Về lý luận và phê bình văn học, một thành tựu và giá trị của đổi mới và hội nhập là sự quan tâm ngày càng nhiều của giới lý luận và phê bình đối với vấn đề tác phẩm văn học. Vấn đề này là trọng điểm và giao điểm của nhiều dòng lý thuyết hiện đại về văn học, một vấn đề về thực tiễn tưởng rất quen thuộc và giản đơn song về lý thuyết không dễ gì có câu trả lời thống nhất và thuyết phục…
Biết kế thừa, tiếp biến lịch sử và quốc tế một cách chủ động, sáng tạo:
Trong quá trình đất nước đổi mới để phát triển, mở cửa để hội nhập, văn học chúng ta có dịp tiếp xúc, giao lưu với nhìêu giá trị và thành tựu về sáng tác cũng như lý luận từ nước ngoài, đặc biệt là từ các nền văn học Phương Tây. Có những thành tựu thực ra không còn mới mẻ nữa, từ lâu đã là đồ cũ ở Phương Tây song dù sao đối với chúng ta xem ra vẫn còn mới, như chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, hiện tượng học, văn học phi lý, chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại…
Phải nói rằng các xu hướng sáng tác cũng như lý luận trên đây trước 1975 không phải chúng ta không biết đến, song thường tiếp xúc chúng với định kiến phủ định và phê phán, cho đó là sản phẩm của khủng hoảng văn hoá tư tưởng tại các nước Phương Tây từ sau Thế chiến II, xa lạ hoặc có hại cho văn học chúng ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc và Cách mạng Xã hội chủ nghĩa. Điều này không phải hoàn toàn vô căn cứ song cũng đưa đến sự chối bỏ hàng loạt, không phân biệt vàng thau, chỉ có đối đầu mà không đối thoại, đưa đến sự tự đóng cửa, tự khép kín, tự mình làm nghèo nàn mình.
Trong quá trình đổi mới và giao lưu, hội nhập nhiều năm nay, thái độ hẹp hòi nói trên cũng dần dần được sửa chữa, tầm nhìn của chúng ta trên các lĩnh vực này cũng đã được thông thoáng, rộng rãi hơn. Tư duy nghệ thuật, thẩm mỹ của chúng ta cũng đã được đổi mới và trở nên nhiều chiều, toàn diện hơn, bên cạnh thái độ phê phán đã có thái độ tự phê phán, bên cạnh thái độ phủ định đã có thái độ khẳng định, thậm chí quan tâm học tập và vận dụng các tri thức mới, kinh nghiệm mới, kỹ thuật mới.
Tuy nhiên, không phải không có tình hình từ cực này chuyển sang cực kia, từ sự chối bỏ, phê phán đồng loạt chuyển sang sự tiếp thu, chấp nhận đồng loạt. Trong khi đó, cái cần thiết trong cả hai trường hợp vẫn nên là nguyên tắc: đối với các giá trị và thành tựu truyền lại từ xưa cũng như nhập vào từ ngoài, phải xuất phát từ tinh thần độc lập, tự chủ để học xưa vì nay, học ngoài vì trong, kế thừa, tiếp biến lịch sử và quốc tế một cách chủ động, sáng tạo, không nên đa nghi mà cũng không nên cả tin, không mặc cảm tự tôn hay tự ti.
Trong thế giới ngày nay, về tư tưởng cũng như văn hoá, về lý luận cũng như phê bình, dù sao cũng phải theo sóng về nguồn, đãi cát tìm vàng, gạn đục khơi trong, xuất phát từ lợi ích dân tộc và tinh thần thời đại. Học tập có suy nghĩ, suy nghĩ phải học tập.
Nghệ thuật ngôn từ là một loại hình của văn hoá ngôn từ:
Về lý luận và phê bình văn học, một thành tựu và giá trị của đổi mới và hội nhập là sự quan tâm ngày càng nhiều của giới lý luận và phê bình đối với vấn đề tác phẩm văn học. Vấn đề này là trọng điểm và giao điểm của nhiều dòng lý thuyết hiện đại về văn học, một vấn đề về thực tiễn tưởng rất quen thuộc và giản đơn song về lý thuyết không dễ gì có câu trả lời thống nhất và thuyết phục.

Nghĩa trang Père-Lachaise - Pháp.
Có thể nói rằng toàn bộ lý luận văn học phương Tây của thế kỷ XX đều tập trung lý giải bí ẩn của thực thể này và cho đến nay chưa phải đã đi đến kết thúc thỏa đáng dù chỉ là tạm thời. Trên đường đi tìm chân lý khoa học về tác phẩm văn học, phải nói rằng không ít lý thuyết đã thất bại và phá sản, tiêu biểu là chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc (giải cấu trúc) mà một kiện tướng của trường phái này là GS. Tzvetan Todorov đã thừa nhận và phê phán (gồm cả tự phê phán) trong một công trình gần đây của ông nhan đề: “Văn học lâm nguy” (La littérature en péril).
Trong một bài viết trước đây “Một sai lầm thế kỷ trong lý luận phê bình văn học” tôi có nhắc đến “sự hồi tâm” của nhà lý luận văn học này cùng với “sự trở về” của tư duy lý luận văn học Phương Tây sau một thế kỷ phiêu lưu trong các cuộc tìm kiếm sự lý giải khoa học về đặc trưng của văn học, tập trung vào đặc trưng hình thức và ngôn ngữ của nghệ thuật này, bắt đầu bằng định nghĩa: “Nghệ thuật là thủ pháp” (Iskustvo kak priom – Art as device) của trường phái chủ nghĩa hình thức Nga đầu thế kỷ XX mà chính Tzvetan Todorov đã có công giới thiệu và biểu dương trường phái này ở Phương Tây, mở đầu cho sự chiếm lĩnh diễn đàn của chủ nghĩa cấu trúc rồi hậu cấu trúc trong lý luận, chủ nghĩa hiện đại rồi hậu hiện đại trong sáng tác.
Đến đầu thế kỷ XXI này, trước sự lan tràn của “lý luận” và “sáng tác” này gây tác hại không chỉ trong nghiên cứu, phê bình và cả trong giảng dạy, giáo dục văn học, GS Tzvetan Todorov đã nhận xét: “Một bộ phận sáng tác rất lớn của văn học Pháp hiện đại chịu ảnh hưởng quan niệm văn chương nói trên (chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cấu trúc, giải cấu trúc, chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa duy ngã… ) quan niệm này đang ngự trị trong việc giảng dạy và phê bình, một quan niệm, hẹp hòi và nghèo nàn đến mức phi lý” (*).
Sự phê phán của Tzvetan Todorov, không chỉ trong tác phẩm “Văn học lâm nguy” mà đã nhiều năm trước đó, là rất có ý nghĩa. Ông đã từng thừa nhận: sự tìm tòi lâu dài của ông và người tiền bối của ông là Roman Jakobson (từng là thành viên của trường phái hình thức Nga đầu thế kỷ XX) về đặc trưng của văn học ở cấu trúc đặc biệt của diễn ngôn văn học khác với các diễn ngôn phi nghệ thuật khác cuối cùng đã thất bại vì các đặc trưng này cũng có mặt trong tất cả các diễn ngôn nghệ thuật và không nghệ thuật.
Không thể đối lập ngôn ngữ nghệ thuật với ngôn ngữ phi nghệ thuật để tìm ra cái đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật. Ngôn ngữ nghệ thuật chỉ là một loại hình của ngôn ngữ nói chung trong giao tiếp giữa người với người trong xã hội, là sự phân hoá của ngôn ngữ nghệ thuật từ ngôn ngữ giao tiếp nói chung và luôn luôn tích hợp và giao thoa với ngôn ngữ nói chung đó.
Nghệ thuật ngôn từ là một loại hình của văn hoá ngôn từ và văn hoá ngôn từ là một lĩnh vực của thực tiễn ngôn từ, tức của sự vận dụng ngôn ngữ của con người trong giao tiếp xã hội. Tách rời khỏi bối cảnh đó, không thể tìm thấy đặc trưng độc đáo, duy nhất nào của ngôn ngữ nghệ thuật. Ví như nói rằng: ngôn ngữ thi ca là sự chuyển dịch từ trục ngang (trục liên kết) sang trục dọc (trục lựa chọn), hoặc ngôn ngữ thi ca chỉ hướng nội, quy chiếu vào bản thân mình còn các ngôn ngữ khác thì hướng ngoại, quy chiếu ra bên ngoài, mọi sự phân biệt căn cứ vào cấu trúc, hình thức ngôn ngữ như vậy đều khiên cưỡng, giả tạo và đi đến cường điệu và bế tắc. Tôi đã vạch rõ điều này trong bài: “ Một sai lầm thế kỷ trong lý luận, phê bình văn học …”
Có thể nói rằng: sang thế kỷ XXI, chủ nghĩa hình thức cùng với các con đẻ của nó là chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc trong ngữ học, chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại trong văn học đã kết thúc vận mệnh lịch sử của chúng rồi. Người làm chứng rất có uy tín và đáng tin cậy chính là Tzvetan Todorov.
Một số nhà nghiên cứu văn học cũng như sáng tác văn học ở nước ta vẫn còn tung hô, hâm mộ và noi theo các trường phái nói trên là làm một công việc lỗi thời, đi theo vết xe đã đổ của người khác. Có thể do chúng ta đến sau, cái lỗi thời của người ta xem ra lại hợp thời với chúng ta, song điều đó sẽ chỉ là một thứ “mốt” ngoại nhất thời, sẽ nhanh chóng trở thành quá “đát”. Giới sáng tác phê bình cũng như đông đảo công chúng văn học ở nước ta, trừ một số ít người ngộ nhận, đã rất lạnh nhạt với các “mốt” nói trên vì thực sự nó chỉ còn là những cái xác chết đã khô cứng về lý luận cũng như về sáng tác.
Chúng ta rất hy vọng cùng với GS Tzvetan Todorov, ở Pháp cũng như ở Phương Tây, sẽ sớm có thêm những học giả và nhà văn đi vào tổng kết văn học thế kỷ XX dưới ánh sáng tư duy mới của thế kỷ XXI. Chỉ có họ mới làm việc đó tốt hơn chúng ta, giúp cho chúng ta và nhiều nơi trên thế giới tránh được sai lầm của họ, cũng như họ đang hướng về các nền văn hoá khác phương Tây (non-western) để tìm những nguồn sống mới và sự giải thoát cho cuộc khủng hoảng tinh thần của họ đến nay đã diễn biến quá lâu, đã trở thành “hẹp hòi và nghèo nàn đến mức phi lý” như Tzvetan Todorov nhận xét.
Mọi tác phẩm văn học đều là tác phẩm mở:
Trong các loại lý luận văn học du nhập từ phương Tây như là những chân trời mới lạ, tôi lưu ý đến quan niệm về “Văn bản văn học khác với tác phẩm văn học” và “người đọc hiện đại khác với người đọc cổ điển” hai thứ lý thuyết này có liên quan với nhau, mặc dù không phải từ một gốc sinh ra, mà “đa nguyên” từ nhiều tác giả phương Tây khác nhau.
Nhiệt tình truyền bá cho quan niệm thứ nhất là nhà lý luận văn học Trung Đăng Dung (TĐD) trong nhiều bài viết của anh về lý thuyết của nhà hiện tượng học Ba Lan Roman Ingarden kết hợp với một vài nhà lý luận khác. Bài mới nhất của anh về vấn đề này là “Từ văn bản đến tác phẩm văn học và giá trị thẩm mỹ ” (Tạp chí Văn Học Nước Ngoài số 6-2009 trang 130 – trang 140).
Phải nói rằng văn phong lý luận của TĐD khá rắc rối, phức tạp, khó theo dõi, như là sự thuật lại và diễn giải các lý luận của các tác giả nước ngoài mà không thuyết minh cho người đọc hiểu, chỉ khẳng định một cách khá vũ đoán buộc người đọc phải chấp nhận. Ví như, một tiền đề quan trọng của lý luận này là: văn bản tác phẩm không phải là tác phẩm văn học. Theo nhà lý luận này thì văn bản chỉ trở thành tác phẩm khi được đọc bởi người đọc, như vậy công thức là: tác phẩm văn học = văn bản + sự đọc.
TĐD dẫn câu nói của J.M.Lotman, nhà nhà cấu trúc luận Xô Viết, (ông này trước đây cũng như hiện nay không có được mấy ảnh hưởng): “Định nghĩa văn bản là một việc khô. Trước hết, cần loại bỏ quan niệm đồng nhất văn bản với toàn bộ tác phẩm”. Trong câu nói mà TĐD nêu làm tiền đề có tính nguyên lý này, có mấy điều chưa được rõ: Tại sao lại nói rằng văn bản là một điều khó định nghĩa?
Không định nghĩa văn bản là gì thì làm sao lại khẳng định là cần loại bỏ quan niệm đồng nhất văn bản với toàn bộ tác phẩm văn học, và tác phẩm văn học ở đây là toàn bộ tác phẩm thì văn bản có phải là tác phẩm không dù chưa phải là toàn bộ? Rõ ràng lập luận ở đây có tính lập lờ: phủ nhận không ra phủ nhận, khẳng định không ra khẳng định. Tại sao không nói rằng: tác phẩm văn học (đây là văn học viết, không phải văn học truyền miệng) trước hết là một văn bản trên giấy mực bằng chữ viết hay chữ in. Văn bản này là kết quả sáng tác (viết) của nhà văn và là đối tượng tiếp nhận (đọc) của người đọc.
Tác phẩm văn học chính là văn bản được viết ra để đọc. Không chỉ văn bản nghệ thuật của tác phẩm văn học mà mọi văn bản khác, từ một bức thư, một lá đơn, một bài báo đến một bản tin, một tờ thông báo… đều là hình thái trực quan của diễn ngôn (discours), hay ngôn từ (parole) làm trung gian giao tiếp (medium, số nhiều là media) giữa người viết với người đọc. Nó được phát biểu trong quá trình viết của người viết và được tiếp nhận trong quá trình đọc của người đọc. Nó tồn tại như một vật thể khách quan sau khi đã hình thành Ví dụ: một bài thơ, một áng văn, một thiên truyện, một quyền sách… đều là những văn bản gồm những con chữ, những dòng chữ, những trang chữ liên tục, liên kết với nhau (nguyên nghĩa của từ TEXT từ tiếng La tinh TEXTUM có hàm nghĩa là sự liên kết, còn nguyên nghĩa của chữ VĂN BẢN trong tiếng Hán là một mặt phẳng trên đó có những hình vẽ là chữ viết).
Thông qua các ký hiệu ngôn ngữ của văn bản (ký tự, văn tự) mà người viết viết ra cho người đọc đọc đến, tác phẩm văn học thực hiện sự giao tiếp giữa hai bên. Không được viết ra, in ra thì tác phẩm không tồn tại (không có văn bản) không được đọc đến thì tác phẩm vẫn tồn tại nhưng chưa hay không thực hiện được chức năng của mình. Cũng như một bức thư có người gửi, không có người nhận, sự giao tiếp có đi và không có đến, cũng không có phản hồi.
Như vậy, theo lý tự nhiên thì tác phẩm văn học ra đời trong qúa trình sáng tác của nhà văn thành một văn bản. Văn bản tồn tại khách quan, độc lập ngay đối với người viết (người viết sẽ thành người đọc khi đọc lại văn bản tác phẩm của mình). Từ văn bản, tác phẩm sống dậy trong quá trình tiếp nhận của người đọc, người đọc tiếp nhận văn bản tác phẩm như một thông điệp (message) tức một lời nhắn gửi của người viết. Sự tiếp nhận này có phần thụ động, tiêu cực và có phần năng động, tích cực, có phần cảm nhận, cảm thụ và có phần phản ứng, phản hồi.
Nói tóm tắt: Tác phẩm văn học sinh ra từ tâm hồn và trí tuệ nhà văn trong một quá trình hoạt động tâm lý tư duy và ngôn ngữ, kết thúc thành một văn bản ngôn ngữ, sau đó văn bản bắt đầu sự sống của nó trong ngôn ngữ và tư duy của người đọc để đi vào tâm hồn và trí tuệ của người đọc cũng như một quá trình hoạt động tâm lý. Hai quá trình này cố nhiên có phần đồng nhất lại có phần không đồng nhất, không lặp lại nhau, ăn khớp nhau hoàn toàn mà có độ sai lệch hoặc ít hoặc nhiều, hoặc nhỏ hoặc lớn, thậm chí đối lập, trái ngược nhau.
Một văn bản thông thường cũng có đặc điểm và khả năng này huống hồ một văn bản nghệ thuật. Người nói với người nghe, người viết với người đọc có thể hiểu đúng nhau, cũng có thể chưa hiểu hết nhau hoặc hiểu nhầm nhau (understanding and misunderstanding). Điều này là thông thường, bình thường trong mọi giao tiếp xã hội bằng ngôn ngữ nói cũng như viết, bao gồm giao tiếp qua tác phẩm văn học đưới dạng văn bản – text.
Quan niệm về TPVH của các nhà hiện tượng học như Roman Ingerden, tách TPVH khỏi quá trình sáng tác, tức mối quan hệ tác giả – tác phẩm, chỉ bắt đầu nghiên cứu từ TPVH trở đi, tức mối quan hệ tác phẩm – độc giả, lại xem văn bản không phải là TPVH, chỉ khi đi vào sự tiếp nhận của người đọc tức là đi vào sự đọc thì mới là TPVH.
Sự thật là nếu không có sự đọc thì văn bản vẫn là TPVH với chức năng của nó dưới dạng tiềm năng (mà các nhà tiếp nhận học gọi là tầm đón đợi). Dù tầm đón đợi xa rộng đến đâu thì cũng xuất phát từ văn bản là TPVH. (Umberto Eco nói mọi tác phẩm văn học đều là tác phẩm mở là vì vậy. Nhà lý luận này vẫn công nhận văn bản chính là tác phẩm, chỉ có điều nó luôn luôn mở ra cho mọi sự tiếp nhận khác nhau, ông này không phủ nhận văn bản là tác phẩm, không cho rằng chỉ khi đi vào sự đọc văn bản mới là tác phẩm.
TĐD dẫn Umberto Eco: “Tất cả mọi tác phẩm dù được sáng tạo theo thi pháp tất yếu nào cũng mở theo các kiểu đọc, mỗi kiểu đọc mang lại cho tác phẩm một đời sống mới, từ triển vọng (đây có lẽ là chữ perspective của tiếng Anh, dịch đúng là tầm nhìn hay quan điểm) nào đó theo thị hiếu cá nhân của người đọc”.
Theo trích dẫn này thì Umberto Eco không hề phủ nhận sự đồng nhất giữa văn bản và tác phẩm, chỉ khẳng định bất cứ tác phẩm nào cũng là tác phẩm mở cho các sự đọc, các người đọc khác nhau. Ông này không hề cho rằng phải có sự đọc thì văn bản mới thành tác phẩm: Tác phẩm sinh ra từ ý thức (tâm lý) người viết và sống dậy trong tâm lý (ý thức) người đọc. Đó là lẽ đương nhiên. Điều quan trọng là mọi tác phẩm đều mở. Đó cũng là lẽ đương nhiên.
Từ xưa Phương Đông đã có mệnh đề: Thi tại ngôn ngoại và văn hữu dư ba. Cái phần ngôn ngoại và dư ba này không tồn tại trên văn bản mà do ngữ cảnh (context) tạo ra trong tưởng tượng và cảm xúc của người đọc. Theo tôi nhận xét thì ngay R, Ingarden cũng gọi sự đọc là sự cụ thể hoá tác phẩm tồn tại dưới dạng văn bản.
Như vậy ông này cũng không loại bỏ sự đồng nhất giữa văn bản và tác phẩm để cho rằng chỉ đi vào sự đọc thì văn bản mới trở thành TPVH. Sự đọc, người đọc có vai trò rất quan trọng song cho rằng phải có nó mới có TPVH thì đó là một lập luận khiên cưỡng. Hình như đó là quan điểm của các đồ đệ Việt Nam của lý luận tiếp nhận chứ không phải của các vị thầy của họ.
Cũng giống như trước khi thành một tác phẩm định hình trong văn bản cuối cùng, sự viết của tác giả cũng có thể trải qua nhiều dị bản sáng tác khác nhau, song đó chỉ là những dị bản (variants), chỉ văn bản cuối cùng được ổn định (định bản) thì mới là văn bản sáng tác duy nhất đồng thời là TPVH.
Cũng vậy, văn bản tác phẩm có thể tạo ra các dị bản khác nhau trong tiếp nhận của người đọc song, đó là các dị bản tiếp nhận từ một văn bản ổn định duy nhất là TPVH. Cũng như mọi giao tiếp ngôn ngữ, giao tiếp ngôn ngữ nghệ thuật qua TPVH bao gồm khâu phát ngôn của tác giả thành ra diễn ngôn của tác phẩm rồi đi vào tiếp nhận diễn ngôn đó của độc giả. Đây là quá trình tâm lý có sự đồng nhất, thống nhất mà cũng có sự sai biệt, mâu thuẫn. Chính điều này tạo ra cái mà chúng ta gọi là sức sống của tác phẩm văn học trong đời sống xã hội vô cùng phong phú, phức tạp, đa dạng giữa các nhà văn, nhà thơ – các tác giả với công chúng người đọc, người phê bình, thành các hoạt động giao lưu, trao đổi, tranh luận do các TPVH các loại gây nên thành dư luận, sinh hoạt văn học.
Một tác phẩm văn học có vô số cách đọc khác nhau của nhiều người qua nhiều xứ sở và thời đại:
Liên quan chặt chẽ với việc phóng đại và đề cao sự đọc trong quan niệm về TPVH có sự đề cao và phóng đại vai trò của người đọc. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là bài viết của Đỗ Lai Thuý (ĐLT) “Khi người đọc xuất hiện” đăng trên cùng một số 6-2009 của Tạp chí Văn Học Nước Ngoài (trang 121-129). Xét về văn phong, bài này cũng tương tự như bài của TĐD bởi lối lập luận không xuất phát từ thực tế văn học mà từ các lý thuyết đọc của nước ngoài được diễn giải lại một cách chủ quan theo nhận thức của tác giả.
Bài viết khẳng định rằng chỉ từ khi có lý thuyết tiếp nhận ra đời ở Phương Tây thì trong văn học mới có người đọc thực sự xuất hiện. Tất nhiên khẳng định như thế thì bản thân tác giả đã thấy là vô lý, cho nên phải biện ra nhiều sự khác nhau giữa người đọc cổ điển và người đọc hiện đại. Tất nhiên trong sự phân biệt này, tác giả phải chứng minh những cái kém cỏi của người đọc trước so với người đọc sau.
Ví dụ như người đọc trước là người đọc tuyến tính, người đọc sau là người đọc phi tuyến tính, người đọc trước đứng ngoài tác phẩm, người đọc sau đứng trong tác phẩm, người đọc trước chỉ thấy nghĩa tồn tại của tác phẩm, người đọc sau còn thấy nghĩa kiến tạo, người đọc trước là người đọc hoặc là… hoặc là một cách cứng đờ, người đọc sau là người đọc vừa là… vừa là một cách mềm mại, người đọc trước chỉ thấy văn học là nghệ thuật thời gian, người đọc sau còn thấy văn học là nghệ thuật không gian…
Dường như trước khi lý luận tiếp nhận xuất hiện hay đúng hơn trước khi ĐLT giới thiệu cho thiên hạ biết cái ưu việt của thuyết ấy thì người đọc chưa biết đọc văn học mà chỉ sau đó mới có những người đọc thực thụ, phê bình văn học tất nhiên cũng theo đó mà được phân biệt và phân loại ra như trên. Rõ ràng sự phân biệt hai loại người đọc cổ điển và hiện đại như trên là khiên cưỡng và giả tạo, có tính chất áp đặt chủ quan, không đúng với thực tế và thực tiễn văn học.
Đúng là với sự xuất hiện của lý thuyết tiếp nhận thì các nhà nghiên cứu quan tâm, chú ý hơn đến vai trò của sự đọc và người đọc khác nhau đối với TPVH nhưng như vậy không phải bây giờ người đọc tích cực, năng động, sáng tạo, phi tuyến tính, thời gian và không gian… mới xuất hiện mà cả hai loại người đọc tiêu cực và tích cực, thụ động và năng động, thô sơ và sáng tạo, khù khờ và thông minh… thì xưa nay vẫn có.

Tranh bột màu của Nguyễn Tư Nghiêm.
Cứ điểm lại lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều thể hiện trong các thơ văn của các nhà thơ, nhà văn thưởng thức Truyện Kiều thì ta sẽ thấy người đọc cổ điển chẳng kém gì người đọc hiện đại về tính năng động và tính sáng tạo. Cứ xét hai câu thơ cuối bài Vương ông mắc oan của Nguyễn Khuyến: “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ ? / Đời trước làm quan cũng thế a?” Hoặc hai câu 5,6 trong bài Tổng vinh truyện Kiều cũng của Nguyễn Khuyến: “Cành thoa vườn Thúy duyên còn bén / Ngọn nước sông Tiền nợ chửa xuôi” thì đủ biết sức đọc có chiều sâu của người đọc ngày xưa (cổ điển) cũng ghê gớm lắm, người đọc ngày nay (hiện đại) đã chắc gì sâu sắc, sáng tạo bằng.
Dĩ nhiên, người đọc lơ mơ thì thời nào cũng có. Nguyễn Trãi viết trong Quốc âm thi tập: “Đọc sách phải thông đòi nghĩa sách”. Cứ đọc lại các pho History of Criticism của Phương Tây hay Lịch đại phê bình sử của Phương Đông thì thấy rằng phân biệt hai loại đọc TPVH như ĐLT là qúa giản lược và thô sơ. Ngay các lý thuyết như văn bản và liên văn bản của Phương Tây cũng là sự sơ đồ hóa giản lược của thực tiễn tiếp nhận và phê bình văn học trong lịch sử.
Chính các bậc thầy của ĐLT cũng đi tìm lai lịch của lý thuyết tiếp nhận trong môn Hermeneutics (ĐLT dịch là thông diễn học) từ thời trung đại trong sự đọc và giải thích khác nhau đối với Kinh Thánh.
Ở Trung Quốc thời trước cũng có ngành Huấn hỗ học chuyên việc chú giải và bình luận các văn bản kinh điển. Ở Phương Đông thì chỉ cần đọc lại Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp thế kỷ VI với lý thuyết tri âm trong âm nhạc, văn thơ, từ tri âm đến tri ngôn, tri văn, tri kỷ, tri nhân, tri tâm… thì thấy rằng vấn đề gọi là tiếp nhận văn học nghệ thuật đã được đặt ra từ xưa, nói như chính ĐLT thừa nhận. “Một khi tác phẩm văn học ra đời thì lập tức có người đọc”. Và tất nhiên, ngay từ xưa đã có hai loại người đọc: biết đọc và không biết đọc, người đọc nông cạn và người đọc sâu sắc.
Đọc suốt bài của ĐLT có thể thấy sự cố tình của tác giả “chụp mũ” nhiều khuyết điểm cho “người đọc cổ điển” để làm rõ làm nổi bật các ưu việt của “người đọc hiện đại. Sự mê tín, tôn sùng của vi đồ đệ đối với các bậc thầy ở đây thật rất rõ. Tất nhiên, cũng như sự phân biệt giả tạo văn bản và tác phẩm, sự phân biệt giả tạo người đọc cổ điển với người đọc hiện đại ở đây là để cường điệu, phóng đại cái sau so với cái trước, cái mới so với cái cũ, để đi đến khẳng định, tán dương một chiều “lý thuyết mới” về “người đọc mới” một cách võ đoán bằng những khẳng định không có chứng minh, bằng những trích dẫn không có giải thích. Ví như ĐLT trích dẫn H.R.Jauss: “Lịch sử của văn học thực chất là lịch sử của những cách đọc”.
Không biết quan niệm đầy đủ của nhà tiếp nhận học Đức này như thế nào, nhưng qua trích dẫn của ĐLT thì rõ ràng đây là một quan niệm rất thiên lệch về lịch sử văn học. Đó là chưa nói làm sao mà viết được lịch sử của những cách đọc khác nhau trong lịch sử, ví như chính ĐLT đã nói, một tác phẩm văn học có vô số cách đọc khác nhau của nhiều người qua nhiều xứ sở và thời đại. Thực hiện một công trình lịch sử văn học như vậy là bất khả. Còn lịch sử văn học xưa nay đều có quan tâm đến lịch sử sáng tác của các nhà văn và ảnh hưởng của các tác phẩm đối với xã hội, cố nhiên trong chừng mực có thể nghiên cứu được mà thôi.
Ngoài ra, còn có các công trình lịch sử phê bình văn học bên cạnh lịch sử văn học như là lịch sử sáng tác. Các nhà văn cũng như các người đọc trong qúa khứ đã chết cả rồi. Biết họ sáng tác như thế nào là một chuyện khó nhưng còn có thể làm được. Biết họ đã đọc như thế nào thực ra một việc thiên nan vạn nan. Nói như H.R.Jauss chỉ là một sự phóng đại về lý thuyết không có khả năng thực hành.
Cũng ví như: Tác giả trích dẫn định nghĩa ngôn ngữ của Heidegger (và không chỉ ĐLT trích dẫn): “Ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn tại”. Mệnh đề này, ẩn dụ nay cần được minh giải nếu không nó chỉ là câu đố hay câu thần chú để doạ người không biết, không học. Có người còn dịch cho bí hiểm hơn: “Ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể ”.
Hình như các người trích dẫn cũng không hiểu câu nói đó trong ngữ cảnh nào và có ý nghĩa gì. Hoặc ở đây cũng là trường hợp “người đọc hiện đại” muốn hiểu thế nào thì hiểu theo ý mình? Theo tôi, thì cái định nghĩa này của Heidegger cũng thống nhất với các định nghĩa của các nhà ngữ học cổ điển, trong đó có các nhà ngữ học mác xít. Có điều đây là Heidegger đề cập đến ngôn ngữ trong ngũ cảnh của “Bức thư về chủ nghĩa nhân văn ”.
Câu trích dẫn đầy đủ: “Ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn tại. Con người sống trong đó” (Language is the house of being. Men live in it). Đây là một ẩn dụ có thể giải thích một cách tường minh, không có gì là bí hiểm, về chức năng giao tiếp cộng đồng và xã hội của ngôn ngữ của con người trong các nền văn hóa khác nhau.
Cố nhiên, không phải ngẫu nhiên mà các nhà “lý luận văn học” hiện đại tách rời và phóng đại vai trò của người đọc hiện đại như sự đọc hiện đại.
Đúng là một thời gian dài nghiên cứu văn học chỉ tập trung vào mối quan hệ tác giả – tác phẩm mà coi nhẹ vấn đề bản thân tác phẩm và vấn đề quan hệ tác phẩm – độc giả. Chủ nghĩa cấu trúc và lý thuyết tiếp nhận có công chuyển dịch chủ ý của chúng ta sang nghiên cứu vấn đề bản thân tác phẩm và vấn đề quan hệ tác phẩm - độc giả, từ lý luận sáng tác chuyển sang lý luận phê bình và khâu trung gian giữa sáng tác và phê bình là tác phẩm như một thực thể có cấu trúc bên trong đồng thời cân bằng hai phía giao tiếp văn học, mở ra những triển vọng nghiên cứu phong phú, thú vị, có khả năng thâm nhập thêm vào quá trình hoạt động của văn học trong tâm lý con người và sinh hoạt xã hội.
Tuy nhiên, nếu cắt rời ba khâu: sáng tác - tác phẩm - tiếp nhận, thậm chí phóng đại khâu thứ hai và khâu thứ ba mà không chú ý quan hệ cân đối biện chứng giữa ba khâu của một quá trình thống nhất thì nhất định sẽ rơi vào thiên lệch, cực đoan để đi vào lung túng và bế tắc. Đó là tình trạng của chủ nghĩa cấu trúc (gồm cả hậu cấu trúc, giải cấu trúc) và của lý thuyết tiếp nhận đi vào các lập luận, phân tích thuần lý tách rời tâm lý con người và đời sống xã hội, không thấy văn học là hiện tượng ngôn ngữ – tư duy tức cũng đồng thời là hiện tượng nhân văn – xã hội. Nếu không là nhân học thì văn học cũng không còn là văn học.
Phóng đại một cách phiến diện sự đọc và người đọc tách rời sự viết và người viết, phóng đại một cách phiến diện sự tiếp nhận tách rời sự sáng tác, không chú trọng tính nhân văn và xã hội của văn học, chỉ tiếp cận hướng nội – vi mô đối với tác phẩm mà không coi trọng tiếp cận hướng ngoại – vĩ mô đối với người viết và người đọc tức là sự giáo tiếp giữa người và người trong xã hội thì không thể thu được những thành quả tích cực trong khoa học về văn học, làm cơ sở cho sáng tác, thưởng thức và phê bình, giáo dục văn học.
Những quan niệm cực đoan như “cái chết của tác giả”, “người đọc lên ngôi ”, văn học không quan tâm đến thế giới bên ngoài, chỉ quan tâm đến bản thân văn học, văn học không quan tâm đến chân lý và đạo lý của cuộc sống, chỉ là sự tự thể hiện tự do, tự tư tưởng tự do, chủ nghĩa tự ngã, chủ nghĩa hư vô… Những điều này được xem là đặc trưng tiêu biểu của văn hóa và văn học “hậu hiện đại”.
Như đã nói ở trên, lý luận văn học hiện đại ở Phương Tây không đạt mục tiêu tìm hiểu bản chất và chức năng của văn học trong tiến trình lịch sử, giải quyết vấn đề: “Văn học là gì?” mà chỉ để thuyết minh và tạo cơ sở cho sự đổi mới văn học hay nói đúng hơn là cho các khuynh hướng sáng tác hiện đại, ở đó người viết không có chủ ý rõ ràng mình viết những cái gì và viết như thế nào, vì người viết, tác giả được cho là nhân vật không quan trọng.
Tác phẩm có ý nghĩa gì là do người đọc khám phá thậm chí kiến tạo ra ý nghĩa đó. Tác giả đã chết để cho người đọc lên ngôi. ĐLT nhận xét “Ở VN ta chưa có cái bối cảnh văn hóa hậu hiện đại đó cho nên người đọc hiện đại lý tưởng theo lý thuyết tiếp nhận của ĐLT chưa xuất hiện được. Vì văn học chưa có dân chủ (!) mà dân chủ ở đây là dân chủ cá nhân (!) và cá nhân thì mới có tự do sáng tạo… ĐLT phàn nàn: “Ở VN, đáng tiếc loại người đọc hiện đại không nhiều. Bởi thế nhà phê bình sáng tạo lại càng ít. Hoặc đúng hơn, đang hình thành.
Bản thân ĐLT cũng mới áp dụng có một lần, trường hợp Dương Khuê với sự phiêu lưu của cái đọc . Nguyên nhân theo tác giả chủ yếu là do ta chưa có “văn hóa hậu hiện đại”. “Thực ra, theo tôi, cũng đã có một số sáng tác và phê bình ở đó người đọc không hiểu sáng tác nói gì và phê bình nói gì người đọc cũng không hiểu nốt”.
Sáng tác cũng như phê bình ở đây là một thứ “hỏa mù” bằng một thứ ngôn từ “mờ đục”. Ở Miền Nam trước 1975 cũng đã có thứ văn học đó mà dư luận gọi là “Văn học ngu dân”. Thành thực mong rằng, những sáng tác, phê bình, người viết, người đọc “hiện đại” kiểu đó xuất hiện càng muộn càng hay ở Việt Nam thậm chí không xuất hiện càng tốt.
Văn học nghệ thuật không thể xa rời nguyện vọng, nhu cầu bức thiết của con người và xã hội:
Những khuynh hướng “hiện đại” trên đây của văn học Pháp và châu Âu được nhà lý luận. T.Todorov bước đầu phê phán. Cuốn sách Vạn học lâm nguy của ông đã cảnh báo sự bế tắc và phá sản của các thứ “lý luận văn học hiện đại” ở Phương Tây. Như đã nói, các lý luận này không nhằm mục đích giải thích bản chất và quy luật của văn học trong tiến trình lịch sử và sứ mệnh nhân văn – xã hội của nó mà chỉ để biện minh cho các xu hướng sáng tác và phê bình hiện đại và hậu hiện đại mà đặc điểm và thực chất không thể tránh khỏi là sản phẩm của cuộc đại khủng hoảng về văn hóa và tinh thần của một số giới văn học, nghệ thuật Phương Tây mà ngay chính các nhà tri thức và các giới xã hội tỉnh táo và lành mạnh trong xã hội Phương Tây cũng phê phán và không chấp nhận, hoặc giả xa lánh, thờ ơ, không quan tâm.
Văn học nghệ thuật cũng như lý luận phê bình về VH-NT nếu xa rời các nguyện vọng và nhu cầu bức thiết và cơ bản của con người và xã hội ở đất nước mình, thời đại mình, chỉ đi vào “vẽ rồng vẽ phượng” để làm trò giải trí, mua vui nhất thời, để thoả mãn tâm lý cầu lợi, hiếu danh của người văn nhân, nghệ sĩ thì tất yếu dẫn đến bế tắc và cái chết của VH-NT nếu không có cơ may “ cùng tắc biến, biến tắc thông “ tạo ra không chỉ từ bản thân VH-VT mà từ đòi hỏi của xã hội và của lịch sử. Đó là qúa trình đang diễn ra trong văn học thế giới hiện nay.
Trong lịch sử văn hóa văn minh của nhân loại, từ thời Phục Hưng (Renaissane)thế kỷ XIV –XV đến nay, Phương Tây vẫn đi đầu trong các lĩnh vực, trong đó có VH-NT.

Roma.
Kinh nghiệm thành công hay thất bại của Phương Tây có ý nghĩa toàn thế giới, cho nên các quốc gia các dân tộc khắp thế giới đều luôn luôn theo dõi và hâm mộ các giá trị và thành tựu sáng tạo của Phương Tây từ khoa học – công nghệ đến tư tưởng – văn hóa và VH-NT. Tuy nhiên, tác động của Phương Tây vẫn có hai mặt: Mặt phá hoại và mặt phục hưng như Karl Marx đã phân tích rất sáng suốt từ giữa thế kỷ XIX. Điều đó ngày nay vẫn còn tiếp tục trên phạm vi toàn cầu.
Sự nghiệp đổi mới, phục hưng của chúng ta ngày nay cũng không thể không có nhiều mặt xuất phát từ Phương Tây, từ việc học tập Phương Tây, Song chúng ta cũng như các dân tộc đi sau trong thế kỷ XXI này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm tốt từ thế kỷ XX. Một trong những kinh nghiệm quan trọng đã trở thành đường lối của nhiều quốc gia đó là: Tham gia quá trình toàn cầu hoá hội nhập quốc tế, học tập các cường quốc phương Tây tiên tiến, song biết giữ vững và bảo vệ bản sắc văn hoá và rèn luyện bản lĩnh dân tộc của mình. Điều này càng vô cùng quan trọng và cấp thiết trong lĩnh vực tư tưởng – văn hóa và văn học – nghệ thuật là lĩnh vực trong đó tính dân tộc và tính hiện đại không tách rời nhau, có ý nghĩa sống còn đối với mỗi dân tộc.
Học tập đầy đủ, toàn diện văn học thế giới với tinh thần chủ động, sáng tạo, không loại trừ thái độ sàng lọc, phê phán, gạt bỏ cặn bã, thâu thái anh hoa, phát huy trí tuệ và tài năng dân tộc, chắc chắn về lý luận phê bình cũng như sáng tác, tiếp nhận VH-NT, chúng ta có thể súc tích tiềm năng và sinh lực để cất cánh như biểu tượng Rồng Bay Lên trong huyền thoại Thăng Long.
(*) | Xem bài: Bên kia biên giới nhà trường, trích Văn học lâm nguy (TS.Trần Huyền Trâm dịch), Văn nghệ, số 4, ngày 23/1/2010. |