Nhà văn “vượt cạn” một mình trong thời mở cửa?

Đại hội Hội Nhà văn 5 năm mới được tổ chức một lần, các nhà văn gặp nhau thì nên bàn xem làm sao có được những tác phẩm tốt hơn, hay hơn, đạt được những đỉnh cao trong văn chương. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta chỉ có chuyện chuyên môn, bởi vì muốn có tác phẩm đỉnh cao không chỉ liên quan tới việc mỗi nhà văn phải tự phấn đấu như thế nào?

Viết văn là công việc của cá nhân, mỗi nhà văn phải tự “vượt cạn” để tạo ra tác phẩm. Nhưng nếu chỉ từng nhà văn phấn đấu thì chẳng cần đến tổ chức Hội làm gì? Tổ chức Hội phải hỗ trợ cho nhà văn có không khí, có điều kiện sáng tác để họ cho ra đời những tác phẩm hay hơn. Vì vậy, tổ chức Hội, cơ cấu hoạt động của Hội cũng là điều phải bàn. Ví dụ, muốn cho văn học phát triển thì phải có một định hướng về mặt lý luận để mọi nhà văn đều được bồi dưỡng.

Viết văn, nếu chỉ có năng khiếu bẩm sinh thì không đi xa được, chỉ viết được một tác phẩm là cạn kiệt thôi, vì vậy, ngoài năng khiếu bẩm sinh, người viết văn cần được tạo điều kiện nuôi dưỡng tài năng lâu dài, tức là trang bị những hiểu biết cơ bản nhất về văn chương từ cổ chí kim, văn chương thế giới hiện nay như thế nào, văn chương trong nước ra sao... Để có tầm nhìn thời đại, phải mở rộng giao lưu văn chương với thế giới thì mới làm cho nền văn chương nước nhà phát triển.


Nhà phê bình Đinh Quang Tốn.

Nền văn học nào (dù là ở Việt Nam hay nước ngoài) đều phải phản ánh đời sống của dân tộc, phản ánh các hoạt động lao động sản xuất và phát triển văn hóa. Khi Việt Nam mở rộng quan hệ giao lưu với các nước trên thế giới, chúng ta cũng nên chấp nhận mọi phong cách thể hiện trong văn chương. Tôi thấy, thời gian vừa qua, các nhà văn, nhất là các nhà văn trẻ đang tích cực tìm tòi cách thể hiện mới phù hợp với thời đại. Và đây là điều rất đáng mừng, bởi vì, văn học là hình bóng của xã hội.

Chúng ta đang ở trong thời đại kinh tế thị trường, tất nhiên văn chương có bóng dáng của nền kinh tế ấy. Đặc điểm này không thể nào khác được. Chúng ta không thể bắt ép văn chương cứ phải như ngày xưa, nhưng bảo phải làm sao cho giống Mỹ hay phương Tây thì cũng không được vì dân tộc Việt Nam có truyền thống văn học riêng (nhất là thơ) và chỉ có từ truyền thống ấy phát triển lên thì mới có thể có tác phẩm lớn và hay được.

Chỉ những tác phẩm mang bóng dáng của truyền thống Việt Nam thì mới có thể đại diện cho Việt Nam đi giao lưu với các nước được. Nên tôi nghĩ, mỗi kỳ đại hội nên tìm ra hướng tác động để văn chương đi vào thực tế đời sống, để văn chương phản ánh tốt sự phát triển kinh tế và văn hóa của dân tộc.


Bài liên quan:

ĐINH QUANG TỐN