Tôi quen biết Nguyễn Trung Hiếu vào tháng 9/1970, khi tôi cùng nhà thơ Bùi Minh Quốc, họa sĩ Giang Nguyên Thái đi công tác Quảng Ngãi. Chỉ mới gặp nhau, tôi đã thấy mến con người chân tình, nhỏ nhẹ, chu đáo này. Ở với nhau mấy ngày rồi chúng tôi xuống cơ sở. Mãi đến năm 1974, chúng tôi mới gặp lại nhau ở Trại viết Nước Oa do Hội Văn nghệ giải phóng Khu mở. Ở với nhau một tháng, anh em càng hiểu nhau hơn. Té ra, năm 1959, Nguyễn Trung Hiếu đã dự Đại hội các nhà văn trẻ miền Bắc lần đầu lứa với những Anh Đức, Lê Anh Xuân, Trúc Thông…
Tháng 2 năm 1975, tôi từ Khu xuống căn cứ Quảng Ngãi ở Tà Ma (Trà Bồng). Tại đây, tôi nghe tin Nguyễn Trung Hiếu đã lấy vợ (lúc này anh đã trên 40 tuổi) và 2 người đang sống “tuần trăng mật” ở Nghĩa Lâm vừa mới giải phóng. Tôi và anh Phan Nghĩa An xuống Nghĩa Lâm thăm anh. Dạo này anh có vẻ trẻ lại, hóm hỉnh dù bữa ăn cũng chỉ có sắn trộn cơm và mắm cái. Đùng một cái, nghe tin ta giải phóng Buôn Mê Thuột rồi quận lỵ Sơn Hà (Quảng Ngãi) nơi chưa bao giờ giải phóng được từ thời chống Pháp. Tôi, Phan Nghĩa An và Nguyễn Trung Hiếu lại vù lên đó. Một buổi sáng, đang ở Ban Quân quản thị trấn thì có người gọi:
- Mấy ông nhà báo có ở đó không?
Chúng tôi chạy ra. Thì ra anh Nghĩa bí thư Quảng Ngãi:
- Trời đất, bây giờ mấy ông còn ngồi đây, tối nay ta giải phóng thị xã Quảng Ngãi rồi.
- Thực không anh?
- Ủa, ông này lạc hậu quá. Lên xe đi với tôi xuống vùng ven.
Tại vùng ven, Phan Nghĩa An được phân công đi với đơn vị xe tăng còn tôi và anh Hiếu được phân công đi với lực lượng đấu tranh chính trị vào tiếp quản thị xã vào sáng hôm sau.
Đêm ấy, bọn địch bắn pháo sáng suốt đêm. Ở nơi cách thị xã 7 km, chúng tôi chia tổ nhóm để chuẩn bị làm công tác tiếp quản, học các điều cần thiết khi vào thị xã. Trong lòng chúng tôi ai cũng nôn nao chờ trời rạng sáng. Tôi hỏi anh Hiếu:
- Thị xã có rộng không anh?
- Không rộng lắm. Đó là mình nói theo trí nhớ hồi chống Pháp, sau này mình có biết đâu.
- Thế trước khi đi tập kết anh làm gì?
- Mình đi bộ đội, Trung đoàn 126.
Những câu hỏi dần dần theo kiểu nhảy cóc:
- Quảng Ngãi có nhiều cảnh đẹp không anh?
- Đẹp lắm chứ. Núi Ấn này, sông Trà này, Cổ Lũy cô thôn này, La Hà thạch trận này…
- Quảng Ngãi có gì đặc biệt?
- Đường phổi, đường phèn, don, cá bống kho tiêu độc đáo. Mai vô được tôi đãi ông.
Vừa lúc ấy, có hiệu lệnh lên đường…
*
Từ hồi làm Biên tập viên Tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng Trung Trung Bộ tôi đã nhận được những bài thơ của Nguyễn Trung Hiếu từ Quảng Ngãi gửi lên. Thơ anh hiền lành, giàu tình cảm và giàu hiện thực đời sống. Tôi nhớ mãi những bài thơ như còn run rẩy nỗi vui mừng những vùng quê được giải phóng. Tiếng gà gáy báo hiệu sự hồi sinh của những xóm làng vừa thoát khỏi tay giặc:
Xóm bãi Gà gáy ran Mọc dậy xóm làng… Hay: Em lại đến trường sau bao năm giặc đốt Con đường em đi vương mùi lúa thơm… |

Nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu.
Thơ Nguyễn Trung Hiếu hồi này là những vần ca ngợi những vùng đất ác liệt mà vô cùng anh dũng: Ba Làng An, Ba Gia, Vạn Tường… Ca ngợi những chiến sĩ, những cán bộ, những du kích, những bà mẹ chiến sĩ… Bà mẹ Gò Tranh có lẽ là bài thơ hay, rất xúc động của Nguyễn Trung Hiếu viết về những người mẹ bám trụ. Họ là những con người hồn hậu, hóm hỉnh, cắn răng chịu đựng mọi khổ đau để nuôi các con chiến đấu. Ngày chiến thắng, con về thăm mẹ cùng nhắc lại chuyện xưa:
Hàng me ru bóng xanh mơn Đung đưa cánh võng trưa nồm lâng lâng Mẹ cùng tôi chuyện xa gần Buồn vui khó nhọc tháng năm nỗi niềm Tấm lòng mẹ đâu dám quên Nuôi con từ những đêm đen xa mờ Nhớ ngày giặc mở mùa khô Làng ta trắng trụi bãi bờ lặng te Vẫn thơm lòng mẹ trưa hè Dưới công sự những khúc mì thay cơm… |
Tôi còn nhớ vào mùa mưa năm 1974, Nguyễn Trung Hiếu vất vả vượt mấy con sông: sông Nước Biếc, sông Xà Lò, sông Riềng rồi sông Tranh từ căn cứ Quảng Ngãi về Nước Oa (Quảng Nam) dự trại viết do Hội Văn nghệ giải phóng Khu V mở. Trông anh gầy gò, mặt hốc hác, râu mọc dài. Đến trại, mọi người có vẻ nhởn nhơ, chào hỏi, rủ nhau đi thăm chỗ này chỗ nọ còn anh cứ cắm cúi viết.
- Làm gì mà căng dữ ông anh. Lâu ngày về Khu chơi vài bữa cho thoải mái chứ? Có lần tôi nói với anh.
- Tranh thủ viết, hết trại về tỉnh phải lo đi vùng sâu rồi. Có thì giờ đâu mà viết.
- Anh định viết tiểu thuyết chắc?
- Đâu có, viết 2 bài ký thôi, cũng mấy chục trang lận.
Ngày cuối trại, Nguyễn Trung Hiếu nộp 2 bài ký: Chỗ hẹn đầu cầu và Vượt vây. Hai bài ký anh ấp ủ viết về những đội công tác ở các xã vùng sâu mà anh cùng họ bám trụ trong những năm dài ác liệt.
Anh nói, đi nhiều, sống nhiều với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, làm thơ không đủ để nói được những sự việc, những tình cảm, những suy nghĩ của mình về họ, mà cần phải viết văn xuôi. Anh tâm sự:
- Có lẽ sau chiến tranh rảnh rỗi, mình phải viết dài Quế ạ.
Sau giải phóng, Nguyễn Trung Hiếu chủ trương đi lại, nắm thật kỹ, thật sâu những vùng anh từng sống trong chiến tranh. Anh gặp những người cũ, kể cả những người mới quen hỏi chuyện cũ chuyện mới, ghi chép và viết. Từ đây, đề tài của thơ anh rộng hơn. Bên cạnh đề tài chiến tranh là những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống mới đầy đa dạng và phức tạp hơn. Thơ anh vẫn hồn hậu, dịu dàng như trước nhưng bây giờ sâu hơn, trầm tĩnh hơn, khái quát hơn, thấu tình đạt lý hơn. Các bài thơ Người mẹ ngày ấy, Bến xưa, Màu xanh thời gian thật sự làm xúc động người đọc hôm nay.
Một chiếc lá vàng rơi Màu xanh dường không đổi Đôi khi ta vô tình Để một ngày ở lại Trong cơn đau nghiệt ngã Càng hiểu hơn lòng em Người nối dài nhịp sống Ngày thường ta dễ quên… (Màu xanh thời gian) |
Do điều kiện đi lại dễ dàng hơn hồi chiến tranh, Nguyễn Trung Hiếu đi khắp nơi trong tỉnh và có dịp là đi các tỉnh khác: đến các công trường, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất và bây giờ người ta gặp một Nguyễn Trung Hiếu văn xuôi với những bài ký sinh động, vừa giàu chất sống, vừa giàu chất trữ tình: Muối Sa Huỳnh, Vùng cát cháy, Ở một góc khuất… là những bút ký thấm đẫm tình người lại ngổn ngang sự việc như cái ngổn ngang, bề bộn của thời dựng xây.
Bây giờ, anh viết song song cả văn lẫn thơ, viết say mê, hối hả như để bù lại cho những ngày kháng chiến. Các tập thơ: Phía ấy mặt trời lên, Những cánh cò xa khuất; các tập văn: Chỗ hẹn đầu cầu, Đất hương vàng, Mùa xuân đến trước, Từ độ các anh về, Chuyện còn lại… lần lượt xuất bản.
Đang ở thời kỳ sung sức, chợt Nguyễn Trung Hiếu phải khựng lại. Anh bị một chứng bệnh kỳ lạ: có nhiều u nan ở trong gan. Nguyễn Trung Hiếu phải nằm bẹp ở bệnh viện. Đến thăm anh, thấy anh gầy gò, da sạm, mặt và trán đầy nếp nhăn. Anh ăn uống không được, khó tiêu, ai cũng lo lắng. Thế rồi, mọi sự lại qua. Người ta thấy lâu lâu, Nguyễn Trung Hiếu lại xuất hiện trên báo. Gọi điện hỏi thăm, anh bảo anh đang chiến đấu với các thứ bệnh và cứ viết chừng chừng. Để phòng xa, chuyện ai biết được, anh đang ráo riết làm tuyển thơ.
Đầu tháng 6 vừa qua, nhân Đại hội các nhà văn khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Nguyễn Trung Hiếu vác kẹo gương, cá bống ra tặng bạn bè, trông anh có vẻ khá hơn. Anh nói:
- Sức khỏe ọp ẹp, đếm từng ngày. Biết lần sau có gặp lại mấy ông không? Nói thế, chứ mình vẫn gồng mình viết mấy cái mình tâm đắc.
Anh cười, nụ cười như mếu. Anh nói anh ở độ tuổi “cổ lai hy” rồi. Trông anh tôi liên tưởng đến một cánh cò trắng lặng thầm đang khoan thai tìm mồi trên những ruộng lúa mà thơ anh từng miêu tả…
Đà Nẵng, tháng 6/2010