Nhà văn Hoàng Công Khanh: Một đời đắm đuối với kịch thơ

Nhiều bạn bè trong giới sân khấu và văn chương không giấu được ngạc nhiên và thương tiếc khi nghe tin nhà văn Hoàng Công Khanh đã rời cõi trần thế vào một ngày đầu tháng 5 vừa qua. Mới hôm nào, ông còn mang kịch thơ Vua Đen thơm mùi giấy mới đến tặng tận tay từng người. Buổi sáng hôm ấy, ông còn đi ăn sáng về, đọc báo rồi gục xuống bàn... Ở tuổi 92, ông vẫn viết đều đặn và còn nhiều dự định...

Hoàng Công Khanh sáng tác nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch nói, kịch thơ… Tiểu thuyết Vằng vặc Sao Khuê của ông đoạt Giải thưởng Thăng Long - Hà Nội (1998) và Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1999).

Ông được biết đến nhiều hơn cả với tư cách là tác giả kịch bản của các vở diễn: Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài (ca kịch, 1956), Mẫu đơn tiên (ca kịch, 1956), Phạm Tải Ngọc Hoa (ca kịch, 1957)... Các vở kịch thơ của ông có chỗ đứng nhất định trong đời sống sân khấu nước nhà.

Vào những năm 1950, vở kịch thơ Bến nước Ngũ Bồ dựng từ tác phẩm kịch thơ cùng tên của ông càng góp phần thôi thúc lòng yêu nước, ý chí cách mạng và tình cảm thiêng liêng, cao cả của những người dân bình thường dành cho việc lớn, nghĩa cả.

Không chỉ được đón nhận trong nước, kiều bào Việt Nam và du học sinh dựng vở kịch này và diễn hàng chục lần ở Mỹ (California), Bỉ và Ý.

Năm 2009, Nhà hát Cải lương Việt Nam và trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM đều dựng vở diễn này.

Năm 2007, vở cải lương Cung phi Điểm Bích dựng từ kịch thơ cùng tên của ông đã đem về Huy chương Vàng cho nữ đạo diễn (ĐD) Hoàng Quỳnh Mai (Nhà hát Cải lương Việt Nam) tại Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2007, giải A Giải thưởng Sân khấu 2007 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và được nhiều đơn vị mua bản quyền.

Kịch bản bị “bỏ quên” 18 năm trời này khiến không ít người ngỡ ngàng trước sức sáng tạo dồi dào của nhà văn.

Năm 2008, ông cho xuất bản Tuyển tập kịch thơ (NXB Sân khấu), gồm 3 kịch thơ (Về Hồ, Bến nước Ngũ Bồ, Cung phi Điểm Bích và nhạc vũ kịch Chử Đồng Tử).

Các vở kịch thơ của ông thường khai thác cuộc đấu tranh không kém phần khốc liệt giữa phần “người” với “tham”, “sân”, “si”, “danh”, “lợi”... Nhưng “cuộc chiến” với chữ “tình” trong mỗi con người mới thật là thử thách khắc nghiệt nhất. “Vì tình người mà vượt khỏi cám dỗ là không dễ. Tôi bám vào chữ “tình” để khai thác”, nhà văn từng tâm sự.

Nhân vật Cung phi Điểm Bích trong vở kịch cùng tên bước ra khỏi chốn cửa Phật hay cung đình, trở về đời thường để đi tìm hạnh phúc và tình yêu thật sự sau biết bao giằng xé đến quay cuồng cũng vì một chữ tình oan nghiệt: “Yêu người không tới cung tơ không lời”.

Hành trình Điểm Bích trở về với con người thực của nàng cũng là con đường nhà văn Hoàng Công Khanh đưa nhân vật của ông trở về với bản ngã và những giá trị nhân văn của con người, dù ở hoàn cảnh trái ngang hay thử thách khốc liệt nào. Qua đó, ông muốn gửi gắm thông điệp: Con người có quyền chọn lựa tự do khát vọng, nhưng họ đều trả giá cho khát vọng của bản thân.

Chữ “tình” không chỉ in dấu trong tư tưởng của các vở diễn mà thấm đẫm trong câu chữ. Những câu thơ của ông luôn đậm chất tình, giản dị mà trang trọng. Hãy nghe Thị Trinh nói với tráng sĩ Lê Liêm trước khi chàng qua sông sang Chiêm Thành lôi kéo nghĩa sĩ Việt còn ẩn náu từ khi Hồ Quý Ly thất trận trong Bến nước Ngũ Bồ: “Đây nắm đất con tiên tổ muôn đời/ Chàng giữ lấy kẻo quên tình đất nước/ Đất nước còn, không còn em vẫn được/ Đất nước không, em có cũng bằng không”.


Nhà văn Hoàng Công Khanh (giữa) với đạo diễn Doãn Hoàng Giang
và nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền.

Viết kịch thơ nhưng hầu hết các vở kịch của ông là kịch thơ dã sử - mảnh đất tươi tốt để nhà văn bộc lộ những trải nghiệm trong cuộc đời nhiều thăng trầm, gửi gắm những sẻ chia về thế sự và nhân tình thế thái.

Giai thoại trong dân gian về nàng Điểm Bích đem lòng mê say rồi quyết tâm vào chùa quyến rũ Sư tổ Huyền Quang, hay câu chuyện về cha con người lái đò chở những người làm cách mạng ở bến đò miền Trung năm nào đã trở thành gốc rễ để người viết bắt vào, mượn chuyện xưa để nói chuyện nay.

Nhân vật trung tâm trong kịch thơ của Hoàng Công Khanh thường là những số phận bình dân. Đó là bố con lão Đồ - ông già làng chài đầy nghĩa khí, chuyên đưa đón người yêu nước qua sông. Gạt tình cảm riêng tư để làm nghĩa lớn, họ sẵn sàng hy sinh vì đất nước mà không màng danh lợi. Và chính họ góp phần làm nên lịch sử.

Nhưng điều làm nên sức sống và sự lôi cuốn của kịch thơ Hoàng Công Khanh chính là ông kể câu chuyện dưới góc độ nhân văn với một cái nhìn bao dung và độ lượng. Ông không trách nàng Điểm Bích mà mở ra cánh cửa cho nàng bước vào cuộc đời...

Cuộc đời Hoàng Công Khanh cũng chìm nổi hơn hết thảy số phận nhân vật của ông. Ông tên thật là Đoàn Xuân Kiều - một trong những người tù chính trị bị địch bắt giam ở Hỏa Lò, sau bị đày lên nhà tù Sơn La trong khoảng từ năm 1940-1945, vì đã vận động binh sĩ nổi dậy cướp đồn địch ở Móng Cái (Quảng Ninh) và bị tuyên án 8 năm tù.

Ông từng giữ cương vị Trưởng phòng Biên tập Sở Thông tin tuyên truyền thành phố Hải Phòng, Tổng thư ký Hội Văn hóa Cứu quốc Liên khu 3 và làm chủ bút một số tạp chí... Sau vụ Nhân văn giai phẩm, ông đi làm thợ mộc nhưng vẫn không ngừng viết.

Trong một bài thơ, ông ví mình như cái đinh, búa, càng gõ vào đầu thì càng sáng. “Tôi vẫn sống và viết sau những biến thiên. Khi viết thì theo tâm ý mình chứ không bị ràng buộc bởi ai hay bất kỳ điều gì”, ông từng chia sẻ.

Cho đến những năm cuối đời, anh mới có đủ thì giờ và độ suy ngẫm về lời than thở của Rabindranath Tagore, nhà thơ và triết gia Ấn Độ vĩ đại: “Làm cho người ta biết tôn trọng con người thực của mình là công việc nặng nề của cả một kiếp người!”, đó là những dòng ngắn ngủi ông viết về mình, người tù chính trị ở nhà tù Sơn La mang tên Đoàn Xuân Kiều, trong cuốn ký sự Hoa nhạn lai hồng (NXB Văn học, 1992).

Con người thực của ông là người của văn chương, thi phú, luôn đau đáu đưa nhân vật của mình đến với chân-thiện-mỹ, con người sau những bảy nổi ba chìm của số phận vẫn bình thản và càng ngời sáng tinh thần yêu nước nồng nàn qua mỗi trang viết. Một con người như vậy, ai mà không tôn trọng?

CHÂU AN