- Lê Huy - P. Đa Kao, Q. 1, TP. Hồ Chí Minh hỏi: Có câu “náu mình chờ thời”, nói là xuất phát từ thành ngữ chữ Hán, do Đặng Tiểu Bình nêu lên để chỉ đạo cho đường lối của Trung Quốc. Xin cho biết nguyên văn và nghĩa của thành ngữ ấy.
- Đáp: Trong chữ Hán cổ có chữ: thao hối 韜 晦 nghĩa là có tài có trí mà giữ kín đáo không cho người ta biết mình (Từ điển Thiều Chửu, tr.679).
Thao 韜 nghĩa là: giấu kín, phàm sự gì giấu kín không lộ ra đều gọi là thao như thao hối 韜 晦 (nghĩa dẫn ở trên).
Hối 晦 nghĩa là: ngày cuối tháng ta, gọi là ngày hối – tối tăm, mù mịt – nghĩa văn không rõ, cũng dùng hối. Có chữ dưỡng hối 養 晦, đồng nghĩa thao hối 韜 晦.
Từ các nghĩa đó mà có: thao quang dưỡng hối 韜 光 養 晦 chính là thành ngữ Đặng Tiểu Bình 鄧 小 平 dùng để chỉ đạo Trung Quốc. Ta dịch ra là “náu mình chờ thời”. Thao quang: giấu ánh sáng; dưỡng hối: nuôi dưỡng cái tối. Cả hai đều là ý: giấu mình (náu mình). Còn chờ thời là dịch thêm vào cho rõ ý. Bởi giấu mình là để chờ thời cơ xuất hiện, chứ không phải giấu mình luôn. Trung Quốc có thuyết “trường kỳ mai phục”, cũng là ý ấy.
Trung Quốc thực hiện phương châm ấy của Đặng Tiểu Bình như ta biết, tránh “vác cờ đi đầu”, “xuất đầu lộ diện”, đưa kinh tế vượt lên, chuẩn bị quân sự, tuy nói là không có ý “tranh bá”, nhưng rõ là họ đang “chờ thời”.
NGỌC TỈNH