Nhà thơ Xuân Diệu với “đôi nhũ hoa” của nhà hàng Phú Gia

Những năm kháng chiến chống Mỹ, nhà hàng Phú Gia ở bờ hồ Hoàn Kiếm vốn được tiếng là một nhà hàng sang của khách nội địa Hà Nội. Một lần để phấn đấu nâng cao chất lượng nhằm phục vụ đông đảo hơn những khách hàng biết ăn ngon nhưng chỉ với túi tiền hẹp. Ban phụ trách nhà hàng nảy ra sáng kiến mời nhiều văn nghệ sĩ tới dự buổi gặp mặt thân mật vào lúc 7 giờ sáng. Họ tin rằng, đây chính là những nhân vật có thể giúp nhà hàng thêm nổi tiếng, bởi khẩu vị của văn nghệ sĩ vốn tinh tế - biết đâu rằng sau buổi gặp gỡ này lại chẳng có nhạc, có thơ hay, hay như bài Phở của Nguyễn Tuân chẳng hạn... được như thế thì thật tuyệt! Cho nên sự đón tiếp thật niềm nở, khiêm tốn và chiều chuộng.

Giấy mời ghi rõ chữ Chiêu đãi quà sáng... Có lẽ vì vậy mà hiếm ai được mời lại nỡ vắng mặt. Thực đơn theo tiêu chuẩn là mỗi vị khách được ăn một chiếc bánh bao mới ra lò cùng với sữa đậu nành. Mấy dãy bàn bày biện lịch sự, cung cách rất thủ đô; phơi phới la đà những lọ hoa tươi. Giản dị thôi nhưng thật hấp dẫn là những chiếc bánh bao to, to gần bằng cái bát chiết yêu. Còn nhân của nó thì tuyệt vời chẳng kém gì loại thượng hạng của bánh Bắc Kinh bên Trung Hoa. Chỉ cần ăn hết xuất là đảm bảo các vị khách nhân văn thanh lịch đất Hà Thành của chúng ta phải no tới tận chiều - Ban phụ trách nhà hàng cho rằng như thế. Ở vào thời buổi “gạo châu củi quế” rặt toàn tem phiếu... vì đất nước đang còn chiến tranh thì một bữa ăn sáng lót dạ như thế này là thỏa mãn cái bụng; chẳng ai nghĩ tới sự đòi hỏi gì hơn.

Dường như đặc biệt yêu thơ hay sao ấy, mà đồng chí cửa hàng phó kiêm trưởng ban tổ chức cứ quanh quẩn săn sóc ở một bàn có nhiều nhà thơ, chuyện trò cởi mở lắm, trong đó anh ta lại tỏ ra rất quan tâm tới một nhà thơ tình lãng mạn, đầy mộng mơ là Xuân Diệu - người mà anh hâm mộ, vẫn chiêm ngưỡng từ xa, từ lâu... bây giờ mới được gặp!

Anh khoe rằng anh hân hạnh nhìn thấy Xuân Diệu lần đầu tiên trên báo qua bức vẽ cari-cature của một họa sĩ Pháp khi Nhà thơ tình Việt Nam sang thăm Paris từ những ngày Cách mạng tháng Tám 1945... Rồi anh ta xin nhà thơ cho biết cảm tưởng về kỹ thuật làm bánh bao của Phú Gia - Bánh bao mậu dịch quốc doanh!...

Thôi chết, anh ta gãi đúng chỗ rồi! Anh ta không nhớ cái câu: “Hãy nghe trẻ con / nói cái ngon của kẹo…” Và cái câu được nhiều người nhớ là “Cơm áo không đùa với khách thơ” là của Xuân Diệu ư? Tài bình thơ của Xuân Diệu đã rõ; còn cái tài bình ăn của nhà thơ thì khó mà ai biết. Ông vừa khen, vừa ăn xong cái bánh bao rất nhanh. Ông ngẩn người... ngon thật. Lâu lắm, chẳng nhớ đã bao lâu rồi mình mới lại được ăn bánh bao... mà... làm ngon như thế này thì phải ăn tới hai cái mới gọi là...

- Ồ quý hóa quá, xin mời bác xơi thêm, có ngay. Trưởng ban tổ chức hào hứng thực sự về sức khỏe của nhà thơ, liền bảo cô phục vụ mang ngay ra thêm chiếc nữa.

Có chút ngần ngừ... rồi nhà thơ tỏ vẻ hồn nhiên vô tư không khách sáo. Trong khi có nhà văn ngồi đối diện vẫn còn đang thỏ thẻ nhai nốt nửa chiếc, thì ông bắt đầu ăn chiếc thứ hai. Ông hỏi trưởng ban tổ chức: “Anh có thấy chiếc bánh bao này hình thù nó gợi cảm như thế nào không?”. Bình thường thì người ta chỉ nghĩ là nó vẫn... như là cái bánh bao thôi. Còn nhà thơ thì bỗng có phát hiện mới: Nó hao hao tựa như cái “nhũ hoa” của phụ nữ... cũng đầy đặn, tròn trịa và trắng ngần mà thưởng thức nó thì bao giờ cũng phải có cả đôi, cả hai bên chứ!...

...Đôi bánh bao mới thật ngon lành biết bao!

Cái nhẽ của ông, nghe cứ như là ông đang ngâm thơ ấy.

 

Câu chuyện trở nên ròn rã, càng lúc càng thêm nhiều tiếng nói cười. Phải thấy lúc này, nhà thơ dẫu rằng không có rượu để say mà chuyện thật là hay. Chuyện nổ như ngô rang. Cả mấy nhân viên phục vụ và mấy vị khách ham vui đến đổ dồn lại quanh bàn. Trưởng ban tổ chức thì “phải lòng” nhà thơ là cái chắc. Anh ta để ý trước khi đứng dậy ra về, nhà thơ bỗng thoáng tư lự, bèn hỏi tại sao? - Mình mải mê thưởng thức cái chuyện nhũ hoa cả đôi… nên suýt nữa quên nhiệm vụ đặc biệt: đã tới giờ phải đi đón thằng bé cháu ở trường cấp I, mình thật đoảng, dễ quên, có khi quên cả thơ ấy chứ…

Thế rồi, Xuân Diệu từ chối thế nào cũng không xong - Ban tổ chức quá vui, quá thịnh tình, nhất định cứ gói thêm một chiếc bánh bao giúi vào cái túi thơ bằng cói đan của ông.

Vài hôm sau, buổi sáng, Xuân Diệu đang ngồi uống trà cùng Huy Cận ở vườn thì nhận được bức thư. Bóc ra là mấy câu:

Nào có ra gì cái bánh bao
Nhà thơ Xuân Diệu, diệu kỳ sao
Người ta một chiếc ông ba chiếc
Thơ chửa ra cho bánh đã vào...

Không ký tên tác giả. Nhưng ông biết là chữ của ai rồi.

Huy Cận cười vang: mình mà tới dự buổi ấy thì cũng phải ghen tỵ với ông thôi. Nhưng cũng phải công nhận rằng ông có tài tán tỉnh... chẳng kém mấy tài tán tình... trên thơ...

Còn Xuân Diệu thì lẩm bẩm cười:

- ...Thằng ấy là nhà văn mà bỗng nhiên ra mấy câu thơ nghe “rất được”. Nó còn lãng mạn hơn cả mình.


Bài liên quan:

PHẠM THANH TÂM