Chớm bước vào tuổi thanh niên, chàng trai Mai Đình Thọ gặp ngay phong trào cách mạng sôi sục ở quê nhà những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945. Ông liền tham gia với tất cả lòng hăng say. Viết báo từ thời chống Pháp rồi chống Mỹ với bút danh Trường Lưu, ông cũng đi sâu nghiên cứu văn hóa, văn học, nhất là vào những năm ở Hà Nội.
Qua nhiều năm làm báo Nhân Dân rồi công tác ở Viện Văn học, nhà văn Trường Lưu chuyển sang Bộ Văn hóa - Thông tin, làm Viện trưởng Viện Văn hóa của Bộ. Ngoài công tác quản lý, Trường Lưu đã xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị như: Chủ nghĩa nhân văn và văn hóa dân tộc (1996), Văn hóa - một số vấn đề lý luận (1999), Văn học trong hành trình văn hóa (2000), Toàn cầu hóa và vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc (2003), Văn minh tinh thần và chất lượng văn hóa (2006), Tiếp nối trang văn (2009)…
Trong chuyên luận Văn hóa - một số vấn đề lý luận, ông đã tập trung vào vấn đề cốt lõi là “vấn đề con người, quả tim đích thực của văn hóa”. Việt Nam là một nước có nhiều dân tộc sinh hoạt không giống nhau cho nên văn hóa phải tạo ra nhiều sắc thái, làm cho vườn hoa dân tộc phong phú sắc hương. Để văn hóa các dân tộc ngày càng phát triển, phải “đổi mới trên cơ sở cái nền bảo vệ tinh hoa truyền thống của mỗi dân tộc, sắc tộc, nhưng không ngừng nâng cao truyền thống để phù hợp với thời đại đang sống”.
Trong tác phẩm Văn minh tinh thần và chất lượng văn hóa, ông viết: “Phải thấy trước rằng, ma lực của hiện đại hóa do thành quả của công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế tác động vào văn hóa, sẽ có sức quyến rũ lớn đối với nhiều bộ phận công chúng về độ phức tạp, nhiều vẻ của thị hiếu thẩm mỹ, của quan niệm nhân sinh và cả lối sống theo quan niệm xã hội học thực dụng… Do đó, khẳng định chỗ đứng và đề cao vai trò, vị trí của văn hóa Việt Nam trong hội nhập và giao lưu với thế giới, cũng như nhận thức đúng đắn giá trị của văn hóa và ứng dụng nó vào thực tiễn là những yêu cầu trước mắt đối với những nhà quản lý và làm công tác văn hóa, văn nghệ. Bản sắc dân tộc sẽ tự điều chỉnh và hoàn thiện theo tố chất tinh túy của dân tộc được nâng cao trong nền văn minh trí tuệ và trong bối cảnh một nền văn hóa tiên tiến giàu tính dân tộc, hiện đại và nhân văn. Văn hóa Việt Nam đã góp phần làm đa dạng hóa đời sống tinh thần của nhân loại; nền văn hóa ấy đang tiếp tục hòa nhập vào xu thế tiến bộ của loài người, tạo ra một sự đối nghịch với mặt trái của toàn cầu hóa”…
Là nhà nghiên cứu dồi dào sáng tạo, Trường Lưu còn là một tác giả viết truyện - ký hấp dẫn. Đã xuất bản tập truyện Sóng ngầm (1960), truyện - ký Quê hương ngày ấy (2009). Và là tác giả của nhiều tiểu luận sắc sảo.
Gần bảy mươi năm liên tục cầm bút, để lại nhiều công trình văn học nghệ thuật giá trị, góp công đào tạo cán bộ hoạt động văn hóa, văn nghệ, ông đã được phong học hàm phó giáo sư, được nhiều phần thưởng cao quý về sáng tác, tiêu biểu là Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2003 cho tác phẩm Văn hóa văn nghệ một thời hai trận tuyến.
Ông qua đời ngày 15-5-2015 (27 tháng 3 năm Ất Mùi) tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi. Một nhà nghiên cứu nhiệt tâm, nghiêm túc, một người hết lòng vì gia đình, đồng chí, bạn bè, một người ẩn mình, nói ít nhưng vững vàng chính kiến… Con người ấy đã ra đi, để lại bao thương tiếc trong lòng bạn bè, đồng nghiệp… Sự nghiệp ông, cuộc đời ông “trường lưu” - chảy mãi trong văn hóa.