Nguyễn Du sinh ra ở Thăng Long năm Ất dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 đời vua Lê Hiển Tông, đối chiếu ra Dương lịch là năm 1765. Gia phả không ghi rõ ông sinh ra ở đâu (Kinh Bắc hay Thăng Long) nhưng có thể ông đã được sinh ra ở phường Bích Câu, thành Thăng Long vì khi đó thân phụ ông là Nguyễn Nghiễm đang làm quan ở Kinh đô mà thân mẫu ông vốn quê ở Kinh Bắc, lấy chồng làm lẽ thứ ba, chỉ theo chồng ở nơi nhiệm sở chứ không về sống ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh).
Chúng tôi nhận thấy, từ trước đến nay, khi nói về Nguyễn Du người ta chỉ nhắc đến nguyên quán của ông mà không nói đến sinh quán của ông là kinh thành Thăng Long, nơi nổi tiếng là đất ngàn năm văn vật mà ông đã sinh sống cả một thời niên thiếu và quê ngoại của ông là xứ Kinh Bắc, một vùng đất nổi tiếng về dân ca quan họ mà ông đã từng được nghe ru, nghe hát và đã chịu rất nhiều ảnh hưởng.

Cầu Thê Húc.
Điều nhầm lẫn đáng kể là trong quyển “Non nước Việt Nam”, các soạn giả Vũ Thế Bình, Lê Nhiệm, Nguyễn Kim Dung và Nguyễn Hồng Hà đã viết: “Phong cảnh hùng vĩ thơ mộng của Hồng Lĩnh là nơi sinh ra nhà thơ vĩ đại của Việt Nam – NGUYỄN DU – danh nhân văn hóa thế giới …”.
Cũng nhầm lẫn như vậy, trong quyển “Văn hóa làng Tiên Điền – Truyền thống và hiện đại”, soạn giả Nguyễn Quốc Phẩm đã viết: “Địa thế, cảnh quan của làng Tiên Điền từng nuôi lớn hồn thơ của Nguyễn Du… để đặt nên những câu Kiều đẹp.”
Những điều nói trên rõ ràng là không đúng vì Nguyễn Du đã không được sinh ra ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh) mà đã được sinh ra và lớn lên ở Thăng Long.
Núi Hồng và sông Lam dẫu có in vết trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, nhưng chính núi Nùng và sông Nhị cùng quê hương quan họ xứ Kinh Bắc mới có ảnh hưởng to lớn với Nguyễn Du như ông Đặng Duy Phúc đã viết trong quyển “Về Tiên Điền nhớ Nguyễn Du” như sau: “Cậu bé Nguyễn Du không chỉ nhận được tình cảm đầm ấm thân thương, sự săn sóc ân cần chu đáo của mẹ… mà còn nghe rất thích thú, nghe đi nghe lại nhiều lần để rồi như in vào lòng, thấm vào thịt vào da những bài hát ru con ngọt ngào của xứ Kinh Bắc, những làn điệu quan họ du dương vừa đầy chất thơ, vừa tình tứ mượt mà …”.
Có thể nói, chính những lời ru ấy, những làn điệu quan họ ấy đã “nuôi lớn hồn thơ Nguyễn Du”, cho nên nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội sắp tới, chúng ta phải trả Nguyễn Du về cho Thăng Long – Hà Nội, phải coi Nguyễn Du là một nhân vật của đất Thăng Long, nơi ông đã sinh ra và lớn lên ở đó.
Chúng ta không thể chỉ lấy nguyên quán của Nguyễn Du làm địa điểm duy nhất để kỷ niệm nhà đại thi hào dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, nơi ông chỉ sống có 6 năm khi đã 31 tuổi (từ năm 1796 đến năm 1802) mà phải lấy cả đất Bắc nữa với Thăng Long, Sơn Nam, Thái Nguyên và Thái Bình, quê vợ ông, nơi ông đã ẩn cư trong vòng 6 năm (1789-1795). Và chính ở kinh kỳ, đất Thăng Long, ông đã lưu lại không biết bao nhiêu kỷ niệm, trong đó có giai thoại mối tình đầu với cô lái đò đến người ca kỹ ở Long Thành mà ông đã kể lại trong bài Long Thành cầm giả ca thật tình cảm. Cũng cần nói thêm đến cảnh ca hát ở dinh thự của người anh lớn cùng cha khác mẹ là Tham tụng Nguyễn Khản, khi ông này thường tổ chức những buổi hát ả đào tại nhà. Những buổi hát hoặc ngâm thơ Nôm ấy chắc chắn đã gây ảnh hưởng không ít đối với tâm hồn đa sầu đa cảm của Nguyễn Du.

Tượng Nguyễn Du.
Vậy, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, ngoài Hà Tĩnh quê cha, chúng ta nên trả ông về Thăng Long - Hà Nội, nơi ông đã sinh trưởng và đất Kinh Bắc (Bắc Ninh), nơi quê ngoại của ông mà người mẹ thân yêu của ông đã gieo vào tâm hồn ông những âm điệu du dương của các câu hát ru em, của các làn điệu quan họ, nó đã giúp ông sau này viết nên được những câu lục bát bất hủ trong quyển Truyện Kiều mà ngày nay ai cũng phải ca tụng là một tác phẩm tuyệt tác vô song.