Ngọt ngào lời then

CHU MẠNH CƯỜNG

Ngọt ngào tiếng hát then của cô gái Tày
nơi núi rừng xa vắng
Giọng hát ôi chao đằm thắm
cùng rộn ràng nhịp đàn tính nỉ non
Nghiêng ngả mắt ai níu sắc áo chàm
với đôi vòng bạc lung linh sắc nắng
Tiếng đàn nghe xa vắng
kể muôn chuyện ngày xưa

(Nghe tiếng hát then)

Hát và múa then chính là một cách hữu hiệu nhất để người Tày – Nùng – Thái có thể ôn cố tri tân gợi nhớ về ông bà tổ tiên, thuật lại cuộc sống của bản thân và xóm làng kể từ khi con người sinh ra đến khi chết đi, và trong từng công việc cụ thể như khi dựng nhà họ đã phải vất vả như thế nào, khi làm ruộng tất bật ra sao, khi mở đường dẫn lối xuyên rừng có nguy hiểm? Rồi khi hai người quen nhau và yêu nhau, sinh con đẻ cái, ốm đau, về già, phụng dưỡng người cao tuổi…, tất cả được miêu tả tự nhiên song nhuốm màu thần thoại, bởi những liên hệ chặt chẽ với điển tích điển cổ xưa. Nói tóm lại, hát múa then là sự hồi tưởng những chuyện cũ, có tác dụng an ủi và khích lệ người nghe ý chí vượt qua các khổ ải để đạt điều ao ước.


Hát then

Vốn ra đời ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Hà Giang, giờ đây then đã du nhập vào các tỉnh thành phía Nam, và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, then ở Cao Bằng còn có tính nhân dân, ai cũng biết hát, dù nam hay nữ.

Nghe và xem diễn then, ta sẽ thấy sự giao hòa của nhiều làn điệu dân ca Tây Bắc như mo, sli, lượn, phong slư, tào… Tùy vào người thực hiện, sẽ có lúc ngâm nga, khi thủ thỉ, nhanh chậm. Người hát đồng thời là người đánh đàn và múa, biểu diễn một mình mọi vai, mọi trò có trong một buổi hát – lễ gồm tất cả các bài hát múa như gạ trong năm mới, hẳm mạy chặt cây, phát tàng mở đường, ngọ cốc làm nương… Mỗi điệu thường dài hai, ba câu hát lặp đi lặp lại nhưng thay đổi lời ca, cũng có khi dài hơn và kết nối thành đoạn theo thể bảy chữ.

Các điệu hát đều kể về chuyến đi tìm vùng đất mới an cư lạc nghiệp của người Tày – Nùng – Thái xưa, và để đạt được điều đó họ đã phải băng rừng lội suối, vượt biển vô cùng gian khổ, thậm chí còn phải đánh nhau với thú dữ, ma quái và phù thủy để lên trời… Trong đó hay nhất là đoạn Khảm hải trong bộ Vượt biển kể về những người nghèo chèo thuyền vượt thác ghềnh. Khi hát, người ta cầm quạt chống xuống chiếu cúi rạp mình lắc lư như người đang chèo thuyền. Để hát hết đoạn phải hát chừng 200 câu hát và 30 phút lúc thoan lúc nhặt. Sau đó, âm điệu dịu dần và kết thúc bằng những câu lả lướt cho thấy thuyền đã về chốn bình yên, đoàn người đã tới được quê hương mới.


Biểu diễn hát then trên sân khấu

Với quan niệm: Trên có mường Trời – chốn lưu giữ linh hồn, dưới có mường Đất cho mọi vật sinh sôi và Âm phủ trông coi thân xác; con người muốn được an lành phải cầu cúng, người dân đã nhờ thầy then thay mình thực hiện các làn điệu then, truyền tải những lời mong ước của dân gian đến thần linh. Thầy then cũng là người dạy dỗ bà con cách thức nông nghiệp, giúp chữa bệnh và phù trợ mọi người trong nhiều công việc. Chính vì vậy, thầy then có trọng trách rất to lớn và chiếm vị trí đặc biệt ở làng bản.

Không như các thầy pháp ở dưới xuôi, ở đây thầy then chủ yếu là phụ nữ, vừa làm việc đồng áng, nội trợ, chăm sóc gia đình vừa làm thầy cúng trừ tà, đuổi ma, chào mừng các sự kiện trong làng bản. Thầy then không thường xuyên áo vấn khăn đóng như các thầy cúng ở dưới xuôi mà chỉ quần áo giản dị như người bình thường. Thầy then cũng thường xuyên ở nhà, khi có người mời đi làm lễ mới ra khỏi nhà, ai mời thầy cũng đi dù đó là lễ cúng nhỏ hay cúng lớn, và xa mấy cũng đi.

Vừa thấy thầy đang làm đồng, bận rộn việc bếp núc thì chỉ lúc sau đã thấy thầy đang hành lễ chữa bệnh ở đâu đó trong bản. Có thể nói cuộc sống của thầy then rất giản dị, chan hòa. Khi thầy thôi làm lễ, thầy lại trở về là một người nông dân hoặc tiểu thủ công bình thường. Tuy nhiên, để làm thầy then không dễ, phải mất ba năm học tập, thuộc tất cả các bài hát then và điệu đàn tính của dân tộc, lại phải biết khấn, làm lễ, diễn trò thuật lại thật dễ hiểu những mong muốn của người xem gửi đến thần linh. Nói chung qua câu hát, cầu cho người dân khỏe mạnh, việc nhà vui vẻ, mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa…

Già qua đường nghe tiếng lượn then
Về nhà như biến thành trai trẻ…

(Dân ca Tày)

Trong điệu then, không thể thiếu tiếng tính tẩu, tiếng đàn bổng trầm, nỉ non, lưu luyến. Tính là đàn, tẩu là bầu – tính tẩu là một loại đàn bầu đẹp thuôn dài ở thân và bầu bĩnh ở hộp đàn, có nhiều hoa thị và hình chạm khắc tinh xảo. Đàn tính gồm cần, hộp, mặt, thủ và dây đều làm bằng cây rừng. Cần đàn làm bằng gỗ thừng nhẹ, mềm và quánh dài chừng 75 đến 90 centimét. Thủ đàn (đầu của cần đàn) hình lưỡi liềm hoặc hình chim phượng gắn các trục lên dây. Đàn có hai hoặc ba dây, âm vực rộng hơn hai quãng tám, cho phép sử dụng linh hoạt.


Tiết mục hát then trên sân khấu của dân tộc Tày

Chuyện kể rằng, xưa kia đàn tính có tới chín dây song vì tiếng đàn luyến láy làm người nghe mất ăn mất ngủ nên trời đã cắt bớt, chỉ để lại hai, ba dây. Trong bài Thau tính – Nguồn gốc đàn tính của người Tày, có đoạn: Mặt đàn bằng gỗ xổ / Cán đàn bằng gỗ quế / Khóa đàn bằng sừng trâu / Dây đàn bằng sợi bạc / Cá nghe chết chín đoạn suối / Chuột nghe chết mười quãng rừng / Trai gái nghe chết chín cõi lòng. Khi đánh đàn, nghệ sĩ sẽ dùng ngón trỏ tay phải để gảy, ngoài ra còn vuốt, rung, búng, gõ… Tiếng đàn vừa dẫn dắt vừa đệm cho lời ca, do đó có thể nói tính tẩu chính là linh hồn của then.

Then và các điệu nhạc từ đàn tính đã được đánh giá là một di sản văn hóa đồ sộ về khối lượng, phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức, sánh ngang với không gian văn hóa cồng – chiêng và sử thi Tây nguyên, nhã nhạc cung đình Huế và dân ca quan họ Bắc Ninh.

Đến Tây Bắc, vào bất cứ lúc nào cũng dễ gặp những thiếu nữ duyên dáng trong tà áo dài màu chàm, khăn vấn, vòng bạc lấp lánh vừa đánh đàn tính vừa hát then dịu dàng làm mê mẩn bao người.

Then–tính ai nảy giữa ngàn xanh
Cho lá non tơ lộc đầy cành
Muông thú về vui bên hoa thắm
Đất trời mở rộng thêm tươi xinh
Giọng hát ngọt ngào như giọt mật
Nhịp đàn chơi vơi tựa triều dâng
Du khách dừng chân lòng ngơ ngẩn
Lắng nghe để rồi hồn mênh mông…