Nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn từ Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) về với Văn nghệ Quân Giải phóng (VNQGP) vào cuối năm 1962. Nỗi mong chờ thành sự thật. Nguyễn Ngọc Tấn với hình vóc cao ráo trong bộ bà ba đen bạc phếch rộng thùng thình như một người đi xa về nhà, tay bắt mặt mừng đồng đội.
Cam go vượt Trường Sơn gian lao, khuôn mặt vuông nắng sạm, góc cạnh, song tiếng cười sâu lắng, tròn đầy và ánh nhìn trong sáng, đôn hậu nồng ấm. Buổi tương ngộ làm trẻ ra những gương mặt. Niềm lạc quan ở rừng như có tiếng hát. Chúng tôi từng mến mộ anh từ cuộc kháng chiến chống Pháp với tập thơ “Hương đồng nội”, giải thưởng Văn nghệ Cửu Long và sau hoà bình tập kết miền Bắc với hai tập truyện ngắn: “Trăng sáng” và “Đôi bạn”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi)
những ngày tập kết ở Cao Lãnh - 1954
Từ đó, Nguyễn Ngọc Tấn đảm vai trò “cây cột cái”, dựng mái nhà “Tòa soạn” tạp chí VNQGP, mang phiên hiệu A.6, anh làm Trưởng ban, cùng Võ Trần Nhã, Thanh Giang ráp vô lo ra tạp chí số 2. Tấn viết bài đổi bút danh mới: Nguyễn Thi (tên con trai anh). Tạp chí số 2 lên trang xong, chiến thắng Ấp Bắc nổ ra làm nức lòng người. Tấn đề xuất và phân công nhau viết bài nhanh về chiến thắng Ấp Bắc, bổ sung nội dung. Anh động viên: “Làm báo là phải nhảy cao đá lẹ”.
Dù ít người, chúng tôi lần lượt thay phiên nhau đi chiến trường. Người “thủ trại” đảm đương mọi sự vụ: ra tạp chí, theo dõi cuộc thi viết, ngoài ra còn tải gạo, cưa củi, cuốc rẫy, chống càn, dời cứ, đào hầm, cất nhà… Bởi thế nên phần sáng tác “dài hơi” chúng tôi phải tranh thủ viết ban đêm dưới ánh đèn hạt đậu bỏ trong ống tre và thường khi bỏ bản thảo dở dang. Bức xúc hơn nữa là diễn biến sôi động chiến trường luôn kêu gọi. Phong trào đồng khởi Bến Tre lan rộng, đưa cuộc chiến tranh nhân dân lên một đỉnh cao mới trong lịch sử. Dù đã có chuyến đi Mỹ Tho, Tấn vẫn trăn trở, bồn chồn. Đầu năm 1964. Tấn dẫn đầu đoàn đi Bến Tre gồm Thanh Giang, Trần Nam Hương và Huỳnh Công Thu - hoạ sĩ tốt nghiệp cao đẳng Mỹ Thuật Hà Nội.
Bấy giờ vào mùa khô; đêm vượt “Đồng chó ngáp” nổi tiếng bát ngát không thấy chân trời, đến chó chạy ngáp dài! Chúng tôi cố lê đôi chân sưng vù trong dép râu trên gốc tràm cháy, gốc rạ đốt đồng, bụi tro bốc mù nghẹt thở! Mệt đừ vậy mà khi đến trạm, Tấn cặm cụi ghi chép. Ít khi anh ghi chép trước đối tượng khai thác, chỉ chăm chú lắng nghe; trò chuyện với ai, thường lấy tờ giấy che miệng. Phong thái khiêm nhường gợi liên tưởng thành ngữ: “Nói là gieo, nghe là gặt”…
Chúng tôi đến trạm giao liên, thuộc Kiến Tường nằm chơ vơ vài ngôi nhà lợp đưng nhỏ nhoi giữa mênh mông đồng cỏ cùng lau lách. Giặc vừa mới càn qua đây. Tôi và Thu theo lối mòn ra cái quán cóc mua vài món nhu yếu phẩm. Bất ngờ tôi dẫm phải đạp lôi, nổ tung người nhảy dựng, tưởng chừng văng mất bàn chân. Thu cõng tôi trở về, cằn nhằn trạm: gài giặc dính ta! Vốn không lắm lời, viết văn kiệm từ, Tấn ngồi nhìn lặng im, đưa mấy ngón tay to, móng dài cáu bẩn rờ rẫm lên bắp chân tôi sưng nhanh ngó thấy lớn to bằng cái ghè.
Hơn một tháng sau, chân bong gân sai khớp vừa cắt bột, tôi chống gậy lần theo đoàn. Đến trạm giao liên ở tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp - Mỹ Tho, tôi cảm nhận điều buồn đau đến tê lặng, rụng rời. Vào buổi chiều vừa đến trạm, Tấn và Thu đi tìm công sự khắp nơi không thấy; nhân thấy quá nhiều trái đào chín rụng đầy gốc, Thu nghĩ đến sẽ mặc bộ quần áo tươm tất một chút khi về nhà nên lượm những trái đào bóp vắt nước định sẽ nhuộm bộ quần áo vải bồng bột trắng. Chỉ còn một đêm nữa thôi là vượt sông Tiền, bên kia là Bến Tre, Tân Thành Bình xã nhà, Thu sẽ gặp lại ba má, anh chị em và mấy cô gái hàng xóm. Nhưng một bầy 5 chiếc trực thăng HU1A của Mỹ bay đến vây bắn không cho họa sĩ Huỳnh Công Thu kịp làm điều đó!… Đau đớn thay giữa đường Thu nằm lại! Một tài năng trẻ chưa được cống hiến thỏa lòng! Đêm ấy mưa tầm tã chan hoà…! Ngọc Tấn và Nam Hương cùng trạm chở thi hài họa sĩ Huỳnh Công Thu trên xuồng đến mai táng ở nghĩa trang Láng Biển - Mỹ Hạnh Đông.

Hành quân trong mưa. Tranh: PHAN THÔNG.
Đến Tỉnh đội Bến Tre gặp lại, chúng tôi ôm nhau mừng chảy nước mắt. Qua ác liệt sống chết, mới xa mà tưởng chừng lâu lắm!
Tìm hiểu về đồng khởi, tôi thâm nhập ba xã điểm: Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy và xã Minh Đức, ngọn cờ đầu của tỉnh; tích lũy sau về viết tiểu thuyết: “Dòng sông nước mắt”… Tấn với tầm nhìn chiến lược, tiếp tục trở lại khu trù mật Thành Thới đang bị dân phá banh. Một khu trù mật điển hình được Mỹ - Diệm chọn làm trọng điểm - thí điểm; là nơi thể hiện mọi chính sách bình định tàn bạo của địch, diễn ra mâu thuẫn chủ yếu và gay gắt giữa nhân dân miền Nam với chính quyền Mỹ - Diệm.
Sau đó anh đến Minh Đức gặp tôi. Có một đêm chúng tôi ngủ chung giường trong nhà dân sát bờ sông Hàm Luông. Ở rừng ngủ võng, chưa hề ngủ chung. Ở đây, trong vùng địch, cái chuyện ngủ chung với nhau đơn giản cũng gây nên cảm xúc, hai anh em tâm sự thâu đêm. Tấn tâm sự: Quý biết bao cảm xúc hiện thực. Nếu như mình không ngủ ở một cái ấp cheo leo bên bờ sông mà tàu giặc không lúc nào vắng bóng thì làm sao có xúc cảm để mà viết. Chỉ có cảm xúc chân thật mới viết nên những dòng chân thật làm rung động lòng người…
Một lần khác, cũng ý niệm này, Tấn bộc bạch một cách chân thành: “Nhân dân đối xử tốt, đầm ấm tới mức mà mình nghĩ nếu có chết đi cũng không có gì đáng ngại. Một cử chỉ tốt đủ làm cho ta vui sướng và bỗng nhiên cảm thấy mình cao lớn, can đảm hơn. Đó là cảm nghĩ thường xuyên đến với mình mỗi lần tiếp xúc với nhân dân. ”
Thai nghén nghiền ngẫm ý tưởng qua hai chuyến đi Mỹ Tho, Bến Tre, Nguyễn Ngọc Tấn viết ba chương tiểu thuyết chưa kịp đặt tên, nhằm cắt nghĩa đồng khởi Bến Tre khái quát cho toàn cục; lý giải mối mâu thuẫn đối đầu quyết liệt và thảm khốc giữa nhân dân miền Nam và đế quốc Mỹ- Diệm; càng tàn bạo, tất yếu phải diệt vong. Sau khi gửi ra Hà Nội, tác phẩm được công bố mang tên: “Ở xã Trung Nghĩa”. Tuy mới ba chương mở đầu mà đồng nghiệp và dư luận đánh giá rất cao.
Sau những chuyến thâm nhập chiến trường, chúng tôi xếp lại bản thảo viết dở dang, tập trung viết truyện anh hùng toan miền lần thứ nhất. Tấn viết chuyện Nguyễn Thị Út: “Người mẹ cầm súng”. Võ Trần Nhã viết về Nguyễn Minh Tua: “Lá cờ Hê-rôn”. Thanh Giang viết Hồ Văn Bé: “Đánh trong lòng địch”… Lê Anh Xuân, nhà thơ đồng hương Tân Thành Bình viết truyện anh hùng Nguyễn Văn Tư: “Giữ đất”…
Nguyễn Thi (bút danh của Nguyễn Ngọc Tấn) thành công truyện Anh hùng “Người mẹ cầm súng”. Khi tác phẩm được lưu hành, được khen, Tấn bảo: “Mình biết người ta khen là khen chị Út Tịch chứ không phải khen gì mình. Nhưng trong hoàn cảnh thế này thì hãy bằng lòng như vậy đã. Còn tôi dự định mỗi tiêu đề là một chương tiểu thuyết cho sau này…”. Đây cũng là một trong những ý đồ dở dang! Tiếp theo, Đại hội Anh hùng lần thứ hai, Tấn viết về nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh “Ước mơ của đất” mới phần một dở dang …
Cuộc sống và sáng tác của chúng tôi lúc nào cũng tất bật trong không khí chiến trường luôn kêu gọi và đảm đương vô vàn sự vụ chức trách cùng sinh hoạt thời chiến … Thế nên Tấn tâm sự với tôi một câu chua chát đến tận bây giờ : “Tình hình này ngồi viết tiểu thuyết nó chướng lắm!”.
Nguyễn Ngọc Tấn lao xuống Củ Chi, viết thiên ký sự dài: “Những sự tích ở đất thép”. Nôn nao là cuộc tập kích chiến lược vào Sài Gòn Xuân Mậu Thân - 1968, hầu hết anh em VNQGP chúng tôi chia nhau theo các đơn vị bộ đội tiến về Sài Gòn… Những ngày này Nguyễn Ngọc Tấn hồn văn không yên.

Tổ nuôi quân trong địa đạo Củ Chi. Tranh: Nguyễn Tiến Cảnh.
Trong cái nỗi nôn nao thời điểm lịch sử diễn ra sự kiện trọng đại, anh còn một nỗi khát vọng triền miên được gặp con gái Trang Thu yêu quý 14 tuổi hiện ở trong lòng Sài Gòn. Anh lại xếp bản thảo dở dang: “Ước mơ của đất” vừa xong phần một, đi đợt hai, hướng tây nam Sài Gòn. Mặc dù thủ trưởng Phân khu 2 ngăn cản, anh vẫn theo Đoàn 10, chiến đấu trên đường Minh Phụng suốt 5 ngày đêm từ 5/5 đến 9/5.
Khi lùi ra đến ngã ba Tham Lương, anh trong đội hình một đại đội chỉ còn mười tay súng, trụ trong một vuông tre chống địch truy kích quyết liệt với cả bộ binh và phi pháo. Nguyễn Ngọc Tấn cùng chiến đấu trên tuyến đầu và anh đã hy sinh do một phát hỏa tiễn từ trực thăng HU1A của Mỹ! Tháng 5/1968, tôi trở về cơ quan. Vài ngày sau nhận được tin dữ từ FK.2 điện báo: Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi hy sinh!
Trong nỗi đau bàng hoàng, anh Oánh và tôi soạn trong hai thùng thiếc tư liệu của Tấn, chọn hằng chục tập ghi chép cùng tất cả các bản thảo tiểu thuyết, và nhiều bản thảo dở dang khác… đóng thành hai gói to, chuyển ra Hà Nội.
Anh để lại tên đường Nguyễn Thi ở quận 5 - Thành phố Hồ Chí Minh, còn hài cốt nằm lại nơi nào!? Mẹ Thành Thị Du hồi sinh tiền từ Nam Định vượt hai ngàn cây số vào Tp. Hồ Chí Minh viếng mồ con, chỉ biết ôm bó hoa huệ đỏ đi bộ dài theo đường Minh Phụng, thầm cảm ứng hơi hướng cùng khí tiết người con trai vô vàn yêu thương trong những ngày sinh tử chiến đấu với quân thù còn vương vất trên vòm cây, nóc phố, trong cát bụi trên đường!...
Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi nhà văn tài hoa nổi tiếng, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên. Nhà văn định hình nhân cách: cuộc sống có trước, sách vỡ có sau; tự phát trưởng thành; từ trong huyết quản phát sinh cảm xúc nghệ sĩ. Anh khái quát đời mình: sinh Bắc - lớn Nam. Thế nên, khi tập kết ra Bắc quê hương, anh vẫn canh cánh nỗi lòng: đêm Nam - ngày Bắc. Ngày bên vợ trẻ con thơ; đêm thì da diết nhớ thương đồng bào miền Nam còn trong vòng tay giặc thù tàn sát, trong đó có con gái đầu lòng chưa nhận mặt mà hằng chiêm bao vọng tưởng. Cho nên anh hăm hở trở về chiến trường xưa từ rất sớm… Và anh viết những câu thơ da diết từ gan ruột:
Những mối tình bằng nước mắt Có bao giờ phai nhạt em ơi! Hái tất cả mùa xuân trên mặt đất Anh làm thơ yêu tặng một con người. |
Hằng nhớ thời đa đoan viết vội, chiến trường sôi động luôn kêu gọi, lòng tôi không nguôi nhớ thương Nguyễn Ngọc Tấn với câu tự thán chua xót: “Tình hình nầy ngồi viết tiểu thuyết nó chướng lắm!” Giờ im tiếng súng, đôi mắt trữ tình nhân hậu anh nhìn đồng nghiệp đang sống và viết tự do thoải mái, hẳn hởi dạ chúc mừng: “Được viết tiểu thuyết trong khung cảnh Đất Nước hòa bình thịnh vượng hạnh phúc lắm thay”