Câu trả lời của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh rất ấn tượng đối với những người nghiên cứu nhân văn. Người tình cuối cùng, người tình đầu tiên, người tình trong giai đoạn x, y gì gì đó không đáng quan tâm mà chỉ nên lưu ý đến “những bóng hồng đẹp” đã đi qua đời Trịnh Công Sơn và đã giúp cho Trịnh Công Sơn để lại cho đời “một bài nhạc hay một bài thơ” hay mà thôi. Thật thế, nhắc đến những người tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không phải để dựng lên những chuyện tình éo le, say đắm, đam mê, nghiệt ngã của hai xác thịt cọ xát bốc lửa, cuồng dại, thất vọng, rã rời... (vì Trịnh Công Sơn không có những chuyện tình như thế) mà chỉ để hiểu trong hoàn cảnh nào nhạc sĩ đã sáng tác nên những “tuyệt tác” đang sống giữa chúng ta mà thôi.
Những người thân và bạn bè anh cho biết có nhiều người đẹp đi qua đời anh mà nay ít được nhắc đến chỉ vì một lý do hết sức giản đơn: Những người đó không gây cho Trịnh Công Sơn sáng tác được một bài thơ, bài nhạc nào cả. Hồi giữa những năm tám mươi thế kỷ trước, Trịnh Công Sơn đưa cô Ng. (Việt kiều) về Huế giới thiệu với quê hương bạn bè, thăm viếng đền đài lăng tẩm trước khi tổ chức lễ cưới ở TP HCM. Bạn bè và người yêu nhạc Trịnh ở cố đô rất vui mừng háo hức chuẩn bị đi đám cưới Trịnh Công Sơn. Nhưng rồi như một cánh hạc bay, tất cả chỉ còn lại một kỷ niệm, không hề lưu lại một bóng dáng nào của Ng. trong một bài thơ nhạc nào của họ Trịnh cả.
Chắc bạn đọc còn nhớ chuyện Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: Trịnh Công Sơn đã từng trao nhẫn cưới cho cô Thanh Thuý (người Hoa) ở đất Sài Gòn (cũ) này, nhưng ai đã thấy bóng dáng của người được nhận nhẫn cưới ấy trong một sáng tác nào của Trịnh Công Sơn chưa? Chưa.
Nhắc đến Thanh Thuý lại nhớ đến Thanh Thuý (ca sĩ giọng trầm) của Huế xưa. Năm 1959, Trịnh Công Sơn cảm xúc trước hoàn cảnh của Thanh Thuý đêm đêm phải đi hát để nuôi mẹ già, anh đã viết nhạc phẩm “Thương một người” để tặng Thanh Thúy: "Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi... Thương ai về xóm vắng, đêm nay thiếu ánh trăng... Thương ai màu áo trắng trong như ánh sao băng...". Nhiều người cho rằng Thương một người là tác phẩm đầu tay của Trịnh Công Sơn.

Bích Diễm
Với Bích Diễm, cô nữ sinh trường Đồng Khánh 17 tuổi hằng ngày qua lại trước nhà anh ở đường Nguyễn Trường Tộ, anh đã “phải lòng” và viết được Diễm Xưa. Anh là bạn với ca sĩ Hà Thanh. Những bài hát đầu tiên của Trịnh Công Sơn lên sóng phát thanh ở Huế đều qua giọng hát của Lê Gia Phàm và Hà Thanh (tên thật Lục Hà). Những lần đến nhà Hà (gần ga Huế) Trịnh Công Sơn gặp được cô em gái xinh đẹp Phương Thảo của Hà, anh “mê mẩn” tinh thần. Dần dần một tình yêu trong suốt dậy lên trong lòng anh và anh viết Nắng thuỷ tinh “Màu nắng hay là màu mắt em / Mùa thu mưa bay cho tay mềm / Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm / Rồi có hôm nào mây bay lên”.
Ngày vào học Sư phạm ở Quy Nhơn, anh gặp một “nàng Tôn nữ” của Huế sống ở Nha Trang tên là Bích Khê, anh không ngăn nổi xúc cảm trong lòng. Những đêm trăng sáng Trịnh Công Sơn cùng bạn bè cùng quê như Trương Văn Thanh, Ngọc Trinh, Bích Khê ra biển hóng mát, ngắm trăng. “Tình yêu” đang độ thì cô nàng về Nha Trang nghỉ tết. Ở lại thành phố “đèn vàng” Quy Nhơn một mình, Trịnh Công Sơn diễn tả nỗi nhớ Bích Khê với bài Biển nhớ: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về / Chiều sương ướt đẫm cơn mê / Trời cao níu bước sơn khê”. Không rõ hai chữ sơn khê tác giả viết vô tình hay hữu ý, nhưng các bạn học của anh lúc ấy bảo nhau “Đó là tên của hai người Trịnh Công Sơn và Tôn Nữ Bích Khê”. Mới đây (cuối năm 2006), trên tạp chí Kiến thức ngày nay trích “Chuyện tình của cô Nga My với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” cho biết: sau chuyến đi chơi ở Đà Lạt với nhau, Trịnh Công Sơn sáng tác bài Hoa vàng mấy độ.

Hồng Nhung (Bống)
“Chuyện tình” của Trịnh Công Sơn với ca sĩ Hồng Nhung lâu nay báo chí đã nói đến nhiều. Trong một trang báo điện tử dành riêng cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có người viết rằng: “Khi Hồng Nhung đi biểu diễn xa, một cô bạn của Hồng Nhung đến thăm Trịnh Công Sơn và nói: “Con Bống sao giờ này đi chưa về?”. Sơn hỏi: Bống là ai? Cô bạn kể: Hồi mẹ Nhung mang bầu Nhung, thường ra bên Hồ Tây (Hà Nội) ngắt sợi tóc dài của mình thả xuống hồ câu cá bống... miệng gọi “bống bống bang bang”, thế rồi đặt tên đứa con chào đời ít lâu sau đó là Bống. Và, Trịnh Công Sơn ngồi bên đàn, nắng vàng đổ xiên góc tường, bài hát ”, và nếu Trịnh Công Sơn còn tại thế có lẽ sẽ còn nhiều “Bống bồng ơi” nữa ra đời. Một sự ngẫu nhiên kỳ thú, con “Bống” bé nhỏ nổi tiếng ấy lại là cháu của Nguyễn Thị Nga My - người đã từng gây cảm xúc cho Trịnh Công Sơn viết Hoa vàng mấy độ.Bống bồng ơi ra đời

Nga My
Bài viết này không tiện nhắc lại tất cả những người đẹp đã có bóng dáng trong sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Đây chỉ là những dẫn chứng để gởi đến độc giả ý tưởng: Viết chuyện tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để hiểu nhạc của anh hơn, thấy hay hơn, dễ nhớ hơn chứ không phải khai thác để “câu” những người đang yêu. Chưa hiểu hết những người đẹp ấy thì tiếp tục tìm hiểu đầy đủ hơn. Còn những người đẹp đi qua đời anh mà không để lại gì “cho nhau” một câu thơ đoạn nhạc nào thì coi như là chuyện riêng.
Theo dõi những con người đẹp đã làm nên “lịch sử” âm nhạc Trịnh Công Sơn tôi thấy có vài điều thú vị: Có người đẹp được yêu, đã thành thơ thành nhạc mà cho mãi đến khi Trịnh Công Sơn giã biệt cuộc đời họ mới biết (Phương Thảo). Có hai dì cháu, hai chị em cùng yêu Trịnh Công Sơn trong hai thời kỳ cách xa nhau (Nga My - Hồng Nhung và Bích Diễm - Giao Ánh). Trịnh Công Sơn với bạn gái cùng ngủ qua đêm trên một giường hẹp mà vẫn không “quấy phá gì” nhau (Nga My). Có người yêu Trịnh Công Sơn nhưng chôn chặt trong lòng để sống hạnh phúc với chồng con (Bích Khê). Đặc biệt nhất, tất cả những người Sơn yêu “phần chính đời sau” dù phải sống trong hoàn cảnh nào đi nữa đều rất đoan trang, không thẹn với những gì Trịnh Công Sơn đã dành cho mình.

Phương Thảo
Các bạn trẻ yêu nhạc Trịnh Công Sơn ngày nay cho đó là những chuyện xưa. Nhưng họ không ngờ: Nhờ có những chuyện tình xưa thơ mộng ấy mới có những tình ca bất hủ. Phải chăng hiện nay thiếu tình ca vì xã hội đang thiếu những chuyện tình như thế?
Bài liên quan: