Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh: Đại học quốc tế của Việt Nam - câu chuyện nan giải?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh là cựu Đại sứ Việt Nam cạnh Liên minh châu Âu và cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; hiện tại bà là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Trí Việt. Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với bà về một số vấn đề giáo dục và văn hóa.

* Thưa bà, từng du học Đại học Paris (Pháp) và Đại học Cambridge (Anh) và bà cũng từng là một nhà ngoại giao, nhưng giờ đây, lĩnh vực giáo dục lại được bà đặc biệt quan tâm?

- Thực tế, tôi cũng đã từng là nhà giáo, tham gia dạy học ở Đại học Paris, École Normale Supérieure, Fontenay - aux - Roses, Université des Droit và có một thời gian dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, trước khi bước sang công tác ngoại giao. Cho nên, giáo dục vẫn là một phần suy nghĩ trong suốt cuộc đời của tôi. Nghĩ đến giáo dục, chúng tôi mong muốn góp một phần gì đó mang lại sự hữu ích cho đất nước, cho thế hệ trẻ Việt Nam. Hình thành tính cách, năng lực, bản lĩnh của một con người, tất nhiên là có những đóng góp từ gia đình, nhà trường, xã hội hay cả năng khiếu bẩm sinh…

Nhưng, chắc chắn, ở mỗi cá nhân, giáo dục là nhân tố bên ngoài tác động có tính quyết định rất lớn. Về tầm vĩ mô quốc gia, giáo dục càng mang ý nghĩa chiến lược. Trong giai đoạn hiện nay, nếu không lo “xốc” giáo dục mình lên, nỗi lo ngại chung, chúng tôi e rằng sự trì trệ sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam được xếp loại là quốc gia có thu nhập trung bình; nhưng, phải nói chính xác là chỉ là một đất nước vừa thoát nghèo. Thực chất thu nhập của người dân chưa cao, chưa có thể sánh kịp với một số nước như Hàn Quốc, Singapore…

Chúng ta muốn leo lên được đỉnh cao của bậc thang phát triển như các nước này, không thể không tính đến nhân tố quyết định là giáo dục. Trước đây, khi tiếp thị Việt Nam với những công ty đầu tư nước ngoài, chúng ta luôn có ưu thế về nguồn nhân công dồi dào, trẻ, giá rẻ. Thế nhưng, trong thời điểm mới này, nhu cầu cần một đội ngũ nhân công có tay nghề cao, kỹ năng giỏi, chúng ta chưa đáp ứng tốt.

Cho nên, nếu Việt Nam không giải quyết được nguồn nhân lực có chất lượng phù hợp, chúng ta sẽ mất cơ hội. Phần lớn, các nhà đầu tư sẽ bỏ đi nơi khác. Phải nhớ rằng, cơ hội hay vận hội của sự phát triển đều có thời gian tính.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh. Ảnh: KƯ

* Đó cũng là hệ quả của sự mất cân đối trong giáo dục đại học thời gian qua, theo bà sự khắc phục tình trạng này, như thế nào?

- Tình hình giáo dục Việt Nam nói một cách ví von là “đầu to, thân bé”. Cụ thể là chúng ta có nhiều sinh viên có bằng đại học nhưng chỉ làm một số công việc gì đó ở văn phòng. Trong khi đó, nhu cầu lao động xã hội về trình độ kỹ thuật viên trung cấp hoặc cao cấp rất cần ở nhiều cơ quan, công ty, chúng ta chưa đáp ứng đủ. Lẽ ra, các trường trung học chuyên nghiệp phải được đầu tư tốt và tạo dựng uy tín, tạo sức thu hút trong cộng đồng và xã hội.

Theo tôi, phải bắt đầu từ sự thay đổi quan niệm của phụ huynh về ý nghĩa thực học, về sự hữu ích để hướng con em học ngành, học nghề cần thiết cho xã hội, hơn là chỉ cố giật lấy mảnh bằng đại học chung chung. Vừa qua, chúng tôi tham dự một hội thảo giáo dục ở Hàn Quốc. Chính các nhà nghiên cứu giáo dục ở quốc gia này cũng lên tiếng báo động tình trạng thanh niên Hàn Quốc dù đã học xong đại học nhưng vẫn bị thất nghiệp khá nhiều. Những người này tự đặt mình vào một vị trí cao nào đó, họ từ chối những công việc của một kỹ thuật viên.

Các nhà giáo dục Hàn Quốc cũng cho rằng đây là một sai lầm: đất nước đâu đòi hỏi nhất thiết 100% thanh niên phải vào đại học; cần có sự phân khúc ở số đông học kỹ thuật hoặc học những nghề xã hội cần.

* Như vậy, tình hình giáo dục đại học ở Việt Nam phải chăng rất thiết thực khi các công ty, khu chế xuất mở trường đại học cho các lĩnh vực “chuyên dụng”?

- Đành rằng đây là xu hướng đáp ứng trước mắt cho những ngành nghề đào tạo phục vụ cho công ty. Ví dụ đã có một số tập đoàn, công ty lớn mở trường như Đại học quốc tế Miền Đông của công ty Becamex, Đại học Tân Tạo của tập đoàn Tân Tạo, Đại học FPT của công ty FPT hay sắp tới đây là Đại học Dầu khí của Petro Việt Nam.

Với tôi, một điều đáng ngạc nhiên, khi sang Hàn Quốc, chúng tôi thấy ngoài đại học Posco của công ty sản xuất xi măng Posco, hiếm có doanh nghiệp nào mở trường đại học, kể cả các tập đoàn lớn như LG, Samsung…

Tất nhiên, ở Việt Nam các doanh nghiệp mở trường đại học cũng mang lại hiệu quả đầu tư, phục vụ thiết thực cho tình hình sản xuất. Tuy nhiên, nếu hệ thống giáo dục đại học chỉ có các trường đại học công ty là chưa đủ. Chúng ta cần nghiên cứu lại hệ thống giáo dục đại học thế giới. Phần lớn các trường đều là đại học đa ngành.

Bàn vấn đề này, người ta thường đề cập các trường phái giáo dục đại học Âu Mỹ như kiểu đại học Humboldt của Đức, kiểu đại học Napoléon của Pháp hay kiểu đại học Anh, Mỹ. Nói một cách đại thể: đại học Humboldt với vai trò đào tạo và nghiên cứu; đại học Napoléon nhằm đào tạo quan chức phục vụ bộ máy nhà nước; đại học Anh Mỹ tập trung vào cá nhân, phát huy tiềm năng trí lực và sáng tạo của con người.

Thật lý tưởng nếu giáo dục đại học kết hợp được vai trò giáo dục của các trường phái đại học trên. Chẳng hạn, làm sao đào tạo thanh niên biết suy nghĩ, biết phân tích, biết sáng tạo, thích nghi hoàn cảnh thay đổi, cống hiến cho khoa học; nhưng đồng thời biết hướng đến phục vụ xã hội, với tư thế một công dân tốt trong xã hội…

* Không kể một số trường đại học dân lập quá kém chất lượng, vấn đề nổi cộm hiện nay là giáo dục đại học tư thục. Ý kiến của bà thế nào?

- Trước đây khi cho phép mở trường tư thục, Nhà nước không nêu điều kiện áp chuẩn chất lượng đào tạo cao mà lại đặt nặng tiêu chuẩn phải xây trường. Với điều kiện thuê mặt bằng xây trường, thực tế chỉ có một số tập đoàn công ty lớn có khả năng đầu tư. Vì vậy, với những trí thức có tâm huyết với giáo dục khó lòng mở được trường vì không có vốn lớn đầu tư.

Thêm nữa, về quy chế, đại học tư thục được đặt theo cách vận hành của một công ty cổ phần; nhân tố tiền tệ được đưa ra quá mức. Điều này thật bất hợp lý, bởi đây không phải là dịch vụ thương mại bình thường mà là dịch vụ đặc biệt mang tính chất xã hội sâu đậm. Có lẽ vấn đề này cần được nhận thức: thực chất của giáo dục tư thục cũng mang tính chất công ích của xã hội (tôi nhấn mạnh chữ công ích). Và quan trọng hơn hết, chất lượng đào tạo, uy tín đào tạo phải được coi là tiêu chí hàng đầu.

* Theo bà, cần có sự chuyển đổi thế nào để phát triển giáo dục?

- Nhược điểm lớn trong cách giáo dục chạy theo hình thức, thành tích ảo, khiến chất lượng sa sút. Đây cũng là một vấn đề lớn nếu nói đến cấu trúc, nội hàm giáo dục Việt Nam. Trong đó có cách dạy, cách học còn quá cũ kỹ. Làm sao để học sinh phát huy suy nghĩ độc lập, có khả năng phân tích vấn đề một cách góc cạnh, biết suy nghĩ tìm tòi thấu đáo những vấn đề đặt ra.

Chính vì vậy, cải tổ sư phạm, thay đổi cách dạy, cách học là điều bức thiết. Đồng thời, sư phạm phải được đầu tư đúng mức. Giáo dục đại học Việt Nam vẫn chưa được đầu tư nhiều, so với các nước. Tất nhiên, nếu nói đến sự chuyển động của giáo dục nên đầu tư bắt đầu từ mẫu giáo hay đại học, chúng tôi cho rằng phải dành cho cả hai.

Hiện nay các trường phổ thông quốc tế phát triển tương đối nhiều. Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều thiếu sót. Thực tế, nó là một kênh riêng chuẩn bị cho trẻ em đi học ở nước ngoài sau này. Nó không có ý nghĩa thay đổi toàn cục; không có tính tác động tích cực cho lắm đối với hệ thống giáo dục Việt Nam. Chúng tôi mong có được một đại học quốc tế có chất lượng cao đúng nghĩa của Việt Nam, ở Việt Nam; nhưng, làm sao để rút ngắn khoảng cách, đó cũng là câu chuyện nan giải!

Bà Tôn Nữ Thị Ninh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một chuyến công tác ở nước ngoài.

* Xin được bàn qua về văn hóa… Thưa bà, từ sự trải nghiệm của một nhà ngoại giao, xin bà cho biết một số nhận xét về vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa Việt của chúng ta hiện nay?

- Xuất phát từ nghề cũ của tôi là nghề đối ngoại, tôi có thể nêu một số suy nghĩ riêng của mình cũng như ghi nhận từ những lăng kính bên ngoài qua cách tổ chức giới thiệu văn hóa. Thứ nhất, lâu nay chúng ta hay nhắc đến cụm từ bản sắc văn hóa dân tộc nhưng thực tế cách hiểu và vận dụng như thế nào qua nghệ thuật biểu diễn?

Tôi cho rằng đối với di sản văn hóa truyền thống của dân tộc cần phải được bảo tồn và thật trân trọng. Tính chất nguyên thủy của nó cần bảo lưu cẩn trọng qua những thước phim tư liệu để nhiều người, nhiều thế hệ nghiên cứu, tìm hiểu. Tất nhiên, di sản văn hóa sẽ có ý nghĩa hơn khi được biểu diễn trong không gian đặc thù của nó.

Về tinh thần bảo tồn di sản văn hóa có thể nói người Nhật thật tuyệt vời. Họ trân trọng di sản văn hóa dân tộc không phải chỉ ở vài ba chuyên gia mà là rộng khắp người dân trong xã hội. Thứ hai, cũng với vốn văn hóa cổ này, sự sáng tạo của con người đời nay sẽ làm cho nó gần gũi với hơi thở đương đại.

Chính ra thanh niên sẽ khó quay lưng với truyền thống, nếu họ bắt được trong cái cổ của người xưa vẫn có được sự kết nối của âm hưởng hiện đại. Tôi ví dụ về đĩa nhạc của anh Lê Nguyên, con trai GS Lê Thành Khôi. Sự kết hợp giữa dân ca Việt Nam và nhạc Jazz đã mang lại những giai điệu hài hòa rất quen mà rất lạ và rất hay.

* Tuy nhiên, dường như vẫn có những sự bất cập nào đó về cách bảo tồn văn hóa của chúng ta hiện nay nếu như chúng ta soi lại chính mình?

- Đấy! Đó là vấn đề tôi đã cảm nhận và có thể nêu lên một vài điểm như cách nói ở trên qua lăng kính công chúng bên ngoài. Người nước ngoài đã lấy làm ngạc nhiên mỗi khi các đoàn múa của Việt Nam sang, bất cứ lúc nào họ cũng ăn vận trang phục lòe loẹt.

Trong khi đó, họ biết rất rõ những màn múa ca này không phải là trích đoạn cảnh “lên đồng” hay “múa bóng” gì cả! Khách phương Tây dễ nhàm chán với những màn trình diễn của đoàn nghệ thuật truyền thống Việt Nam, họ đã tự hỏi vì sao các nghệ sĩ,nghệ nhân Việt Nam cứ lặp đi lặp lại bổn cũ một cách… vô tư, liên tục qua nhiều năm liền?

Chúng ta đã thiếu sự sáng tạo và cũng dễ ngộ nhận “bản sắc dân tộc” là sự “dậm chân tại chỗ” cùng với trang phục truyền thống phải màu mè và trang phục kẻ giàu sang ngày xưa lúc nào cũng kết đầy kim tuyến hào nhoáng!

Tháng 7 vừa qua, khi sang Pháp, tôi được xem vở xiếc Làng tôi cực kỳ hay. Thực tế, các yếu tố nhào lộn ngoạn mục của các nghệ sĩ xiếc chỉ là một phần, sức hấp dẫn chính là câu chuyện nông thôn Việt Nam với màu sắc thật thơ mộng. Ở đây, tôi đã cảm nhận được vai trò cầu nối của các nghệ sĩ về một miền quê, một vùng nông thôn Việt Nam với khán giả nước ngoài. Họ rất thích vở xiếc! Điều đó cho thấy sự sáng tạo của nghệ thuật là đã nắm bắt được nhịp điệu dân tộc truyền thống hòa cùng nhịp điệu hiện đại một cách tinh tế.

Cho nên, với những kinh nghiệm qua tiếp xúc, trao đổi, thăm dò thị hiếu nghệ thuật của khán giả, chúng tôi cho rằng muốn tạo được một nhịp cầu văn hóa giữa Việt Nam và thế giới, chúng ta phải luôn luôn suy nghĩ, luôn luôn cân nhắc, luôn luôn tìm tòi, chọn lựa và biết lúc nào “cần hào nhoáng”, lúc nào “cần giản dị” trong nghệ thuật một cách thích hợp…

* Xin chân thành cảm ơn bà.

Kim Ửng