Nguyễn Tuân người làng Mọc Thượng Đình, một trong bảy làng Mọc của Hà Nội xưa, nay thuộc phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho cuối mùa, người bố thi đỗ Tú tài khoa thi chữ Hán cuối cùng, thường được người ta gọi là “cụ Tú Lan”. Mẹ ông bán hàng tạp hoá. Cụ tú Lan chuyển từ bút lông sang bút sắt, làm ký lục Toà sứ các tỉnh và thường được điều đến làm việc ở nhiều địa phương. Nguyễn Tuân sinh ngày 10 tháng 7 năm 1910 tại phố Hàng Bạc, Hà Nội, nhưng từ niên thiếu đã theo gia đình chuyển đến sống ở nhiều tỉnh, thành phố, từ Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Huế, đến Khánh Hoà, Hội An, Đà Nẵng, có thời gian sống khá lâu ở Nam Định. Vậy nên Nguyễn Tuân học trung học ở thành phố Nam Định.
Năm 1929, đang học dở trung học, Nguyễn Tuân tham gia cuộc biểu tình chống lại một giáo viên nói xấu và khinh miệt người Việt Nam, nên đã bị đuổi học. Năm 1930, ông theo một người bạn thân sang Thái Lan chơi, vốn ghét người Tây, lại có tính ngông nghênh coi thường luật pháp, nên bị bắt tại Băng Cốc và bị đưa về giam ở nhà lao Thanh Hoá. Hết hạn tù, Nguyễn Tuân xin việc ở Nhà máy đèn Thanh Hoá, được vài năm, rồi trở về Hà Nội và bắt đầu lập thân bằng nghề báo với chân phóng viên báo Đông Tây. Sau đó, ông viết cả cho An Nam tạp chí, Trung Bắc tân văn, Hà thành ngọ báo, Tiểu thuyết thứ bảy… Ngoài tên thật Nguyễn Tuân còn ký nhiều bút danh khác, như Nhất Lang, Thanh Hà, Ngột Lôi Quất, Thanh Thuỷ, Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc…
Làm báo chí và văn chương, Nguyễn Tuân lại rất say mê kịch nói. Thời gian này, Lê Tràng Kiều, Chu Ngọc, Vũ Trọng Can, Vi Huyền Đắc lập nên Ban kịch Hà Nội rất được mến mộ, Nguyễn Tuân kết bạn với nhóm kịch sĩ, và đã tham gia đóng một vai trong vở kịch Kim tiền của Vi Huyền Đắc.

Nhà văn Nguyễn Tuân.
Khi Tổng thư ký Liên đoàn các nghệ sĩ Việt Nam là Đàm Quang Thiện đưa một nhóm nghệ sĩ sang Hồng Công làm phim Cánh đồng ma, Nguyễn Tuân cũng tham gia đóng một vai phụ. Là một người có tâm hồn phóng túng, thích ngông, Nguyễn Tuân đã kết bạn vong niên với thi nhân lừng danh Tản Đà. Có lần Nguyễn Tuân đến 71 phố Cầu Mới thăm Tản Đà, quà mang theo là một bó đóm. Khi tiễn khách về, Tản Đà đã sẻ đôi bao diêm, biếu Nguyễn Tuân một nửa cùng mấy câu thơ vừa ứng tác:
Đóm kia tuy chẳng là bao Nhưng là tình nghĩa lẽ nào dám quên Sẵn đây còn có bao diêm Tặng ông một nửa còn riêng tôi dùng. |
Kỷ niệm ấy và bài thơ Tản Đà tặng, Nguyễn Tuân nhớ suốt đời, cho thấy ông trân trọng Tản Đà đến ngần nào. Nguyễn Tuân bắt đầu viết văn từ năm 1937, khi chơi thân với nhóm nhà văn trong Ban kịch Hà Nội, với Vũ Trọng Phụng, và nhất là khi kết thân với Tản Đà. Ông viết cho Tiểu thuyết thứ bảy những truyện ngắn đầu tiên.
Sau chuyến đi đóng phim ở Hồng Công về, năm 1939, ông gửi đăng liên tục các truyện ngắn trên Tiểu thuyết thứ bảy và tạp chí Tao Đàn. Những truyện ngắn đó được dư luận đánh giá cao, đến năm 1940, Nguyễn Tuân tập hợp lại trong Vang bóng một thời, do Tân Dân xuất bản. Tác phẩm này khiến Nguyễn Tuân trở thành nhà văn có tên tuổi trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn phát triển cuối cùng.
Vang bóng một thời gồm 11 truyện ngắn viết về cái “thời” vừa mới qua, nay chỉ còn “vang bóng”. Là thời Tây vừa đặt xong ách đô hộ lên nước ta, phong trào Cần Vương thất bại, trong không khí loạn lạc và nhiều lo âu, những nhà Nho thui thủi đi dự khoa thi cuối cùng. Viết về thời phong kiến suy tàn ấy, hầu như nhà văn chỉ thấy còn lại những cung cách sống hào hoa, cầu kỳ của đám nho sĩ cuối mùa.
Các nhân vật trong Vang bóng một thời thuộc loại tài hoa và sống tài tử. Như ông Huấn Cao có tài viết chữ “rất nhanh và rất đẹp” (truyện Chữ người tử tù). Như cụ Sáu, ông Đốc học, sư cụ chùa Đồi Mai… những người thành kính đến mức thiêng liêng khi thưởng thức một ấm trà; pha trà với nước giếng gánh từ trên đồi cao hoặc nước đọng ở lá sen trên mặt hồ mỗi buổi sớm (truyện Những chiếc ấm đất, Chén trà trong sương sớm).
Như cụ nghè Móm, nghèo mà vẫn “thắp nến bạch lạp để đọc Đường thi sách thạch bản”, đánh bạc bằng thơ dưới trăng rằm trên mặt sông, tiếng ngâm thơ “âm hưởng trên làn nước lạnh… như tiếng vang của một hội tao đàn nào”(truyện Thả thơ). Như ông Cử Hai với những cuộc phiếm du bầu rượu túi thơ. Và như bọn cướp có miếng đòn “ném bút chì” lợi hại và nghệ thuật, là những nghệ sĩ trong nghề của họ (truyện Ném bút chì)…
Các nhân vật đó được nhà văn mô tả tỉ mỉ, coi đó là những “tài hoa”, và coi kiểu sống “tài tử” đó như là “đạo sống” của họ! Đó là một cách nhà văn biểu hiện phần nào thái độ chán ghét cuộc đời tầm thường, xấu xa trước mắt. Đặc tính này vừa là cái mạnh làm hưng phấn khiến Nguyễn Tuân viết tác phẩm có sức hấp dẫn; nó cũng bộc lộ sự hạn chế của nhãn quan nhà văn, đó là cách nhìn nặng về hoài cổ.
Tuy nhiên, trong Vang bóng một thời, còn có bóng dáng của những nhân vật có khí phách, đứng lên chống lại xã hội đen tối (truyện Chữ người tử tù). Và, còn có lòng thù hận bọn thực dân tàn ác cùng lũ tay sai (truyện Chém treo ngành). Lối kể chuyện có sức cuốn hút, và nhất là thứ ngôn ngữ thuần Việt đã làm cho Vang bóng một thời đạt tới thành công đỉnh cao của văn chương Nguyễn Tuân trước năm 1945 nói riêng, và cả đời văn Nguyễn Tuân nói chung.
Vào lúc đang nổi danh trên văn đàn, cuối năm 1940, Nguyễn Tuân lại bị bắt ở Hà Nội, cũng do tính khí và thái độ đối với người Tây, và bị giam vào trại tập trung ở Vụ Bản, Nho Quan một năm. Ra khỏi trại tập trung, Nguyễn Tuân lại chuyên chú vào sáng tác văn chương, ông liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm: Thiếu quê hương, Nhà bác Nguyễn, Chiếc lư đồng mắt cua, Tóc chị Hoài, Tuỳ bút…
Trong con người Nguyễn Tuân chất chứa mối bất hoà sâu sắc đối với cái xã hội trưởng giả tầm thường, tù đọng, nhưng bản thân ông thì vẫn sống rất bế tắc. Những điều đó thể hiện cả trong văn của ông. “Càng về sau, Nguyễn Tuân càng chìm sâu vào bế tắc, khủng hoảng và cho in những sáng tác ma quái (Xác Ngọc Lan, Đói roi rượu bệnh…)”- Từ điển văn học, tập II, NXB Khoa học xã hội-1984. Thật sự may mắn cho Nguyễn Tuân là, đang chìm sâu vào bế tắc, thì Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đã giải phóng cho tâm hồn cũng như nghệ thuật của ông. Nguyễn Tuân lập tức hoà mình vào cuộc sống mới.

Bìa cuốn Vang bóng một thời do NXB Chinh Ký in năm 1953.
Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông tham gia một Đoàn văn hoá kháng chiến, làm công tác tuyên truyền ở Thanh Hoá và Vinh. Bởi đã có kinh nghiệm về nghệ thuật sân khấu từ trước, năm 1947 Nguyễn Tuân phụ trách một đoàn kịch lưu động, phục vụ kháng chiến vùng khu V. Năm 1948, ông ra Việt Bắc dự Đại hội thành lập Hội văn nghệ Việt Nam, đ¬ược bầu làm Tổng thư ký Ban chấp hành Hội, và giữ chức vụ này đến năm 1958.
Trong kháng chiến chống Pháp, công tác ở cơ quan Hội văn nghệ đóng tại Việt Bắc, Nguyễn Tuân đã tham gia nhiều chiến dịch, có những chuyến đi thực tế vùng hậu địch. Ông viết được nhiều tác phẩm phục vụ đắc lực đời sống kháng chiến như Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Thắng càn (1953), Tuỳ bút kháng chiến (1955), Tuỳ bút kháng chiến và hoà bình (1956)… Có thể thấy rõ, Nguyễn Tuân hầu như đã rũ bỏ được cái tôi khinh bạc cũ, hoà mình vào đời sống nhân dân, và đã viết văn vì sự nghiệp lớn của dân tộc. Điều đó khiến văn chương của ông có sự thay đổi hẳn về chất.
Nhận xét về Nguyễn Tuân trước năm 1945, Vũ Ngọc Phan cho rằng: “Nguyễn Tuân là nhà văn đứng riêng ra một phái. Những tập văn của ông không phải là tuỳ bút, cũng ngả về tuỳ bút không ít thì nhiều. Ông lại không thể nào bỏ được cái lối phiếm luận, cái giọng khinh bạc bất cứ về việc gì, nên có nhiều đoạn lê thê… Tuy vậy, đọc Nguyễn Tuân bao giờ người ta cũng thấy một hứng thú đặc biệt: đó là sự thâm trầm trong ý nghĩ, sự lọc lõi trong quan sát, sự hành văn một cách hoàn toàn Việt Nam”.
Trong văn chương kháng chiến của Nguyễn Tuân, ông đã khắc phục được cái sở đoản của mình trước đây, là rũ bỏ được cái tôi khinh bạc. Đồng thời thấy ông đã phát huy sở trường của mình là, quan sát đời sống rất lọc lõi tinh tế, suy nghĩ thâm trầm, sâu sắc.
Nền văn học nước ta sau năm 1945 khuyến khích nhà văn đi vào đời sống, theo xu hướng biểu dương, ca ngợi cái hay, cái tốt của con người và cuộc sống mới trong kháng chiến chống Pháp, cả trong thời gian hoà bình kiến thiết ở miền Bắc cũng như trong kháng chiến chống Mỹ. Với xu hướng như vậy, thể ký trở nên rất thịnh. Và thể ký chính là thế mạnh của Nguyễn Tuân, đặc biệt là tuỳ bút.
Sau Tuỳ bút kháng chiến và hoà bình, ông viết Tuỳ bút kháng chiến và hoà bình, tập II (1957), rồi năm 1960 lại có tập tuỳ bút Sông Đà rất nổi tiếng. Những bài ký viết thời miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Nguyễn Tuân tập hợp trong tập Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972), là một thành tựu mới nữa, ông đóng góp cho văn chương nước nhà.

Tạp chí chuyên đề về Nguyễn Tuân.
Thời gian sáng tác trước năm 1945 của nguyễn Tuân chừng không đến 10 năm, dù ông xuất bản hàng chục đầu sách, nhưng thành công đỉnh cao là tác phẩm Vang bóng một thời. Thời kỳ này, thành công về truyện của ông đã khiến ông trở thành một tên tuổi lớn, mặc dù Vũ Ngọc Phan có nhận xét truyện ông “ngả về tuỳ bút không ít thì nhiều”. Và, Trương Chính nhận xét còn độc đáo hơn: “Ông là nhà viết tiểu thuyết mà lại không sáng tạo được một nhân vật nào, ngoài nhân vật đại diện cho ông là chàng Nguyễn”.
Văn chương Nguyễn Tuân không chú vào làm hay ở “truyện” và ở hư cấu, chúng tôi thấy ông chuyên sâu vào làm hay ở “lời văn” và ở sự thật đời sống. Đấy là phẩm chất lớn của văn chương Nguyễn Tuân, khiến cả đời văn ông đứng riêng ra một phái, xin gọi là “phái tuỳ bút”. Sau năm 1945, ông có liên tục hơn 40 năm sáng tác văn học, viết đều, viết nhiều, và chuyên chú thật sâu vào thể ký. Nghĩ cho cùng, là ông đã vứt bỏ sở đoản mà chỉ phát huy sở trường của mình. Phẩm chất tuỳ bút của Nguyễn Tuân đã hay ngay từ Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua… Đó là những trang viết về uống trà, chơi chữ, phóng bút chì, thả thơ… với sự hiểu biết thâm sâu về tục lệ, con người, văn hoá Việt Nam.
Phẩm chất tuỳ bút của Nguyễn Tuân hay cho tới Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi…vẫn là sự hiểu biết thâm hậu về đời sống, văn hoá, con người Việt Nam, ông tích luỹ suốt cả đời văn, và viết ra bởi một ngôn ngữ “hoàn toàn Việt Nam” như nhận xét của Vũ Ngọc Phan.
Chúng tôi chỉ muốn nói thêm rằng, với một ngôn ngữ riêng do Nguyễn Tuân tu luyện mà có, ông là một nhà văn thật độc đáo và cũng thật sự tài hoa. Nguyễn Tuân qua đời tại Hà nội năm 1989, để lại cho đời nhiều tác phẩm, từ truyện, ký, đến phê bình, dịch thuật, trong đó “ký Nguyễn Tuân” hay “tuỳ bút Nguyễn Tuân” như người đời ghi nhận, thực sự là một giá trị đóng góp cho nền Văn chương Việt Nam hiện đại!