Có người bạn đời rơi vào tình trạng ngoại tình không chỉ là nỗi đau vô phương bày tỏ của người bị “cắm sừng” mà còn là mặc cảm của người “phạm tội”, đặc biệt với phụ nữ ở xứ ta, khi mà lòng chung thủy vẫn được xem là một giá trị bản thân, giá trị sống.
Không ít những vụ ngoại tình dẫn đến bi kịch. Nhiều gia đình tan vỡ hay xảy ra chuyện ghen tuông tàn bạo đến mức mất nhân tính cũng bắt nguồn từ chuyện vợ họ hay chồng họ ngoại tình. Nhưng hầu hết thủ phạm của những thảm kịch ấy là chuyện ngoại tình thực tế, có thể “bắt được tay, day được cánh” kẻ phản bội hay ít ra cũng trông thấy cảnh họ gặp gỡ hẹn hò với người thứ ba ra làm sao, thư từ, tin nhắn trong điện thoại có nội dung như thế nào. Thậm chí chỉ mới thấy họ liếc mắt đưa tình với nhau thì cũng đã “sôi máu” và dám ra tay để thỏa cơn ghen…

Thế nhưng ít ai có phản ứng gì khi vợ hoặc chồng mình ngoại tình tư tưởng. Vả lại chỉ ngoại tình trong… tư tưởng thì có ai biết đâu mà ghen, cả “thủ phạm” lắm khi cũng thấy mình không có lỗi.
Tại sao chỉ trong tư tưởng?
Tình yêu luôn là khát khao khó dập tắt ở con người, dù khi họ đã có tất cả nhưng sống thiếu tình yêu vẫn là một khoảng trống khó bù đắp, bất kể tuổi tác hay thân phận người đó như thế nào. Một khi người ta không dám ngoại tình thực tế, vì nhiều lý do như không có cơ hội, không gặp được một đối tượng thực sự hoặc vì sợ dư luận, muốn bảo toàn danh dự, quyền lợi cá nhân, đặc biệt sợ người vợ hoặc chồng đang chung sống, sợ con cái biết được… nên họ đành mơ tưởng vậy thôi chứ không dám “manh động”.
Trên báo Văn Nghệ cách đây khá lâu có đăng một truyện ngắn hay với cái tựa “Tập yêu chồng”, nhân vật chính trong truyện là một phụ nữ nông dân còn trẻ, chị sống với người chồng khô khan, thô lỗ. Khi được xem những bộ phim Hàn Quốc trên truyền hình chị mới hay rằng trên đời còn có những người đàn ông tình cảm, dịu dàng rất mực. Mỗi khi một mình đi vớt bèo hay thái bèo cho lợn chị tưởng tượng ra cảnh mình có được một người đàn ông như vậy trong cuộc sống, rồi chị trò chuyện với anh ta. Người chồng tình cờ nghe được và cho rằng vợ mình… điên. Nhưng chính nhờ người tình ảo ấy mà chị thấy dễ sống với chồng, tập yêu chồng…
Có một phụ nữ trí thức ở Thành phố Hồ Chí Minh thú nhận với người bạn thân rằng, mỗi khi ân ái với chồng chị phải tưởng tượng đó là người tình cũ (đã chia tay nhiều năm và đang sống ở xa) thì chị mới có cảm xúc. Vì trong cuộc sống hiện tại, chị có kính trọng chồng nhưng không thể yêu.
Ở phái nam, trí tưởng tượng của họ còn “dữ dội” hơn. Nhiều khi nằm với vợ, họ vẫn tưởng đó là một người trong mộng hay một phụ nữ xinh đẹp, hấp dẫn mà trong thực tế họ không thể chiếm hữu hay với tới. Nhiều cặp vợ chồng đáp ứng được nhu cầu chăn gối nhưng lại không thỏa mãn được nhau về nhu cầu tinh thần, văn hóa cũng dễ xảy ra tình trạng này.
Tất cả, dù chỉ diễn ra trong tư tưởng, nên dù có “ghê gớm” tới đâu người chung chăn gối của họ cũng khó mà biết được, vì nếu biết chẳng ai chấp nhận.
Có hại hay… có lợi?
Không ít người rơi vào cảnh ngoại tình tư tưởng nhưng không cách nào thoát ra nên tự biện hộ rằng nhờ thế mà họ duy trì được cuộc sống gia đình, giữ được danh dự cho vợ hoặc chồng. Nhiều người còn xem việc đó như một liều “ma túy” giúp họ xoa dịu được những đau khổ do người kia gây ra, chịu đựng được những cuộc hôn nhân nhàm chán đơn điệu hoặc đầy mâu thuẫn để con cái vẫn có mẹ có cha; không ảnh hưởng xấu đến công danh sự nghiệp của cả hai người và giữ được một cuộc hôn nhân êm ấm, dù là êm ấm giả tạo.
Thế nhưng theo những nhà tâm lý thì việc ngoại tình tư tưởng rất đáng sợ. Nó ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống vợ chồng, đặc biệt là trong chuyện chăn gối. Dù là ngoại tình trong tư tưởng nhưng nó biến cuộc hôn nhân ấy thành một cái “xác không hồn”. Nằm với người này mà mơ tưởng tới người khác quả là một sự dối gạt, không lương thiện.
Chắc người vợ nào cũng nổi giận khi biết rằng người chồng nằm bên mình lại đang mơ về một cô diễn viên, hoa hậu nào đó hay một người tình cũ đã nghìn trùng xa cách, đang ở tận bên Pháp, bên Mỹ. Và ngược lại, người chồng cũng điên lên như anh chàng Rhett Butler trong tác phẩm nổi tiếng “Cuốn theo chiều gió” của nhà văn M. Mitchell, Rhett chỉ muốn bóp nát cái đầu người vợ xinh đẹp là nàng Scarlett khi biết nằm với mình mà cô ta mơ tưởng đến người trong mộng từ thời thiếu nữ là Ashley.
Ngoại tình tư tưởng không hề là một giải pháp tích cực khi tình yêu vợ chồng có vấn đề mà nó chỉ khiến khoảng cách giữa họ ngày càng lớn, vì sự giả dối, đối phó, vô cảm, việc đó ảnh hưởng xấu đến chất lượng của cuộc sống thật… Chưa kể từ ngoại tình tư tưởng dẫn đến ngoại tình thực tế chỉ là một bước ngắn nếu họ có dịp.
“Tiêu diệt” người tình ảo, có dễ không?…
Đối phó với những “người tình” này là không hề dễ dàng. Ngay bản thân người lỡ ngoại tình tư tưởng muốn tự thoát ra cũng rất khó. Chị Hạnh L. có một mối tình rất đẹp và trong sáng thời còn đi học nhưng vì hoàn cảnh gia đình khiến họ phải xa nhau từ đó đến nay. Chị lấy chồng, có con nhưng nhiều năm sau cuộc sống vợ chồng có đôi điều không như ý nên chị đâm ra so sánh. Nếu lúc đó, lấy được anh sinh viên yêu chị chân thành lại đẹp trai kia hẳn cuộc sống chị rất hạnh phúc.

Thế rồi, qua bạn bè chị nghe được anh ta khá thành đạt, hiện là giám đốc một công ty bất động sản khiến chị càng mơ tưởng đến người cũ và không màng gì đến chồng, dù người chồng vẫn ân cần với chị. Rồi chị cũng nhận ra mình sai, tìm cách đừng mơ về người tình cũ nữa để sống trọn vẹn với chồng, nhưng không được, lòng chị bị dằn xé ghê gớm.
Thế rồi một lần chị khăn gói lên thành phố và tìm gặp cho bằng được người xưa. Anh ta vẫn tử tế với chị, mời chị đi ăn (lén vợ), tặng quà nhưng rõ ràng chị biết mình với anh ta không còn tương xứng nữa. Vả lại, trong ký ức chị, một thanh niên trẻ trung, yêu đời, đầy những hoài bão hướng về cộng đồng, thật đáng yêu, hấp dẫn. Còn nay, trước mặt chị, chỉ là một ông giám đốc bụng phệ, mệt mỏi ít khi cười, hãnh tiến và chỉ toàn những toan tính làm giàu cho bản thân mình. Thất vọng quá.
Từ hôm đó chị trở về và thoát khỏi được sự ám ảnh của anh ta, đồng thời cũng khám phá một ra một “chân lý”: Muốn “giết” được người trong mộng thì hãy gặp lại anh ta… Nhưng cũng có trường hợp gặp lại nhau, hai người lại “dính” luôn.
Dù sao thì “phòng chống” chuyện ngoại tình tư tưởng vẫn là tốt hơn. Đó là khi hôn nhân được đặt trên nền tảng tình yêu, vợ chồng có sự chia sẻ, thấu cảm về nhiều phương diện để thâm nhập được vào đời sống tinh thần của nhau, ít nhất đôi lúc có thể “đọc” được tư tưởng của nhau. Nhất là luôn nâng cao văn hoá bản thân để ngang tầm với người bạn đời. Chính sự “lệch pha” về văn hóa, về tâm hồn dễ dẫn đến việc ngoại tình tư tưởng, khi một người sâu sắc phải sống với một người hời hợt; một người tinh tế, dịu dàng, trung thực chịu đựng một người thô thiển, bạo hành, láu cá…