Là lớp hậu sinh, tôi biết đến ông thông qua những trang sách viết về cuộc đời và tác phẩm của ông: Nguyễn An Ninh - tác phẩm(1). Thực sự, tôi chưa đủ kiên nhẫn để đọc hết toàn bộ cuốn sách, nhưng khi đọc lời mở đầu do GS Mai Quốc Liên viết, rồi đọc bài tựa của GS Trần Văn Giàu, đọc Di bút của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết về Nguyễn An Ninh, tôi đã thực sự rất xúc động. Tôi đọc một mạch hết Biên niên tiểu sử của ông. Và rồi hoài nghi, liệu có một người như thế, có một cuộc đời hoạt động sôi nổi và bi tráng như thế hay không? Vậy mà sao tới giờ tôi mới có cơ hội biết tới cái tên Nguyễn An Ninh?
Càng tìm hiểu về ông, bản thân tôi buộc mình phải nhanh chóng viết ra một điều gì đó về ông, như một lời tri ân tới Nguyễn An Ninh - một nhà hoạt động cách mạng vĩ đại. Lời tri ân của thế hệ trẻ - thế hệ được sống trong cảnh hòa bình tươi đẹp, thế hệ chỉ biết về chiến tranh, về nô lệ, thuộc địa và những người cộng sản tiên phong qua những trang sách báo.
Tôi đã đọc đi đọc lại bài viết mở đầu cuốn sách Nguyễn An Ninh - tác phẩm: bài Nguyễn An Ninh, nhà hoạt động cách mạng vĩ đại, nhà văn hóa lỗi lạc của GS Mai Quốc Liên. Những dòng văn giản dị, cô đọng nhưng đầy ý nghĩa đã in đậm trong tôi với những cảm xúc thật đẹp về Nguyễn An Ninh, và câu nói của giáo sư cứ ám ảnh tôi: “Một con người như thế, một di sản hiếm quý như thế, cớ sao lâu nay, vì lý do gì, còn bị khuất lấp, lãng quên… Tác phẩm Nguyễn An Ninh, con người Nguyễn An Ninh phản chiếu cả một giai đoạn đấu tranh bi tráng của cả đất nước, có phần bị mờ nhạt trong tâm trí chúng ta. Chúng ta đã là những người có lỗi”.
Vâng, chúng ta, bản thân tôi nói riêng và thế hệ trẻ nói chung… thực sự “đã là những người có lỗi” khi chưa biết đến ông - một tấm gương của tuổi trẻ dấn thân, chưa biết đến cuộc đời ông - một cuộc đời vì đại nghĩa, chưa biết đến tác phẩm ông - một lượng di sản văn hóa quý giá của dân tộc.
Vậy tôi xin làm một người có lỗi để đọc ông và tác phẩm của ông!

Nguyễn An Ninh (bìa trái) năm 1927 tại Pháp
Có lẽ cách tiếp cận của tôi về Nguyễn An Ninh có phần “hơi nghịch”, có phần khác với những cách tiếp cận thông thường.
Tôi biết đến ông qua những bài của các tiền bối viết về ông, ca ngợi ông, khẳng định nhân cách cao quý của ông. Để rồi khi nhận thức được vị thế của ông - một nhà yêu nước vĩ đại, một trí thức tầm cỡ tôi mới bắt đầu khám phá ông qua những dòng tiểu sử sống động để như một sự kiểm chứng cho những gì mình đã đọc và tìm hiểu. Và sau rốt, tôi mới thực sự đi vào đọc những tác phẩm của ông. Thú thực, tôi chưa đủ kiên nhẫn để đọc lần lượt từng tác phẩm ông viết, sức đọc cũng có hạn nên tôi cho phép mình đọc trước hết hai tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn An Ninh là Lý tưởng của thanh niên An Nam (L’idéal de la jeunesse annamite) và Nước Pháp ở Đông Dương (La France en Indochine), như một lần nữa được sáng tỏ và kiểm định lại những dòng văn ca ngợi tôn sùng ông của các tiền bối.
Nguyễn An Ninh hồi đó (trong những năm Nam Kỳ Lục tỉnh đang nằm dưới sự cai trị của thực dân Pháp) thực sự là thần tượng của bao thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ Nam Kỳ. Nhưng ngày nay, có lẽ thế hệ trẻ miền Nam nói riêng và thế hệ trẻ cả nước nói chung vẫn chưa biết nhiều về ông và cuộc đời dấn thân vì cách mạng của ông. Đáng tiếc lắm thay!
Nguyễn An Ninh sinh tại làng Long Thượng, tổng Phước Điền Thượng, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Thân phụ là Nguyễn An Khương, nhà Nho yêu nước tham gia phong trào Đông du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy tân. Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống yêu nước, với tố chất của một nhà hoạt động cách mạng, Nguyễn An Ninh đã có cơ hội tiếp xúc với các văn thân, chí sĩ yêu nước tiến bộ như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường… từ rất sớm. Rất giỏi tiếng Pháp, ông dùng thứ tiếng ngoại quốc ấy để viết báo về dân An Nam và để cho người An Nam đọc; vì sự kiểm duyệt gắt gao của hệ thống cầm quyền thực dân Pháp thuở đó nên Nguyễn An Ninh buộc lòng phải viết bài và diễn thuyết bằng tiếng Pháp. Một tay người Pháp có chức quyền to, rất thực dân nhưng cũng rất có tài văn học đã phải thừa nhận “Qua xứ này bị họ chửi nghĩ cũng bực mình, nhưng được cái an ủi, cái hể hả là những câu chống đối, chửi bới của họ không thuộc loại tiếng Pháp bồi, tiếng Pháp cu li mà là loại tiếng Pháp rất văn hoa, rất trí thức, rất hàn lâm. Đúng là tiếng Pháp của Voltaire, của Descartes”(2). Và chắc rằng kể cả bọn cầm quyền Pháp mặc dù luôn coi Nguyễn An Ninh là cái gai trong mắt, nhưng họ thực sự thán phục tài năng của ông. Bởi thế cho nên sau này, biết bao lần bọn cầm quyền, tay sai dùng mọi thủ đoạn để mua chuộc, dụ dỗ ông đi về phía họ, làm việc cho họ nhưng ông vẫn cương quyết không chịu khuất phục.
Riêng về tư tưởng của ông, có lẽ như một vận mệnh đã để ông sinh ra là để gắn liền với con đường mở mang tri thức cho người dân An Nam nói chung và người dân Nam Kỳ Lục tỉnh nói riêng. Ông tự mình bộc bạch trong bài diễn thuyết bằng tiếng Pháp tại Hội Khuyến học Nam Kỳ tối ngày 15-10-1923: “Tôi có lòng ước mơ rằng Trời sẽ giúp cho tôi đủ sức và dư thì giờ để mà viết sách giúp cho đồng bào hiểu rõ tri thức Đông, Tây…”. Tư tưởng của ông gắn liền với việc cốt làm sao đem những tinh hoa văn hóa, những tư tưởng yêu nước tiến bộ đi vào tầng lớp quần chúng nhân dân lao động. Và Nguyễn An Ninh đã thành công! - dù sự thành công đã bị bó hẹp bởi điều kiện thời gian.
Để thực hiện sứ mệnh gieo trồng tri thức văn hóa, tiến bộ cho tầng lớp quần chúng nhân dân, Nguyễn An Ninh đã viết báo, viết bằng tiếng Pháp có, tiếng Việt có nhưng phần lớn là tiếng Pháp. Sức viết của Nguyễn An Ninh quả thực hiếm có; thật khó lòng hình dung ra được một thanh niên với một cuộc đời quá ngắn ngủi, với bao lần vào tù ra khám, số năm ông ở tù có lẽ còn nhiều hơn số năm hoạt động mà có được khối lượng tác phẩm đồ sộ đến thế. Và khi cầm trên tay cuốn sách Nguyễn An Ninh - tác phẩm khá dày làm tôi càng thêm nể phục ông. Rồi để đem nguồn tri thức văn hóa tiến bộ tới được với đông đảo nhân dân, Nguyễn An Ninh không ngại chịu khó chịu khổ hòa mình vào đời sống quần chúng lao động, ông tự mình viết báo, tự đi bán báo, rồi đi bán dầu cù là trong suốt 3 năm liền để liên lạc và tập hợp lực lượng cho cách mạng. Một con người thông thái dường đó lại có tấm lòng yêu thương chan hòa dường đó, thật hiếm có biết bao!
Năm 1923, Nguyễn An Ninh ra báo La Cloche fêlée (Chuông rè) do ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Năm 1924, viết cuốn La France en Indochine (Nước Pháp ở Đông Dương), xuất bản ở Pháp năm 1925. Năm 1931, viết cho báo Trung Lập có xu hướng bênh vực người lao động. Năm 1933, ra báo La Lutte, tờ báo cánh tả, được 4 số. Năm sau, 1934 ra lại báo La Lutte bộ mới từ số thứ 5. Từ năm 1933 đến 1939, viết cho các báo: La Lutte, Đuốc Nhà Nam, Donnai, Công Luận, Dân Chúng.
Thế đấy, một con người đầy nhiệt huyết với cuộc đời làm báo, viết sách sôi nổi đã cảm hóa được đông đảo quần chúng nhân dân lao động, đồng thời làm cho bọn cầm quyền tay sai phải khiếp sợ.
Nhưng cuối năm 1940, Nguyễn An Ninh bị đày ra Côn Đảo. Khi phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, chúng đã trực tiếp ra Côn Đảo mời Nguyễn An Ninh đứng ra thành lập chính phủ Việt Nam thân Nhật nhưng ông từ chối. Nguyễn An Ninh mất trên đảo vào ngày 14-8-1943 vì bệnh nặng, hưởng dương 43 tuổi. Khép lại một cuộc đời dấn thân vì lý tưởng của một nhà cách mạng vĩ đại. Chợt nhớ đến bài thơ Sống và Chết - bài thơ này do Nguyễn An Ninh sáng tác, được lưu truyền trong nhân dân Đức Hòa - Tân An.
Sống và Chết
Sống mà vô dụng, sống làm chi,
Sống chẳng lương tâm, sống ích gì?
Sống trái đạo người, người thêm tủi,
Sống quên ơn nước, nước càng khi.
Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn,
Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ.
Sống sao nên phải, cho nên sống,
Sống để muôn đời, sử tạc ghi.
Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài,
Chết đáng là người đủ mắt tai.
Chết được dựng hình tên chẳng mục,
Chết đưa vào sử chữ không phai.
Chết đó, rõ ràng danh sống mãi,
Chết đây, chỉ chết cái hình hài.
Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi,
Chết cho hậu thế, đẹp tương lai.
Đọc những dòng thơ của Nguyễn An Ninh - những dòng thơ hào hùng viết về sự sống và cái chết, từng dòng thơ như mạch nước mới, mang đầy sức sống chảy vào tâm hồn tôi mát rượi, vì tôi không thấy sự đáng sợ của cái chết, cũng không thấy bất an giữa sợi dây sống và chết. Tôi thấy cái chết thật oanh liệt, anh hùng. Và càng thêm ham sống một cuộc đời tốt đẹp, giàu ý nghĩa, để sau này, khi kết thúc cuộc đời, bản thân mình có thể mỉm cười mãn nguyện.
Riêng với Nguyễn An Ninh - một nhà hoạt động cách mạng vĩ đại (mặc dù trên thực tế ông chưa ngày nào đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhưng ông thực sự là một nhà cách mạng chân chính), nhà văn hóa lỗi lạc, ông khép lại cuộc đời ngắn ngủi để lại bao tiếc nuối cho tất cả mọi người, gia đình, bạn bè, quần chúng nhân dân lao động. Ai ai cũng cảm thán cho một tài năng sớm phải lìa xa nhân thế. Có điều, có một điều chắc chắn, có một người không bao giờ nuối tiếc hay ân hận vì những gì đã cống hiến, đã dâng tặng - chính là ông, Nguyễn An Ninh: “Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi/ Chết cho hậu thế, đẹp tương lai”.
Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học dưới sự chỉ đạo của Thành ủy TP.Hồ Chí Minh đang thực hiện công trình “Một thế kỷ văn học yêu nước Cách mạng Sài Gòn- TP.Hồ Chí Minh” đã chọn Nguyễn An Ninh làm thành một tác gia lớn trong giai đoạn 1900-1945, lượng tác phẩm phong phú của ông được trích in thành một cuốn riêng để người đọc tiện theo dõi và tìm hiểu. Mong rằng khi công trình này được hoàn thiện và đến tay người đọc, sẽ thêm một chiếc cầu nối kết Nguyễn An Ninh với bạn đọc - đặc biệt là với thế hệ trẻ hôm nay.
_____
(1) Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn Học xuất bản, tháng 6-2009.
(2) Nguyễn Minh Hoàng - Những bài viết trên La Cloche Fêlée, l’Annam và La Lutte của ông Nguyễn An Ninh. Tạp chí Hồn Việt.