*PV: Thưa nhà thơ Bùi Tuyết Mai, chị là một trong số ít những nhà văn trẻ người dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay còn sáng tác được bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng Mường), một việc tưởng đơn giản, nhưng đối với nhiều người thì nó lại là một rào cản lớn. Chị có thể cho độc giả thấy được đôi nét về môi trường và ngôn ngữ trong việc sáng tạo tác phẩm văn học của chị?
- Nhà thơ BÙI TUYẾT MAI: Cộng đồng người Mường hiện nay có số dân khoảng 1.122.180 người, là một trong những dân tộc thiểu số lớn ở Việt Nam. Trong đó, Hòa Bình là nơi có người Mường sinh sống nhiều nhất.
Người Mường ở Hòa Bình chiếm tới gần 70% dân số toàn tỉnh. Ai đã từng một lần may mắn trong đời được qua Mường, tiếp xúc với nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng này đều biết đến thành ngữ đẹp như một tiếng chiêng ngân vang về bốn vùng lớn của người Mường ở Hòa Bình: “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”.
Người Mường vốn không có chữ viết, chỉ căn cứ vào ngôn ngữ nói, mà bây giờ những người Mường trẻ tuổi thì lại ít khi sử dụng tiếng Mường để giao tiếp, nhất là giới trí thức, nhiều người vừa không nghe được vừa không nói được tiếng mẹ đẻ. Đây là một thiệt thòi lớn cho họ. Còn tôi, do có lợi thế được sống trong không gian hoạt động văn hóa và sinh hoạt kinh tế của Mường lâu dài nên quá trình sáng tác của tôi được nằm trong cái nôi lớn của các từ vị (toàn bộ từ ngữ) của ngôn ngữ Mường hiện nay, chứ không chỉ dừng lại ở những từ vị cơ bản. Tôi ưu tiên sử dụng từ vị cơ bản trong sáng tác vì nó là một trong những yếu tố mang đậm đặc trưng sinh hoạt của tộc người. Vì chỉ có ngôn ngữ mẹ đẻ mới bộc lộ được đặc tính địa phương của văn hóa tộc người. Các đặc tính này thường có trong mối liên hệ với sự sinh tồn của một tộc người. Chỉ có từ vị cơ bản mới phản ánh được những sự thực xưa nhất và các mối quan hệ giữa chúng với nhau trong lịch sử. Từ vị cơ bản là thước đo giá trị văn hóa, cho nên tôi buộc phải giữ được nó trong sáng tác. Nó ít nhưng mà tốt, và nó phải được phát triển. Còn về từ vị (toàn bộ từ ngữ) thì có thể giúp tôi thể hiện tinh tế, tỉ mỉ, trung thực, trực tiếp quá trình sản xuất, sinh hoạt văn hóa Mường và mối quan hệ với các dân tộc khác. Vì thế, một mặt, các sáng tác của tôi gồm những từ có trong toàn bộ quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ dân tộc Mường, mặt khác, nó còn gồm cả những từ mượn hay từ chịu ảnh hưởng của các ngôn ngữ khác. Để có thể tải chính xác ý tưởng của mình, tôi sáng tác bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, sau đó dịch ra tiếng Việt để phục vụ được đông đảo công chúng.
* Như chị nói, người Mường không có chữ viết, vậy chị ghi lại những sáng tác của mình theo tiếng mẹ đẻ như thế nào?
- Cũng như các nhà văn khác, công việc sáng tác của tôi là làm việc bằng ngôn ngữ. Tôi thấy nói và diễn đạt cảm xúc của mình trong quá trình tồn tại và tư duy chẳng có gì là khó khăn cả. Ngôn ngữ luôn sinh ra cùng một lúc với hành động, thậm chí, ngôn ngữ còn hình thành ở trong đầu trước khi hành động từ rất lâu. Trong sáng tác thì việc tìm kiếm các tầng nghĩa để cho ra đời một tác phẩm còn đòi hỏi những khảo cứu, những lựa chọn từ ngữ, những giá trị căn cốt có tính chất biểu tượng v.v… rất công phu nữa. Chúng ta không có cái phương tiện ngôn ngữ gọi là chữ Mường, nhưng chúng ta có quyền dùng các ký tự khác để mô phỏng ngôn ngữ của mình một cách chính xác. Chẳng hạn như dùng các ký tự La tinh như xưa nay vẫn làm. Người Mường chúng tôi không có chữ viết nhưng việc ghi chép đã được La tinh hóa, thậm chí Việt hóa nó như một thứ ngôn ngữ tự thân.
* Thưa chị, ý tưởng bắt nguồn cho cuộc trò chuyện này là từ Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam(*), tức là chúng ta phải dịch các tác phẩm văn học từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài sao cho có càng nhiều người trên thế giới đọc thì càng tốt. Vậy là với một nhà văn người dân tộc thiểu số như chị, sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng Mường) thì việc quảng bá văn học ra thế giới sẽ dài gấp đôi. Công việc dịch một tác phẩm văn học, đặc biệt là dịch thơ càng trở nên khó khăn, để giữ được bản sắc ngôn ngữ thơ bản địa là việc không tưởng (đối với những thể loại thơ đặc trưng, cũng như về âm sắc của dân tộc đó). Vậy thì khi chuyển tải thơ từ tiếng Mường ra tiếng Việt, chị có bị vấp phải tình trạng đó không?
- Khi chúng ta làm cái việc quảng bá văn học Việt Nam, một việc làm có tính toàn cầu và phải đối diện với thách thức từ nhiều phía, thì việc chuẩn bị kỹ càng có sự tiên lượng trước những khả năng phải trải nghiệm là điều nên quan tâm. Tuy nhiên, việc này không phải bây giờ chúng ta mới bắt đầu làm. Vấn đề là ở chỗ chúng ta chọn cái gì để giới thiệu và giới thiệu nó bằng phương tiện gì hữu hiệu nhất. Đương nhiên, ở Việt Nam bây giờ ngôn ngữ phổ thông là tiếng Việt. Vậy, bất cứ anh thuộc dân tộc gì của Việt Nam, xin hãy cứ chuyển ngữ ra tiếng Việt - tiếng phổ thông của Việt Nam đã.
Đối với dân tộc thiểu số, mà cụ thể là một nhà thơ người Mường như tôi, tiếng Mường vốn có chính là tiếng Việt cổ, cho nên việc ghi chép, sáng tác bằng ngôn ngữ dân tộc Mường hay Việt đối với tôi không khó khăn gì. Hai ngôn ngữ Việt - Mường có nhiều điểm tương đồng, đôi khi chúng lại làm giàu có cho nhau mỗi khi được chuyển ngữ qua lại.
Và trong hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, là một nhà văn hóa Việt Nam, anh hãy chọn những dịch giả trung gian nào thuộc nhóm ngôn ngữ quốc tế Nga, Trung, Anh, Pháp… giúp được anh cho người yêu văn học Việt Nam ở nước ngoài thấy được một trong những nét đẹp của một trong 54 dân tộc của Việt Nam là quý rồi.
* Đối với một người làm công việc sáng tạo thì việc giữ được bản sắc dân tộc trong nếp sống hàng ngày cũng là một vấn đề thiết yếu, bởi có như vậy họ mới toát lên được vẻ đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc mình một cách rõ nét trong tác phẩm. Tôi thấy các tác phẩm của chị đã làm được điều đó rất rõ, rất sinh động, rất chi tiết. Chị có thể nói về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày với công việc sáng tác gắn kết như thế nào không?
- Hiện nay tuy tôi làm công chức nhà nước, đang sống ở thành phố, nhưng cuộc sống hàng ngày của tôi cũng chẳng khác khi ở cộng đồng Mường bao nhiêu. Sáng nào tôi cũng thức dậy từ rất sớm, tập thể dục rồi nấu cơm cho cả nhà ăn, sau đó đi làm. Thực đơn của tôi vẫn giữ như một người Mường: cơm rau, nước đậu tương hoặc đậu nành, muối vừng, trứng, cá nhiều hơn thịt... Những lúc rỗi rãi cả nhà tôi quay sợi, dệt vải. Trong lúc quay sợi mà có ý tưởng sáng tác thì tôi nhờ con trai hoặc em gái ghi chép hộ, nếu không có ai tôi mới rời khung dệt. Tôi có tật xấu là khi ngồi dệt thì rất ham, khó dứt ra lắm, ai hỏi gì cũng chỉ ừ hữ cho qua chuyện. Tôi thường ngồi một mình viết vào buổi đêm. Mùa viết của tôi thường là phải hết mùa măng, khi mà cây cối rắn rỏi, ra hoa. Mùa ấy năm nào cũng thế, tôi thường buồn nhiều, người gầy ốm xanh xao, tôi viết rất nhiều. Đến khi nào hoa keo vàng héo rồi rơi rụng hết. Mùa tàn hoa về kéo theo gió khô đến, như người ta lấy cật nứa miết đi miết lại trên vỏ ống nứa tươi. Mùa rơi đến nỗi không còn một con ong nào muốn đến lấy mật nữa, và tôi ốm luôn một trận nên thân. Khi mùa nắng trở lại, tôi lại khỏi ốm và tiếp tục chẳng làm được gì cho đến mùa này năm sau. Cứ thế, cứ thế...
* Trong những lần dự Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, chị đã nói gì về các tác phẩm của mình và về văn học Việt Nam?
- Tôi đã nói, vẫn muốn giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc Mường của Việt Nam ra nước ngoài bằng con đường báo chí, mạng thông tin và truyền hình. Tôi cũng đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Gặp lại những người bạn năm châu đã đồng hành cùng tôi nhiều năm qua, tôi nói lời cảm ơn cuộc sống với họ bằng ngôn ngữ dân tộc Mường của tôi.
* Khi người dân tộc thiểu số đi làm việc, học hành, các mối quan hệ hàng ngày bắt buộc họ phải nói tiếng Việt. Môi trường họ đang sinh sống hoàn toàn tách rời với cộng đồng dân tộc của mình. Chính vì vậy mà văn hóa, ngôn ngữ dân tộc bị lãng quên, thậm chí biến mất khi mà ngày nay không có ý thức về việc giữ gìn bản sắc...
- Tôi thì sống trong môi trường cả hai họ nội ngoại dù làm đến chức vụ gì, ở đâu, lúc gặp cũng đều thích nói tiếng Mường. Tôi yêu tiếng Mường vì dân tộc Mường giữ được tiếng nói của mình lâu dài, ngôn ngữ nói của người Mường phát triển đến độ tinh túy. Một trong những cách chính để làm giàu có, đồng thời cất giữ lâu dài tiếng nói của người Mường là sử thi. Có thể dẫn ra đây sử thi nổi tiếng Đẻ đất đẻ nước (tiếng Mường gọi là Tẹ tất tẹ tạc) - một pho sử thi cổ sơ sáng thế tiêu biểu. Đẻ đất đẻ nước là cách dùng dựa vào tên của hai chương Mo quen thuộc (chương Đẻ đất và chương Đẻ nước) để gọi chung cho cả 28 chương của toàn bộ pho sử đồ sộ kể từ thuở khai trời mở đất, nói về lịch sử, chính trị, xã hội. Đây là lịch sử người Mường, đồng thời cũng là lịch sử loài người từ thời sơ khai cho đến thời kỳ có giai cấp. Trong sử thi, vũ trụ của người Mường trải rộng mênh mang, cao vút, sâu thẳm nhiều tầng nhiều thế giới.
Một khi đã có niềm tin thì tôi có quyền chờ đợi. Việt Nam còn thì tiếng Mường còn. Và tôi cùng cộng đồng Việt Nam có quyền tin 54 dân tộc Việt Nam mãi mãi tồn tại, bởi sự khác biệt giữa các dân tộc làm nên sự giao lưu văn hóa quốc tế để phát triển.
_____
(*) Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Hội nghị lần thứ ba đã diễn ra tại Hà Nội vào tháng 3-2015.