Ông mang trong mình “căn cốt” hiếu học bẩm sinh của quê hương Nam Đàn, Nghệ An. Nam Đàn nổi tiếng là đất khoa bảng. Bản thân ông cũng là con cháu trực hệ hoặc họ ngoại của những nhà khoa bảng thời trước. Ông được chuẩn bị khá kỹ về mặt học vấn. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Hàm Châu may mắn được học ở vùng tự do Nam Đàn, một trung tâm giáo dục của Liên khu 4. Tại đây có lớp Toán học đại cương do GS Nguyễn Thúc Hào mở, hội tụ nhiều sinh viên ưu tú, đầy triển vọng. Lúc bấy giờ, môn ngoại ngữ ở Trường cấp 2 Nam Đàn - nơi Hàm Châu học - bao gồm cả tiếng Pháp, tiếng Anh và chữ Hán. Lên cấp 3, Hàm Châu theo học Trường Huỳnh Thúc Kháng danh tiếng, với những người thầy giàu năng lực nghiên cứu như Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Tuệ, Nguyễn Đức Nam, Tôn Gia Ngân...
Năm 22 tuổi, học xong Trường Kinh tế - Tài chính trung ương, bước vào nghề báo (báo Hà Nội Mới, lúc đầu mang tên Thủ Đô, rồi Thủ Đô Hà Nội…), anh phụ trách trang quốc tế. Sáu năm sau anh xin chuyển sang viết về tuổi trẻ thủ đô, lúc bấy giờ hơn 6.000 bạn trẻ sôi nổi tình nguyện đi tham gia xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa ở miền núi…
Có lẽ phải đến thời kỳ chống Mỹ, Hàm Châu mới để tâm nhiều tới đề tài trí thức. Anh bắt đầu viết về hai công trình: công trình của TS Nguyễn Văn Hường giải quyết tình trạng cầu dây cáp để ô tô lật nhào xuống sông, xuống suối khi đạt tới một tải trọng nào đó; và công trình của TSKH Vũ Đình Cự cùng tổ GK1 chế tạo thiết bị phá thủy lôi chiến lược tân tiến nhất của Nixon: một quả MK-52 đủ sức đánh chìm tàu hàng vạn tấn. Chỉ trong một ngày, 7.000 quả thủy lôi chiến lược MK-52 đã bịt chặt 25 cửa biển ở miền Bắc nước ta. Đó là chiến dịch Linebaker ném bom miền Bắc và thả thủy lôi phong tỏa các bến cảng. TSKH Vũ Đình Cự cùng các cộng sự trong tổ nghiên cứu mang mật danh GK1 đã tháo gỡ quả thủy lôi MK-52, tìm hiểu nguyên lý hoạt động của “bộ óc” nó, xác định những thông số kỹ thuật cần thiết để rồi thiết kế, chế tạo thành công thiết bị phá nổ cũng như thiết bị gây nhiễu. Trong khi đó, một tổ nghiên cứu khác, mang mật danh GK2, do kỹ sư Nguyễn Hữu Bảo đứng đầu, cũng thiết kế và chế tạo thành công chiếc ca nô không người lái (thường gọi là “tàu T5”) để từ xa phá nổ thủy lôi từ tính và bom từ trường.
* * *
Trước khi cầm trên tay cuốn sách Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại của Hàm Châu (NXB Trẻ, 2014), tôi đã lần lượt đọc Người trí thức quê hương tập I và tập II (NXB Giáo Dục, 2002) cũng cùng tác giả. Hai tập sách ấy đã cung cấp cho tôi chân dung những nhà khoa học đáng kính như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, nhà triết học Trần Đức Thảo, các bậc thầy trong ngành y - dược như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Vũ Hỷ, Đỗ Tất Lợi… Tôi những tưởng cuốn sách của Hàm Châu mới xuất bản chỉ là tổng hợp những gì đã đăng báo hoặc đã in trong những cuốn sách “nhẹ ký” hơn. Nhưng, không! Rất nhiều bài tác giả đề bên dưới: In lần đầu năm 1982 - Sửa chữa và bổ sung năm 2013. Phần “bổ sung” có khi dài gấp 10 lần bài in đầu! Qua đó, tôi mới thấy được cách làm việc của Hàm Châu. Định viết về ai, ông tìm hiểu kỹ càng, cẩn trọng, ghi chép tỉ mỉ, cặn kẽ.
Đọc 53 trang về Đỗ Tất Lợi trong sách này, tôi có cảm giác Hàm Châu không phải là nhà báo nữa, mà là một người cộng sự của vị giáo sư họ Đỗ, ghi chép mọi cây thuốc, lá thuốc, cách chế biến rành rẽ, phân minh… Lại được biết GS Đỗ Tất Lợi có những công trình khiến đồng nghiệp phương Tây phải học lại kiến thức phương Đông! Quả là một nhà trí thức đặc biệt xứng đáng với tên bài mà nhà báo Hàm Châu đã mệnh danh Người kế thừa Tuệ Tĩnh, Lãn Ông.
Tôi đặc biệt thích đoạn văn viết về sự kiện Hồ Chủ tịch cùng bác sĩ Trần Hữu Tước “phó hội” trên vịnh Cam Ranh, gặp Đặc Cao ủy Pháp d’Argenlieu, mà nhà báo Hàm Châu đã ghi lại thật sống động theo lời kể của bác sĩ Trần Hữu Tước.
Ngày hôm đó vào giai đoạn cuối của cuộc hải trình kéo dài 40 ngày từ cảng Toulon ở Pháp trở về cảng Hải Phòng, Bác dẫn cả một nhóm trí thức Việt kiều yêu nước dừng lại tại vịnh Cam Ranh, theo lời mời của phía Pháp. Đặc Cao ủy d’Argenlieu mời Bác “phó hội”. Vào tiệc, Hồ Chủ tịch ngồi đối diện với Đặc Cao ủy. Hai bên Bác, có một vị tướng là chỉ huy lục quân Pháp, một vị tướng là đô đốc hải quân Pháp ở Thái Bình dương. Viên Đặc Cao ủy nói, giọng ngọt xớt:
- Kìa, thế là Chủ tịch được đóng khung giữa lục quân và hải quân Pháp rồi!
Nhẹ nhàng cười, Bác đáp ngay:
- Đặc Cao ủy biết đấy, chính bức họa mới làm cho cái khung có giá trị!
Khắp bàn tiệc tán thưởng câu trả lời chí lý, chơi chữ Pháp rất hay: cái khung (cadre) và đóng khung (encadré)…
Có một thời tôi chăm chú đọc những bài Hàm Châu viết về các em học sinh giỏi, các đội tuyển nước ta đi dự thi Olympic toán, vật lý quốc tế. Như mọi độc giả, tôi vui mừng vì con em ta được tặng huy chương vàng, huy chương bạc thế giới, dẫu các em ăn không đủ chất, mặc không đủ ấm, học dưới bom đạn.
Sách Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại còn công bố nhiều bài ký chân dung, viết mới hoàn toàn, chưa từng in báo, như các bài về Hoàng Minh Giám, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ, Bùi Huy Đường, Bùi Trọng Liễu, Lưu Lệ Hằng (tức Jane Luu), Phạm Quang Hưng…
Chàng “du tử” Hàm Châu từng ghi lại cuộc “lãng du” trong thế giới các nhà vật lý mà nhân vật chính là GS Trần Thanh Vân. Tác giả gọi tên thiên ký sự 250 trang của mình là Đất Việt cuối trời xa. Trần Thanh Vân sinh năm 1936 tại Đồng Hới. Sang Pháp năm 17 tuổi, anh lang thang kiếm sống ở thị trấn nhỏ Montargis rồi trôi giạt đến tận miền Orléans. Là sinh viên xuất sắc của Đại học Sorbonne, anh được cấp học bổng để lao vào một ngành khoa học mũi nhọn rất hiểm hóc của thế kỷ 20 - vật lý hạt (particle physics), rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia tại Đại học Sư phạm Paris, khi mới 27 tuổi. Anh được chọn vào làm tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học (CNRS) của Pháp. Từ năm 1966, anh có sáng kiến, cùng hai bạn đồng nghiệp Pháp, tổ chức các cuộc gặp gỡ hằng năm về vật lý hạt tại làng Moriond, với cái tên Rencontres de Moriond (Gặp gỡ Moriond), tập hợp ngày càng đông các nhà vật lý lý thuyết và thực nghiệm trên thế giới, có cả những nhà bác học đoạt Giải Nobel.
Không thua kém chồng, nữ giáo sư, tiến sĩ khoa học Lê Kim Ngọc từng được các tờ báo lớn ở Paris trang trọng giới thiệu về thành công của một “nữ bác học Việt Nam” khám phá ra quy luật của quá trình thực vật nở hoa, do đó, có thể tùy ý điều khiển quá trình ấy trong ống nghiệm. Tờ Nature (Anh), tạp chí khoa học danh giá nhất thế giới, cũng đã ba lần chọn đăng mấy công trình nổi bật của bà về sinh học thực vật...
Trong một cuộc hội nghị khoa học quốc tế, Trần Thanh Vân gặp Nguyễn Văn Hiệu. Tình bạn giữa hai người dẫn đến việc tổ chức thành công những lần Rencontres du Vietnam (Gặp gỡ Việt Nam) về vật lý hạt và vật lý thiên văn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thu hút mấy trăm nhà vật lý thuộc hơn 40 quốc tịch đến dự, góp phần kích thích sự trưởng thành từng bước của các nhà vật lý trẻ Việt Nam…
Có thể nói đôi vợ chồng bác học Trần Thanh Vân song song tiến hành cả hai sự nghiệp: khoa học và nhân đạo. Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam (Aide à l’Enfance du Vietnam) do ông bà sáng lập đã cấp hàng triệu đôla Mỹ xây dựng và duy trì Làng Trẻ em SOS Đà Lạt với quy mô 14 ngôi nhà “gia đình”, nuôi dạy 157 “con”, có trường học các cấp, thu hút hơn 1.000 học sinh trong và ngoài “làng”. Mô hình đó hiện đang được nhân rộng, như Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân ở thành phố Huế, rồi Làng Trẻ em SOS Đồng Hới. Sự tận tụy của ông bà đã cuốn hút nhiều nhà vật lý nước ngoài và nhiều trí thức Việt kiều cùng hướng về Việt Nam, nổi bật là hình ảnh cao thượng của vị giáo sư Pháp Odon Vallet (Đại học Sorbonne), hàng chục năm qua, năm nào cũng đến Việt Nam làm cuộc hành trình xuyên Việt để tận tay trao hàng nghìn suất học bổng cho từng bạn trẻ ưu tú của nước ta, với tổng số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng.
* * *
Nhờ uy tín trong làng báo Việt Nam và sự tin cậy của giới khoa học các nước, nhà báo - nhà văn Hàm Châu thường được mời dự nhiều hội nghị vật lý quốc tế; khi thì ở thành phố Blois bên bờ sông Loire thơ mộng, lúc thì ở làng Moriond trắng tuyết dưới chân dãy núi Alpes cao ngất.
Có hôm anh lưu trú trong khách sạn bốn, năm sao giữa Paris hoa lệ, nhưng cũng lắm ngày anh len lỏi đến tận một thung lũng vắng bóng người ở Aosta miền Bắc Ý, hay đi xe lửa cao tốc từ nước Pháp chui đường hầm dưới đáy biển Manche sang nước Anh. Nhiều bữa được đãi tiểu yến, đại yến nhưng cũng lắm phen lao vào những chuyến đi tự túc, phải tính từng đồng tiền lẻ, chỉ để kiếm thêm “tư liệu sống” cho một mảng đề tài anh đeo bám từ lâu.
Hàm Châu từng được tặng Giải chính thức về thể ký của Hội Văn nghệ Hà Nội từ năm 1971, trở thành hội viên Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam. Ông còn được tặng Giải nhất báo chí toàn quốc năm 1982; Giải nhì Cuộc thi ký văn học Chân dung người đương thời, do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức năm 2009; Giải nhì Cuộc thi viết về Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh, do Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Nhà xuất bản Dân Trí tổ chức năm 2013.
Nay tuổi đã cao, ông muốn sơ kết cuộc đời nhà báo - nhà văn của mình, cả một đời tâm huyết với chủ đề Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại mà chính ông cũng xứng đáng nhận danh hiệu ấy, nhờ những trang văn đầy ắp thông tin, kiến thức, được trình bày súc tích mà vẫn trong sáng giản dị, thấm đẫm tình cảm tôn vinh những tài năng tinh túy của đất nước ta.