… Ở đây tôi lại cho phép thêm một ngoại đề nhỏ về sáng tác thơ của Nguyễn Đình Thi, hơn thế nữa là truyện thơ Mẹ con đồng chí Chanh xuất hiện trước tiểu thuyết Xung kích một chút có thể coi là một sự mở đầu một cách hình thức trong văn chương của anh.
Người ta thường nói, một nhà thơ, một khi bắt tay vào sáng tác văn xuôi, hiếm khi quay trở lại với thơ. Tôi không biết, trong lịch sử văn học có những thí dụ hoặc ủng hộ, hoặc phản bác điều khẳng định này. Tuy nhiên Thi thì không hề bỏ thơ. Có lẽ rằng chẳng qua anh thuộc số các nhà thơ trăn trở rất lâu mỗi hình tượng, mỗi câu chữ. Ở đây nhiều điều được những lời của chính anh giải thích rõ ràng: “Làm thơ là đang sống, không phải chỉ nhìn lại sự sống”, những lời ấy lấy từ bài viết Mấy ý nghĩ về thơ.
Dù anh có viết về điều gì đi nữa (mà cái nền của phần lớn các sáng tác thơ của anh đều là chiến tranh) thơ của anh đều có đặc điểm dung dị, thành tâm đến xốn xang, các hình tượng trong sáng và hình thức được trau chuốt, anh sử dụng một cách thoải mái như nhau cả các thi vận truyền thống lẫn các câu thơ tự do còn tương đối là mới đối với thi ca Việt Nam. Ta hãy cùng nhau nghe:
Sông này trôi về đâu Đường này đi về đâu Xanh rờn lúa bát ngát Chùa cũ nhớ về đâu Cỏ dại gọi về đâu Khói nhà máy cuộn trào Ù ù trong gió bụi Đoàn xe chạy về đâu Về đâu mây buổi sớm Về đâu nắng buổi chiều Trên trang thơ vội vã Dòng chữ viết về đâu Mắt người nhìn về đâu Bước chân người về đâu |
Thoạt nhìn có thể tưởng: trước mặt chúng ta là như câu triết lý về ý nghĩa của sự tồn tại và v.v… Đã có biết bao nhiêu câu như thế và sẽ còn có biết bao nhiêu câu như thế nữa. Nhưng hai câu kết thúc lại cho bài thơ một bước ngoặt bất ngờ, một ý tưởng mới:
Những đêm những ngày Miền Nam gọi (1) |
Ta hãy nhớ những câu thơ này được viết vào năm 1972, khi Việt Nam còn bị chia cắt làm hai. Và đối với nhà thơ ý nghĩa chủ yếu của điều cốt lõi của mình, mục đích cao quý nhất chính là sự thống nhất tổ quốc, tự do và hòa bình cho tất cả đồng bào của anh trên miền Bắc cũng như miền Nam. Bởi vì “làm thơ - có nghĩa là sống…”.
Còn đây những dòng thơ lại ngân vang khác hẳn, có nhà phê bình đã gọi chúng là thứ trữ tình “suông”.
Trên con đường nhỏ em đã đi Những hàng cây hôm nay muốn nói gì Làn gió mát buổi sáng này của em Cỏ xanh non trên đất này của em Tiếng xe tiếng người rì rầm ngoài xa kia của em Mỗi giây phút đời anh là của em …Anh yêu em mỗi ngày thành dòng suối mới Và đêm thành cánh đồng sao cho anh lượm đầy tay Những nỗi vất vả thành niềm an ủi Giọt nước mắt thành giọt mặt trời (2) |
Có đúng là câu thơ hay không nào? Và Thi có không ít những câu thơ hay như thế. Nhưng với tôi, người dịch các tiểu thuyết và truyện ngắn của anh, luôn luôn lấy làm lý thú khi thấy sợi dây vô hình nối thơ với văn xuôi của anh. Phải nói rằng phải có một cái chung của chúng trong phong cách sáng tác, trong phương pháp nghiên cứu các tính cách con người, trong cấu trúc xây dựng hình tượng.
Văn xuôi của Nguyễn Đình Thi đậm chất trữ tình. Trong đó, giống như thường có trong thơ, tình yêu chiếm một vị trí quan trọng, một tình cảm tuyệt vời, nâng con người lên cao, giữa các tình cảm của con người khác. Có thể, điểm bí mật ở đây là phần lớn các nhân vật trong văn xuôi của anh đều là người trẻ. Một điều hiển nhiên là: tình yêu và sự chung thủy trong tình yêu đối với họ là những giá trị quan trọng khác thường, xác định đạo đức.
Như một nhà thơ, Thi biết cách nhận ra và thể hiện trong văn xuôi của mình những sắc thái tinh tế của những tình cảm ấy: tình yêu vừa chớm nở, niềm vui gặp gỡ và nỗi đau đớn của chia ly, ý nghĩa giá trị của mỗi lời cho dù là tình cờ buột miệng, niềm hy vọng, những ký ức day dứt…
… Đến đây tôi lại tự cho phép mình có thêm một ngoại đề nữa. Đây là ngoại đề về chúng tôi và các bạn, về những người Nga và về nước Nga. Trong tiểu thuyết của Thi có hai nhân vật: Nina – cô là một cây violon và Fedor – một nghệ sĩ dương cầm. Cả hai chơi nhạc tại quán bar “Con gà trống Gôloa”, mặc dù qua mọi dấu hiệu, đây là các nhạc công nghiêm túc, cả hai đều khao khát về nước Nga, về tổ quốc, và vào những thời điểm khác nhau trong các bối cảnh khác nhau đã rời bỏ Hà Nội.
Đây không phải điều hư cấu của tác giả. Tôi được nghe nói, vào thời gian đó có một số người Nga sống ở Việt Nam. Ai, tại sao – tôi không biết: số phận những người lưu vong rối rắm và tối mù. Và họ khó mà như Thi đã đưa ra miêu tả. Đặc biệt là Fedor, cùng với người bạn Việt Nam đã ăn mừng mỗi chiến thắng của quân đội Xô Viết đối với bọn phát xít. Mà có thể cũng đã có…

Nguyễn Đình Thi và nhà báo Pháp Madeleine Riffaud, chụp năm 1958
Dù sao đi nữa, đối với Thi thì họ không thể khác: Bởi vì điều đó với anh quan trọng là tiếng nói của nước Nga, cái vở kịch xướng thanh nhiều lớp lang có thể đem sánh với tiểu thuyết của anh. (Nhân tiện cũng phải nói, tôi xin biện hộ cho sự so sánh này: Thi là một nhạc sĩ, và là một nhạc sĩ khá giỏi, những ca khúc anh sáng tác từ những năm kháng chiến, cho đến nay vẫn được mọi người hát)…
… Dường như có cảm giác rằng thành công của bộ tiểu thuyết hai tập sẽ phải thúc đẩy Thi viết tiếp văn xuôi, như người ta nói, đi tiếp trên lối mòn đã được mở rộng. Nhưng vừa hay, một niềm đam mê mới hút hồn đã choán lấy anh “Có hai loại người yêu” – anh trả lời phỏng vấn của tạp chí Liên Xô Văn học nước ngoài cách đây hai năm – một số người yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ở số người yêu loại khác thì niềm say mê chín dần, nhưng sau đó cùng với thời gian lại chiếm lĩnh toàn bộ sự tồn tại của họ và sau nữa không còn kìm giữ được giới hạn. Tôi thú nhận là mình thuộc vào số người yêu “từ từ”. Đối tượng của niềm say mê lúc này của tôi là sân khấu”.
Nói chung thì trong lĩnh vực kịch Thi cũng không phải là lính mới. Năm 1961 anh đã xuất bản vở kịch cổ tích Con nai đen. Than ôi, bấy giờ một số nhà phê bình theo tôi đã không hiểu đúng vở kịch. Sau đó, như chúng ta còn nhớ, tiểu thuyết được in, thơ, bút ký, tiểu luận, câu chuyện cổ tích ngộ nghĩnh Cái tết của con mèo con (câu chuyện này đã mấy lần in đi in lại… và tôi rất muốn bổ sung trong ngoặc rằng, trẻ em của chúng ta theo chân các bạn đồng niên Việt Nam của mình đã được nhìn thấy nhân vật của mình trên hình vẽ do xưởng phim hoạt hình Hà Nội sản xuất).
Nhưng đây, niềm say mê chậm đã chín. Mà phải nói là chính bản thân Thi bây giờ có cảm giác, dường như tất cả mọi cái anh đã viết trước đây chỉ là “bước tiếp cận, những bậc thang để đi tới sân khấu”. Trong bảy năm anh viết bốn vở kịch. Và Thi khẳng định rằng anh chưa từng bao giờ làm việc lại nhiều lại say mê đến thế.
Vở kịch đầu tiên Hoa và Ngần được mang tên hai nữ nhân vật chính trong vở. Hoạt động của vở choán một thời hạn kéo dài khác thường đối với tác phẩm sân khấu – 17 năm, từ năm 1956 đến năm 1973. Chúng ta nhớ lại là năm 1954 cuộc kháng chiến chấm dứt, năm 1959 bùng nổ chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam. Từ năm 1960 Hoa Kỳ mở rộng xâm lược miền Nam, còn năm 1965 đem các hoạt động quân sự ra cả miền Bắc Việt Nam.
Mọi chuyện đó phản ánh một cách bi thảm trên số phận của nhiều con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, đập tan, cướp đi tình yêu vừa mới chớm nở. Chiến tranh ngang nhiên xâm nhập vào cuộc sống của hai nhân vật nữ của vở kịch – hai thầy thuốc, những người bỏ bao nhiêu sức lực và lao động cống hiến cho thắng lợi và tên tuổi họ không bao giờ được nhắc đến trong các báo cáo và các bản tin. Và sau khi công bố vở kịch này Thi, như anh đã nói vẫn trong trả lời phỏng vấn trên, “đã được nếm không phải chỉ thứ mật ngọt khen ngợi…”
Trước khi nói về các vở kịch khác của Nguyễn Đình Thi có lẽ nên kể về các sự kiện trong cuộc đời anh xảy ra trước khi anh xây dựng các vở kịch ấy. Vào năm cuối cùng của cuộc chiến tranh anh đã đi theo “Con đường mòn Hồ Chí Minh” nổi tiếng vào miền Nam và sau đó, tiến từ châu thổ sông Mê Kông ngược ra phía bắc, gặp các cánh quân của lực lượng giải phóng đang tiến công, lại quay về hướng ngược lại đi hầu như khắp miền Nam Việt Nam. Phần lớn con đường anh vượt qua bằng đi bộ.
Nhưng tốt hơn là nhường lời cho chính Thi kể: “Chuyện này không thể so sánh với bất cứ điều gì – anh nói – Chính mắt mình nhìn thấy ở các vùng vừa thoát khỏi kẻ thù, cũng như chú bướm nhỏ thoát khỏi vỏ nhộng, rũ lớp che phủ cũ kỹ, tàn tạ, một cuộc sống mới nảy sinh. Vô vàn số phận con người lộ ra cho tôi thấy cái bề mặt thật sự quá bất ngờ. Và tôi đã nhìn thấy cái chết và đau thương, nỗi tuyệt vọng và niềm hân hoan vui sướng, sự chiến thắng của lẽ công bằng. Tôi đã nhìn thấy, nói một cách bóng bẩy, cả “sự kháng cự cái thiện” - đáng tiếc, không phải mọi người và không phải tất cả ngay một lúc đã hiểu được. Mà có ai đó còn cố bấu víu lấy cái cũ, không chịu hiểu ra điều gì hết”. Ở nhà tại Hà Nội, người nhà tưởng anh đã hy sinh, nhưng anh đã trở về – mãi trước ngày chiến thắng.
Tất nhiên, bức tranh sử thi của cuộc chiến tranh nhân dân, cái chết của cuộc đời cũ và sự nảy sinh của cuộc sống mới không thể không đem lại một bước chuyển biến mới nào đó cho suy nghĩ và tài năng của người nghệ sĩ, một nhãn quan mới mẻ, bao quát hơn về lịch sử như về sự đối chọi thường xuyên giữa các lực lượng xã hội và các tính cách con người. Anh đã nhìn thấy những bước ngoặt của thời gian diễn biến mới nhanh chóng và bi thương chừng nào. Anh hiểu ra rằng không có giới hạn đối với lòng quả cảm của con người và sự chịu đựng lâu dài: cái ác, thậm chí có giành phần thắng, cũng phải ra đi, còn cái thiện không gì thắng nổi.
Nhưng anh còn hiểu ra rằng, mọi cái mà anh nhìn thấy - đó là kết quả của sự tồn tại lịch sử lâu dài và những nguyên mẫu những tính cách mà anh gặp sẽ tan đi trong bề dày thế kỷ. Anh tìm đến lịch sử, để thấu hiểu được những người đương thời của mình và chia sẻ với họ phát hiện của mình. Hai vở kịch mới của anh được viết dựa vào các cốt truyện thời trung đại: Rừng trúc (1978) và Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1974). Nữ nhân vật của vở kịch đầu (sự kiện xảy ra ở thế kỷ XIII) là công chúa được gả chồng chỉ để đưa vị hôn phu lên ngai vàng, sau những thất vọng và những tỉnh ngộ cay đắng tạo dựng hình thành một vì vua hợp pháp duy nhất của ngai vàng, nhưng đoạn tuyệt với họ hàng ruột thịt, không mong muốn có một cái gì dính dáng với cuộc sống đê mạt và hối hả của cung đình.
Tác phẩm này làm ta kinh ngạc bởi sự căng thẳng tột độ của những ham mê và quy mô các tính cách. Nhưng ẩn ý lịch sử trong đó cũng sáng rõ. Triều đại nhà Trần vừa nắm được quyền binh tập hợp lực lượng để chống cự với các cuộc xâm lăng đang rình rập từ Trung Quốc. Và Hoàng đế Việt Nam buộc phải dựa vào nhân dân, những người xuất thân từ nhân dân đóng vai trò chính trong vở kịch.
Trong vở thứ hai, Nguyễn Trãi (1380 – 1442) được đưa lên - đó là nhà thơ vĩ đại của Việt Nam, nhà tư tưởng và vị thống soái, một trong những lãnh tụ của cuộc chiến tranh nhân dân đẫm máu và lâu dài. Kết thúc bằng việc đánh đuổi bọn xâm lược Trung Hoa ra khỏi bờ cõi. Ông ra mắt trong hoàn cảnh những năm tháng bị giam giữ ở Đông Quan (tên gọi thủ đô nước Việt lúc đó), từ đó bỏ trốn tìm đến với những người khởi nghĩa.
Trong vở kịch thứ hai này những con người xuất thân từ các tầng lớp khác nhau nhất được khắc họa một cách chân thực và tài nghệ đến lạ lùng – quan lại, thợ thủ công, lính tráng, các nhà tu hành, các nghệ sĩ diễn viên. Hình tượng bọn chiếm đóng, những quan quân Trung Quốc, bọn cai ngục và bọn phản bội bán mình cho chúng, khơi dậy sự tởm lợm và căm ghét. Trong vở kịch về Nguyễn Trãi, tác giả khước từ phong cách hiện thực nghiêm ngặt, thể hiện trong vở kịch lịch sử đầu tiên của anh, ở đây có rất nhiều biểu tượng và ước lệ vốn thuộc sân khấu đương đại.
Tuy nhiên, nếu như bàn đến tượng trưng và ước lệ sân khấu ở kịch của Nguyễn Đình Thi, chúng ta buộc phải trở lại với một vở kịch khác của anh – vở Giấc mơ viết năm 1977. Vở kịch được viết bằng văn xuôi có nhịp điệu và thơ. Tôi hẳn khó có thể xếp nó vào một thể loại cụ thể. Kịch hoán tưởng ư? Kịch trường ca? Ngụ ngôn triết lý?… Nội dung cơ bản dẫn đến câu chuyện là cuộc chống chọi giữa một người lính bị thương đang hấp hối với Thần chết. Thế giới hư vô, theo lời của Thần chết, là những ảo ảnh đầy cám dỗ hay quan trọng đáng kể – sự xuất hiện của nữ vương Ai Cập Cléopâtre của vị Hoàng đế, hiện thân của sự tàn bạo, cứng rắn (ông ta được lấy mẫu từ Hoàng đế cổ đại Trung Hoa Tần Thủy Hoàng – một bạo quân, nổi danh một cách đáng buồn bởi việc đốt sách và diệt trừ bất cứ biểu hiện nào của tự do tư tưởng).
Nhưng có cả những nhân vật của một truyền thuyết cổ Việt Nam ở trong thế giới không tưởng kia. Công chúa Tiên Dung và chồng của nàng, anh chàng dân chài nghèo khổ Chử Đồng Tử – tượng trưng cho sự chung thủy trong tình yêu và sức mạnh lao động và sự bền bỉ không gì thắng nổi con người. Thế giới của những người sống, lấn át Thần chết, được đưa ra qua bà Mẹ anh lính, Người yêu của anh ta, Cậu học trò, Ông lão đi tìm con trai… Và đây là lời của chính Thi nói về vở kịch này của mình: “Các nhân vật của nó – các hình tượng tổng hợp, tượng trưng , và mối quan hệ tương hỗ giữa họ được xác định không phải bởi lô gích các tình huống sống, mà bởi sự đụng độ và phát triển của những ý tưởng… trong cuộc vật lộn giữa cuộc sống và cái chết, tình yêu và lòng căm hận, nghị lực và sự yếu đuối. Thần chết chịu thất bại” (Trích đoạn từ trả lời phỏng vấn trên).

Madeleine Riffaud lúc trẻ
Nguyễn Đình Thi – nhà văn tư duy một cách hiện đại, một cách lý thú, sắc sảo. Anh bắt người đọc của mình phải ngẫm nghĩ về các vấn đề cốt lõi của sự tồn tại, cũng như về những biến động của đời sống hàng ngày. Anh muốn sao trong mỗi người trong đồng bào của mình, xây dựng hiện tại, đặt từng viên gạch nối tiếp cho xã hội tương lai, sao cho mọi người thấy và hiểu các lý tưởng vĩ đại của tương lai này.
Vì rằng như anh nói trong một lần phát biểu của mình: “Cái mới xã hội chủ nghĩa nói chung không trên trời rơi xuống và đột nhiên khoác trang phục ngoại quốc lên người Việt Nam chúng ta”. Chủ nghĩa xã hội, Nguyễn Đình Thi khẳng định bằng những cuốn sách và sự nghiệp của mình - đó là cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tất cả cái gì cũ kỹ, cổ hủ, lỗi thời, đó là lao động không mệt mỏi và sáng tạo.
Trong cuốn sách Bên bờ sông Lô của anh có truyện ngắn Đường về, truyện cuối cùng trong tập viết về những ngày hòa bình đang đến. Nhân vật chính trong truyện, Khải - nói với những người bạn đường cũng như anh đang từ mặt trận trở về: “Có lẽ đêm nay, khắp đất nước ta ở đâu cũng im lặng lạ lùng như ở đây. Hòa bình rồi, không đâu còn tiếng súng nữa…” Phải, im lặng - đúng hơn là, dấu hiệu đầu tiên của hòa bình. Than ôi, trên đất nước của Nguyễn Đình Thi không phải bao giờ nó cũng được kéo dài. Chúng ta nhớ lại rằng, hai năm trước đây thôi những quả đạn đại bác của Trung Quốc lại lật tung nó lên.
Và tôi biết, dù Thi có ở đâu lúc này đi nữa – anh đang ngồi bên bàn viết chăng, đang từ nơi khán phòng tối om, dõi theo các nghệ sĩ đang trình diễn vở kịch của anh chăng, hay lại đang tiến bước đi đâu đó theo những dặm đường dài vô tận của mình – anh vẫn đang lắng nghe bằng cái tai quen thuộc sự yên tĩnh này, sự yên tĩnh mỏng manh và không bền vững trong cái thế kỷ không yên của chúng ta, bởi vì rằng anh từng là và vẫn là một người lính cho đến tận cùng – một người lính của cách mạng.
THÚY TOÀN dịch
(Trích Về Nguyễn Đình Thi, nhà văn - người chiến sĩ,
Lời nói đầu trong Tuyển tập tác phẩm Nguyễn Đình Thi,
bản tiếng Nga, NXB Tiến Bộ, Liên Xô, Mátxcơva, 1981)
(1) | Bản dịch tiếng Nga của L.Eidlin. |
(2) | Bản dịch tiếng Nga của E.Vinokurov. |