Nhà văn tài tử Thái Vũ: “Tình yêu và tiểu thuyết lịch sử”

Gần đây, đọc bản thảo Hồi ức Giọt nước thời gian của Thái Vũ (TV), tôi càng hiểu thêm vì sao ông lại say mê với đề tài tiểu thuyết lịch sử như thế. Với Cờ nghĩa Ba Đình, Biến động, Huế 1885… nhà văn như được tắm mình trong hào khí thuở ông cha dựng “Cờ nghĩa” cứu nước, được “sống” cùng các anh hùng có tên và chưa có tên. Có biết bao nhiêu con người và sự kiện đã bị khuất lấp trong các bộ “chính sử” vì không phải là thủ lĩnh, không trọng yếu hoặc không “kịp thời”, nhưng chính họ đã làm nên lịch sử.

Như nhiều người đã “gặp” Nguyễn Quang Bích trong sử sách, nhưng chưa mấy ai biết đến cụ Bùi Cao Phan bị đày ở Guyane; cũng như chuyện thân phụ và thân mẫu Thái Vũ từng gặp cụ Nguyễn Sinh Sắc và cả bà Hoàng Thị Loan không chỉ một lần, mấy ai đã biết…

TV đã ghi lại lời kể của thân mẫu mình về những lần gặp gỡ đặc biệt này trong mấy trang - một việc mà ông “đành khấn hương hồn Ba Má tôi, mong tạ lỗi cùng anh linh các Người” vì “sinh thời Ba Má tôi đã “cấm” không cho viết trên sách.…” Nhưng đến cuối đời, ông đã viết ra vì nhiều người – các nhà sử học, nhà văn, đã khuyên ông hãy kể hết những gì mà ông biết, chứ lớp ông, bao nhiêu người ra đi đã mang theo luôn nhiều góc khuất của cuộc đời, của lịch sử mà hậu thế cần biết.


Huế - quê hương của nhà văn Thái Vũ.

Sau cách mạng tháng 8/1945, ông đã từ giã Trường Quốc học Huế trở thành lính Trung đoàn Trần Cao Vân, rồi sung vào đoàn quân Nam tiến và từ năm 1948-1950 là giáo viên trường Trung học bình dân quân sự Liên Khu 5…

Trong Hồi ức, Thái Vũ đã dành nhiều trang ghi lại thời làm “lính cụ Hồ” từ Huế đến Quảng Ngãi và Liên Khu 5 với những kỷ niệm rất đậm đà. Trong giai đoạn này, ông đã có dịp sống gần gũi với những con người về sau trở nên những nhân vật tên tuổi của lịch sử đất nước.

Kỷ niệm “Liên khu V” với Thái Vũ sâu đậm còn vì ở đây ông đã có mối tình đầu. Người ta chỉ “một” nhưng chàng thanh niên Bùi Quang Đoài đào hoa thì có những mối tình đầu ở đây.

Thái Vũ kể rằng: “…Chị Xuân Lan, nữ sinh cũ Trường Đồng Khánh (Huế) là “hoa khôi” lẫy lừng một thuở của Quảng Ngãi. Chị đã có hai con, nhưng biết tôi đến từ xứ Huế, một lần chị làm một bữa cơm “đặc Huế”, có cả chè đãi tôi…Lúc này, tôi đã dính với “Rosa”, nữ sinh trường Lê Khiết, nhưng chị Xuân Lan “cuốn hút” tôi. Chị đẹp quá khi đã là “goá phụ”! Như “tiên giáng trần”, nhất là bước đi… chao ôi, khó tả! Bản nhạc Đêm hoa đăng chính là tôi diễn tả bước chân của chị… Chị vẫn gọi tôi là em, tôi cũng thích thú như vậy và thực coi chị như chị lớn của mình. Mê chị vì chị quá đẹp, dù chị lớn tuổi hơn tôi…”.

80 tuổi rồi mà còn viết những dòng hồi tưởng đắm đuối như vậy về một mối tình không tưởng ngày xưa, hèn chi hơn nửa thế kỉ trước, chàng lính trẻ Bùi Quang Đoài “dám” viết thơ tình lãng mạn giữa những ngày kháng chiến gian khổ ở Liên Khu 5 tặng những “người đẹp” với nguyên vẹn tên thật đã đến với cuộc đời ông. Bài Vọng nàng thơ viết năm 1947 trên Đường 19 (An Khê) ông ghi rõ Nhớ Duyên (Huế):

“…Ta chỉ là trai thời chinh chiến / Ra đi không hẹn một ngày về / Bên suối đêm nay lòng xao xuyến / Nhớ Em… ly biệt không lời thề…”

…Sau chống Pháp, Bùi Quang Đoài được ra Hà Nội học Đại học Sư Phạm Văn khoa. Năm 1956, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, anh trở thành giảng viên của trường, nhưng rồi “tai nạn nghề nghiệp” khiến anh phải rời bục giảng cùng với Cao Xuân Hạo, Thúc Hà, Văn Tâm…

Chuyện “tai nạn nghề nghiệp” của lớp người này, báo chí đã nói nhiều rồi, chẳng còn là điều cấm kỵ nữa, nhưng nói đến Thái Vũ mà bỏ qua việc này thì quả là thiếu sót. Hơn nữa, trong Hồi ức mà ông vừa viết “nháp” xong, Thái Vũ đã hơn một lần “đính chính” rằng ông cũng như một số người bên “Đại học” thời đó không dính gì đến nhóm Nhân văn – Giai phẩm (NVGP) như không ít người đã lầm tưởng, mặc dù đến nay có người đã tự hào rằng mình từng là NVGP!

Thái Vũ không phân tích “đúng - sai” về quan điểm của nhóm NVGP, ông chỉ kể lại sự việc mà ông biết rõ, đính kèm cả bài ông viết tranh luận với ông Hoàng Xuân Nhị, bây giờ đọc lại thì không khác gì nhiều bài đã đăng từ ngày Đất Nước đổi mới.

Cũng chính vì khẳng định mình không thuộc nhóm NVGP, nên năm 1958, khi Thái Vũ đã chuyển về Phòng Tuyên truyền báo chí Bộ Giáo dục Tuỳ viên văn hoá của Bộ, trong kỳ đi tham gia lao động tại công trường thuỷ lợi Bắc-Hưng-Hải, lúc ông được tuyên dương là “Lao động tiên tiến” thì bất ngờ có một “tay” chạy vụt lên chỉ vào mặt Thái Vũ hét to: Thằng này là phản động, NVGP!”.

Thái Vũ đã kể lại: “… Chính lòng tự trọng, vì danh dự, trong chớp nhoáng, tôi dáng cho tên kia hai cái bạt tai “trời giáng” khiến hắn loạng choạng… Cha ông ta chống Tây không sợ chết, huống hồ bọn… “Dạ, thưa anh” này!…”.

Sau vụ này, Thái Vũ nghĩ là mình sẽ bị bắt, bị đuổi việc, nhưng chính trong buổi lễ đó, Thứ trưởng Hà Huy Giáp, Uỷ viên Trung ương Đảng, đã bảo người đến dìu Thái Vũ về nhà và về cơ quan, không ai nhắc gì đến chuyện “bạt tai” nữa! Và Thái Vũ đã viết: “Tôi rất cảm ơn Bí thư Đảng đoàn, Thứ trưởng Hà Huy Giáp…”.

Rõ là Thái Vũ không quên ơn ai. Ông cũng từng kể cho tôi nghe, để có cuốn sách đầu tay trình làng (Cờ nghĩa Ba Đình), có bao người đã đứng bên ông, giúp ông vượt qua chặng đường gian khổ ấy. Được Hội Nhà văn cho “vay” 100 đồng, ông đi Thanh Hoá tìm về những căn cứ và nhân chứng cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Rồi 5 năm vùi đầu nghiền ngẫm những trang sử dân tộc, những tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng trên thế giới.

Năm 1963, lại vào Thanh Hoá với quyết tâm và cảm hứng dâng tràn. Cũng năm 1963, lần đầu tiên, bút danh “Thái Vũ” được các thầy “duyệt”, xuất hiện trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử.

Bản thảo “Cờ Nghĩa” viết lần đầu 370 trang, thầy Trần Huy Liệu đọc, bảo: “Cứ theo sườn này, viết kỹ hơn nữa”. Lần hai, thành 600 trang. Nhà xuất bản nhỏ nhẹ: “Các cây đại thụ làng văn in dày thế này còn khó, ông thì… Thôi, rút gọn xuống 300 trang!”. Lại cặm cụi sửa chữa, nhưng Nguyễn Đức Đàn góp lời bàn: “Đừng gò bó. Viết thoải mái mới hay được!”.

Tình đồng nghiệp giữa nhà nghiên cứu và người sáng tác thật đẹp: Nguyễn Đức Đàn theo dõi đọc từng trang bản thảo vừa ráo mực; thậm chí chạy mua hỗ trợ bánh mì khi bạn say viết quên ăn… Được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, trong 6 tháng, bản thảo lần 3 dày trên 1.000 trang được hoàn thành, tập 1 in năm 1976, năm 1981 in trọn bộ 2 tập. Và đến nay, bộ tiểu thuyết đã được in lại lần thứ ba…

Chuyện Thái Vũ viết mấy ngàn trang tiểu thuyết lịch sử thì phải một bài báo… trường thiên mới kể hết. Như chuyện ông “hư cấu” một “bông hồng” trong tiểu thuyết Cờ nghĩa Ba Đình, mặc dù ông từng “tuyên ngôn” rằng: “Viết tiểu thuyết lịch sử trước hết phải tôn trọng lịch sử, không hư cấu, bịa đặt, tuỳ tiện. Viết cuốn nào, mình cũng vẽ bản đồ khu vực diễn ra những sự kiện chính để tránh nhầm lẫn.…”

Nhưng ông cũng đã nói: là tiểu thuyết, dù là tiểu thuyết lịch sử, làm sao tránh được “hư cấu”. Nhân vật hư cấu trong Cờ nghĩa Ba Đình là cô Thắm, không ngờ “bông hồng” ấy do chính tác giả “khai sinh” ra với bến đò Thắm từ huyện Hậu Lộc ra Nga Sơn, Thanh Hoá.

Đó là hạnh phúc hiếm có của người viết tiểu thuyết lịch sử! Và cũng có thể nói là hạnh phúc, cùng với những tài liệu (có thứ còn cả dấu son và chữ ký) mà Thái Vũ “đính kèm” trong tập Hồi ức, thời gian đã làm chứng cho ông…

NGUYỄN KHẮC PHÊ