Nguyễn Du và quan họ Bắc Ninh? Từ hai trăm năm nay các sách và bài viết về Truyện Kiều và tác giả Truyện Kiều nhiều lắm, nhưng chưa hề có một ai nêu lên một sự dính dáng gì giữa Tiên Điền - Nguyễn Du và cái tục lệ xã hội có chút màu sắc tôn giáo của mấy làng lân cận thủ đô Thăng Long rồi lan rộng ra gần cả địa bàn của tỉnh Bắc Ninh và ảnh hưởng đến văn chương và cảm tính của toàn thể dân Việt Nam là tục hát quan họ. Sách sử, gia phả và cả đến những lời tục truyền trà dư tửu hậu của các văn nhân mặc khách xưa và nay (phần lớn là “hư cấu”) cũng không hề nói rằng Nguyễn Du có đến Bắc Ninh (trừ có một thời thỉnh thoảng ghé cửa hàng sách Cổ Nguyệt ở bến Thụy Khê bên bờ hồ Tây)(1) và có tham gia hát hoặc nghe hát quan họ dầu là ở Hội Lim, Hội Ó hay hát đền, hát chùa; đến như nghe hát trống quân (túng ngôn)(2) thì lại càng không thể, vì Nguyễn Du theo ông anh Nguyễn Khản chống lại bà Đặng Thị Huệ (Tuyên phi của Chúa Trịnh Sâm, tức là Bà Chúa Chè, người đã đặt ra điệu hát này) và đã phải trốn tránh trong suốt thời Quang Trung.
Nguyễn Du biết đàn sáo và thích nghe hát, lại cũng có tham gia ít buổi hát của phường vải, phường nón ở gần quê (Thanh - Nghệ - Tĩnh) khi còn trẻ, chưa ra làm quan. Các cô hát trong các nhà trò thủa ấy, Nguyễn Du gọi là “ca nhi” như sau này ông gọi Đạm Tiên (“Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi/ Nổi danh tài sắc một thì”), có lẽ là đã bắt đầu hát nói, nghĩa là biến cải một điệu chầu văn lễ đền nhưng chưa thành ca trù, chỉ thịnh hành ở đầu thời nhà Nguyễn nhờ Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát. Một điều nhận xét, tuy chỉ là một sự vắng bóng nhưng là vắng bóng to lớn, là tác giả Truyện Kiều và bài thơ Chiêu hồn song thất lục bát đã chỉ để lại một liên thơ lục bát cọc cạch chữ Nôm trên mấy cái đĩa sứ xấu xí và một bài thơ giỡn “thác lời trai phường nón”, ngoài hai tuyệt phẩm diệu kỳ dài mà người Việt Nam nào cũng có biết không nhiều thì cũng lõm bõm dăm câu, mà không có một bài hát nói hay một bài thơ Đường luật Quốc âm nào được người đời truyền lại là của ông. Thơ Hán Đường và cổ phong chữ Hán của ông thì nhiều lắm, và ông viết ra như ta viết nhật ký, để ghi lại những tình tự thoảng qua hay những mộng mị nhăng nhít (chỉ quan trọng với những người hậu sinh muốn tìm hiểu nỗi lòng của bậc thiên tài). Nhưng ông dành chữ nghĩa tiếng ta và hai thể văn đặc thù của dân tộc cho tâm tư thầm kín và cao quý suốt một đời người của ông. Ông viết Đoạn trường tân thanh và Ly tao khóc những người đã chết uổng giữa tuổi xanh vào lúc cuối đời của ông khi đã trông thấy bao nhiêu đau đớn lòng vô ích và vô lý. Đây là quan họ và quan phong đã lên đến triết lý của sự sống làm người trong một thời dâu bể đảo điên của lịch sử.
Nguyễn Du đã không đến với quan họ Bắc Ninh. Nhưng quan họ đã từ Bắc Ninh đến với Nguyễn Du và rồi Nguyễn Du đã tìm đến một liền em của quan họ Bắc Ninh, là các đêm hát ví với phường vải, phường nón Nghệ An, Hà Tĩnh, cùng các quan họ Tiên Điền, Trường Lưu.
* * *
Việt Nam, trước Tự Lực văn đoàn, không có truyền thống môn phái văn chương. Tự Lực văn đoàn, lập ra theo mẫu của các phái văn của thế kỷ thứ XIX ở Pháp, Anh, Đức, là môn phái và phong trào văn thơ đầu tiên trong sự sinh hoạt xã hội và văn hóa của nước ta. Sự kiện lịch sử ấy là một sự thực mà dầu yêu hay ghét, không ai có thể xóa bỏ được. Nhưng trước Tự Lực văn đoàn của Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ và báo Phong Hóa, trước nhiều năm, trước gần một nghìn năm, ở Việt Nam đã có một phong trào văn chương lên đến văn học, một phong trào tự sinh, tự thành, tự phát, không còn nhỏ nhặt và hạn hẹp là một trường phái nữa, mà là cả một dân tộc, từ dưới lên trên, khởi thủy là một cách nói mới và đẹp, linh động, tình tứ, ý vị, dễ nhớ, khó quên, lấy thơ lục bát làm ngôn ngữ để đi vào phong dao và quan họ, với những biến thể của lục bát để chinh phục hết các tầng lớp của xã hội và nói được hết mọi điều, từ kể chuyện đến dạy dỗ, từ trách móc đến thương yêu, hay chỉ để cười cợt đùa bỡn và lên đến thơ Kiều.
Cái tia lửa nào đã nhóm lên hội hoa đăng lục bát với những bó đuốc quan họ và hội phường, bó đuốc Nho giáo Hoa tiên, Lục Vân Tiên, bó đuốc Lão Trang Bích Câu và Bạch Viên, bó đuốc Phật giáo Quan Âm Thị Kính, Nam Hải Quan Âm và bó đuốc thơ muôn đời của Truyện Kiều và Thơ khóc chúng sinh. Không phải thơ Hán Đường - Tống, cũng không phải Kinh thi của nhà Chu. Giới Nho sĩ đã mượn những khuôn phép của cổ thi Trung Hoa cho đến khi Hồ Xuân Hương rồi Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà bóp méo nó đi để đưa được tiếng nói sỗ sàng suồng sã của người dân An Nam vào những mũ áo cân đai của cung đình thiên triều. Nhưng thơ lục bát của nông thôn Việt Nam thì thuần túy là Việt Nam vì trong hơn vạn bài thơ rất tráng lệ của phương Bắc, không hề có một câu dùng vần eo (yêu vận) và hầu hết số chữ (tiếng, “chân”, “ngôn”) của mỗi câu là số lẻ, năm, bảy cho đến mười bảy, chứ rất ít dùng số chẵn sáu, tám. Vậy thì từ đâu mà bật ra cái tia lửa đã bắt vào những rơm rạ đồng áng Việt Nam mà bùng lên thành thể thơ của quan họ và Truyện Kiều?
* * *
Đại Việt sử sý toàn thư chép rằng, năm 982 vua Lê Đại Hành thân chinh cầm quân đi đánh nước Chiêm (Chăm). “Chiêm Thành thua to. (Ta) bắt sống được quân sĩ của chúng nhiều vô kể, cùng là kỹ nữ trong cung hàng trăm người… vừa một năm thì trở về kinh sư”(3). Trong thời vua Lê Đại Hành, sự xây cung điện nguy nga tráng lệ làm giả cảnh Bồng Lai, Cực Lạc, Thiên Tuế, Trường Xuân ở Hoa Lư, lại đặt ra những ngày hội đua thuyền treo đèn kết hoa, văn thơ rất thịnh đạt và ta có thể nghĩ rằng đàn hát cũng tưng bừng không những rằng với những nhạc công trong nước, mà cả với vàng bạc châu báu và các cũng nữ, kỹ nữ bắt từ miền Nam đem về.
Năm 1043, vua Lý Thái Tông thân chinh vào đánh nước Chiêm, toàn thắng, ngay trận đầu bắt được 5000 tù binh, vào đến kinh đô Phật Thệ (Amaravati) lại bắt được các hoàng hậu và cung nữ, nhiều người giỏi hát múa những khúc điệu Tây Thiên (Ấn Độ). Các tù binh đều được nhận thân nhân và đưa về Đại Việt, cho an cư rải rác từ Nghệ An lên đến Yên Bái, Lào Cai, lập hương ấp với những tên cũ của nước Chiêm.
Năm 1069, vua Lý Thánh Tông lại cũng đánh Chiêm, thắng lớn, bắt sống quân dân năm vạn người Chàm, vua Chiêm xin dâng ba châu để chuộc tội, nay thuộc tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.
Năm 1076, vua Lý Thánh Tông phái Lý Thường Kiệt đem quân đi chặn một cuộc xâm lăng của liên quân Tống và Chiêm Thành, Chân Lạp, đẩy lùi được giặc.
Những sự kiện lịch sử trên được chép lại, không nói đến những nguyên nhân và lý do cũng như những chi tiết về chiến trận vì không liên quan gì đến đề tài của bài này, là một bài thuần túy văn hóa. Ngày nay, nước Chăm Pa cũng như nước Chen La và cả nước Nam Tống đều chỉ còn là những tên trên bản đồ lịch sử, người Chăm đã hoàn toàn là người Việt Nam, người Việt Nam có lai Chăm hoặc lai Hoa, lai Nùng, lai Thái cũng chẳng hề biết đến một vị huyền tổ không thuần túy Lạc Việt (mà đúng như thế, vì làm gì có một chủng tộc người thuần túy và trên phương diện khoa học, chỉ có một loài người, loài người là một và bất khả phân).
Điều đáng chú ý và ghi nhớ là mỗi chiến cuộc là một thảm kịch, gây ra những phá hoại và giết chóc có thể ngang với một thiên tai như sóng thần, động đất (trong vài phút, vài giờ) hay một trận dịch (trong vài tuần, vài tháng), nhưng đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của một khối dân gian lớn rộng chỉ bị rung rinh ở bề mặt, không thể ví được với sự xuất hiện của cái máy dệt, cái xe lửa, cái đèn điện, sự biết trồng cây lúa hay sự biết làm chủ ngọn lửa. Ngày nay, trên thế giới văn minh, lịch sử biến cố (histoire événémentielle) đã lui dần để nhường bước cho lịch sử dài hạn (histoire des longues durées) của những cơ cấu xã hội và các khu vực siêu quốc gia gọi là những thế giới kinh tế (économie-mondes, economy worlds) để sửa soạn cho một ngày mai chữ thế giới này chỉ còn là một, không có số nhiều.
Sự đóng góp của những người và gia đình Chăm vào xã hội và văn hóa Việt Nam trong dòng chính vào thời gian mở nước lần thứ hai (Lê-Lý-Trần) thực là sâu xa và vĩ đại. Các nhà nho viết sử quốc dân Việt Nam đã quá nệ Trung Hoa và chấp kinh sách Khổng - Mạnh nên đã coi nhẹ sự sáng tác của chính người mình và xóa bỏ sự đồng lao cộng khổ của các dân tộc nhỏ. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, một trong những người Thầy mà tôi biết ơn và quan trọng nhất, kể cả những khi mà tôi không đồng ý với Thầy, là sử gia đầu tiên đã mở rộng tầm mắt ra ngoài chữ nghĩa và chỉ ra những dấu tích mà các tù binh và gia đình Chăm bị bắt ra Bắc Hà đã để lại trong văn hóa và tâm tình của dân gian Kinh Bắc(4). Ở đây tôi thêm vào rằng những người dân Chăm mà vua Chế Củ đã để lại ở Quảng Bình, Quảng Trị khi dâng ba châu cho Việt Nam để xin đình chiến trong danh dự, cũng góp thêm vào công cuộc của các tù binh lớp trước.
Thóc Chiêm và kỹ thuật trồng lúa Chiêm đã được nhập tịch vào nghề nông ở đồng bằng Sông Cái, không biết là vào thời Lê Đại Hành hay vào thời Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông. Sự kiện có thêm một vụ thu hoạch lúa gạo đã làm cho nền kinh tế quốc gia phồn thịnh hơn, dân số tăng lên nhiều và là một yếu tố quan trọng trong những chiến công oanh liệt của tướng Lý Thường Kiệt và quân đội Việt Nam đời Lý. Nhà Nam Tống khi ấy mới chỉ có lúa mùa mà chưa có lúa Chiêm và lại đang lúng túng về những cải cách của Vương An Thạch, nên đã thua trước sự xâm lăng đột ngột như vũ bão của quân Việt Nam. Lúa Chiêm còn cho tới ngày nay ở nước ta.
Thời Tiền Lê và nhất là thời Lý, vua và cả nước thờ Phật. Mấy cuộc chinh phạt vào nước Chiêm đã đem về Bắc không những nhiều tù binh, cung nữ, nhạc công và còn cả nhiều vị sư, trong số đó có một Thiền sư là Tổ của một phái Thiền gốc từ Ấn Độ. Rất nhiều chùa đã được dựng lên khắp nơi trong nước. Kiến trúc của các chùa Việt Nam đời Lý không rập khuôn theo các chùa và thiền viện Trung Hoa đời Đường - Tống. Chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) là một bông sen của Bồ Tát Quan Âm, mọc lên từ nước một cái hồ trên một cái cuộng bằng đá. Chùa Hương Tích được xây thành những từng trên sườn núi, các phù điêu đục nổi hình những nhạc công với những kèn trống của người Chăm. Cả đến những chùa làng cũng có hình những ông hộ pháp vạm vỡ mà mẫu là những đô vật Chăm. Các nghệ nhân đã tạo hình trên các chùa thời ấy là những thợ Chăm, phần lớn là ở làng Vẽ. Con cháu và những học trò của họ đã thành những dòng thợ vẽ, thợ sơn, thợ chạm trổ gỗ đá, thợ khảm xà cừ của nước ta.
Nhưng sự đóng góp lớn nhất mà văn hóa Chăm đã đưa vào Việt Nam là những tù binh đã trở lại với đời sống thường trong tư cách dân Việt Nam. Họ được sống với gia đình cũ hay họ lập gia đình với những người bản xứ nếu không đem được vợ con đi theo, và họ đã trở thành những di dân tụ hội trong một số làng chỉ định; sát với thủ đô thì là những làng còn giữ những tên Nôm là làng Chèm (Chàm), làng Vẽ, làng Lim… Đêm đêm, khi mưa phùn gió bấc thổi làm cho những người nghèo trốn lạnh ngồi quây quanh bếp thì người ta kể cho nhau nghe những chuyện cổ mà người Việt Nam lại kể thành chuyện Tấm Cám(5), chuyện Hoàng tử Sọ Dừa và cả hai huyền thoại Malay-Chàm là chuyện Trầu Cau và chuyện Rắn già rắn lột với nhiều tiếng Chăm mà sau này ta gọi là tiếng Malay (Mã Lai). Và những khi rảnh rỗi, ru con hoặc nhớ nhà, nhớ nước cũ, thì họ hát những câu ca dao và hát đú (hát đùa hay hát đúm) bằng tiếng Chăm.
* * *
Trong các điệu hát Chăm, có những bài hát ru con và những bài giao duyên gọi là DohDam Dara (đọc là Tô tam Tà rà) viết theo thể 6-8, gieo vần ở âm (tiếng) số 6 trong câu 6 và âm số 4 trong câu 8, giống những câu lục bát trong phong dao của ta (hay đúng hơn là ngược lại, ta giống Chăm)(6):
Con cò lặn lội bờ SÔNG
Gánh gạo đưa CHỒNG, tiếng khóc nỉ non
…
Chân đi đá lại dùng DẰNG
Nửa nhớ Cao BẰNG, nửa nhớ vợ con.
…
Ai lên nhắn nhủ làng BÔNG,
Có muốn lấy CHỒNG, thời xuống Nguyệt Viên
Nguyệt Viên lắm lúa nhiều TIỀN
Lại có sông LIỀN, tắm mát nghỉ ngơi.
Cho đến năm 1924, thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cùng các ông Nghiêm Thượng Văn và Đặng Đức Tô, dịch Kinh thi, còn dùng thể lục bát cổ này:
Kìa trông con én nó BAY,
Nó sa cành NÀY, nó liệng cành kia.
Gã kia bước chân ra VỀ
Ta tiễn mình VỀ đến quãng đồng không
Truyện thơ Nôm, tuy hầu hết đã viết theo thể lục bát mới, nhưng nhiều khi cũng còn cho lạc vào vài câu lục bát cổ làm cho sự kể hạnh mộc mạc và lưu loát hơn, như ta nói thường trong nhà:
Bạn cùng gió má trăng TRONG
Tự tại mặc LÒNG kẻo lụy trần ai… (344)
… Thôi đừng nói sự làm VẦY,
Đã quyết lòng NÀY như sắt nấu nung (776)
… Chúa đà thành Phật thành TIÊN,
Còn một chút HIỀM, đồ đệ chưa ai (833)
(Nam Hải Quán Thế Âm)(7)
Thể thơ lục bát gieo vần ở tiếng 6 câu 6 và tiếng 6 câu 8 là một biến thể của lục bát nói trên, tác giả bài này gọi tắt là lục bát thế hệ II, thơ song thất lục bát như Cung oán, Chinh phụ, thơ Chiêu hồn là biến thể III. Những biến thể này (II và III) có lẽ là của các vị học sĩ đã đặt ra và rồi lại được nhân dân kém học thu nhận. Sự luân lưu văn học giữa hai tầng lớp xã hội thực là diệu kỳ và đập vỡ tất cả những chủ thuyết giả dối và nông cạn về những hàng rào ngăn cách các giai tầng kinh tế xã hội. Vào thế kỷ thứ X và XI, các tù binh Chăm bị đưa ra Bắc sống chung với người dân của thôn quê Việt Nam; trừ có một số nhỏ bị giữ trong cung trong những ban ca vũ và những người phải làm nô tì cho các quan trong triều, còn thì họ thành dân, ngày đi làm ruộng, làm thợ, tối về nhà với vợ với con. Lòng từ bi của đức vua là một tấm gương rộng lớn soi xuống toàn dân và chữ “nhân” rắc rối mơ hồ của Khổng Tử được bẻ theo nghĩa là “thương người” như thơ truyện giảng:
Nhân là cứu vớt trầm luân mọi loài.(8)
Đây là một bài hát trữ tình điệu Doh Dam Dara của người Chăm; các vần ở câu 6 và câu 8 đã được đánh dấu:
Thay mai mung deh tay o
Droh phik kau lo yom tha u rang
Check tian mung asit dih dang
Mai hu ka urang oan lo li ngik…
Phỏng dịch :
Cô gái đi trên đường xa
Nom giống như là cô gái tôi yêu
Bài thứ hai cũng thuộc loại phong tình, được hát trong một ngày lễ hội, người con gái gảy cây đàn một dây (giống cây đàn bầu).
Dun tian gop biak atah
Bloh mai talah oan tian lo lingik
Lingik halay pajong klong mai
Urang yau padai klong yau ralang
Ai rau min hu urang dok taphia
Aday rau mujua dok tha dray
Phỏng dịch:
Chiều lòng nhau quả thật lâu
Bây giờ chia ly đau lòng trời ơi
Trời nào sinh tôi ra
Người ta như hột lúa chắc
Tôi như hột lúa lép
Anh buồn nhưng có người ở gần
Em buồn em sống lẻ loi một mình
(Ph.D)
Hai bài trên đã được ông Phạm Duy ghi lại trong những tháng năm ông đi khảo cứu điền dã về Dân nhạc ở Việt Nam (nhiều nhất vào khoảng 1956-1966). Xuất xứ của hai bài này ở sở tại nào, ông không nói rõ.
Ông Võ Phiến là người thứ hai mà tôi biết, đã viết về “thơ lục bát Chàm”(9). Ông ghi lại một bài thơ Chàm, được giới thiệu là một bài hát ru con (lullaby, berceuse) bốn câu. Bài này theo thể thơ lục bát II, gieo vần ở tiếng 6 câu 6 và tiếng 6 câu 8 như thơ Kiều, thơ Nhị Độ Mai, nhưng tiếc rằng ông đã phiên âm thành vần Việt Nam lại thêm bằng trắc cho dễ đọc và ý nghĩa của những câu này cũng mất cùng với nguyên văn. Bốn câu ru con Chàm - Việt hóa là:
Nư lơi nư đi ca hoanh
Kla mông pat bắc pục pành ten me.
Nư rơi nư ránh đi me
Nư kia nư chó ngá kề huơ nư.
Bài thơ này đặt ra một vấn đề: là thơ lục bát biến thể II của ta có còn là một sáng tạo của ta trên một sự gợi ý của thơ Chăm không? Thực là một điều đáng buồn và đáng cho chúng ta phải suy tư rằng một nền văn hóa có một thời lừng lẫy ngang ngửa với văn hóa Việt mà nay đã suy tàn đến độ chỉ còn có mấy cái tháp đang tàn lụi mà không có một cái hộp để che mưa nắng!
* * *
Thơ lục bát Việt Nam bắt đầu là thơ nói, thơ ngâm, thơ hát và đã thành một thể thơ tùy hứng (impromptu) mà người ta dễ xuất khẩu thành, để vui đùa trêu chọc nhau, để ới để gọi nhau và gọi tình, để xả hơi, xả giận, xả oán và cứ thế mà thành thơ. Tiếng Việt Nam so với tiếng Chăm có ba cái lợi: Dưới sức ép của Hán ngữ, tiếng Việt đã gần thành đơn vận hẳn và đồng thời có một hệ thống thanh phong phú hơn cả hệ thanh của Hán ngữ Tràng An và Hàm Dương; các vần Việt nghèo hơn vần Chăm nên sự gieo vần dễ hơn, nhất là quan niệm vần trong thể thơ của ta rất lỏng lẻo, ngay cả trong thơ rất gọt giũa như Kiều hay Cung oán. Vì những lý do này nên thơ lục bát lan tràn rất nhanh và tung hoành khắp chợ thì quê, từ đồng ruộng lên đến miếu đền. Và thành hát quan họ, có lẽ từ rất sớm.
* * *
Có nhiều thuyết về gốc nguồn của quan họ đã được đặt ra rồi truyền tụng lại. Tôi xin trình bày rất nhanh cái thiển ý thô sơ của tôi. Vào thời tạm gọi là Trung cổ, khi tình thế loạn lạc vô chính phủ Thập nhị sứ quân đã bị dẹp và giới tu sĩ chiếm ưu thế trong một nước bắt đầu ổn định (Đại Cồ Việt), người dân được an cư để làm ruộng, dệt vải, buôn bán, lễ bái thì các người cùng nghề hội lại với nhau thành những phường, lập ra những chợ trên bến và những ngả đường cái, với những hội chợ định kỳ. Vua Lý Thái Tổ rời đô về Thăng Long thì ba mươi sáu phố phường của Thành Nội bắt đầu được dựng lên, sự sầm uất mỗi ngày một tăng triển, đời sống ngày một thảnh thơi và bên lề của các phường để làm ăn buôn bán, người ta chơi họ. Họ là cái mặt thân thương của các phường và cũng là hậu trường của phường. Những người bạn hàng quen nhau, tin nhau, mách bảo nhau “gọi họ” và hùn vốn với nhau để sản xuất hay buôn bán lớn hơn, hoặc cho vay, giúp vốn để mở mang thêm. Ở Trung Hoa, Ấn Độ hoặc Tây Âu thì các ngân hàng được khai sinh từ hình thức tương đương với “họ” như thế vì thị trường lớn rộng và tình hình chính trị cũng như dân trí có những điều kiện thuận tiện(10). Đó là lúc thai nghén của chủ nghĩa tư bản trước sự bùng nổ với sự vơ vét vàng bạc ở Tân Thế Giới và cuộc cách mệnh công nghệ ở Anh quốc.
Họ ở Việt Nam không chỉ là họ hàng (buôn bán làm ăn) mà còn là quan họ, là họ nhất thời của những quan viên, hội nhau lại để tổ chức một hội chợ, một lễ hội, một ngày đám. “Họ” là căn chữ, “quan” là chữ phụ theo ngữ pháp Hán văn; “quan” đây không phải là ông quan, bà quan, do triều đình ban chức và phát lương, mà là “quan viên”, nghĩa là những người xin gia nhập và được nhận vào “họ”. Trong mỗi họ, tất cả mọi người ngang nhau, nhưng người ta cử một người làm “liền chị”, còn các người khác, không kể tuổi tác, đều là “liền em”. Quan họ thì phân biệt đàn ông và đàn bà như ở thời Hồng Bàng, nên các họ đàn ông thì có “liền anh” với “liền em”. Quan họ trong các lễ, các hội, các đám có trách nhiệm lo cho mọi sự hoàn hảo, nơi chốn, đường sá, xe cộ, thuyền bè, hàng quán, trang hoàng, an ninh, đủ cả và chuẩn bị, tập luyện phân công để hát, sao cho :
Một đàn cò trắng bay tung
Bên nam bên nữ, ta cùng hát lên,
Hát lên ngày hội linh đình
Cho loan sánh phượng, cho mình sánh ta.
* * *
Nguyễn Du dính dấp đến quan họ từ lúc sơ sinh hay nếu sự thai giáo như người Trung Hoa tin là thực có, thì từ lúc có cái “thức” ở trong bụng mẹ.
Cha của Nguyễn Du, Nguyễn Nghiễm, là rể của Bắc Ninh.
Mẹ của Nguyễn Du, nhũ danh Trần Thị Tần, là con gái Bắc Ninh, nổi tiếng từ lúc mới lớn lên là xinh đẹp và hát hay nhất làng:
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai,
Thông minh vốn sẵn tư trời,
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.
(Theo tộc phả họ Trần thì nguyên quán của gia đình là ở xã Ông Mặc, Bắc Ninh, đến đời thứ tư thì dọn đến làng Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc, nay là huyện Từ Sơn, đã sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Ở Hoa Thiều, tiếng hát quan họ luôn luôn được khen là thanh lịch, chải chuốt. Họ Trần lại có thêm nghề hát tuồng và hát chèo, nhưng dòng Nho gia vẫn được nối dõi vì năm 1538 (khóa Mậu Tuất đời Mạc Đăng Doanh) đã có một vị tổ là Trần Ngạn Húc đậu Tiến sĩ năm 35 tuổi, con Tiến sĩ Ngạn Húc là Trần Phi Chiếu cũng đỗ Tiến sĩ năm 41 tuổi (khóa Kỷ Sửu 1589, đời Mạc Hậu Hợp).
Cha của cô Trần Thị Tần được tuyển vào làm một chân ký sự, coi về sổ sách tiền nong cho Nguyễn Nghiễm. Nguyễn Nghiễm đỗ Hoàng giáp Tân Hợi 1731, đã lập được nhiều công trạng với triều đình và năm 1757 được phong chức Tả Thị lang Bộ Hình, làm việc ở Thăng Long trong triều. Người ta kể rằng một buổi sáng, cô Trần Thị Tần được cha dẫn vào phủ nhà quan để được thấy sự giàu sang của chủ. Bất ngờ quan đi qua thấy cô gái nhỏ 16-17 tuổi thì dừng lại, hỏi dăm ba câu, cô đáp ứng hồn nhiên, trôi chảy và có duyên. Ít ngày sau, cô Tần được cưới về làm vợ ba của quan, nhưng trong thực tế thì là vợ thứ hai vì bà hai đã mất từ lâu sau khi sinh được một đứa con.
Nguyễn Du là con trai thứ ba của Trần Thị Tần(11). Sống với cha mẹ ở Thăng Long cho đến năm lên 7 thì Nguyễn Du theo cha về Tiên Điền là quê cha. Cha, anh và những người trong họ có nhiều người là những đại học sĩ đương thời, đỗ đạt cao, lại có một vài người là bậc danh sĩ có tên tuổi và sự nghiệp trong lịch sử văn chương Việt Nam. Chỉ cần kể Nguyễn Khản, anh cả khác mẹ của Nguyễn Du, là tác giả của một bản dịch Quốc âm của bài Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn) và một bài thơ Nôm được đánh giá rất cao nhưng đã tuyệt tích; Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện, viết truyện Hoa tiên ; Nguyễn Huy Hổ viết Mai đình mộng ký. Còn văn thơ Hán văn trong gia đình thì nhiều không kể xiết được.
Các thơ Quốc văn trong gia đình hầu hết là thơ lục bát hay song thất lục bát, nên Nguyễn Du rất giỏi hai thể thơ đặc thù này của Việt Nam. Nguyễn Du lại có hai lý do để coi thơ song thất lục bát và lục bát là tiếng nói tự nhiên của mình. Trước hết là vì bà Trần Thị Tần, mẹ ruột của thi sĩ, là một cô gái Bắc Ninh, sinh trưởng ở làng Hoa Thiều, trấn Kinh Bắc (Từ Sơn), cái lò của hát quan họ và chính cô từ lúc lớn lên đã được cả huyện coi là niềm hy vọng của huyện. Nguyễn Du, từ trong bụng mẹ, đã được nghe tiếng mẹ hát và những rung động của đáy lòng cũng như những âm vang của tiếng hát đã được truyền vào tâm vào trí của cái thai để được ghi lại và nung đúc thành thơ:
Trong sao! Châu nhỏ duềnh quyên,
Ấm sao! Hạt ngọc Lam Điền mới đông.
Thế rồi, sau khi sinh ra, được nuôi dưỡng bởi sữa và lời ru con của mẹ, Nguyễn Du đã lớn lên trong tiếng hát, với những câu thơ lục bát của dân tộc, của quê hương, của tình cảm và với giọng réo rắt, tình tứ và quyến rũ của mẹ. Các câu hát quan họ đã đã thâm nhập tâm hồn thi sĩ trước khi Kinh thi, Đường thi, Tống thi và các kinh sách của Phật giáo, của Khổng – Mạnh và Lão Trang được mở ra. Năm Nguyễn Du 13 tuổi, mẹ chết, tiếng hát của mẹ tắt đi nhưng vẫn còn vang dội lên mỗi khi có một ngọn gió đưa đến bên tai tiếng ca văng vẳng của một thôn nữ hái dâu nuôi tằm:
Thôn ca sơ học tang ma ngữ
(Tiếng hát quê đưa ta vỡ lòng vào tiếng nói tằm tang).
Thơ lục bát và song thất lục bát đã ở trong tâm khảm của Nguyễn Du và thành tiếng nói tự nhiên của thi sĩ vì một lý do thứ hai nữa, là từ năm lên bảy cho đến năm 19 tuổi, Nguyễn Du ở nhà với cha mẹ và đến trường của bác ở Tiên Điền, nhưng sau khi mẹ mất (lúc 13 tuổi) còn lui tới thường xuyên ở làng Quỳnh Lưu, ở nhà họ Nguyễn Huy với Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Vịnh, Nguyễn Huy Tự, có họ thân và là những bậc tài hoa trong thời:
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa,
Chung quanh vẫn đất nước nhà.
Họ bình luận thơ văn với nhau, làm thơ thách đố thử tài nhau và khi Nguyễn Du đã trên 16 tuổi thì được dắt đi theo thành một “quan họ” để hát ví với các cô phường vải “Cuộc say đầy tháng, trận cười thâu đêm/ Dập dìu lá gió cành chim”, trong hai năm:
Đêm đêm thường hát ví xôn xao
Ai ai cũng trầu cau đãi đọa.
Hai chục năm sau Nguyễn Du nhớ lại, còn viết bài giã từ các em (Văn tế sống hai cô Quỳnh Lưu), trong đó ông nhắc đến quan họ của các anh em ông (“trai ba phủ”):
Quây ngoài sân thì trong làng chín mười ả,
Ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi,
Lại có ả bưng trầu tận miệng, mỹ nữ như hoa;
Leo lên giường thì quan họ năm bảy ông,
Ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc truyện,
Lại có ông đắp áo chùm đầu, cao bằng màn tọa.
“Quan họ” là một danh từ không chỉ quây nhỏ trong mấy làng hát hay và hay hát của Bắc Ninh mà đã lan rộng ra đến biên giới Nhật Nam của nước Đại Việt, nhưng các liền chị, liền anh vẫn là ở phía đông bắc của thủ đô Thăng Long, trong vùng đất của sông Đuống, sông Cầu, với những tên xưa xa lắc xa lơ nhưng những giấc mơ về nguồn: thôn Rào, làng Quậy, chợ Chờ, làng Gạch, làng Lim, làng Nưa, làng Diềm, làng Bò, hội Gióng, hội Ó, núi Sóc, sông Cà Lồ, quan họ Kết Chạ… lên đến thủa khai sinh của nước. Là vì ta nói lối nói lái từ lúc mới có tiếng nói để vui cười và dạy dỗ nhau, lại ca hát trên ruộng trên sông theo nhịp chân và nhịp chèo rồi thu nhận và biến cải điệu ru con của các đồng bào gốc Chăm thành thơ của dân ta từ thời những éo le rắc rối của lịch sử Trung cổ dẫn dắt người Chăm nhập tịch vào nước Việt trong thời Lê – Lý. Còn trong vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh, đến năm 1609, đời Lý Thánh Tông, vua Chăm là Chế Củ mới dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính(12) để xin đình chiến và thần phục. Sự hòa đồng Việt Chăm cũng tạo ra lối hát quan họ trong dân gian gắn liền với sự tổ chức các phường để sản xuất và buôn bán chuyên nghiệp phát triển ra ngoài các lũy tre của làng mạc. Nhưng các o (ả) không phải là “liền chị” mà là “thổ” (thủ, đầu sỏ) và “bà nàng” (con gái có chồng), tuy các đám cũng là “quan họ”.
Nguyễn Du cùng mấy người đàn anh trong họ đến Quỳnh Lưu, “bướm ong phấp phới, oanh yến ra vào”, khi “họp chợ xuân”, lúc “dạo điếm nguyệt”, có buổi lại “buông bè chuối giữa dòng nước chảy”, nhiều đêm còn “theo chúng bạn”, “chơi cửa chơi nhà”, “câu huê tình đọc bên tai nghe xả xả”, “được thế hãy chơi cho thỏa”. Hai năm lai vãng Quỳnh Lưu, kết tình với o Uy, o Sạ:
Tính khí dịu dàng,
Hình dung ẻo lả,
Rạng làu làu, gương đan quế vừa tròn,
Non mơn mởn, đóa hải đường chưa nở,
… Tiếng cười nói, nghe cũng hữu tình
Nước bước nước đi thật là vô giá
là hai niên đại học để vào đời của thi sĩ, tuy đã nổi tiếng tài hoa (“nhất thế tài hoa”) trong làng trong họ, nhưng nghiệp sống chưa đủ sự đau khổ để thành được nhà thơ của dân tộc:
Đã cho lấy kiếp hồng nhan,
Làm cho cho hại cho tàn cho cân,
Đã đầy vào kiếp phong trần
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!
Cậu Chiêu Bảy lều chõng đi thi năm 19 tuổi và chỉ đậu Tam Trường (tú tài), phải đổi nghiệp văn sang nghiệp võ và nối chức ông cha nuôi làm Chánh Thủ Hiệu Thái Nguyên. Ba năm sau thì bao nhiêu mộng vàng của ông sụp đổ (1789), Nguyễn Huệ đem quân ra đánh úp quân Trung Hoa dưới sự chỉ huy của nhà Mãn Thanh, vua Lê phải bỏ ngôi chạy cùng với quân Thanh và nhà Lê hết nghiệp. Nguyễn Du từ Thái Bình chạy theo để bảo giá nhưng không kịp phải quay về. Nguyễn Nễ (anh ruột Nguyễn Du), và Đoàn Nguyễn Tuấn (anh vợ Nguyễn Du), đưa Nguyễn Du về trốn tránh ở nhà vợ ở Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Côi, Thái Bình.
Suốt từ lúc ấy cho đến khi đặt bút viết bài thơ Chiêu hồn các người chết trong cuộc đại loạn thời Tây Sơn và Đoạn trường tân thanh tức Truyện Kiều, Nguyễn Du không trở lại với quan họ. Thi sĩ không còn cái thú tiêu dao cười cợt và cái tâm hồn tươi trẻ để ngồi trên chiếc chiếu mà ngâm ngợi nguyệt và cười cợt hoa nữa. Ông nung đúc tâm can và còn phải trông thấy những điều làm ông đau lòng và phẫn uất rồi mới đưa được thơ quan họ của dân tộc thành một bài thơ dài để nói lên cái khổ của sự làm người có thân, nhất là cho một nửa nhân loại chưa được quyền có tài và chỉ được bán cái sắc của mình.
Khởi Hành 2011
------------------------------------------------------------------------
1. Trần Ngọc Ninh. Tố Như và Đoạn trường tân thanh, Khởi Hành xb, 2004, California, USA.
Trần Ngọc Ninh – Hồ Xuân Hương và Đoạn trường tân thanh, Thế Kỷ 21: 193, 2005.
Trần Ngọc Ninh. Thơ trong Truyện Kiều, Khởi Hành, 2010 và Truyền Thông 39 và 40: 251, 2011.
2. Xin xem bài Dân ca trống quân của cụ Nguyễn Gia Liên, Đặc san Bắc Ninh, 2011.
3. Đại Việt sử ký toàn thư – Những câu để trong ngoặc kép ở đoạn này là chép nguyên văn bản dịch.
4. Hoàng Xuân Hãn – Lý Thường Kiệt, Minh Tân xb, Paris.
5. GS Durand đã công bố bản dịch chuyện Tấm Cám theo một văn bản cổ chữ Chăm, trong thông báo của hội Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrème Orient).
6. Nguyễn Duy Tiếu phiên diễn Vương Duy Trinh Thanh Hóa quan phong (1903), Bộ VH, GDTN, 1973, Saigon.
7. Nam Hải Quán Thế Âm, bản NH, H.T Thích Thanh Tứ phiên diễn, 1990, KHXH xb.
8. Phạm Duy – Dân ca ở Việt Nam. Tôi không có nguyên bản để tra cứu và phải trích dịch từ bản dịch Anh văn. Musics of Vietnam, Feffer & Simons, Inc, London, 1973.
9. Võ Phiến: Thơ lục bát Chàm. Báo Bách Khoa, tháng 9, 1971, Saigon – Tùy bút I; Văn nghệ California, 1986.
10. Braudel, F. Civilization Matérielle, Economies et Capitalisme, XV-XVIIIe. siècles, A. Colin, 1979, Paris.
11. Trong bài Thơ trong Truyện Kiều (2011), tôi viết lầm rằng hai con đầu của bà Tần chết sớm. Con đầu của bà mất năm 18 tuổi. Con thứ hai là Nguyễn Nễ, sinh 1761, mất năm 1805. Nguyễn Du sinh năm 1765 và mất năm 1820. Nguyễn Du còn có một em trai tên là Ức sinh năm 1767 và một em gái ruột, tên là Diên.
12. Ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính (không biết tên Chăm là gì), nay thuộc địa phận hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.