Nhà báo Ku Su Jeong… Để gió cuốn đi…

NGÔ NGỌC NGŨ LONG

Gọi cô là nhà báo là đúng nghĩa nhất với từ Nhà Báo viết hoa. Ngày 18/9/2008 cô đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam trước Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Nhà nước tại trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM): “Mối quan hệ Việt - Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (1955-2005)” với điểm xuất sắc tuyệt đối (7/7 phiếu của các thành viên trong Hội đồng chấm). Đây là luận án được nâng cao từ Luận văn Thạc sĩ: “Hàn Quốc và sự can dự trong chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam” bảo vệ từ năm 2000…

1/ Ku Su Jeong gọi theo tiếng Việt là Câu Thủy Tiên, tên một loài hoa trắng nuốt, mỏng manh và quí phái. Có lẽ đó là niềm kỳ vọng của cha mẹ cô với cô con gái xinh đẹp của mình. Lẽ ra cánh hoa quí phái ấy đã yên ấm với mái ấm gia đình, với người chồng có địa vị xã hội, một Giáo sư Tiến sĩ… và cô sẽ yên phận ở nhà lo chăm sóc gia đình con cái dù đã tốt nghiệp đại học. Ở Hàn Quốc việc những người vợ có bằng đại học ở nhà làm nội trợ là chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng vào trước đêm cưới, sau nỗi dằn vặt và đối diện với chính mình, cánh hoa mỏng manh ấy đã nhẹ nhàng thoát ra khỏi cuộc sống bình thường của người phụ nữ Hàn Quốc. Cô tên Thủy Tiên, nhưng Thủy Tiên đâu chỉ có nghĩa là mỏng manh, xinh đẹp mà còn tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt bên trong…


Nhà Báo Ku Su Jeong.

Từ thời sinh viên, khi các bạn gái cùng trang lứa chỉ biết vô tư đến trường với nhiều thú vui của tuổi trẻ thì cô đã băng mình vào phong trào đấu tranh dân chủ của sinh viên chống lại chính quyền Cheon Du Hwan và đã từng bị bắt, bị đánh đập, tù đày…

Cô kể, cha chưa từng đánh cô lần nào, vậy mà lần cô trở về nhà sau khi ra tù, ông đã tát tai con gái trong đôi mắt rựng đỏ nước mắt. Bị cha đánh, cô không giận, chỉ thương cha hơn, nhưng rồi vẫn tiếp tục băng theo lý tưởng của mình. Bằng tốt nghiệp Đại học cầm trong tay, nhưng cô lại đi làm công nhân nhà máy suốt 2 năm để sống cùng những người lao động… Bây giờ nhắc lại chuyện ấu trĩ ấy, cô đã cười rất giòn, nhưng cô không hề ân hận.

Cô sống mạnh mẽ, đam mê và tràn đầy lý tưởng như vậy. Đó là tính cách Ku Su Jeong. Khi làm một việc gì, cô gần như vắt cạn sức lực của mình, cô không quan tâm đến sức khỏe, không quan tâm thời gian, không quan tâm đến tiền bạc… Khi cô vẽ cho mình cái đích để đến thì bằng mọi giá cô phải đến. Cô bước đi băng băng về phía ấy như bị hút vào một lực hút dữ dội như là ánh sáng của thiên đường… Đó là tính cách Ku Su Jeong…
 

2/ Ku Su Jeong… Để gió cuốn đi… Nói như cách nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không?- Để gió cuốn đi”. Để gió cuốn đi, theo lời giải thích của anh là tấm lòng ấy chỉ sống vì cuộc đời mà không màng ai biết tới, rồi sẽ lặng lẽ theo ngọn gió bay đi. Không còn từ nào thể hiện cô đúng hơn thế.


Nhà Báo Ku Su Jeong (bên phải) và nghệ sĩ piano Bích Trà.

Tấm lòng ấy cô đã trải ra cùng với những chuyến đi bất tận đến với những gia đình nạn nhân bị thảm sát ở miền Trung. Cô đi không biết mệt mỏi, suốt gần 10 năm qua. Bắt đầu từ năm 1999, 45 ngày đêm, cô vác ba lô đi một mình để tìm cho ra sự thực về những cuộc thảm sát mà cô đã nghiên cứu qua sách báo tài liệu. Cô đến từng thôn ấp Hòa Hiệp Nam, Đa Ngư, Núi Hiềm (Phú Yên), trải dài qua Bình An, Tây Sơn, Tây Vinh, Diên An (Bình Định) và đến Diên Niên, Hà Tây, Phước Bình, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi)…

Ở đâu cũng có những nhân chứng sống với những câu chuyện đẫm máu và nước mắt của hàng nghìn dân thường bị thảm sát. Ở từng địa danh, hàng chục nấm mồ tập thể vẫn còn đó, những người còn sống sót vẫn còn đó, gần 40 năm vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng trong ánh mắt. Nhưng lạ thay, không ai lộ chút căm thù cô, mà họ còn vỗ về, an ủi cô khi nhìn thấy cô khóc. Thực sự, cô đã chờ đợi một thái độ hằn học, căm thù để cúi đầu nói lời xin lỗi, nhưng cô đã vô cùng kinh ngạc trước sự bao dung, nhân hậu của người Việt Nam.

Tất cả những điều chứng kiến đã như một vết thương chảy máu trong trái tim cô. Và cô đã tìm cách để chữa lành nó: Đó chính là phải bằng mọi giá gióng lên tiếng chuông về sự thực này với nhân dân Hàn Quốc. Cô đã viết một loạt phóng sự về những cuộc thảm sát của quân đội Hàn Quốc tại việt Nam trên tờ Hankyoreh 21, một tờ báo cấp tiến có uy tín ở Hàn Quốc. Bài viết Nhớ lại các oan hồn Việt Nam đã gây chấn động cả nước Hàn Quốc. Và phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” đã kéo theo rất nhiều công dân trẻ của đất nước cô hàng năm đến Việt Nam để xin hàn gắn vết thương xưa.

Năm 2000, khi cô bảo vệ luận văn Thạc sĩ cũng là năm cô phải ra tòa vì một số cựu chiến binh Hàn Quốc đã phản ứng cho rằng cô vu cáo và phỉ báng họ. Tòa soạn báo Hankyoreh 21 bị cựu chiến binh tràn vào đập phá, nhà cha mẹ cô cũng bị vây khốn, bị ném đá khiến cả nhà phải xin tá túc ở chùa trên núi…

Tất cả đã trút xuống cánh hoa thủy tiên như một trận cuồng phong dữ dội, nhưng cô vẫn hoàn thành luận văn và bình tĩnh bảo vệ quan điểm của mình. Lúc Hội đồng giám khảo nhất trí điểm 10 cho cô sinh viên kiên cường cũng là lúc cô gục xuống ngất xỉu bởi phải chịu dồn nén quá nhiều áp lực trong những ngày bão táp ấy…

3/ Suốt gần 10 năm nay, cô như con thoi đi lại những vùng đất đẫm máu ngày xưa và đã cùng với những người bạn, những người cùng chung chí hướng kiên trì tự biến mình thành chất keo hàn gắn lại vết thương ứ máu ngày nào. Bao nhiêu chuyến đi chở nặng tấm lòng, bao nhiêu giọt nước mắt xin chuộc lại lỗi lầm của cha anh họ, những người trẻ Hàn Quốc đến với nhân dân Việt Nam như đang gióng lên tiếng chuông trong trẻo của niềm tin yêu. Đây đâu phải là chuyện của riêng hai nước Việt – Hàn, mà là chuyện vĩnh cửu của nhân loại, là sự đấu tranh sống còn giữa cái ác và cái thiện, giữa sự dối trá đen tối và lương tri trong sáng của con người.

Nhìn nhận sự thật và biết đau lòng trước sự thật đó chính là chữ tâm. Chữ tâm ấy, những người trẻ Hàn Quốc, mà người tiên phong chính là cô, Ku Su Jeong, đã khắc dấu ấn hoàn toàn mới mẻ trong tâm hồn những người dân đã từng bao phen kinh hoàng khi nhắc đến hai chữ “Đại Hàn”.
 

4/ Cách đây 4 năm cô đã vinh dự được phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ánh mắt cô sáng rực khi kể về buổi gặp gỡ đó, bởi Đại tướng chính là thần tượng của cô, của những người trẻ chân chính ở đất nước cô.

Cô kể bác đã ôm lấy cô thân thiện như một người ông trong gia đình, bác nói chuyện rõ ràng, khúc chiết mà vô cùng nồng ấm. Cô hỏi bác “Chính phủ Hàn Quốc đã gửi quân sang Iraq, bác nghĩ có phải lịch sử đã lặp lại như ở Việt Nam 40 năm trước”. Bác đã trả lời: “Lịch sử không bao giờ lặp lại vì lịch sử là một dòng chảy liên tục. Chỉ có những sai lầm trong lịch sử mới lặp lại”. Đó là một câu trả lời đầy ý nghĩa mà cô không thể quên. Bởi chính cô và các bạn cô đang cố gắng làm mờ đi sự sai lầm ngày trước thì sự sai lầm khác lại tiếp tục hình thành.


Ku Su Jeong trong buổi phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2004.

… Vì thế, trong phần kết luận Luận án Tiến sĩ dày gần 300 trang, một lần nữa, cô đã bày tỏ suy tư của mình về sự tham chiến của đất nước cô ở Iraq trong mấy năm qua: “Khi viết những trang kết luận này, chúng tôi vẫn đặt câu hỏi liệu người Hàn Quốc đã rút ra bài học nào từ chiến tranh Việt Nam hay chưa? Hoặc trong thâm tâm người Hàn Quốc vẫn tồn tại một suy nghĩ giống như lúc tham gia chiến tranh Việt Nam, rằng đổi lại việc gửi quân sang Iraq, Hàn Quốc sẽ được đảm bảo an ninh, kiếm được những món lời hậu hĩnh từ chiến tranh? Phải chăng người Hàn Quốc cũng đang ảo tưởng rằng thông qua việc gửi quân sang Iraq, có thể Hàn Quốc sẽ trở thành một đế quốc?

Vâng, chỉ có một cái nhìn vô cùng khách quan và một tâm hồn cực kỳ sáng trong mới đặt được một dấu hỏi lớn như thế về chính đất nước mình. Ku Su Jeong, cánh hoa thủy tiên mỏng manh ấy chưa bao giờ khóc trước cường quyền. Cô chỉ khóc trước những nỗi đau thương mà người dân phải gánh chịu. Cô đứng về phía Việt Nam để đấu tranh cho những cô dâu Việt Nam bị chà đạp, bị áp bức trên chính đất nước cô. Tấm lòng ấy, tình yêu ấy trong sáng vậy, chân thành vậy… ai nỡ để gió cuốn đi!


Những người trẻ Hàn Quốc cúi đầu xin lỗi
trước tấm bia tưởng niệm những nạn nhân bị thảm sát
(Ku Su Jeong đứng hàng đầu, bìa trái)

Những bạn bè Việt Nam thân thiết của cô biết chỉ một lần cô đã khóc nhiều nhất, đau nhiều nhất và bị tổn thương nhiều nhất khi cô vừa dự cuộc Hội thảo ở Nhật trở về đến phi trường Tân Sơn Nhất, nhưng không được phép nhập cảnh vào Việt Nam, nơi mà cô đã xem như quê hương thứ hai của mình (sau này cô được giải thích là sự hiểu lầm). Việt Nam ơi, chúng ta còn nợ tấm lòng cô nhiều lắm…

NHỮNG KẾT QUẢ MỚI CỦA LUẬN ÁN

  1. Tái hiện quan hệ Việt – Hàn từ những giao điểm đầu tiên cho đến giai đoạn trước năm 1955. Đây là mối quan hệ có truyền thống lâu đời, và những điểm tương đồng lịch sử, văn hóa… ấy là những động lực tiền đề cho sự pht triển mối quan hệ hai bên.

  2. Trình bày quá trình can dự quân sự của Hàn Quốc vào miền Nam Việt Nam trước năm 1975, chứng minh Hàn Quốc là đồng minh của Mỹ gửi quân tham chiến đông nhất, tác chiến quyết liệt nhất, gây nhiều vụ thảm sát nhất, trú đóng tại Việt Nam lâu nhất.

  3. Phân tích mối quan hệ tay ba phức tạp giữa Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa, Đại Hàn Dân Quốc cùng quan hệ hai bên giữa Sài Gòn và Seoul với những động thái ngoại giao ở nhiều cấp độ, lĩnh vực khác nhau giai đoạn 1955-1975.

  4. Nghiên cứu thời kỳ “đóng băng” (1975-1992) giữa Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc, chỉ ra 3 nguyên nhân cản trở quá trình bình thường hóa quan hệ hai bên.

  5. Nêu những hạn chế hiện tại của mối quan hệ Việt – Hàn, đồng thời gợi ý những giải pháp xây dựng mối quan hệ bền vững trong tương lai.

(Trích trang web trường Đại học Quốc gia TPHCM)