Nhà cổ 200 năm bên thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ của Việt Nam vừa được Tổ chức Giáo dục - khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức vinh danh là di sản văn hóa thế giới ngày 27-6-2011. Nhưng huyện Vĩnh Lộc ở Thanh Hóa không chỉ có thành nhà Hồ. Nơi đây còn có một ngôi nhà cổ đang được các chuyên gia Nhật chọn trùng tu.

Vừa tròn 200 tuổi vào năm 2011, ngôi nhà của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng (ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là một trong những kiến trúc nhà ở cổ nhất xứ Thanh, chỉ cách cổng phía tây của di sản thành nhà Hồ vài trăm mét.


Toàn cảnh ngôi nhà cổ. Ảnh: Hà Đồng.

Được khởi công xây dựng cuối năm 1810, đưa vào sử dụng đầu năm 1811, nhà rộng 5m (năm gian), dài 13m, cao 5m, được làm toàn bằng gỗ chân chiếng, táu, xoan với 29 cột chính; lợp bằng 16.000 viên ngói vảy cá; tường hậu xây gạch dày 50cm, các bức tường khác được thưng ván hoặc trát giấy nện. Vì là nhà từ đường (nhà thờ họ) nên trong nhà có nhiều hình long, ly, quy, phượng chạm khắc cầu kỳ và các bức hoành phi, câu đối cổ vẫn còn nguyên vẹn.

Đây là một trong sáu ngôi nhà cổ tại Đình Bảng (Bắc Ninh), Hội An (Quảng Nam), Biên Hòa (Đồng Nai), Xuân Hồng (Nam Định), Đông Hòa Hiệp (An Giang) và Vĩnh Tiến (Thanh Hóa) được trùng tu, tôn tạo theo dự án tăng cường công nghệ bảo tồn và tu bổ nhà ở truyền thống Việt Nam do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, với kinh phí 40.000 USD/nhà.

Nhà được làm bằng nhiều loại gỗ tốt, kỹ thuật xây dựng chặt chẽ nên khung nhà, cột, kèo chưa bị suy suyển mấy. Ông Phạm Ngọc Tùng, chủ nhà, cho biết: “Ngôi nhà luôn có vượng khí nên thường mát mẻ về mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Đến thế hệ tôi là đời thứ bảy sống trong nhà này. Có nhiều người trả giá rất cao nhưng gia đình tôi quyết giữ lại ngôi nhà tổ tiên...”.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, từ thế kỷ 17 đã tìm thấy dấu tích nhà từ đường trong các kiến trúc của người Việt ở nông thôn. Gỗ là vật liệu trong các nhà từ đường. Những cây cột gỗ chống đỡ bộ mái ngói đất nung. Chân cột đặt trên đế bằng đá tảng. Các bộ phận nhà liên kết nhau bằng mộng, xà, kèo... và khi cần có thể tháo dỡ phần khung ra sau đó phục dựng như cũ. Do có kiến thức và hiểu biết về nhà cổ nên gia đình ông Phạm Ngọc Tùng cẩn trọng lựa chọn các phương án trùng tu, tôn tạo ngôi nhà từ đường.

Trước đây một số hạng mục trong nhà xuống cấp nhưng gia đình không vội vã tháo dỡ, thay mới mà dùng biện pháp chống đỡ tạm, giữ lại đúng nguyên trạng của khung nhà, cột kèo... Bởi theo ông Tùng: “Trùng tu nhà cổ đòi hỏi phải hiểu từng chi tiết trong tổng thể kiến trúc ngôi nhà, từng chi tiết chạm khắc đều thể hiện tiếng nói của tổ tiên. Chỉ các cơ quan chuyên về bảo tồn, phục chế mới đảm bảo được các yếu tố quan trọng đó”.


Những nét chạm khắc hoa văn tinh xảo. Ảnh: Hà Đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Sự, cán bộ Phòng văn hóa - thông tin huyện Vĩnh Lộc, cho biết: “Năm 2002, UBND huyện giới thiệu 64 ngôi nhà cổ trên địa bàn để đoàn chuyên gia của Nhật Bản và cán bộ Cục Bảo tồn di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - thông tin, nay là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) lựa chọn trùng tu.

Sau khi khảo sát thực địa, các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã chọn ngôi nhà cổ của ông Tùng để trùng tu, bởi đây là ngôi nhà tiêu biểu nhất. Từ tháng 9-2002 đến tháng 3-2003, ngôi nhà đã được chuyên gia của Trường đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) thực hiện trùng tu, tôn tạo, phục hồi đúng nguyên bản”.

“Hiện nay gia đình tôi vẫn sống trong ngôi nhà này với nếp sinh hoạt của người nông dân thuần túy. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là giữ được hồn cốt ngôi nhà của tổ tiên để lại. Từ khi ngôi nhà được trùng tu đến nay đã có hàng nghìn lượt du khách trong, ngoài nước đến tham quan” - ông Tùng vui vẻ cho biết.

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Tùng đã được UNESCO công nhận là công trình còn giữ được kiến trúc tương đối nguyên trạng.

Theo Tuổi Trẻ

HÀ ĐỒNG