Gần đây, ngành thương nghiệp và các phương tiện thông tin đại chúng mở “chiến dịch” cổ động phong trào “người Việt Nam ưu tiên MUA hàng Việt Nam”, chiến dịch này được bà con hưởng ứng rộng rãi. Nhưng theo tôi, cũng nên bàn cả tới việc “người Việt Nam BÁN hàng Việt Nam” nữa. Xin kể vài câu chuyện rất “đời thường” mà tôi ghi chép được.
1
Trong một siêu thị, khi gần tới giờ ăn trưa, quầy bán thức ăn chế biến sẵn tấp nập người. Mọi người chen chúc nhau để chờ mua hàng, điều này cho thấy chủ trương “đưa chợ vào siêu thị” là một ý tưởng kinh doanh khôn khéo, rất “Việt”, phù hợp với thói quen mua bán hàng ngày của các bà nội trợ Việt. Không những thế, cách làm này còn thu hút được không ít khách hàng mới đặc biệt là các đấng mày râu, thanh niên trai trẻ, những người thường ngày đi chợ.

Ảnh minh họa: Sơn Nam.
Hôm ấy, sau khi mua đủ các đồ dùng cần thiết trong một tuần cho gia đình thì đã trễ, tôi tính mua luôn cơm trưa để về nhà khỏi phải nấu. Ai cũng vội vã, muốn mua cho lẹ. Hiềm một nỗi, chẳng trình tự lớp lang gì. Người mới tới cứ chen vào đòi mua, không cần biết trước mình có ai. Người tới trước cũng chẳng “ý kiến”, vì biết không có khả năng “cạnh tranh” nên kiên nhẫn chờ cho tới lúc mình được mua. Nhiều khách hàng nam giới đành “chào thua”. Đã thế, giờ cao điểm đông khách, số nhân viên bán hàng cũng không nhiều hơn, nên phía trước quầy bị “kẹt cứng”.
Cực chẳng đã, tôi đề nghị: “Các chị làm như thế này thì không ai mua được, các chị không mua được, người khác cũng không mua được, chúng ta nên xếp thành hàng thì hơn”. Rồi tôi quay về phía quầy nói với nữ nhân viên trẻ: “Em xem ai đến trước thì bán trước, ai đến sau thì bán sau, như vậy chúng tôi mua được nhanh hơn, em cũng bán được nhiều hơn”. Thật bất ngờ, trong sự vô cùng sửng sốt của tôi, và có lẽ của không ít người xung quanh, cô gái trả lời: “Đó không phải là chuyện của em!”. “Vậy thì đó là chuyện của ai?”, tôi hỏi - “Chị đi mà nói với trưởng quầy!” Cô nhân viên trẻ trả lời một cách thản nhiên.
2
Thỉnh thoảng, chúng tôi ăn phở trong các cửa tiệm thuộc chuỗi cửa hàng có “thương hiệu” khá nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Hôm đó, thấy gần nhà mở một tiệm phở mới (theo hình thức nhượng quyền), chúng tôi rủ nhau đi ăn. Bên hông tiệm là một cây xăng. Đối diện tiệm là một khách sạn, khách nước ngoài ra vào thường xuyên. Rất nhiều khách Hàn Quốc, Nhật Bản, là những người vốn nổi tiếng “mê” phở.
“Đón” chúng tôi ngay trước cửa tiệm là một bàn thờ thần Tài nghi ngút khói hương. Đó là thứ hương (nhang) tẩm chất thơm nhân tạo nên mùi rất hắc. Không những thế lại được đốt với số lượng nhiều, nên điều gây ấn tượng đầu tiên cho thực khách khi bước vào nhà hàng không phải là mùi phở huyền thoại mà là… mùi hương nồng nặc ngay cả đối với người Việt “100%” như chúng tôi (!). Đốt hương nhiều như vậy chắc thần Tài rất… hài lòng, ngược lại, những người có khứu giác nhạy cảm dễ bị “xua” xa.

Quầy hủ tiếu trong Lễ hội xuân. Nguồn: Ventura County Star.
Đang chờ làm phở thì chúng tôi thấy một thanh niên ở đâu đi vào. Anh này vừa dựng xe máy xong là vào thẳng quầy, hỏi chuyện người này, vỗ vai người kia, rót nước uống, sờ mó các dụng cụ… tự nhiên thoải mái như… chỗ không người, không tạp-dề, không mũ, và nhất là chẳng rửa tay gì cả. Quầy làm phở được lộng kính ngăn cách hẳn với bên ngoài; các nhân viên đang làm việc ai cũng mặc tạp-dề, đội mũ, mang bao tay. Chỉ mình anh thanh niên ấy là… không giống ai.
Tô phở nghi ngút khói rồi cũng được bưng ra. Thời gian sau, đi ngang thì tôi thấy tiệm đã đóng cửa, không rõ vì sao.
3
Một tối xem phim truyền hình, không đủ kiên nhẫn để đợi cho “thời lượng” quảng cáo trôi hết, tôi lấy giấy bút ra làm một thống kê “bỏ túi”. Trong vài phút, mười mấy tờ rơi quảng cáo được phát “liên thanh”. Trong số đó có tới 90% là nhãn hàng nước ngoài. Lợi nhuận bán hàng thu được tất nhiên vào túi công ty nước ngoài, chỉ có chút an ủi là nó đã được sản xuất bởi nhân công Việt Nam và có lẽ với một phần nguyên liệu Việt.
Các hãng nước ngoài rành tâm lý người Việt nên dùng những hình ảnh thân quen với người Việt Nam để quảng cáo. Nhưng cũng có những quảng cáo không hề Việt tí nào, như việc quảng cáo một loại nước xả quần áo, đến cả nhân vật (hoạt hình) cũng giữ nguyên tên gọi “tây”, phải chăng vì muốn “đánh” vào tâm lý chuộng ngoại của người tiêu thụ Việt Nam. Tôi không hiểu rõ lắm ý đồ của kịch bản quảng cáo. Theo thiển ý của tôi, khi tính hữu dụng của một sản phẩm càng thấp thì quảng cáo càng “nổ” lớn, như ông bà mình thường nói “thùng rỗng kêu to” vậy.
Kịch bản quảng cáo bán hàng mang “hơi hướng ngoại”. Bây giờ đến kịch bản phim truyền hình cũng mua của nước ngoài, phim trường đi thuê ở nước ngoài (tất nhiên là kèm theo không ít đạo cụ, trang phục, nhân công…), đạo diễn cũng người nước ngoài nốt… Rút cục, chẳng biết phim nào là phim Việt, “hàng” nào là hàng Việt nữa. Thế mà ngay cả tần số phát sóng trên truyền hình cũng là tài sản quốc gia, ở nước ngoài ai muốn khai thác tần số sóng nào cũng đều phải đấu giá “mệt nghỉ”. Chương trình khuyến khích người Việt ưu tiên dùng hàng Việt có lẽ nên dùng ít tiền để có những quảng cáo truyền hình cạnh tranh với các nhãn hàng nước ngoài chăng?
Việc người Việt Nam “sính” hàng ngoại - mà có người cho là đã trở thành “bệnh” kinh niên - ai cũng biết, giờ đây có vẻ còn “trầm kha” hơn, như “sính” trường quốc tế, “sính” thầy giáo ngoại, đi khám bệnh ở nước ngoài vì “sính” bác sĩ ngoại, bệnh viện ngoại, làm phim thì “sính” kịch bản ngoại… - tức là đã chuyển sang lĩnh vực dịch vụ.
Thế mà dịch vụ (dưới dạng sản phẩm hay đi kèm theo sản phẩm) là “mỏ vàng” không bao giờ cạn, dịch vụ chất lượng càng cao, hiệu quả kinh tế càng lớn. Người tiêu dùng Việt phải được hưởng dịch vụ bán hàng chất lượng cao như họ xứng đáng được thế. Bởi không ít nhà kinh doanh quốc tế ngay cả trong mơ cũng không dám nghĩ tới một thị trường 85 triệu người tiêu thụ rất trẻ trung, năng động…