P.V: - Hình như trước khi là nhạc sĩ anh đã là một ca sĩ xung kích của Đoàn ca múa nhạc Bông Sen. Được biết khi giải phóng, anh là sinh viên trường Luật. Nguyên cớ nào anh rẽ ngoặt cuộc đời mình để đi cùng âm nhạc cho đến bây giờ?
Nhạc sĩ THẾ HIỂN: - Năm 1975 tôi mới 20 tuổi và đang học trường Luật, tôi thực sự chưa hiểu gì về Cách mạng, dù từ năm 1971-1972 tôi cũng biết đến phong trào đấu tranh sinh viên với “những đêm không ngủ”. Nhưng lúc đó tôi còn là học sinh chỉ lo học để khỏi đi quân dịch, vì lúc đó thi rớt là coi như vào quân trường ngay.
|
Nhạc sĩ - NSƯT Thế Hiển (giữa) tại cảng Cát Lái sau chuyến thăm Trường Sa trở về, tháng 5/2012 |
Hồi còn đi học tôi đã tự học đàn guitar và hát được, nên năm 1976, tôi tham gia phong trào Văn nghệ quần chúng ở phường 9, quận Phú Nhuận. Trong một khóa học nâng cao về thanh nhạc, may mắn cho tôi là tôi được cô Mỹ An động viên thi vào Đoàn ca múa nhạc Bông Sen.
Lúc đó đoàn vừa mới thành lập và đang tuyển sinh để đào tạo ca sĩ trẻ cho đoàn. Tôi còn nhớ rõ có tới 2.080 thí sinh mà lớp chỉ tuyển có 40 người. Ai đậu sẽ có học bổng và được đào tạo trong 4 năm. Tôi trúng tuyển và tất nhiên chuyện học Luật với tôi đã trở thành quá khứ…
* Được biết các đoàn ca nhạc Bông Sen lúc đó tuyển người rất gắt gao, nhưng anh đã trụ lại được…
- Đúng, vô cùng gắt gao. Tôi không dám tự hào, nhưng thực sự đó là một cuộc đãi cát tìm vàng. 40 người được chọn trong hơn 2.000 người, nhưng chỉ qua năm nhất đã loại 20 người, năm thứ hai loại tiếp tục 10 người nữa. Từ năm thứ ba đến thứ tư chỉ còn lại 10 người. Nhưng trong 10 người đó chỉ còn 2 người xuất sắc nhất được đoàn giữ lại, còn tất cả đều đưa về chi viện ở các tỉnh. Tôi may mắn được là một trong 2 người hiếm hoi đó…
Nhưng dù đã được rèn luyện thanh nhạc trong 4 năm, được học như một học sinh chính quy của trường âm nhạc, tôi chỉ được bắt đầu trong nhóm tốp ca, rồi mới được song ca. Muốn đơn ca trên sân khấu phải rèn luyện lâu và phải được Ban chuyên môn duyệt mới được biểu diễn. Ngày trước, sân khấu đâu phải ai muốn lên hát là hát, dù anh thực sự có năng khiếu, nhưng muốn trở thành ca sĩ thì đó là cả một quá trình rèn luyện lâu dài.
Vì thế, với chúng tôi, hát nhép là một từ cực kỳ xa lạ… Bởi được hát là hạnh phúc vô cùng, được sống hết mình cùng với đam mê của mình, sao mà có thể chỉ nhép miệng được. Hệ lụy này chỉ sản sinh ra khi người hát không có chút tự tin về mình, nên mới phải lường gạt khán giả như vậy…
* Khi chính thức là thành viên của nhà hát, mà là thành viên trẻ nhất, anh có thấy bị áp lực nhiều không?
- Trời, làm gì có áp lực mà phải nói là hừng hực khí thế. Tôi luôn luôn ở trong đoàn xung kích của nhà hát đi phục vụ các vùng sâu, vùng xa. Mà đâu phải chỉ ca sĩ trẻ như tôi mới đi, thầy Quốc Hương, cô Thanh Trì, nhạc sĩ Đỗ Lộc, nhạc sĩ Kpa Y Lăng đều đi cả mà. Có thể nói đó là thời đẹp nhất của tuổi trẻ tôi. Được cống hiến, được phục vụ đồng bào mình và được sự tận tình chỉ bảo của lớp đàn anh. Thời đó, ai cũng sống trong veo, không toan tính thiệt hơn, vụ lợi…
Thầy Quốc Hương lúc đó đã gần 60 mà hè nào cũng đi hát phục vụ đồng bào trong đoàn xung kích với anh em… Năm 1983, tôi được đoàn tín nhiệm cho cùng đi biểu diễn ở các nước Liên Xô, CHDC Đức, Cuba, trước khi đi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản, và sau đó được đi khắp đất nước để biểu diễn báo cáo… Chị thấy có hạnh phúc nào hơn cho một thanh niên lớn lên từ chế độ cũ như tôi, được Cách mạng trui rèn và sống hết mình bằng lời ca tiếng hát của mình.
* Nhưng từ khi nào anh mới ý thức rằng mình phải sáng tác và hát chính những ca khúc của mình?
- Đó là lúc chú Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) đón đoàn cùng dùng cơm với chú, và tôi hát cho chú nghe bài Khi bong bóng bay do tôi thử sáng tác khi cùng sinh hoạt với nhóm nhạc sĩ trẻ của thành phố: Phạm Đăng Khương, Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên… Chú nghe và bảo các cháu hãy bớt cái tôi của mình đi, tình hình biên giới đang rất căng thẳng, hãy đến đó mà chia lửa với anh em bộ đội.
Và bài Hát về anh ra đời khi tôi đến Quảng Ninh phục vụ các anh bộ đội đang ngày đêm bảo vệ biên giới phía Bắc. Nhưng lúc ấy tôi vẫn chưa được học sáng tác chính quy. Chính chú Xuân Hồng đã khuyên tôi nên đi học đại học sáng tác, bởi vì phải có học thì sáng tác của mình mới có nội lực.
Tôi đã cắp cặp đi học 5 năm liền để lấy hai bằng đại học Sáng tác và Thanh nhạc ở nhạc viện. Ca sĩ thế hệ chúng tôi được đào tạo rất quy củ, sáng nào cũng phải tới đoàn đọc sách báo, rồi mới luyện thanh. Ai cũng phải có ý thức tự nâng cao trình độ nghiệp vụ và kiến thức xã hội của mình, không phải chỉ biết mỗi việc ca hát mà mù tịt mọi thứ xung quanh mình…
|
Nhạc sĩ Thế Hiển đàn hát cùng chiến sĩ trên nhà giàn Phúc Tần |
* Nhưng vẫn có nguồn dư luận cho rằng cách đào tạo như vậy là đào tạo công chức, không phải đào tạo nghệ sĩ?
- Tôi cho rằng nghệ sĩ cũng là một công dân, vì vậy anh ta phải đi cùng nhân dân, đất nước anh. Không thể tự cho mình là thiên tài rồi đứng ở trên mọi người. Nghệ sĩ thường muốn được tự do và xem cái tôi của mình rất lớn.
Tôi không phủ nhận tính cá thể của từng người, nhưng mỗi cá nhân là một tế bào của xã hội, anh có tài năng thì tài năng đó phải phục vụ cho nhân dân anh, đất nước anh. Hơn ai hết, người nghệ sĩ phải có lòng tự trọng dân tộc, nếu không có bản lĩnh chính trị thì người nghệ sĩ sẽ là mục tiêu để bị mua chuộc bằng vật chất và sẽ đi ngược lại tiếng nói của dân tộc. Tôi thấy điều đó đã xảy ra cũng không phải là ít trong giới nghệ sĩ chúng tôi…
* Hiện nay đang dấy lên một luồng suy nghĩ rằng những sáng tác như vậy chỉ để phục vụ cho tuyên truyền chứ không phải là tác phẩm nghệ thuật đích thực, anh nghĩ sao về ý kiến này?
- Ai nghĩ như vậy là người không có tổ quốc. Âm nhạc cách mạng đã đóng góp như thế nào trong cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc, bất kỳ ai cũng thấy điều đó. Đó là thứ âm nhạc đích thực, bởi vì nếu nó chỉ đơn giản là tuyên truyền làm sao nó có sức hút mãnh liệt đi vào lòng người được như thế? Làm sao có thể nghĩ giữa mặt trận, giành giựt từng tấc đất với quân thù mà hát mấy bài não tình như bây giờ giới trẻ vẫn nghêu ngao hát.
Âm nhạc đích thực là âm nhạc phải đi theo được dòng cuồng lưu của đất nước và sát cánh cùng nhân dân để phục vụ cho mục đích cao cả mà cả nước đều hướng tới. Và chỉ có nghệ thuật đích thực mới cuốn được cả nước rùng rùng cùng cất cao tiếng hát hùng tráng ấy. Tôi cho rằng nhạc cách mạng của hai thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc.
* Nghe nói bài Nhánh lan rừng nổi tiếng của anh cũng được viết từ một chuyến đi biên giới Tây Nam. Và khi từ Trường Sa trở về anh có bài Vỏ ốc biển. Như vậy là hầu hết những tác phẩm của anh đều được ra đời trong những chuyến đi thực tế, và hầu hết là để phục vụ bộ đội?
- Không hẳn thế, đâu phải lúc nào cũng chỉ có chiến trường đâu chị. Tôi có nhiều bài hát về tình yêu và rất lãng mạn kiểu Tóc em đuôi gà chứ. Nhưng có lẽ chiến trường và những giọt máu đã đổ xuống của những người lính trẻ măng của tuổi 20 đã gieo trong tôi cái cảm xúc mãnh liệt nhất.
Nhánh lan rừng là khi tôi đến cùng anh em ở chiến trường Tây Nam và cũng đã chứng kiến những giọt máu đã đổ xuống trong một trận chiến khốc liệt. Ai không xúc động trước tình huống này chắc là họ bị băng giá mất. Tôi viết vì sự xúc động mãnh liệt từ trái tim tôi, sao gọi đó là tuyên truyền?
Khi tôi đi Trường Sa, nhìn thấy anh em bộ đội sống trong điều kiện gian khổ (dù bây giờ đã khá hơn trước rất nhiều), ai có thể dửng dưng? Vì thế, chuyến đi này có rất nhiều thơ, bút ký, nhạc, tranh ra đời… Có ai nghĩ là mình làm thơ, vẽ tranh vì một mệnh lệnh nào đó đâu. Không, đó là mệnh lệnh của trái tim chị ạ. Bài Vỏ ốc biển của tôi đã được sáng tác ngay trên tàu HQ-636, trong cuộc hành trình 10 ngày giữa biển khơi ấy…
* Tình hình nhiễu loạn âm nhạc hiện nay có làm cho anh ít nhiều trăn trở và hoang mang không? Có một sự đảo lộn giá trị giữa các tác phẩm nghệ thuật đích thực và thứ hàng phế phẩm, nhưng giới trẻ dường như không phân biệt nổi đâu là rác, đâu là vàng?
- Tơi không hoang mang đâu chị, bởi vì tôi có niềm tin. Tơi tin rằng những hiện tượng như Tuấn Vũ, Chế Linh… chỉ là một chút tò mò của những người chưa từng được biết đến thì họ tìm để nghe. Nhưng khi họ đã biết rồi thì tôi tin rằng những lần sau loại nhạc này sẽ hết đất sống. Tôi tin trăm năm sau người ta vẫn hát nhạc đỏ, vẫn hát Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao, vì chính giá trị nghệ thuật của nó, vì dù ở thời đại nào con người vẫn yêu nước và mong muốn đất nước này mãi mãi trường tồn, giàu mạnh…
Mỗi loại nhạc đều có chỗ đứng riêng của nó, nhạc tình yêu hay nhạc chiến đấu chỉ là thể loại, và ở tình huống nào thích hợp thì người ta hát chúng. Ví như ở Trường Sa mà hát “Từng người tình bỏ ta đi, như những dòng sông nhỏ” thì kỳ lắm, cũng như trong đêm trăng thanh hai người yêu ngồi bên nhau mà hát khúc quân hành ca thì chết cười. Nhưng tất cả đều là vàng ròng cần phải giữ gìn, còn các loại rác thải bây giờ loại “Yêu nhau ném đá vỡ đầu nhau đi” thì chị tin đi, nó chết liền bây giờ…
Quan niệm của tôi là “Thà đốt một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”, cuộc sống luôn cho ta điều mới lạ và ta hãy tận hưởng nó, sống hết mình với nó. Với tôi, đó chính là hạnh phúc...