Điều này cũng được ghi chép trong bộ Đại Nam nhất thống chí (quyển viết về tỉnh Nghệ An) và trước đây đã được mọi người tin theo nhưng từ năm 1943, sau khi cụ Đào Duy Anh cho rằng, Liệt truyện soạn ở đời Tự Đức (sau khi Nguyễn Du mất đã 30 năm) có thể đã chép sai và cho rằng, Truyện Kiều đã được viết ra khi Nguyễn Du mới ra làm quan với nhà Nguyễn (khoảng từ 1802 đến 1809).
GS Hoàng Xuân Hãn, theo kỵ húy trong bản Duy Minh Thị, cũng cho rằng: “Bản Duy Minh Thị chỉ có kỵ húy đời Gia Long, không kỵ húy đời Minh Mạng, thì biết rằng bản viết người ta theo đó để mà sao lại, chắc chắn đầu đời Gia Long”. Nói như vậy cũng chỉ là phỏng đoán thôi.
Vấn đề kỵ húy này chúng tôi đã trình bày trong bài viết kỳ trước là nếu không tìm được bản gốc của Nguyễn Du viết thì không thể có bằng cứ để xác định được. Chúng tôi cho rằng, các vị quan trong Quốc sử quán thời Nguyễn đã ghi chép theo biên niên các sự kiện lịch sử thì những người biên soạn bộ Đại Nam chính biên liệt truyện và Đại Nam nhất thống chí có thể căn cứ vào đó để ghi chép lại (không phải là ba mươi năm sau mới nhớ mà chép lại), nên không thể sai được.
Chúng ta lại cũng cần biết rằng, nếu Nguyễn Du không đi sứ sang Trung Quốc thì làm sao ông có thể gặp được quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Quyển này ở bên Trung Quốc hồi đó cũng đã rất hiếm, nay chỉ còn hai bản: một bản do Sơn Thủy Lân in đầu đời Thanh, hiện còn lưu giữ ở Thư viện Đại Liên và một bản hiện còn được lưu giữ ở Thiển Thảo văn khố bên Nhật Bản.
Chính vì lẽ đó mà Giáo sư Trần Ích Nguyên, chuyên giảng dạy và nghiên cứu tiểu thuyết cổ Trung Hoa ở Đài Loan, đã viết trong quyển Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều(1) rằng:
“Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân khi nào từ Trung Quốc truyền sang Việt Nam, hiện chưa được rõ ràng. Người Việt Nam đầu tiên coi trong bộ truyện này là Nguyễn Du. Do Nguyễn Du từng đi sứ Trung Quốc vào năm thứ 18 niên hiệu Gia Khánh đời Thanh (tức năm thứ 12 niên hiệu Gia Long triều Nguyễn của Việt Nam, Công nguyên năm 1813). Nói chung người ta cho rằng năm sau, khi trở về Việt Nam, ông đã mang cuốn tiểu thuyết đó về theo”.

Đại thi hào Nguyễn Du.
Quyển Kim Vân Kiều truyện khan hiếm như vậy nên vào năm Đinh Dậu (1957) Nguyễn Đức Ngột đã sao chép lại(2) và đã ghi là của Thanh Tâm Tài Tử biên thứ (khác với những bản khác nói chung đều để là Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ).
Cụ Đào Duy Anh đã căn cứ vào bài Tựa Kim Vân Kiều án của Nguyễn Văn Thắng (gọi Nguyễn Du là “quan Đông Các”) mà cho rằng, Truyện Kiều tức Đoạn trường tân thanh đã được Nguyễn Du viết ra khi mới bắt đầu ra làm quan với nhà Nguyễn, khoảng từ 1802 đến 1809.
Sự thực thì Nguyễn Văn Thắng đã viết sai nhiều chi tiết như khi cho rằng, “Xưa nhà Ngũ Vân Lâu bên Tàu in bản Thực lục đã lưu hành khắp chỗ từ trước đến nay” thì đã sai cả tên sách và tên nhà xuất bản (đúng ra thì nhà xuất bản là Sơn Thủy Lân và tên sách là Kim Vân Kiều truyện). Về điểm này, chúng tôi đã chứng minh đầy đủ trong bài Cần phải xác định lại giá trị bài Tựa Kim Vân Kiều án, trong quyển Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều(3).
Cụ Đào Duy Anh lại cho rằng, “sách đã lưu hành khắp chỗ từ trước đến nay” thì lại càng sai, vì sách đâu có thể lưu hành sang khắp chỗ ở Việt Nam được. Có chăng là quyển Kim Vân Kiều lục (của một nhà Nho viết lại theo truyện Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du) do Chiêu Văn Đường cho khắc in năm Mậu Tý (1888).
Nếu Truyện Kiều đã được phổ biến rộng rãi trước khi Nguyễn Du đi sứ thì làm gì các vị quan chép sử lại không biết. Vậy Đại Nam chính biên liệt truyện và Đại Nam nhất thống chí vẫn là một tài liệu trung thực hơn cả.
Nếu Truyện Kiều đã được viết ra từ đầu đời Gia Long thì sao trong suốt thời gian từ 1802 đến 1820 không thấy có một bài nhận xét phê bình nào về tác phẩm nổi danh ấy? Phải đến đời Minh Mạng mới có bài Tổng thuyết của nhà vua và hai bài Tựa Truyện Kiều của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân và Phong Tuyết chủ nhân Thập Thanh Thị.
Tiên Phong - Mộng Liên Đường chủ nhân đã viết rằng: “Ta lúc nhàn đọc hết cả một lượt, mới lấy làm lạ rằng: Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy. Bèn vui mà viết bài tựa này” (Bùi Kỷ dịch).
Nhận xét ấy thật đúng. Chỉ riêng nói về tả cảnh thì đúng là đã hệt. Nếu Nguyễn Du không có dịp sang tận Trung Quốc thì làm sao ông có thể tả được cảnh mùa thu với cảnh rừng phong lá chuyển màu từ xanh dần dần sang vàng hoặc đỏ hồng:
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
(câu 1520)
hoặc:
Rừng thu từng biếc chen hồng
(câu 917)
Phải là người đã được trông thấy cảnh rừng phong về mùa thu từ lúc lá phong chuyển màu dần dần từ xanh sang vàng hay sang đỏ hồng thì mới tả được như vậy. Kiều Oánh Mậu, không có dịp sang Trung Quốc, không được trông thấy cảnh rừng phong về mùa thu đã sửa lại câu 917 là:
Rừng thu rỗ biếc ố hồng
Ông cho cây phong cũng như cây bàng về mùa thu lá xanh chỉ rỗ hồng thôi.
Ông đã không trông thấy cây phong “nhuốm màu quan san” mà dám sửa thơ của Nguyễn Du. Cụ Đào Duy Anh trong quyển Hán-Việt từ điển đã giảng phong là cây bàng và Lê Văn Hòe trong quyển Truyện Kiều chú giải đã giảng: “Cây phong ngờ là cây bàng bên ta. Thu đã nhuộm màu: sang mùa thu, thì lá bàng vàng và đổ dần sang màu đỏ sẫm. Màu ấy đặt vào đám rừng cây xanh thì nổi bật lên rất dễ nhận, có lẽ vì thế mà tác giả thích tả rừng phong chăng?”.
Lê Văn Hòe không được trông thấy cây phong nên mới ngờ cây phong là cây bàng. Ông đã không trông thấy cảnh lá phong dần dần đổi màu nên đã phiên âm sai là “nhuộm”. Quyển Văn học lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo Dục cũng chép là “Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san” như thế là đã phổ biến cái sai cho các học sinh.
Xuân Diệu trong bài Chung quanh từ ngữ Truyện Kiều cũng đã có nhận xét rằng: “Khi hai chữ xuýt xoát ngang nhau, thì đó không phải là một từ có hai cách đọc, mà là hai từ biệt lập khác nhau, cho nên cân nhắc khó hơn: “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” nếu thay chữ nhuộm vào, thì dứt khoát quá, như đem rừng phong mà nhúng vào thùng màu vậy.
Nhuốm thì thanh tú hơn, nó gợi đến chữ “nhuốm bệnh”, nó tinh thần hơn là vật chất; vả lại là rừng từ xanh chuyển dần sang vàng, sang đỏ, chứ không phải nhuộm ngay một lúc”.
Qua hai phần nhận xét trên, chúng tôi cho rằng, Đại Nam chính biên liệt truyện đã chép đúng là Nguyễn Du sau khi đi sứ về mới viết Truyện Kiều.

"Rằng hay thì thật là hay" - Tranh lụa Tú Duyên
Nhưng GS Hoàng Xuân Hãn lại căn cứ vào châu phê của Nguyễn Lượng (trước năm 1802) mà cho rằng, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều trước khi đi sứ. Nhận xét ấy cũng không xác thực vì Chiêm Vân Thị trong Thúy Kiều truyện tường chú(4) đã cho rằng:
“Kinh bản có lời phê của họ Vũ và họ Nguyễn. Có người xưng hai nhà này là bậc danh nhân, đồng thời với Hồng Sơn tiên sinh. Song xét những lời phê bình đó đều thấp kém quê mùa. Có lẽ là một tay xoàng xĩnh nào mượn tiếng đó thôi chứ không phải là danh nhân”.
Chúng tôi cho nhận xét ấy là đúng vì các lời châu phê (chỉ có 14 chỗ gồm tổng cộng là 122 chữ) mà các sách chép lại đã không giống nhau và còn có chỗ sai hẳn. Như ở đoạn từ câu 3185 đến câu 3188:
Chở che đùm bọc thiếu gì, Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay. Thoắt thôi tay lại cầm tay, Càng yêu vì nết, càng say vì tình. |
Bản Kiều Oánh Mậu đã ghi lời phê của Nguyễn Lượng: 二人復入繡幃百種歡娛只不言雲雨事 = Nhị nhân phục nhập tú vi bách chủng hoan ngu chỉ bất ngôn vân vũ sự (Kim Trọng và Thúy Kiều, hai người lại vào trong màn gấm vui mọi cách khoái lạc chỉ không nói đến chuyện mây mưa thôi).
Thực ra câu ấy mà ghi là lời phê của Nguyễn Lượng thì sai hẳn vì câu ấy chính là của Thanh Tâm Tài Nhân đã viết trong quyển Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc. Câu ấy lại cũng không có trong quyển Đoạn trường tân thanh của Tiểu Tô Lâm – Nọa Phu – Nguyễn Hữu Lập san cải chép tay năm 1870.
Vậy với tất cả những nhận xét trên, chúng tôi cho rằng, Nguyễn Du đã viết quyển Truyện Kiều tức Đoạn trường tân thanh sau khi đi sứ về vào năm 1814 đúng như Đại Nam chính biên liệt truyện đã ghi chép.
(1) | Trần Ích Nguyên soạn – Phạm Tú Châu dịch. Nhà xuất bản Lao Động – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2004 |
(2) | Sách được lưu trữ tại Thư viện Hán - Nôm. Ký hiệu A. 953. |
(3) | Nguyễn Quảng Tuân biên soạn. Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2000. |
(4) | Chiêm Vân Thị chú đính. Lê Mạnh Liêu dịch, Sài Gòn, 1959. Tái bản lần thứ nhất năm 1973. |