Nhà văn VŨ HẠNH - Nửa thế kỷ “bút chẳng tà”...

LTS: Ngày 5-10-2015, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Vũ Hạnh - Đời văn, chiến sĩ” nhân dịp 90 năm ngày sinh của ông. Đến dự có PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM; ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cùng nhiều bạn bè văn hữu, các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật… Có gần 30 bài tham luận của các nhà nghiên cứu văn học trong, ngoài nước và nhiều thế hệ được gửi tới. Tất cả đều cùng đánh giá rất cao gia tài văn học đồ sộ nhiều thể loại của nhà văn. Buổi tọa đàm đã góp phần phân tích và khẳng định những giá trị tư tưởng - văn hóa - lịch sử - văn học trong các tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh và những đóng góp của ông đối với sự nghiệp bảo vệ, phát triển văn hóa dân tộc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Bài tham luận dưới đây chỉ là một nét điểm xuyết trong cả cuộc đời văn, đời chiến sĩ của nhà văn.

Tháng 8 năm 1966, Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc được thành lập, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, bí mật tổ chức cơ sở ngôn luận là tờ báo Tin Văn, Nguyễn Ngọc Lương làm Chủ bút và Vũ Hạnh làm Tổng thư ký. Nội dung, đường lối, phương thức hoạt động của Lực lượng hết sức rõ ràng: “Nhấn mạnh đến các phẩm chất tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam, nhiệm vụ cụ thể mà Lực lượng phải thực hiện, kêu gọi phát huy một niềm tự hào dân tộc chính đáng, dựa vào sức mạnh và sự tự vệ của giống nòi trong cơn sóng to gió lớn đang đe dọa cuộc đời dân tộc”. Lực lượng khẳng định quyết tâm “trên lập trường dân tộc, những gì phù hợp với văn hóa dân tộc, tất phải được đón nhận, những gì phá hoại, tất phải được bài trừ”. Phong trào Bảo vệ văn hóa dân tộc quy tụ được nhiều cây bút tên tuổi như Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Vũ Hạnh, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Ngọc Lương, Nguyễn Văn Xuân, Tô Nguyệt Đình, Tường Linh, Trần Cao Bằng, Trương Đình Cử, Lê Nhân Phủ… Những tên tuổi này đã có những đóng góp đáng kể vào việc xây dựng một cơ sở lý luận và tạo sự ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình văn học; đồng thời họ đã góp phần không nhỏ vào việc đấu tranh chống lại khuynh hướng văn học đồi trụy, làm khơi dậy ngọn lửa đấu tranh giải phóng dân tộc ở các đô thị miền Nam. Phong trào Bảo vệ văn hóa dân tộc thực sự trở thành một làn sóng văn hóa thâm nhập vào đời sống xã hội và ảnh hưởng đến các sáng tác văn chương. Và nhà văn Vũ Hạnh chính là cái tên sáng giá nhất.

Khi tổng kết buổi tọa đàm, bà Thân Thị Thư đã chúc nhà văn Vũ Hạnh trường thọ mãi với cuộc đời. Nhà văn đã đáp từ rằng năm 1955, trong khi đang đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Genève thì ông bị địch bắt tại Thăng Bình - Quảng Nam và bị đưa vào danh sách đi thủ tiêu. Một người lính Bảo an của quân đội Việt Nam Cộng hòa tên là Nguyễn Hữu Dư có cảm tình với cách mạng đã ngầm báo cho vợ nhà văn. Bà đã chạy đến khám la khóc đòi gặp mặt chồng, cuối cùng địch phải cho ông ra để chứng minh là ông vẫn còn sống.Nhờ thế, ông là người duy nhất trong danh sách bị đưa đi thủ tiêu đã thoát được.Trong buổi tọa đàm, nhà văn Vũ Hạnh đã mời người lính năm xưa đến để gửi lời tri ân. Ông bảo nếu không có ông Dư thì ông đã mất xác từ năm 1955, không còn ở đây để được mừng thọ 90 tuổi…