Nhân dịp vở diễn này diễn lại vào tối 2/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong chương trình của Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức mừng Đại lễ, Tạp chí Hồn Việt đã có cuộc trò chuyện với ông.
* P/v Hồn Việt: Thưa ông, hành trình thanh xướng kịch này ra đời mất 10 năm, kể từ khi ông chắp bút và cho công diễn chương I năm 2001 tại Hà Nội và TP. Ninh Bình. Ở tuổi 78, điều gì thôi thúc ông theo đuổi tác phẩm này?
- Nhạc sĩ Doãn Nho: Người bạn của tôi là nhà thơ Tạ Hữu Yên quê ở Ninh Bình trong lần trò chuyện có đưa ra ý tưởng về đề tài này. 1000 năm Thăng Long chỉ có một lần. Tôi may mắn được sống trong những ngày tháng lịch sử này nên muốn đóng góp bằng tác phẩm với mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, dù trước đây tôi đã sáng tác nhiều ca khúc về Hà Nội… Nhà thơ Tạ Hữu Yên đưa tôi về quê, gặp lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và đi thăm quan các địa danh…
Điều thú vị là tôi chấp bút viết những dòng đầu tiên, khi vua Lý Công Uẩn quyết định dời đô thì gặp không ít ý kiến chưa ủng hộ; họ không muốn Hoa Lư trở thành cố đô khi vua Đinh Tiên Hoàng vừa được tôn vinh tại đây với đại thắng giặc Minh và lúc đó Lý Công Uẩn vừa lên ngôi được mấy tháng…

Cảnh trong vở thanh xướng kịch Hoa Lư - Thăng Long: Bài ca dời đô.
* Thanh xướng kịch 4 chương này kể về hành trình vua Lý Công Uẩn từ Hoa Lư về Đại La, mở đầu là cuộc tiễn đưa của những người dân Hoa Lư và kết thúc bằng cuộc đón rước vua về kinh đô mới của những người dân thành Đại La. Ngoài các nhân vật có thật như vua Lý Công Uẩn, Lý Quốc Sư, Đào Cam Mộc... còn khá nhiều nhân vật trong truyền thuyết cùng tham gia vào câu chuyện, như: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Mỵ Nương... Xin ông lý giải về việc đưa các nhân vật của truyền thuyết “sống chung” với các nhân lịch sử?
- Trước hết, trong truyền thuyết và giai thoại dân gian, các vị thần, vị thánh này đã hiển linh và chỉ dạy cho vua Lý Công Uẩn cách chăm dân, bang giao lập quốc tại kinh đô mới... Hơn nữa, lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta gắn liền với các truyền thuyết này hay đúng hơn các truyền thuyết đã trở thành một bộ phận của lịch sử dân tộc. Thực và hư đan xen vào nhau nhiều khi khó phân định rạch ròi. Nhưng tôi đưa các vị thần, vị thánh này vào vở như những con người có vai trò nhất định trong xã hội chứ không thần thánh hóa họ…
* Nhân vật Mỵ Nương vốn được biết đến qua câu chuyện thần thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh và nàng vừa là nguyên nhân, vừa trở thành đích đến của hai vị thần trong cuộc giao tranh tưởng chừng bất phân thắng bại. Với vở kịch này, Mỵ Nương trở thành Thần Mẫu, là Mẹ Lúa “Phải lo tròn/ Cho con lớn/ Cho con khôn/ Khỏe phần xác/ Đẹp phần hồn…”. Vì sao ông gắn cho Mỵ Nương sứ mệnh văn hóa như vậy?
Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho sinh năm 1933 tại Hà Nội. Năm 1962, học sáng tác tại Nhạc viện Kiev (Liên Xô cũ), đến năm 1982 ông nhận bằng tiến sĩ lý luận âm nhạc tại đây. Nhạc sĩ Doãn Nho là tác giả của các ca khúc nổi tiếng: Người con gái sông La, Tiến bước dưới quân kỳ, Năm anh em trên một chiếc xe tăng... Ngoài ra, ông còn viết thanh xướng kịch và một số tác phẩm khí nhạc. |
- Người phụ nữ trong gia đình không những có thiên chức làm mẹ, sinh con và nuôi con mà còn là người gieo cho con các giá trị văn hóa và tạo dựng nền tảng gia đình. Văn hóa người mẹ truyền cho con từ thuở lọt lòng là lời ru cho đến những hành xử của con trong gia đình phần nhiều ảnh hưởng từ cách dạy dỗ của mẹ…
Tôi viết lời Mỵ Nương: “Bên hạt gạo/ Chớ nên quên/ Chớ nên quên tiếng hát/ Theo tiếng mẹ ru/ Con lớn từng giờ” với tấm lòng tôn vinh người phụ nữ Việt Nam và muốn nhắn gửi đến các bà mẹ sứ mệnh thiêng liêng cao cả trong việc gieo lời ru, tiếng hát vào tâm hồn con trẻ, rồi giáo dục văn hóa cho các con khi trưởng thành.
Trong vở này, tôi nhấn mạnh lời ca tiếng hát theo con người suốt cả cuộc đời và nói rộng ra là vai trò và sức mạnh của văn hóa trong đời sống xã hội… Thực tế lịch sử nước ta từ ngàn xưa càng chứng minh văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự tồn tại và phát triển kinh tế - xã hội…
* Mỗi lời hát trong vở kịch này vừa thấm đẫm câu chuyện lịch sử xuyên suốt hàng ngàn năm, vừa mang những thông điệp của cuộc sống hôm nay…
- Vâng, tôi muốn gửi gắm những vấn đề thế sự mà mình hằng trăn trở. Chẳng hạn, Lý Công Uẩn dời đô về Đại La nhờ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, lấy dân làm gốc. Về Đại La nhưng Người không quên kinh đô Hoa Lư tráng lệ và đẹp đẽ nên cho xây dựng ở Đại La các công trình như chùa Một Cột, Cầu Đông, Cầu Dền… hay các địa danh thân thuộc ở Ninh Bình, như: Tràng Tiền, Tràng Thi...
Lời Thánh Tản nhắc nhở: “Từ thuở vua Hùng/ Muốn dân no /Phải lo cho cây lúa nước/ Phải giữ nước phòng khi hạn/ Phải đắp đê phòng lũ kéo về/ Thủy-Hỏa, Đạo-Tặc/ Lũ là giặc xếp ở hàng đầu”… cũng là bài học thời sự. Hay lời Thánh Gióng khẳng định phải lớn nhanh để kịp đi đánh giặc xuất phát từ suy nghĩ “Nước mất thì nhà tan”.
Vậy nên nhiều khi tôi bức xúc vì quan tham nhũng ở nước ta cứ lo vơ vét cho đầy túi mà không hiểu rằng, nước không mạnh thì sao nhà mình giàu. Cái giàu do vơ vét của dân là giàu xổi và rồi phải trả giá…

Nhạc sĩ Doãn Nho cùng con trai (chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam)
hạnh phúc trong sự đón mừng sau đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
* Với vở thanh xướng kịch này, ông có dịp phả “chất” lính trong ngôn ngữ hào sảng, mạnh mẽ và cái nhìn toàn cục về sự kiện Lý Công Uẩn dời đô từ sự am tường về thế sự, địa lý… và cả tình cảm của người Hà Nội thấm đẫm trong từng câu chữ…
- Đúng (cười vui). Tôi từng có thời gian trong quân ngũ nên thông thuộc địa hình hành trình Lý Công Uẩn dời đô bằng đường sông về Đại La theo giả thuyết, từ bến Ghềnh Tháp, theo sông Hoàng Long, qua sông Đáy, đến với sông Hồng…
Tôi sinh ra ở làng Mọc bên bờ sông Tô Lịch nên mỗi câu chữ đều gắn với tâm sự về Hà Nội. Người Hà Nội trong thanh xướng kịch này đón vua với những sản vật do họ làm nên từ các làng nghề truyền thống của đất kinh kỳ từ bao đời nay: nghề đúc đồng, nghề làm giấy gió, nghề rèn, nghề dệt lụa… Tôi chưa rõ cốm làng Vòng thời đó đã có chưa nên chỉ phảng phất trong câu chữ có hương cốm khi đón vua dời đô: “Nơi gió đưa thơm mùi hương lúa”… Người dân sát cánh bên nhau đón vua Lý Công Uẩn khi thuyền tới bến và Người cho vời dân cùng sánh bước vào thành Đại La. Còn gì đẹp hơn và tự hào hơn thế về người Hà Nội trong khung cảnh đẹp và tâm trạng náo nức như thế…
* Xin cảm ơn ông và chúc ông mạnh khỏe!
Bài liên quan: