Năm 1960, tôi 19 tuổi, vào học năm thứ nhất Đại học Tổng hợp, khoa Văn. Đọc một số bài phê bình - lý luận trên các báo, tạp chí…, lúc đó, tôi nổi hứng “ngựa non háu đá”, viết một bài, đưa đến tạp chí Văn Nghệ (51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Bài ấy được đăng và đó là bài báo đầu tiên của tôi.
Anh Nguyễn Viết Lãm và anh Đào Vũ lúc đó là người trực tiếp phụ trách tạp chí (trên nữa hình như là ông Đặng Thai Mai, chỉ đứng tên trên danh nghĩa). Tạp chí Văn Nghệ hồi đó là một tạp chí uy tín, đăng nhiều bài viết của những cây bút lớn của văn đàn hồi đó. Hai anh Lãm và Vũ rất thân tình và trân trọng cộng tác viên, nhất là lớp trẻ. Sau đó tôi còn viết vài bài (vì bận học, mới là sinh viên năm thứ nhất mà, vốn liếng học vấn có gì, chỉ có nhiệt tình, lòng yêu văn học là sẵn có). Đáng nhớ là, tôi được các anh mời đi dự một bữa tiệc tối của tạp chí, tại 51 Trần Hưng Đạo; “chộ” mặt toàn các đại gia, dễ sợ quá!
Thế là anh Lãm là người đưa tôi vào cái nghiệp phê bình.
* * *
Anh Lãm, người gầy, tóc cắt ngắn, ăn nói nhỏ nhẹ. Anh bao giờ cũng là người anh trong làng Văn; đối với tôi, bao giờ anh cũng thân mật, cổ vũ tôi trong công việc phê bình, nghiên cứu. Anh đọc và góp ý cho tôi, nhiều khi là một chữ mà anh cho là dùng chưa trúng. Vào Sài Gòn, bao giờ anh cũng gặp tôi, cùng tôi đi thăm anh chị em văn nghệ (anh ở nhà người bạn Khu 5 của anh là tướng Trần Văn Trà, người Quảng Ngãi). Trong Đại hội Nhà văn căng thẳng vì sự khác biệt ý kiến, anh bảo vệ tôi. Nhớ lần đó, Đại hội Nhà văn IV, tranh cãi dữ dội, tôi lên diễn đàn nhiều lần, đến nỗi anh Trinh Đường đến bảo tôi: “Cậu nói nhiều thế!”, tỏ ý không bằng lòng. Anh Nguyễn Viết Lãm đứng cạnh, liền “che”: “Thì cứ để cho nó nói”… Anh còn tặng tôi một bài thơ, một cử chỉ cao quý. Anh biết tính tôi nóng nảy chăng mà mở đầu bài, anh nhắc câu thơ của thi hào Pháp P.Valéry để “răn” tôi.
Sát na tĩnh lặng
Tặng Mai Quốc Liên
Câu thơ Valéry:
“Kiên nhẫn, kiên nhẫn!
Kiên nhẫn trong không xanh
Mỗi sát na(1) tĩnh lặng
Cơ may một trái chín sinh thành!”(2)
Hãy trân trọng nâng niu
Phần nghìn giây hạnh phúc
Dễ gì ta có được
Chút lửa trong lòng khi ở bên nhau
Mùa xuân gọi nắng trên đầu
Cho tình yêu sinh nở
Ta đánh đổi cả ngai vàng hoàng đế
Lấy một sát na tĩnh lặng giữa hồn mình!
Xuân 2002
Anh Lãm làm thơ không nhiều trong cả một cuộc đời. Nhưng thơ anh chân thật, câu thơ bao giờ cũng xuất phát từ cuộc sống, từ sự sống thật của anh, của nhân dân kháng chiến, anh hùng và gian khổ.
Nhưng anh không chỉ làm thơ mà còn viết tiểu luận, phê bình văn học. Ở đây, ta mới thấy cái nổi trội, cái đặc sắc của Nguyễn Viết Lãm. Anh là một học giả uyên bác về văn hóa Đông Tây. Ta nên nhớ là anh học ở Collège Quy Nhơn trên Chế Lan Viên hai lớp, là đàn anh của Chế, cùng với Chế ở trong nhóm Thái Dương văn đoàn được nhà cách mạng vô sản, ở tù Côn Đảo về là Tôn Thất Vỹ (Nguyễn Minh Vỹ) giác ngộ cách mạng. Vì thế, những bài viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm, về văn hóa dân tộc… của anh là những chiêm nghiệm sâu xa được tích lũy qua cả cuộc đời… Rồi anh đối thoại về triết học Tây phương qua tiếng Pháp với GS Gaspard, chồng nữ sĩ Thu Trang. Những đối thoại rất hay, rất sâu sắc, thật không ngờ một nhà thơ Việt Nam lại có thể hiểu văn hóa, triết học phương Tây đến như vậy. Tôi có dịp đến thăm nhà vợ chồng bà Thu Trang - Gaspard, ông ấy chiêu đãi đoàn chúng tôi theo kiểu Pháp: các loại rượu vang ngon và pho mát nổi tiếng. Ông ấy nói chuyện toàn theo kiểu triết học. Gặp được Nguyễn Viết Lãm, chắc là ông ấy thú lắm!
* * *
Nói đến Nguyễn Viết Lãm thì phải nói đến Liên khu 5 và văn nghệ Khu 5 thời kháng chiến chống Pháp.
Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta rất vĩ đại, đã kết thúc sau 9 năm gian khổ, oanh liệt, mưu trí… với chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng khi ta nhắc đến Điện Biên Phủ, đỉnh cao chói lọi của “thiên sử vàng” kháng chiến, ta không quên các chiến trường phối hợp, chia lửa, kéo giãn quân địch… của các chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, nhất là Khu 5. Khu 5 khi ấy đánh tan chiến dịch Atlante đầy tham vọng của quân Pháp với 2 vạn quân chính quy, đánh tan tiêu diệt cả một trung đoàn thiện chiến, tinh nhuệ của Pháp vừa ở Nam Triều Tiên về ở đèo An Khê… Liên khu 5 khi ấy là một dải các tỉnh Quảng Nam (bắc), Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… với chính quyền, quân đội, tài chính (đồng bạc “tín phiếu”), giáo dục - văn hóa riêng, tồn tại và phát triển tuyệt đẹp suốt 9 năm, cho đến ngày theo Hiệp định Genève ta phải rút quân, tập kết ra Bắc.
Riêng về văn nghệ, thì Khu 5 có biết bao nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, sân khấu (nhiều người nổi tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám) tham gia kháng chiến: Tế Hanh, Nam Trân, Phan Thao, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Tảo, Nguyễn Thành Long, Phạm Hổ, Hoàng Châu Ký, Huỳnh Lý, Nguyễn Văn Xuân…
Trong đó có Nguyễn Viết Lãm, một cán bộ chủ chốt của văn nghệ Quảng Ngãi, Khu 5. Trong suốt 9 năm khói lửa chiến tranh đó, văn nghệ Khu 5 đã có nhiều tác phẩm thơ, kịch… phục vụ kịp thời cho bộ đội, cho đồng bào… vững tin ở kháng chiến, ở cách mạng, dốc toàn lực cho chiến đấu và chiến thắng… Nguyễn Viết Lãm vừa làm công tác lãnh đạo vừa đi thực tế, sáng tác, rèn luyện mình thành một văn nghệ sĩ, chiến sĩ như lời căn dặn của Bác Hồ. Tập kết ra Bắc, với kho kinh nghiệm ở Khu 5, với tài đức của mình, anh được cử làm Chánh Văn phòng Hội Nhà văn (một chức vụ mà hồi đó là rất quan trọng trong công tác quản lý Hội), rồi sau đó chuyển sang biên tập tờ Văn Nghệ, tiếng nói của nền văn nghệ cách mạng đang mở ra với thế giới, chủ yếu là thế giới XHCN. Nguyễn Viết Lãm bằng vốn tiếng Pháp chắc chắn, vững vàng của mình đã cùng với Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh… dịch rất nhiều thơ Aragon, Éluard, Bertolt Brecht, Pablo Neruda… ra tiếng Việt, nâng cao trình độ văn hóa thơ của Việt Nam.
* * *
Nguyễn Viết Lãm, học giả, nhà thơ, nhà lãnh đạo văn nghệ…, lĩnh vực nào anh cũng có công lao to lớn. Anh nhẫn nhịn, khiêm nhường, không tranh giành, không màng danh, không màng lợi, tận tụy làm việc, yêu đời, yêu thơ, yêu bạn bè đồng chí. Có lần tôi hỏi anh về bí quyết trường thọ, anh trả lời: “Mình bỏ qua hết”. Bỏ qua hết, cho nó nhẹ người. Và cũng bởi vì như một câu ngạn ngữ Pháp: “Tout passe, tout lasse, tout casse” (Tất cả đều trôi qua, tất cả đều buồn chán, tất cả đều tan vỡ).
Tôi nghĩ rằng, với trình độ và đạo đức như vậy mà nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã được Hải Phòng tiếp nhận với vị trí đứng đầu làng văn nghệ trong bao nhiêu năm. Hải Phòng, thành phố cảng lớn, cũng là cái nôi cho bao tài năng văn nghệ nổi bật của cả nước. Hải Phòng lần này đã làm một nghĩa cử là kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Viết Lãm. Điều đó cho thấy tình cảm cao quý của văn nghệ, của nhân dân, lãnh đạo Hải Phòng với một nhà thơ, nhà bác học, sinh ra và lớn lên ở miền Nam nhưng gửi hồn cốt mình nơi đất Cảng.
Ngày 2-6-2014
____
(1) Sát na: đơn vị tế vi của thời gian theo nhà Phật
(2) Nguyên văn thơ của Valéry:
“ Patience, patience,
Patience dans l’azur!
Chaque atome de silence
Est la chance d’un fruit mûr!”
(Hồn Việt số 83, 7/2014, tr. 32)