Nhớ về Nguyễn Thị Ngọc Tú*

CHIA BUỒN


Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú (sinh năm 1942 tại Hà Nội), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Tổng biên tập tạp chí Tác Phẩm Mới (nay là tạp chí Nhà Văn), đã từ trần ngày 20-5-2013 tại Hà Nội, thọ 72 tuổi. Là một trong những tác giả văn xuôi tiêu biểu thời kháng chiến chống Mỹ, với gần 20 tác phẩm đủ các thể loại, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú đã được Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001.


Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, tạp chí Hồn Việt xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, nguyên Ủy viên Ban thư ký (Ban Thường vụ) khóa III, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn khóa IV, Huy hiệu 35 năm tuổi Đảng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt I, đã vĩnh biệt chúng ta! Trong niềm xúc động và tiếc thương sâu sắc, ký ức chúng ta hiện dần lên những kỷ niệm tốt đẹp về con người và tác phẩm của chị, một nữ tác giả có vị trí xứng đáng trong văn học Việt Nam hiện đại.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Nguyễn Thị Ngọc Tú chọn nghề sư phạm và trở thành một giáo viên giỏi tại tỉnh Sơn Tây trước đây, nay là ngoại thành Hà Nội. Ngoài niềm say mê đứng lớp thu hút biết bao thời gian, tâm huyết, chị còn có một niềm say mê khác, đó là tìm hiểu cuộc sống sau phía sau mỗi em học sinh của chị. Đó là cuộc sống ở chốn thôn quê mà phần lớn còn đạm bạc và nghèo khổ; đó là cách sống, là những tập tục, nếp nghĩ, tín ngưỡng nghìn đời quấn lấy biết bao số phận chìm khuất. Tất cả đánh thức trái tim trẻ trung của chị và giúp chị phát hiện ra một điều hệ trọng: Chị đã thuộc về họ, một sự gắn bó có tính chất định mệnh. Chính điều này đã giải thích rõ, tại sao một cô gái sinh ra ở thành phố mà lại viết về nông thôn tinh tường và xúc động đến thế. Qua một số truyện đầu tay, bạn đọc bắt đầu chú ý, Nguyễn Thị Ngọc Tú được mời đi học lớp Viết Văn khóa I của Hội Nhà văn Việt Nam và sau khi mãn khóa, chị trở thành phóng viên chuyên nghiệp cho tờ báo Vùng Mỏ của tỉnh Quảng Ninh. Từ đó Nguyễn Thị Ngọc Tú đảm nhận song hành vừa làm báo vừa viết văn, những công việc theo chị cho đến cuối đời. Chính là Nguyễn Thị Ngọc Tú đã chọn Quảng Ninh cho nhiều sự bắt đầu: Bắt đầu cuộc đời làm báo, bắt đầu lập gia đình riêng, bắt đầu làm mẹ, bắt đầu cho in tập tiểu thuyết đầu tay Huệ và tập truyện ngắn Người hậu phương đúng vào lúc cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ diễn ra tại Vùng Mỏ tới hồi ác liệt nhất. Và cũng chính tại Quảng Ninh đã làm nên sự tiếp nối tốt đẹp: Bé gái đầu lòng và duy nhất của chị, Nguyễn Thị Thu Huệ, sinh ra trong những ngày đi sơ tán năm xưa, nay đã trở thành một tác giả văn xuôi chững chạc, là một thành viên trẻ tuổi nhất trong Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII.

Với sức viết và sức làm việc của một thế hệ đang lên, Nguyễn Thị Ngọc Tú được mời về làm cán bộ biên tập Ban Văn xuôi, tuần báo Văn Nghệ, cùng với nhà thơ Xuân Quỳnh của Ban Thơ, là nên một cặp bài trùng thân thiết trong nghề và trong đời. Đối với báo chí, sản phẩm quan trọng nhất là những số báo chất lượng, ra đúng kỳ, thì đối với văn chương, sản phẩm quan trọng nhất là đào tạo được nhiều tài năng văn học. Thời gian làm việc ở báo Văn nghệ, Nguyễn Thị Ngọc Tú dồn biết bao tình cảm phát hiện những tài năng mới, đem lại sinh khí cho tờ báo. Đó là thơi gian sung sức, trưởng thành nhanh về nhiều mặt của chị. Chị được bầu vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, trong nhiều năm trở thành nữ Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Tác phẩm mới, nay là Tạp chí Nhà văn.

Với gần 20 tác phẩm đủ các thể loại, đề cập đến nhiều mảng hiện thực rộng lớn của đất nước, Nguyễn Thị Ngọc Tú là một trong những tác giả văn xuôi tiêu biểu của thế hệ các nhà văn chống Mỹ. Năm 1974, cuốn tiểu thuyết Đất làng của chị ra mắt bạn đọc mở đầu cho một loạt tiểu thuyết về đời sống nông thôn. Cống hiến của chị là xem vấn đề hợp tác hóa trong cơ chế quản lý bao cấp nói chung và cả trong điều kiện chiến tranh ác liệt chỉ là một trạng thái xã hội để ngòi bút nhà văn lần đến những vận động nội tại và vẻ đẹp bên trong của những người nông dân, trước những áp lực chưa từng có. Sự lựa chọn này đã giúp chị vượt qua giới hạn của đề tài, theo sát những vấn đề nóng bỏng của hiện thực nhưng không sa vào minh họa giản đơn. Nguyễn Thị Ngọc Tú tỏ rõ ưu thế phân tích tâm lý nhân vật sắc sảo, rọi sáng vào những vấn đề vừa rõ rệt vừa trừu tượng, làm cho nhiều nhân vật của chị vừa sống động vừa ám ảnh. Nguyễn Thị Ngọc Tú đặt biết bao tình yêu và sự tin cậy vào lớp trí thức trẻ và xem đó là hạt mùa sau của đất nước. Vì vậy, nông thôn trong tác phẩm của chị vừa cổ kính vừa hiện đại, đằng sau cuộc đấu tranh cho cách làm ăn mới thực chất là sự chuyển hóa của cả một lớp người. Đây là vấn đề hết sức hệ trọng vì nó liên quan đến vấn đề văn hóa làng. Nguyễn Thị Ngọc Tú nhìn nhận khá sớm vấn đề này. Tác phẩm của chị trở nên nghiêm trang, bức thiết và giàu lòng chia sẻ, hoàn toàn xa lạ với các tập trung khai thác những hủ lậu, nhỏ nhen của những người nhà quê và biến đó thành đối tượng của sự châm biếm, hài hước. Chính vì thế tên tuổi và tác phẩm của Nguyễn Thị Ngọc Tú để lại ấn tượng sâu nặng cho tất cả những ai quan tâm đến vùng quê văn hóa, vùng quê tinh thần của chúng ta.

Nhớ về Nguyễn Thị Ngọc Tú, chúng ta nhớ về người hoạt động văn học và báo chí và một cán bộ lãnh đạo quản lý văn học tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng đội ngũ nhà văn Việt Nam.

Nhớ về Nguyễn Thị Ngọc Tú, chúng ta nhớ về một người phụ nữ tài năng và đầy nghị lực. Một sự nghiệp văn chương bề thế và phong phú như chị cũng thật là hiếm có. Trong giờ phút đau thương này, ký ức chúng ta hiện rõ hình ảnh một người mẹ dịu dàng và can đảm dắt đứa con gái nhỏ vững bước qua biết bao mưa gió trên đường đời và sáng tạo văn chương. Với niềm xúc động và tiếc thương sâu sắc, chúng ta gửi theo chị lòng cảm phục, tình nghĩa sâu nặng của những người đồng nghiệp và lòng biết ơn về tất cả những gì chị đã đem đến cho nền văn học và Hội Nhà văn của chúng ta.

Thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi xin gửi tới toàn thể tang quyến nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và nhà văn Nguyễn Thị Huệ lời chia buồn thống thiết nhất.

Xin cầu chúc cho hương hồn nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú được an nghỉ nơi vĩnh hằng./.

Thành phố Hồ Chí Minh, 23-5-2013

 

----------

(*) Điếu văn do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt nam viết, được đọc tại lễ truy điệu và đưa tang nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú tại Hà Nội ngày 23-5-2013.

Hữu Thỉnh