Cuore (Tấm lòng) xuất bản lần đầu ngày 17/10/1886, được công chúng nhiệt liệt hoan nghênh, chỉ trong vài tháng được tái bản hàng chục lần, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng và được dựng thành phim. Trong thập niên 1940, cuốn sách được nhà giáo Hà Mai Anh(1) chuyển sang tiếng Việt dựa theo bản dịch tiếng Pháp Grands Cœurs của A. Piazzi.
Cuốn sách gồm những mẩu chuyện vui buồn xảy ra trong gia đình, ở trường học cũng như ngoài đường phố, được cậu bé Enrico Bottini ghi vào nhật ký bằng một giọng văn giản dị và trong sáng của lứa tuổi học trò. Qua những câu chuyện bình thường ấy, tác giả truyền cho người đọc những bài học nhẹ nhàng nhưng đầy thuyết phục về lòng nhân ái, những tình cảm hướng thượng, những cung cách ứng xử với cha mẹ, thầy cô, bạn bè… Thật không ngoa khi có người đã ví Cuore như một cuốn luân lý giáo khoa thư.
|
EDMONDO DE AMICIS
Sinh ngày 21/10/1846 tại Oneglia, Ý. Từng là sĩ quan Quân đội Vương quốc Ý trong cuộc chiến tranh chống Đế quốc Áo. Gia nhập Đảng Xã hội Ý (1896). Nhà báo, nhà thơ, nhà văn. Tác giả nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết. Qua đời ngày 11/3/1908 tại Bordighera, Ý. Thọ 62 tuổi |
Thuở ấy, ở miền Nam không có một bộ sách giáo khoa thống nhất và duy nhất cho mọi trường học như hiện nay, nên giáo viên môn Việt ngữ cũng như tác giả một số sách giáo khoa chọn một số bài trong cuốn Tâm hồn cao thượng (như Ngày khai trường, Học đường, Những trẻ em mù…) mà họ đánh giá là tốt về nội dung và hay về văn chương để làm bài tập đọc, giảng văn… dạy cho học sinh. Còn giáo viên môn Pháp văn thì khuyên học sinh đọc bản tiếng Pháp và tóm tắt mỗi bài trong khoảng mươi dòng.
Riêng thầy giáo của tôi chọn thêm bài Lòng yêu nước của cậu bé thành Padova mà sau hơn nửa thế kỷ tôi vẫn còn nhớ như in. Câu chuyện đơn giản, có thể tóm tắt như sau: Sau hai năm ở nước ngoài, một cậu bé 11 tuổi đi tàu về Ý, quê hương của cậu. Thấy cậu bé có vẻ nghèo khổ, ba du khách nước ngoài cho tiền cậu để nghe cậu kể chuyện cho đỡ buồn. Sau đó, ba du khách vừa uống rượu vừa nhận xét những nước mình đã đi qua. Khi nói về nước Ý, họ không tiếc lời phàn nàn về khách sạn, về xe lửa… của quốc gia này, rồi phê phán người dân Ý. Người thứ nhất chê người Ý dốt nát, người thứ nhì nói người Ý ăn ở bẩn thỉu, người thứ ba cho rằng người Ý hay ăn cắp. Ngay lúc đó, một trận mưa tiền rơi xuống bàn của ba người khách nước ngoài. Cậu bé nói to: “Hãy cầm lại tiền của các người. Ta không thèm nhận của bố thí của những kẻ lăng mạ nước ta!”.
Câu chuyện chỉ có vậy, nhưng in sâu vào tâm trí non nớt của thế hệ học trò chúng tôi lúc đó và không phải không ảnh hưởng đến những suy nghĩ và quyết định của chúng tôi khi lớn lên. Tôi còn nhớ một số bạn bè của tôi nhớ bài học của cậu bé thành Padova, chấp nhận cuộc sống thanh bạch, từ chối những chỗ làm với lương cao trong các công ty của Mỹ vì lý do “không thể làm việc cho những kẻ đã từng thảm sát đồng bào mình ở Sơn Mỹ”.
Sau năm 1975, các bài trong cuốn Tâm hồn cao thượng không được sử dụng trong sách giáo khoa chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên không được giảng dạy những bài ngoài sách giáo khoa, nên ít học sinh biết đến tác phẩm của Edmondo De Amicis(2).
Tôi sực nhớ tới câu chuyện Lòng yêu nước của cậu bé thành Padova khi biển Đông nổi sóng. Trong khi biển đảo của Tổ quốc ta đang bị lấn chiếm, ngư dân ta đang bị giam cầm và tống tiền, thì một bộ phận không nhỏ những người lớn – từ “lớn” ở đây không chỉ nói về tuổi tác – vẫn vô tư làm ăn với những kẻ từng gây ra bao khổ đau cho dân tộc ta, vẫn vô tư nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng, vẫn vô tư mua bán lương thực thực phẩm độc hại, vẫn vô tư tiếp tay cho người lạ phá hoại ta bằng những mưu mô xảo quyệt như thu mua đỉa, đuôi voi, móng trâu… với giá cao bất thường v.v…
|
|
Sách xuất bản trước 1975 và tái bản sau 1975 |
Thật chẳng thú vị chút nào khi nhắc tới những chuyện đau lòng ấy, nên người viết chỉ nói ít và hy vọng người đọc hiểu nhiều, vì mục đích của bài viết này là mong những người lớn vô tư nói trên thay đổi tư duy và hành động, không để quyền lợi của cá nhân, của phe nhóm làm lu mờ tình tự dân tộc và ý thức công dân. Hãy noi gương cậu bé thành Padova, ném trả lại những đồng tiền dính mồ hôi và máu của đồng bào ta!
_____
(1) Nhà giáo Hà Mai Anh (1905-1975) còn ký các bút hiệu Mai Tuyết, Như Sơn. Ngoài cuốn Tâm hồn cao thượng (được giải thưởng văn chương năm 1948), ông còn dịch nhiều tác phẩm như Vô gia đình (Sans Famille – được giải nhất dịch thuật năm 1970), Trong gia đình (En Famille), Về với gia đình (Roman Kabris) của Hector Malot; Vòng quanh thế giới 80 ngày (Le Tour du Monde en 80 Jours), Thuyền trưởng 15 tuổi (Un Capitaine de 15 Ans) của Jules Verne; Guy-Li-Ve du ký (Voyages de Gulliver) của Jonathan Swiff, Hoàng kim đảo (L'ile Au Trésor) của R.L.Stevenson…
(2) Năm 1977, ở Hà Nội, Hoàng Thiếu Sơn dịch lại cuốn Cuore với nhan đề Những tấm lòng cao cả.