“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”

THU HIỀN (thực hiện)

Ngày 30/4/1975, chỉ vài giờ sau khi quân ta cắm cờ trên dinh Độc Lập, cách Sài Gòn gần 2000 cây số, trên sóng của Đài Tiếng Nói Việt Nam (ĐTNVN) đã vang lên lời ca vui hạnh phúc: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng...”. 35 năm sau ngày đại thắng ấy, tôi đến thăm nhạc sĩ Phạm Tuyên tại ngôi nhà ngõ 40, phố Vạn Bảo, Hà Nội để được nghe ông chia sẻ những cảm xúc trong ngày vui ấy.

- PV: Trong chuyến đi Huế vừa rồi, nhạc sĩ có kỉ niệm gì vui?

- Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Tôi vừa vào Huế tham dự lễ kết nghĩa của Hội nhạc sĩ Hà Nội - Huế - Sài Gòn (vào đúng ngày Huế được giải phóng). Trong buổi lễ ấy, có sự tham gia của đoàn ca nhạc Nhật Bản.

Khi chúng tôi đang cùng nhau hát lần lượt rất nhiều ca khúc, thì một thành viên của đội Nhật Bản yêu cầu cho họ tham gia cùng nhưng họ chỉ hát 2 bài thôi: bài hát truyền thống của Nhật là Hoa Anh Đào và bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của tôi. Tôi rất vui khi thấy bài hát của mình không chỉ được người Việt hay hát mà còn được bạn bè thế giới cùng hát vang. Đó chính là phần thưởng lớn nhất đối với một tác phẩm và một nhạc sĩ như tôi.

- Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng đã trở thành một bài hát “tuyên ngôn” mà mọi người hay hát mỗi khi có “tin thắng trận”. Có phải nhạc sĩ đã sáng tác bài hát ấy trong không khí tưng bừng rực rỡ cờ hoa của Thành phố Sài Gòn những ngày đầu giải phóng?

- Tôi chưa từng được đến Sài Gòn cho đến thời điểm bài hát ra đời. Những ngày đầu tháng 4/1975, ông Trần Lâm (Tổng giám đốc của Đài) bảo tôi rằng: sắp tới sẽ có một chiến thắng rất lớn, phải làm bài nào đó xứng đáng với sự kiện này. Tôi đã phác thảo một hợp xướng 4 chương (Chương 1: Truyền thống anh hùng. Chương 2: Miền Bắc lũy thép. Chương 3: Miền Nam thành đồng và Chương 4: Chiến thắng). Dựng lên như vậy nhưng vẫn cảm thấy có cái gì đó gờn gợn trong lòng. Hơn nữa, nếu đất nước giải phóng, người dân sẽ đổ ra đường chứ chẳng ai ở nhà mà nghe hợp xướng cả.


Nhạc sĩ Phạm Tuyên tại thư phòng. Ảnh: HV.

Thời gian đó, anh em trong Đài chúng tôi bảo nhau, quân ta giải phóng đến đâu sẽ có bài hát ca ngợi đến đó, giải phóng Huế có bài về Huế, giải phóng Đà Nẵng có bài về Đà Nẵng... nhưng sau đó thì viết không kịp nữa vì sức tấn công của quân giải phóng quá nhanh, quá dồn dập. Nên chúng tôi định đến ngày giải phóng miền Nam sẽ cho ra một tác phẩm hoành tráng. Đêm 28/4/1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của Đài có tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất, người tôi như lên cơn sốt, trong lòng như có tiếng reo vui không kìm nén được. Và ngay đêm ấy, tôi viết bài hát này trong 2 tiếng đồng hồ.

Hôm sau, bài hát được thông qua một hội đồng duyệt nhạc. Cũng có nhiều ý kiến “bàn ra tán vào” nào là “đã chiến thắng đâu mà viết”, “lạc quan tếu”… Nhưng nhìn chung mọi người nghe đều thấy thích. Giám đốc Đài cho thu âm và cho dạy hát trên sóng phát thanh. Trong đời tôi chưa bao giờ dựng buổi thu thanh nào cảm động đến thế.

Tất cả mọi người từ ca sĩ đến nhạc công... đều rơi nước mắt, vui sướng quá, hạnh phúc quá.... Và từ 18 giờ đến 24 giờ đêm 30/4/1975, Đài Tiếng Nói Việt Nam liên tục phát tin chiến thắng đan xen với lời bài hát.

Sáng ngày 1/5/1975, đang thơi thới đi bộ trên Hồ Gươm để tận hưởng cảm giác tự do trọn vẹn, tôi vô cùng ngạc nhiên rồi sau đó là cảm động khi thấy một đoàn quân nhạc thổi kèn bài hát này, rồi những sinh viên nhạc viện Hà Nội ngồi xe mui trần kéo violon. Cả nước như đang rộn rã trong niềm vui giải phóng và reo vang nức nở “như có Bác trong ngày vui đại thắng”.

- Lời bài hát của nhạc sĩ thể hiện ước mong của muôn triệu trái tim người dân Việt Nam “có Bác trong ngày vui đại thắng”. Vậy nhạc sĩ đã từng được gặp Bác?

- Tôi đã được gặp Bác một lần. Đó là vào năm 1955, tôi cùng đoàn văn nghệ học sinh Khu học xá Trung Ương được vào Phủ Chủ tịch thăm Bác Hồ. Từ lúc đó, tôi luôn ghi nhớ những lời dạy của Bác, những vần thơ của Bác: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào / Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn?” đã khích lệ tinh thần chiến đấu và sáng tác của chúng tôi, ước ao ngày Bắc Nam thống nhất được vào thăm Sài Gòn.


Hình ảnh Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Ảnh TL.

- Bao lâu sau thì nhạc sĩ thực hiện được mong ước “vào thăm Sài Gòn”?

- Cuối năm 1975, đầu năm 1976 tôi được thưởng chuyến đi xuyên Việt từ Hà Nội vào đất mũi Cà Mau. Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Sài Gòn. Và tôi thấy rất cảm động khi được nghe lời hát Như có Bác trong ngày vui đại thắng… ngay trên thành phố mang tên Người.

Tôi vẫn nghĩ rằng, nếu tôi không viết bài hát ấy thì sẽ có người khác viết. Bởi vì đó là cảm xúc chung của toàn dân tộc. Khi người sáng tác có tình cảm giống như mọi người thì bài hát sẽ đến với công chúng rất nhanh và ở lại với công chúng rất lâu. Không có phần thưởng nào cho người nhạc sĩ lớn bằng tác phẩm sống được trong lòng công chúng. Vị giám khảo công tâm nhất là công chúng thời gian. Một bài hát thành công là phải vừa đảm bảo sự khái quát vừa có tính cụ thể, phải ra đời đúng thời điểm Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa.