấy là ai, tại sao biết Sáu Trí ở đây, gặp anh Sáu Trí để làm gì. Một lát sau, H3 trở lên và báo cáo tôi biết: hai người khách không phải quen nhưng không lạ, đều quen biết với nhau, đến đây vì nghĩa lớn, không có gì nguy hiểm. Đó là anh Tô Văn Cang, một trí thức yêu nước, công tác tình báo trong lưới tình báo của anh Đinh Sơn Đường (tức Hai Thắng) cụm A24, từ đầu năm 1973. Anh có một con trai là Hòa, thoát ly theo Quân giải phóng. Cùng đi với anh là kỹ sư Lê Văn Giàu, cơ sở trí vận. Anh Cang đến đây là do nội các Dương Văn Minh nhờ anh đi tìm một đại diện của Ủy ban Mặt trận Giải phóng cấp trung ương để đặt vấn đề thương lượng.

pic

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (phải) và Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tào (Tư Cang)

Anh Cang biết tôi có mặt tại Sài Gòn là do sự tiết lộ của anh Hai Thắng. Thấy việc tôi có mặt tại Sài Gòn đã lộ trong nội bộ của ngành tình báo, và diễn biến hợp lý của việc lộ này không có hiện tượng phức tạp, tôi đồng ý với H3 xuống nhà khách gặp mặt anh Tô Văn Cang. Khi thấy tôi, anh Cang đứng dậy chào và tự giới thiệu là cán bộ của cụm A24 và là cha ruột của một chiến sĩ tình báo công tác tại A24. Anh xin lỗi tôi vì đã vi phạm nguyên tắc bí mật, đường đột đến tìm tôi tại chỗ ở riêng vì có một việc quan trọng do Dương Văn Minh nhờ. Tuy rất bất ngờ, tôi vẫn bình tĩnh nghe anh nói tiếp: “Tôi là bạn thân của Nguyễn Văn Diệp (anh Diệp là Bộ trưởng Tiếp thương trong nội các Dương Văn Minh, trước kia anh là Giám đốc Việt Nam ngân hàng). Dương Văn Minh muốn bố trí gặp người đại diện cấp cao của chính phủ lâm thời, nên anh Diệp nhờ tôi đi tìm người đại diện này”. Anh Cang giải thích sự việc tướng Minh tìm gặp người của ta, nội các Dương Văn Minh chia làm hai phe: một phe chịu thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng để kết thúc chiến tranh với bất cứ giá nào; phe thứ hai, do đám Thiên Chúa giáo cầm đầu mà người đại diện là Nguyễn Bảo Kiếm, quyết không nhân nhượng, quyết tử thủ Sài Gòn, cố gắng kéo dài chiến tranh thêm một thời gian nữa sẽ có giải pháp có lợi cho Việt Nam Cộng hòa. Phe chủ hòa mà Nguyễn Văn Diệp cầm đầu có nhiều ảnh hưởng đến Dương Văn Minh, muốn tìm gặp đại diện của Trung ương Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam để xin ý kiến xử trí trong bối cảnh căng thẳng quyết định của chiến tranh. Tôi trả lời anh Tô Văn Cang, tôi không có tư cách đại diện của Cách mạng để gặp gỡ bất cứ ai. Tôi vào Sài Gòn có việc riêng của tôi. Chính phủ Dương Văn Minh muốn gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời thì cứ đến cơ quan bốn bên tại Tân Sơn Nhất, ở đó luôn luôn có người thường trực. Anh Tô Văn Cang truyền đạt câu hỏi thứ hai của anh Diệp đề nghị tôi giúp ý kiến trong hoàn cảnh bức bách trước mắt, anh Diệp và nội các Dương Văn Minh nên xử trí như thế nào, xử trí ra sao đối với đất nước trong hoàn cảnh phức tạp và khẩn trương. Tôi trả lời, đề nghị anh Diệp nói lại với tướng Minh:

- Đại tướng Minh là nhà quân sự có thừa khả năng để đánh giá tình thế trước mắt của thủ đô Sài Gòn đang bị các quân đoàn của Quân giải phóng bao vây dập tắt mọi sự đề kháng và đã bắn cảnh cáo vào phi trường Tân Sơn Nhất. Quân đội Sài Gòn không còn đủ lực lượng để chống đỡ. Mỹ đã rút quân do bị thất bại và bị áp lực của phong trào phản chiến, Mỹ không thể đưa quân trở lại và cũng không còn thì giờ tiếp cứu Sài Gòn. Các ông đừng ảo tưởng vì sự cứu viện của Mỹ cũng như của bất cứ cường quốc nào, sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn được tính từng ngày từng giờ. Nhưng sự kéo dài ấy sẽ gây tác hại lớn không lường được, đồng bào thành phố sẽ thương vong nhiều, thành phố Sài Gòn sẽ đổ nát. Hậu quả đau thương này, nội các Dương Văn Minh nếu chọn giải pháp tử thủ Sài Gòn, sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân và trước lương tâm. Đầu hàng ngay và đầu hàng vô điều kiện là thái độ có trách nhiệm trước sinh mạng của nhân dân Sài Gòn.

Anh Cang cảm ơn tôi về sự gặp gỡ này và những lời nói chân thành tâm huyết.

Tác động của đồng chí Cang tới nội các Dương Văn Minh

Anh Cang đã tác động đến Dương Văn Minh thông qua Nguyễn Văn Diệp, Tổng trưởng Tiếp thương và Nguyễn Đình Đầu, một trí thức có nhiều ảnh hưởng đối với Dương Văn Minh, để nội các sớm đầu hàng quân ta, giải phóng Sài Gòn được nguyên vẹn. Sau khi thảo luận với anh Diệp, chiều ngày 29/4, lúc 16 giờ Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền lên đài phát thanh tuyên bố “sẵn sàng thương thuyết hòa bình với Mặt trận”. Sáng 30/4/1975, anh Tô Văn Cang liên lạc bằng điện thoại với Tổng trưởng Diệp và anh Đầu. Diệp cho biết được mời vào Dinh Độc Lập, vẫn còn nhiều tên trong phe chủ chiến muốn ra mắt nội các Vũ Văn Mẫu lúc 10 giờ sáng. Anh Cang thuyết phục anh Diệp: “Sắp chết đến nơi rồi mà còn chia ghế”. Anh loan tin: “Quân giải phóng đã đánh tới ngã tư Bình Hòa rồi, đầu hàng ngay kẻo chết hết bây giờ!”.

Khoảng 8 giờ 30, Nguyễn Đình Đầu điện thoại cho anh Cang, báo tin mừng là Dương Văn Minh chịu đầu hàng vô điều kiện. Diệp gọi điện thoại mời anh Cang vào Dinh Độc Lập tổ chức đón tiếp Mặt trận, bảo vào cửa hông (đường Nguyễn Du) sẽ có anh Diệp đón tại đó. Anh Cang liền đi tìm anh Giàu lái xe vào Dinh Độc Lập, nhưng đến cầu Bông bị cảnh sát ngụy chặn lại không cho vào nội thành nên phải chạy ra ngã tư Hàng Xanh, đến ngã tư xa lộ gặp đoàn xe thiết giáp của ta từ hướng cầu Sài Gòn chạy đến đang lúng túng chưa biết đi đường nào. Anh Cang xuất hiện chào xe đi đầu bảo đoàn thiết giáp chạy theo xe anh, theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đến ngã ba Thị Nghè thì thoáng thấy xe tăng ngụy án ngữ cầu Thị Nghè, xe thiết giáp ta bắn thẳng mấy phát, xe tăng địch cháy nằm ngay đầu cầu. Đoàn xe thiết giáp của ta rẽ trái trước Sở Thú để ra đại lộ Lê Duẩn và chạy vào Dinh, lúc đó hai chiến sĩ ta cầm hai cờ giải phóng nhỏ vào đại sảnh giữa, rồi mượn thang giữa chạy lên lầu 1. Anh Cang đã vào đại sảnh, lúc ấy bộ đội đang vây nhóm Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu và Nguyễn Hữu Hạnh. Anh Cang đi lại đứng sát Diệp và Minh. Đồng chí chỉ huy thiết giáp la lớn: “Không có gì bàn giao hết, tất cả xếp hàng lại, nhanh lên”. Anh Cang giơ tay xin nói thì bị gạt luôn và bị la: “Xếp hàng lại”. Anh Cang cố gắng nói: “Không, tôi là người của Mặt trận, Đoàn 22, của tướng Ba Trần, bộ đội tiền phương”. Một đồng chí bộ đội đội nón cối có huy hiệu sao vàng hỏi: “Anh muốn gì nào?. Anh Cang lập tức trả lời: “Tôi muốn các anh áp dụng chính sách đối với tù hàng binh. Các đồng chí bận hành quân nên không nghe lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh vào lúc 9 giờ 30 sáng”. Đồng chí thiết giáp yêu cầu giữ kỷ luật, trật tự, xin mời vào phòng và đóng cửa lại. Anh Cang cố gắng thuyết phục tướng Minh nói lại lời tuyên bố đầu hàng. Anh Cang thuyết phục: “Lúc nãy tuyên bố đầu hàng mà chưa tiếp xúc bộ đội giải phóng”. Dương Văn Minh đồng ý, nhưng tìm Lý Quý Chung thì Chung cũng không biết máy thu băng ở đâu. Xe com-măng-ca của quân đội chở ba người Minh, Mẫu và Chung ra đài phát thanh.

Vai trò của đồng chí Sáu Trí khi tiếp quản Dinh Độc Lập

Anh Cang phải đi cầu viện Sáu Trí lần nữa để anh vào Dinh Độc Lập xác định sự đầu hàng. Sáng 30/4/1975, khoảng 9 giờ 30, tại nhà H3 tôi nghe trên Đài phát thanh Sài Gòn lời phát biểu của Dương Văn Minh kêu gọi quân đội Sài Gòn buông súng, chấp nhận những điều kiện của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Vài giờ sau, anh Tô Văn Cang và người bạn của anh lại xuất hiện, mời tôi và H3 vào Dinh Độc Lập để chứng kiến sự đầu hàng của nội các Dương Văn Minh, tránh mọi hành động đáng tiếc xảy ra khi quân đội ta vào tiếp quản Dinh Độc Lập. Tôi và H3 cùng tháp tùng theo xe du lịch của anh Cang do anh Giàu lái để vào Dinh Độc Lập. Bốn anh em chúng tôi vào đến phòng Phó Tổng thống của Dinh Độc Lập. Có một bộ phận quân đội ta có mặt trong Dinh Độc Lập. Lúc đầu anh em không tin tôi vì thấy mặc thường phục. Tôi giới thiệu, tôi là Đại tá Sáu Trí, sĩ quan Bộ Tham mưu B2 vào Sài Gòn với công tác đặc biệt của chiến dịch Hồ Chí Minh. May sao, lúc đó xuất hiện đồng chí Tư lệnh phó Lữ đoàn thiết giáp, bạn học cùng khóa quân sự cấp cao với tôi ở Hà Nội, anh bắt tay tôi và thân mật nói:“Đi đâu cũng gặp thằng tình báo này”. Tôi gặp Thiếu tướng Nguyễn Hữu An(2), Tư lệnh Quân đoàn 2, cùng bàn với anh tiếp thu Dinh Độc Lập. Chúng tôi xuống dưới nhà hầm họp bàn với Thiếu tướng An, Tướng Nam Long và nhất trí nên có lời công bố chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trên đài phát thanh, vì quân ta đã vào Sài Gòn và chiếm cơ quan đầu não của ngụy quyền là Dinh Độc Lập. Thiếu tướng An phân công tôi soạn thảo gấp văn bản này. Tôi cùng với anh Tô Văn Cang và Ba Lễ bàn ý kiến thống nhất và giao anh Cang chấp bút bản thông báo này với nhan đề “Thông báo số 1”. Viết xong tôi đến gặp Tướng Nguyễn Hữu An để cùng thông qua. Anh An tế nhị từ chối không để tên đơn vị của anh và đề xuất chỉ nên để là Bộ Tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Trong lúc tôi và Thiếu tướng An đang làm việc quản lý an ninh, anh em phát hiện về sự hoảng sợ của các thành viên trong nội các Dương Văn Minh. Anh An bảo tôi nên đi gặp gỡ họ vì tôi là người trong này, lại làm tình báo nên biết tâm lý, tình cảm của họ. Tôi mời họ ra chỗ trống tại hành lang để nói chuyện. Tướng Minh đứng trước, các thành viên đứng kế tiếp. Tôi động viên họ về sự chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta. “Thành phố Sài Gòn gần như nguyên vẹn, đồng bào ít bị tổn hại nhờ sự lãnh đạo sáng suốt tài giỏi của Mặt trận Dân tộc thống nhất và hành động đầu hàng vô điều kiện của các ông rất tốt”. Tôi cam kết bảo vệ an toàn tính mạng của họ. Dương Văn Minh xin phép tạt qua thăm vợ ở riêng phòng phụ nữ phía cánh mặt của Dinh Độc Lập đang rất lo cho số phận của chồng. Anh Cang cùng đi với Dương Văn Minh.

(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm)

 

--------------------

(1) Bí danh của đồng chí Ba Lễ, cán bộ điệp báo.

(2) Năm 1975, Thiếu tướng Nguyễn Hữu An là Tư lệnh Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang), về sau ông được phong quân hàm Thượng tướng.

 

Bài và ảnh: Phạm Xuân Trường