Ngày 28/7/2011, cả thầy và trò trường PTTH Vĩnh Bảo (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) vui mừng khôn xiết khi biết tin năm nay trường có trên 50% học sinh đỗ đại học. Trong đó, tập thể lớp 12A1, gồm 54 em, đỗ đại học 100% và trở thành tập thể lớp có nhiều thủ khoa nhất nước: 4 thủ khoa, 1 á khoa.
Thành tích nổi trội này là kỳ tích thể hiện truyền thống hiếu học của học sinh vùng đất Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đáng nói là, xuất phát điểm của các em không phải trường chuyên lớp chọn, điểm thi đầu vào trường PTTH Vĩnh Bảo lại không cao. Và, cũng giống như bất cứ vùng sâu vùng xa nào trong cả nước, các em cũng gặp phải những khó khăn về phương tiện, không gian đi lại, điều kiện học tập, điều kiện kinh tế gia đình… nhưng, cái gì đã thúc đẩy một trường huyện thuần nông, nghèo Vĩnh Bảo có được kết quả học tập xuất sắc như vậy?
Hồn Việt có cuộc trò chuyện ngắn với cô chủ nhiệm lớp 12A1 Nguyễn Thị Thúy (giáo viên dạy môn Sinh học), em Phạm Mạnh Trường - Thủ khoa trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, em Nguyễn Bích Hòa - Thủ khoa trường ĐH Lâm Nghiệp và em Lê Thị Thu Hường - Thủ khoa trường ĐH Y Hải Phòng.
- PV: Theo cô, nhân tố nào giúp các em có thành tích như vậy?
- Cô Nguyễn Thị Thúy: Để thành công như vậy, phải hội tụ nhiều yếu tố. Ngoài phương pháp học tốt, niềm say mê học tập, thì cũng không thể bỏ qua yếu tố thông minh vốn có của các em.
Một yếu tố nữa là các em được sự quan tâm đặc biệt của thầy cô giáo bộ môn và ban giám hiệu: Đội ngũ thầy cô phụ trách bộ môn đều có năng lực và nhiệt tình giảng dạy, truyền được cái say mê cho học trò, nổi bật là thầy Phạm Quốc Hiệu (dạy Toán), thầy Lê Công Hiển (dạy Hóa), thầy Nguyễn Đức Long (dạy Lý)… và ban giám hiệu trường thường xuyên hỏi han, theo dõi điểm định kỳ của các em để kịp thời nhắc nhở, động viên.
- Phương pháp học tập tốt cụ thể là như thế nào?
- Trước hết, các em tiếp thu đủ kiến thức mà thầy cô truyền đạt trên lớp, về nhà hoàn thành các bài tập thầy cô cho. Ngoài ra, các em còn đọc thêm các sách tham khảo, có sự trao đổi bài tập giữa các bạn trong lớp. Hơn nữa, trường còn dành thời gian cho các em làm thử các đề thi đại học.
- Xưa nay truyền thống của Việt Nam mình là con em nông dân có nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao. Xin cô cho biết huyện Vĩnh Bảo có truyền thống về học tập nào không?
- Tính đến nay là 6 năm liền trường có thủ khoa. Cách đây 3 (năm 2009), cũng lớp tôi chủ nhiệm có đến 3 thủ khoa và 5 á khoa. Năm nay, thì có 4 thủ khoa và 1 á khoa. Cụ thể là em Phạm Mạnh Trường, kinh tế gia đình tương đối chật vật, ngày hai buổi đạp xe hơn 9km đi học đã đỗ Thủ khoa trường ĐH Bách Khoa Hà Nội với 29 điểm, đồng thời là thí sinh duy nhất trong 9.400 thí sinh đạt điểm 10 môn Toán.
- Trường có chế độ ưu đãi như thế nào đối với giáo viên? Lương giáo viên có đủ cho cuộc sống không?
- Cũng tạm ổn. Nhưng hơn hết là chúng tôi làm việc có cái tâm với học trò và với nghề.
- Xin cảm ơn cô.

Từ phải sang: em Nguyễn Bích Hòa, em Lê Thị Thu Hường, cô Nguyễn Thị Thúy, em Phạm Ngọc Quân và em Phạm Mạnh Trường sau kỳ thi đại học.
PV: Hồn Việt chúc mừng các em. Thành công của các em hiện nay tất nhiên chủ yếu là do sự cố gắng của bản thân mình, vậy ngoài ra thì còn có nguyên nhân nào khác không?
- Thủ khoa Phạm Mạnh Trường (TK PMT): Ngoài sự cố gắng và khả năng của bản thân mình, em nghĩ cũng còn phụ thuộc vào môi trường học tập nữa. Bạn bè trong lớp chúng em thường xuyên trao đổi kiến thức và nếu có khó khăn gì thì chúng em giúp đỡ lẫn nhau.
- Thủ khoa Nguyễn Bích Hòa (TK NBH): Được sự thành công như thế này, ngoài sự cố gắng của bản thân, còn nhờ vào giúp đỡ của gia đình và sự quan tâm của nhà trường. Nhưng vì trường huyện nghèo nên chỉ giúp đỡ chúng em về mặt tinh thần là chủ yếu.
- Thủ khoa Lê Thị Thu Hường (TK LTTH): Các bạn trong lớp em hỗ trợ nhau rất nhiều trong học tập. Nếu ai có năng khiếu về môn gì thì sẵn sàng chia sẻ với bạn bè. Và ngược lại, nếu có gì chưa rõ thì cũng được bạn bè giúp đỡ. Các thầy cô rất tận tình, có phương pháp dạy hay, rõ ràng, dễ hiểu. Một tuần chúng em được thầy cô phụ đạo 2 ca Toán và 1 ca Lý, mỗi ca kéo dài 2 tiếng.
- Cơ sở vật chất của trường thế nào? Nhà trường có tạo điều kiện cho các em không?
- TK PMT: Cũng chỉ tàm tạm thôi ạ. Tuy nhiên, phương pháp quản lý của trường rất tốt, sắp xếp thời gian học tập hợp lý, thầy cô luôn thăm nom, dặn dò để chúng em được tự tin.
- TK NBH: Học phí trường em so với các trường khác là thấp nhất, nhưng cơ sở vật chất thì còn thiếu thốn nhiều. Trường em có 45 lớp, trong đó khối 12 có 15 lớp, trung bình mỗi lớp 50 học sinh và một tuần phải học 2 tiết Tin, nhưng máy tính chưa có đến 50 cái, nhiều khi đang học còn bị “treo” máy… Phòng học thì thiếu, có những buổi chúng em phải học ở trong phòng Hội đồng.
- Điều kiện khó khăn, văn hóa toàn cầu xâm nhập, các trò vui chơi giải trí cám dỗ… điều gì khiến các em từ chối những cái thứ đó để tập trung học tập?
- TK PMT: Do hoàn cảnh khó khăn, nên mục đích chính của em, và em nghĩ, cũng như các học sinh khác ở vùng nông thôn: học để thoát nghèo. Vì thế mà em luôn luôn đặt việc học lên hàng đầu.
- TK NBH: Em có ước mơ và chuyên tâm thực hiện ước mơ ấy nên không bị chi phối vào các thứ khác. Em thấy Nhật Bản công nghệ xử lý chất thải rất tốt. Em nghĩ, ở Việt Nam, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách. Vì vậy, em mong muốn được đi Nhật Bản du học để đưa công nghệ đó về phục vụ Việt Nam mình. Và để thực hiện mơ ước đó, chỉ có một cách duy nhất là em chăm chỉ học, quyết tâm không để xao nhãng việc học.
- Là học sinh của trường, các em thấy cách dạy, cách học và cách quản lý của trường có điểm gì đặc biệt?
- TK PMT: Các thầy cô giáo nhiệt tình dạy, giúp đỡ chúng em và gần như là không có sự phân biệt đối xử giữa các học trò. Các bạn có khả năng thì không giấu giếm mà chia sẻ tất cả những gì mình biết cho bạn bè.
- TK NBH: Cách quản lý trường em rất bài bản. Ví dụ mỗi năm trường đều có đợt thi lớp chọn. Sau những đợt thi như vậy, lớp loại 1 của em chỉ còn khoảng 20, 30 bạn “trụ” lại được. Phương pháp này nhiều trường khác đã bắt chước, nhưng chưa đâu chặt chẽ bằng trường em. Hơn nữa, trường có hình thức kỷ luật rất nghiêm đối học sinh quay cóp, dù động cơ như thế nào thì cũng sẽ bị hạnh kiểm trung bình và bài thi đó bị điểm 0.
- Gia đình có ảnh hưởng đến việc học của các em như thế nào?
- TK PMT: Bố em làm công nhân nhà máy bột giặt, còn mẹ làm nông. Nhà em có hai chị em. Chị em hiện đang học năm thứ 3 trường ĐH Hàng Hải. Mức lương của bố và thu nhập của mẹ em cũng chỉ tạm đủ sống. Tuy vậy, bố mẹ em tạo điều kiện hết mức có thể cho việc học của em.
- TK NBH: Mẹ em là giáo viên tiểu học. Còn bố em công nhân thủy lợi. Anh trai đang học trường Đại học Bách Khoa, ngành hóa. Tuy em ở nông thôn, điều kiện vật chất không bằng thành thị, nhưng em vẫn cảm thấy mình thật may mắn vì em được gia đình quan tâm, chăm sóc.
- TK LTTH: Mẹ em dạy cấp 2, môn toán, con bố em làm bảo vệ ở nhà máy. Điều kiện kinh tế gia đình em không khá lắm, nếu học trường ĐH Y Hải Phòng thì được gần nhà (cách 40km)… nên sẽ ít tốn kém hơn.
- Các em vừa vượt qua một cuộc đua lớn, bước qua giai đoạn mới, các em có nguyện vọng gì?
- TK PMT: Trước mắt, em tập trung ôn thi để thi vào lớp kỹ sư tài năng. Sau nữa, em sẽ cố gắng học với mong muốn có một suất học bổng du học nước ngoài.
- TK NBH: Em quyết tâm sẽ học hết sức mình, để có học bổng. Em hy vọng có một nguồn tài trợ để em có điều kiện học tập, tham dự các khóa học, có một chiếc máy tính để phục vụ việc học,… Nếu được như thế thì em sẽ yên tâm học hơn.
Xuất thân từ một trường huyện hẻo lánh, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng chính nhờ thành tích học tập của mình, các em học sinh trường PTTH Vĩnh Bảo đã trở thành biểu tượng cho tinh thần vượt khó vươn lên. Các em đã lấy cảnh khó khăn, điều kiện thiếu thốn làm thành động lực để vươn lên và giành chiến thắng.
Kết quả này ngoài sự nỗ lực của các em, còn nói lên tâm huyết, say mê với nghề, giỏi chuyên môn, sự quan tâm và đặc biệt là phương pháp giảng dạy của các thầy cô giáo nơi đây. Không có gì là không thể nếu chúng ta có ý chí và có cố gắng. Bởi, mọi sự cố gắng đều sẽ được đền đáp xứng đáng.
(*) Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với thầy hiệu trưởng trường PTTH Vĩnh Bảo nhưng rất tiếc không gặp được thầy.