Năm 1945, năm nổ ra Cách mạng tháng Tám, tôi 17 tuổi, đúng vào cái tuổi mà ông bà ta thường nói: “tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu”. Năm trước đó, tôi còn là học sinh năm thứ tư trường Pétrus Ký ở Sài Gòn (nay là trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong).
Quân đội Nhật và quân Đồng minh đánh nhau ác liệt, đêm nào Sài Gòn cũng rung chuyển do những trận dội bom của Đồng minh và súng phòng không của quân Nhật. Các trường học lần lượt bị quân đội Nhật chiếm làm nơi đóng quân, trường tôi phải dời về Mỹ Tho. Đường đi Mỹ Tho xa quá, gia đình không đủ tiền chi phí để tôi theo đuổi việc học tập. Hơn nữa, tình hình chiến tranh lộn xộn, tôi trở về làng gia nhập Thanh niên Tiền phong.
Lúc ấy không còn hương chức hội tề, mọi việc trong làng đều do Thanh niên Tiền phong đảm nhiệm. Quyền hành tập trung vào một người, đó là thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong – thầy giáo Mã Văn Thái. Trong làng, ông là người có trình độ văn hóa cao, đã đậu bằng Diplôme (còn gọi là bằng Thành Chung) của Pháp, lại giỏi võ và có tài diễn thuyết trước đám đông.
Mỗi khi có việc cần tập hợp dân chúng nghe ông nói chuyện, chỉ cần đánh 3 hồi trống, mà trống đình làng tôi lớn lắm, gióng trống lên là khắp 4 xóm Đông, Tây, Nam, Bắc cho đến xóm Phước Hữu cũng đều nghe. Hồi ấy dân làng rất nhiệt tình với phong trào, nghe tiếng trống thì chỉ trừ người già, đàn bà, trẻ con ở nhà còn tất cả cầm vũ khí tự tạo chạy đến tập hợp tại sân nhà hội.
Nói vũ khí cho oai, chớ thật ra phần lớn chỉ là tầm vông vạt nhọn, cũng có vài cây giáo, mã tấu. Từng xóm xếp hàng ngũ xong, thủ lĩnh bắt đầu nói chuyện. Không có loa phóng thanh như bây giờ nên đòi hỏi giọng nói phải to, khỏe và thủ lĩnh Mã Văn Thái đáp ứng được điều đó. Tôi có vinh dự cầm cây súng đứng một bên bảo vệ thủ lĩnh. Đó là cây súng duy nhứt trong làng, cây súng một nòng do Thanh niên Tiền phong tước của tên hương quản lúc Nhật đảo chánh Pháp ngày 9/3/1945.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tào(*) (Tư Cang - bìa trái) và Thiếu tướng tình báo Nguyễn Văn Khiêm
Thủ lĩnh tin tưởng giao súng cho tôi vì trong đám thanh niên lúc ấy tôi là người có trình độ văn hóa cao, có sức khỏe, lại là học trò ruột của ông về võ nghệ. Cùng đứng bảo vệ phía sau thủ lĩnh còn có anh Mã Văn Chờ cầm một cây giáo dài mũi nhọn hoắt và một bên là ông Giỏi giò – gọi vậy vì ông ấy người cao, to. Ông đứng chống một cây siêu trông thật oai phong lẫm liệt.
Ngày 25/8/1945, trời chưa sáng đã nghe những hồi trống dồn dập. Chắc có chuyện lớn! Tất cả tráng đinh cầm “vũ khí” chạy lên sân nhà hội. Trật tự còn chưa ổn định, đã nghe thủ lĩnh tuyên bố dõng dạc: “Tất cả theo tôi ra thị xã giành chánh quyền!”. Nói xong, thầy Thái phóng lên lưng con ngựa kim, ngựa không có yên chỉ có tấm bao bố lót lưng. Ba người bảo vệ chúng tôi kèm bên cạnh. Con ngựa đi nước kiệu. Đoàn người rùng rùng chạy theo.
Từ làng Long Phước quê tôi ra thị xã Bà Rịa, đường dài 7 cây số, chạy lúp xúp theo con ngựa của thủ lĩnh nhưng mọi người đều hăng hái, không thấy mệt. Có lẽ vì trong đời mới nghe một chuyện lạ là “đi giành chánh quyền”. Chánh quyền là cái gì, chưa ai biết nhưng mọi người đều hăng hái chạy theo, vì hình dung sẽ có một sự đổi đời.
Cái lầu nước ở trung tâm thị xã, phía trước có một quãng đường rộng, là nơi duy nhứt để có thể tập hợp đông đảo quần chúng. Lầu nước ấy do thực dân Pháp xây dựng (tiếng Pháp gọi là “château d’eau”), để đưa nước lên cao rồi phân phối trong toàn thị xã. Sau ngày giải phóng miền Nam, lầu nước ấy được công nhận là di tích lịch sử cấp nhà nước.
Đoàn người làng Long Phước chúng tôi ra đến nơi thì đã thấy dân các làng khác như Long Hương, Phước Lễ, Long Điền, Long Kiên, Long Xuyên... theo sự điều khiểu của Thanh niên Tiền phong cũng lần lượt đến tập hợp và xếp thành đội ngũ trước lầu nước. Nhìn lên ban công, tôi thấy phấp phới lá quốc kỳ đỏ sao vàng năm cánh và một số băng rôn với những khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”. Riêng khẩu hiệu: “Độc lập hay là chết” được viết cả bằng tiếng Anh: “Independence or death”.
Ổn định trật tự xong, lễ chào cờ bắt đầu. Các anh chị Thanh niên Tiền phong cấp trên đứng trên ban công điều khiển buổi lễ. Một chị và hai anh đứng trên đó hát bài Tiến quân ca. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghe bài hát hùng tráng ấy. Hát không có nhạc nhưng lời bài ca làm người tôi nóng ran lên: “... Tiến mau ra sa trường. Tiến lên! Cùng tiến lên! Chí trai là đây nơi ước nguyền!”. Đúng! Tôi cùng với mọi chàng trai sẵn sàng lao ra chiến trường để bảo vệ nền độc lập vừa giành được hôm nay.

Cụm tình báo H63 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Ảnh tư liệu
Trong lúc mọi người tập hợp làm lễ tại quãng đường trước lầu nước thì có một tổ công tác của Thanh niên Tiền phong tỉnh vào làm việc với viên chánh chủ tỉnh đại diện chánh quyền thân Nhật. Khoảng cách từ lầu nước đến dinh chánh chủ tỉnh chỉ độ 300 mét. Tiếng hô khẩu hiệu vang dội của đoàn biểu tình như từng đợt sóng trào tạo thành áp lực không gì cản nổi. Tổ công tác trở ra, mặt mày rạng rỡ, đưa tay vẫy chào mọi người.
Một anh đại diện leo lên ban công nói xuống rành rọt từng tiếng: “Chánh chủ tỉnh đã bàn giao chánh quyền cho Thanh niên Tiền phong. Từ giờ này chánh quyền trong tỉnh đã về tay nhân dân”. Tiếng reo hò vang dậy. Mừng vui không tả xiết. Anh đại diện đưa tay ra hiệu im lặng rồi anh nói: “Nhưng bọn đế quốc không chịu thua một cách dễ dàng. Thanh niên Tiền phong chúng ta cần phải hết sức cảnh giác và luôn sẵn sàng! Giành được chánh quyền rồi, nhưng giữ cho được chánh quyền mới là khó!”.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta từ Bắc chí Nam đã nhất tề đứng lên làm Cách mạng tháng Tám giành chánh quyền từ tay phát xít Nhật. Sau đó để bảo vệ chánh quyền, nhân dân ta phải chiến đấu ròng rã suốt 30 năm, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ.
Riêng tôi, ngày ấy mới 17 tuổi, sau đó phải lao vào cuộc chiến lâu dài, gian khổ, ác liệt mãi đến năm 47 tuổi. Ngày 30/4/1975 trên cương vị Chánh ủy Lữ đoàn đặc công biệt động, tôi cùng với đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân xâm lược, cùng hát vang bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng: “... Ba mươi năm đấu tranh vì toàn vẹn non sông. Ba mươi năm dân chủ cộng hòa, kháng chiến đã thành công. Việt Nam – Hồ Chí Minh! Việt Nam – Hồ Chí Minh!”.
(*) | Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nguyên cụm trưởng cụm tình báo quân sự H63. |