Tần Thuỷ Hoàng là ông vua đầu tiên tự xưng Hoàng đế của đất nước Trung Hoa Cổ đại, từng được xem là ông vua đầy bản lĩnh, đồng thời cũng là một tên bạo chúa lừng danh. Đánh giá nhân vật này, từ xưa đã có nhiều ý kiến khác nhau.
Đánh giá Tần Thủy Hoàng bằng thái độ phân tích khoa học
Trong truyền thuyết dân gian thời Tần có chuyện nàng Mạnh Khương lặn lội tìm chồng bị chết do nạn lao dịch xây đắp Trường thành, chuyện Mao nhân tránh bạo chính triều Tần chạy trốn vào rừng sâu, thành người rừng, thân mọc đầy lông lá… đều phê phán Tần Thuỷ Hoàng tàn ác khiến dân chúng khốn khổ.
Đời Hán, những truyện Kinh Kha, Lạn Tương Như, Đường Tuy… đều chê trách Tần Thuỷ Hoàng bạo ngược. Nhưng nhà sử học Tư Mã Thiên khi miêu tả con người và sự việc của Tần Thuỷ Hoàng lại có thiên hướng nhấn mạnh mặt công lao tích cực.

Vạn lý Trường Thành
Học giả Giả Nghị trong bài Quá Tần luận khẳng định Tần Thuỷ Hoàng là một bạo quân, song văn nhân Tang Hoằng Dương trong Diêm Thiết luận lại khen việc Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc là “công như khâu sơn, danh truyền hậu thế”.
Đời Đường, Vương Bột miêu tả cung A Phòng với thái độ chê trách nặng nề, nhưng Liễu Tông Nguyên lại đề cao khẳng định. Chu Hy đời Tống từ góc độ Lý học thì phủ định rõ rệt nhưng Lý Chất đời Minh lại đánh giá rất cao, khen Tần Thủy Hoàng là “Hoành không xuất thế”, là “Thiên cổ nhất đế”. Đời Thanh, Vương Phu Chi lên án sự cai trị của Tần Thủy Hoàng là “bạo chính”, song lại khen là có nhiều biện pháp chính trị giỏi.
Thời Cận đại, Trương Thái Viêm trong Tần hiến ký khâm phục Tần Thủy Hoàng là ông vua tài. Quách Mạt Nhược thì trước chê là “bạo quân” sau lại khen là “vĩ nhân”. Thời Hiện đại, vấn đề Tần Thủy Hoàng vẫn được quan tâm. Mao Trạch Đông đánh giá cao tác dụng của nhân vật này trong quá trình phát triển lịch sử, song chê trách sự đắc chí tự mãn, đắm chìm trong hưởng lạc của ông ta. Sau đó, nhiều nhà nghiên cứu cũng phát biểu. Lã Chấn Vũ cho rằng, Tần Thủy Hoàng đã đẩy xã hội đến một giai đoạn mới, song sự thống trị của ông ta tàn bạo không thể chấp nhận được. Điềm Xương Ngũ, An Tác Chương, Lâm Kiếm Minh… cho rằng, Tần Thủy Hoàng là nhà chính trị có cống hiến lớn song cũng là bạo quân trời đất không dung.
Ngày nay, đất nước Trung Hoa đổi mới, người ta đề cao tinh thần “thực sự cầu thị” và đánh giá lại một số nhân vật lịch sử. Đầu tiên vẫn là Tần Thủy Hoàng. Do có điều kiện thông tin, với thái độ phân tích khoa học, các học giả Trung Quốc tương đối nhất trí với 5 nguyên tắc đánh giá nhân vật lịch sử như sau:
1. Nguyên tắc lịch sử: Phải dùng cách nhìn “bỉ thời bỉ địa” (thời ấy, nơi ấy) mà đánh giá. Mọi hành vi của nhân vật lịch sử không thể vượt qua thời đại họ. Không thể lấy yêu cầu của thời đại ngày nay để yêu cầu, đánh giá nhân vật thời xưa. Khi phân tích bối cảnh lịch sử, điểm chủ yếu cần suy nghĩ là thời gian, đất nước, đặc điểm thời đại và hoàn cảnh lịch sử mà nhân vật sống và hoạt động.
2. Nguyên tắc giai cấp: Xem xét nhân vật lịch sử thuộc giai tầng xã hội nào? Hoạt động vì lợi ích của giai tầng nào? Từ lập trường nhân dân mà nhận xét một cách hợp lý song không nên phủ định hoàn toàn mọi mặt của tầng lớp trên.
3. Nguyên tắc thể tất: Cần nhìn nhận cái chính, tức mặt chủ yếu của nhân vật. Nhân vô thập toàn. Dù là vĩ nhân cũng không phải là thánh nhân. Họ cũng là con người thường, cũng có thất tình lục dục. Vậy phải quan tâm đến đại tiết là chính, chú ý nhiều đến sự cống hiến của họ đối với sự phát triển của lịch sử.
4. Nguyên tắc song doanh: Tức là phải thấy chỗ “được” của cả hai phía khi xét tương quan với phía đối lập. Thí dụ: Khi Nhiếp Chính Vương (đầu đời Thanh) là Đa Nhĩ Cổn kéo quân xuống phía Nam để thống nhất toàn quốc, trước khi đánh Dương Châu có gửi thư chiêu hàng đến Binh bộ thượng thư triều Minh là Sử Khả Pháp. Sử Khả Pháp đọc thư xong đốt liền. Sau vì tương quan lực lượng, thành bị mất, Sử bị bắt. Đa Nhĩ Cổn khuyên hàng, hứa cho quan cao lộc hậu, Sử nói: “Ta đây, đầu có thể mất, thân không thể khuất”. Rồi anh dũng hy sinh.
Tướng lĩnh chống Thanh như thế thật đáng ca ngợi. Song, bên phía đối lập, Đa Nhĩ Cổn cũng đáng khẳng định. Giáo sư Triệu Thế Du (trường Đại học Bắc Kinh) nói: “Đa Nhĩ Cổn là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc, là một trong những người có cống hiến lớn nhất cho triều Thanh”.
Vậy hai nhân vật này là đối diện mà mỗi người có chỗ “được”, riêng Đa Nhĩ Cổn có công lớn với triều Thanh, Sử Khả Pháp thì đến chết không hàng, biểu hiện khí tiết đáng quý. Đó là song doanh. Song đó là trường hợp có những đặc điểm phức tạp, còn những trường hợp rõ ràng như ở thời Tống, Nhạc Phi yêu nước mà Tần Cối bán nước thì đó là thiết án của lịch sử, không thể bình luận gì khác. Hồng Thừa Trù, Ngô Tam Quế rước giặc vào cửa quan, dù sau này triều Thanh lên cũng không thể xem là có công với nước được.
5. Nguyên tắc đa phương: Đánh giá nhân vật lịch sử không nên chỉ bàn về một điểm mà nên bàn nhiều điểm, nhìn nhận về nhiều phương diện. Chủ yếu là từ lợi ích của nhân dân mà nhìn nhận đánh giá tác dụng của nhân vật đối với lịch sử, đối với xã hội và dân tộc.
Công lớn – Tội nặng
Từ những nguyên tắc trên, giới nghiên cứu Trung Quốc tương đối nhất trí đánh giá nhân vật Tần Thủy Hoàng như sau: Đây là nhân vật tiêu biểu trong lịch sử phát triển chế độ phong kiến tập quyền Trung Quốc song công có lớn mà tội cũng nặng. Có thể liệt kê những điểm chủ yếu như sau.
Về công
1. Tần Thủy Hoàng được đưa lên ngôi năm 13 tuổi (- 247), Lã Bất Vi phụ chính. Năm 22 tuổi chính thức nắm quyền lực, nhanh chóng tiêu diệt các thế lực phản nghịch của Tướng quốc Lã Bất Vi và hoạn quan Lao Ái, xác lập cơ sở thống trị, tự xưng là Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa, dùng Lý Tư làm Thừa tướng, Mông Điềm làm Nguyên soái, lần lượt tấn công tiêu diệt sáu nước: Hàn, Triệu, Yên, Ngụy, Sở, Tề, xây dựng một quốc gia phong kiến tập quyền đầu tiên, thực hiện cuộc đại hòa hợp dân tộc đầu tiên của Trung Quốc.
Mặc dầu việc thống nhất đất nước này, Tần Thủy Hoàng có điều kiện là được kế thừa một cơ nghiệp lớn của các tiên vương. (Trong bài Quá Tần luận, Giả Nghị viết: “… Đến Tần vương (tức Tần Thủy Hoàng) được kế tục sự hùng mạnh của sáu đời nên có thể thực hiện kế sách lớn mà thống trị thiên hạ”.
Tang Hoằng Dương trong Diêm Thiết luận thì nói: “Sở dĩ, Tần vượt được các nước chư hầu mà thôn tính cả thiên hạ” là do đất nước hiểm trở và có sẵn “thế”. Cái “thế” ở đây tức là cơ sở do các đời trước để lại, đồng thời còn do nhân dân sáu nước kia chán ghét sự phân chia, có nhu cầu được thống nhất), song phải công nhận bản lĩnh cá nhân của Tần Thủy Hoàng, một con người đầy tài năng và sức mạnh. Công tích này của Tần Thủy Hoàng từng được ca ngợi: “Công như khâu sơn, danh truyền hậu thế”, “Dũng lược hơn người, đạt thành công lớn”, “Thống nhất lục vũ, vượt xa cả Ngũ Đế, Tam Vương”…
2. Cải cách chế độ phân phong thành chế độ quận huyện. Mọi chính sự lớn nhỏ đều do Hoàng đế quyết định hết.
3. Thống nhất hệ thống giao thông. Quy định kích cỡ các loại xe cộ phù hợp các loại đường xá. Biện pháp này gọi là “xa đồng quỹ”, đi lại rất thuận lợi.
4. Thống nhất một loại chữ viết. Biện pháp này gọi là “Thư đồng văn”, cả nước viết cùng một thứ chữ, giúp cho việc giao lưu văn hóa được tiến triển.
5. Thống nhất chế độ đo lường, việc mua bán khắp nơi được dễ dàng, phát đạt hơn.
6. Để ngăn chặn sự xâm phạm của Hung Nô, Tần Thủy Hoàng bắt dân phu lao dịch, nối liền các dãy thành cũ của 3 nước Yên, Triệu, Tần, rồi đắp cao thêm, dài thêm, dựng nên dãy Vạn Lý Trường Thành hùng vĩ, trở thành một trong những kỳ quan thế giới ngày nay.
Về tội
- Tần Thủy Hoàng tính cách quyết liệt, ý chí mạnh mẽ, song vô cùng tàn ác. Ông ta hoàn thành được kế hoạch thống nhất của các vua đời trước song các thủ đoạn thống trị thì tàn khốc đến cực độ. Đường Chân đời Thanh trong sách Tiềm thư nói: “Từ Tần trở đi, phàm các đế vương đều là “tặc” cả, song tên “tặc” này tàn bạo hơn các đế vương khác nhiều, tội lớn hơn nhiều”.

Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An - Trung Quốc
Ông ta tự xem mình là kỳ tài, bản lĩnh nhiều, tham vọng lớn. Tự thấy mình không thể là “vương” như các thời trước mà phải là “Hoàng đế” mới đúng tầm. Và mục đích xây dựng cơ nghiệp cốt vì tông tộc, vì cá nhân, vì dòng dõi mai sau, vì vậy tuyên bố quyết định “Sau Thủy Hoàng đế là Nhị Thế, Tam Thế, rồi đến Vạn Thế, cứ vậy truyền mãi cho đến muôn đời” (Tư Mã Thiên - Sử ký).
- Khi mới thống nhất đất nước, dân đang khốn khổ, nhẽ ra để dân nghỉ ngơi chăm lo sản xuất, song vì lo củng cố quyền thống trị, tiếp tục trưng binh ồ ạt, tiến hành chiến tranh đại quy mô đi xâm lăng mở rộng biên cương, khiến dân bị đẩy vào vòng nước lửa khốn đốn khôn cùng.
- Để thoả mãn cuộc sống đế vương thối nát, ngay trong quá trình tiêu diệt 6 nước, Tần vương đã bắt đầu quy hoạch xây dựng cung Hàm Dương. Sử ký ghi: Năm thứ hai sau khi thống nhất, bắt đầu khởi công, đồng thời xây dựng cả khu cung điện lớn cho các phi tần ở. Chỉ hai nơi này đã hao tổn dân lực tài lực không biết bao nhiêu. Song, chưa thỏa mãn, mấy năm sau, lại xây dựng cung A Phòng quy mô gấp nhiều lần, bắt tất cả các mỹ nữ sáu nước về ở đấy làm nơi hưởng lạc.
- Khi mới ở ngôi được mươi năm, đã xây dựng phần mộ ở vùng Ly Sơn, quy mô hùng vĩ. Ngôi mộ cao hơn 50 trượng trong một khu lăng với nhiều cung điện lầu các nguy nga cất chứa nhiều châu báu bảo vật. Công trình lớn đến kinh người: chỉ công làm đất hết 170.130.192 ngày công. Riêng việc nung ngói hết 36 triệu ngày công. Làm thảm đặt các tượng binh mã hết 18.163 ngày công. Nung tượng binh mã hết 887.125 ngày công. Tổng số hết 207.035.480 ngày công.
Đương thời, nước Tần có khoảng 400 vạn lao động trai tráng, chỉ làm việc đắp đất cho công trình cần mỗi trai tráng bình quân hơn 40 ngày lao dịch. Toàn bộ công trình đòi hỏi sức lao động vượt quá sức trai tráng cả nước gấp 3 lần (Quách Chí Khôn - Tần Thuỷ Hoàng đại truyện)
Thời Tần, nhân khẩu cả nước khoảng 20 triệu người, bị trưng dụng đi xây dựng cung A Phòng và mộ Ly Sơn hơn 80 vạn. Mông Điềm đem 30 vạn quân đi chinh phạt Hung Nô. Dựng Trường thành dùng 50 vạn người. Giữ Ngũ Lĩnh dùng 50 vạn quân. Lính canh gác Kinh sư và các nơi trong nước không dưới 30 vạn. Nhân công sửa sang các nơi 30 vạn, phu vận chuyển lương thực cho quân đội và dân công khoảng trên 100 vạn. Không kể người phục dịch trong các cung điện, tổng số đã tới ba trăm năm sáu chục vạn người, tức là chiếm trên 20% tổng nhân khẩu phải đi binh dịch, lao dịch.
- Binh dịch và lao dịch nặng nề dẫn đến tình trạng dân chúng cùng kiệt, nhưng thuế má lại tăng lên đến 20 lần nên “người nghèo thường ăn đồ ăn như heo chó, mặc đồ mặc như trâu ngựa” (Hán thư – Thực hóa chí).
- Gần cuối đời, Tần Thuỷ Hoàng càng tàn bạo. Sợ quan lại và kẻ sĩ nói chung, ham đọc sách kinh điển để học tập cổ nhân, ảnh hưởng đến nhân tâm, coi thường pháp chế, thế là hạ lệnh thu thập sách vở trong cả nước, trừ loại y dược, bói toán, sử thư triều Tần ra, còn các loại khác đem đốt hết.
- Bị nho sĩ chê bai, cho truy lùng bắt bớ tràn lan, rồi “giận cá chém thớt” sai đem 460 Nho sĩ chôn sống tất cả. Nếu đốt sách là huỷ diệt văn hoá điển tịch thì chôn Nho là huỷ diệt con người văn hoá.
- Phủ nhận chế độ “Đức trị ”, “Lễ trị ” của Đạo Nho, chủ trương “Pháp trị ” một cách cực đoan, ban bố pháp luật vô cùng hà khắc. Sách Hán thư chép: “Người bị khép tội rất đông, người bị xử chết rất nhiều” (Đổng Trọng Thư truyện - Hán thư). Sách Diêm Thiết luận thiên Thỉnh thánh chép: “Thời Tần, người bị tội cắt mũi, mũi chứa đầy sọt. Người bị tội chặt chân, chân chất đầy xe”. “Tội đồ đi chật đường”, “Thiên hạ đầy sầu oán”…
- Bạo chính của Tần Thuỷ Hoàng khiến mọi tầng lớp nhân dân đều oán trách. Sản xuất bị phá hoại, dân không sống nổi dẫn đến sự chống đối. Thương nhân cũng bất mãn vì càng về sau càng có những chính sách ức thương rất ngặt nghèo. Địa chủ cũng bất mãn vì trai tráng phải đi phu đi lính nhiều, không tìm được sức lao động. Rồi Nho sĩ phẫn nộ, cựu quý tộc của 6 nước cũng căm tức sự chuyên quyền độc đoán. Chính toàn bộ sự thống trị thất nhân tâm của Tần Thuỷ Hoàng đã khiến triều đại này nhanh chóng bị diệt vong mà “Kẻ diệt triều Tần chính là Tần Thuỷ Hoàng”.
Vậy là nhân vật lịch sử Tần Thuỷ Hoàng đã được nhìn nhận công bằng: “Công nhiều, tội lắm”. Đứng từ lợi ích của nhân dân, từ ý nghĩa nhân bản mà xét thì nói chung xã hội vẫn xem vế sau nặng ký hơn vế trước nhiều.