Gặp nhạc sĩ Trần Long Ẩn ở văn phòng Hội Âm nhạc TP.HCM, anh đang tất bật với 20 ca khúc cổ động bầu cử mà Hội vừa phát động với niềm vui lấp lánh trên mắt: “Cả 20 bài đều rất sôi nổi, được Hội đồng thẩm định khen lắm…”. Đôi mắt ấy vẫn còn lửa như ngày nào, như khi anh ôm đàn guitar hát ở sân trường Đại học Văn khoa 40 năm trước dưới ánh lửa bập bùng của những đêm không ngủ “Hát cho đồng bào tôi nghe”…
PV: Anh có khá nhiều dự kiến làm lành mạnh môi trường âm nhạc, xin anh cho biết chương trình hoạt động của mình trong năm 2011 này?
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Hiện tại Hội Âm nhạc TP.HCM đã phát động được 20 ca khúc sáng tác phục vụ bầu cử, đã thu đĩa và phối hợp với Sở để phát hành. Đã đầu tư 30 ca khúc phát động trong phạm vi cả nước kỷ niệm 100 năm Bác đi tìm đường cứu nước và sẽ tổng kết vào 19/5 này. Đồng thời phối hợp với Thành đoàn tổ chức sáng tác nhạc thiếu nhi trong chương trình Năm Vì trẻ em trong tháng 6 này. Chuẩn bị chương trình ca nhạc Tổng kết 30 năm sáng tác và biểu diễn của Thành phố vào tháng 11 tới… Trước đó, Hội đã phối hợp cùng Đài Truyền hình TP.HCM với tư cách Hội đồng chấm giải Cuộc vận động sáng tác ca khúc chủ đề Quê hương - Đất nước đến 30/4 này tổng kết. Trong số 7.000 bài gửi đến, chọn chỉ được 3-4 bài, nhưng cũng không thực xuất sắc lắm…
- Anh vẫn còn rất lửa như ngày nào, vẫn say sưa với rất nhiều dự kiến cho công tác Hội, nhưng có khi nào anh nghĩ rằng, việc anh làm giống như chàng Don Quichotte trong tình hình âm nhạc bát nháo hiện nay. Anh nghĩ sao về 7 đêm Tuấn Vũ ở Hà Nội, khán giả kéo đến nườm nượp, dù giá vé rất cao?
- Tôi đang là người làm vườn, cố gắng dọn dẹp cho sạch môi trường bằng những cây xanh, những bông hoa tươi đẹp, tôi nghĩ dẫu sao sự gieo trồng của mình vẫn có ích hơn là cứ ngồi nhìn cỏ dại mọc tràn lan mà than thở. Tôi thực sự không có quyền để nhổ cho bằng hết cỏ dại, nhưng tôi tin người ta sẽ nhận diện được giá trị giữa hoa và cỏ dại.
Về hiện tượng Tuấn Vũ, tôi thực sự cũng thấy đau lòng vì chân giá trị thẩm mỹ đang bị đảo lộn. Đó là dòng nhạc sến đúng với nghĩa của nó, nhưng được các cơ quan truyền thông đưa lên đến đỉnh bằng những pha quảng cáo rầm rộ, bên cạnh sự yểm trợ của cơ quan quản lý. Về lý thì dòng nhạc này không vi phạm gì cả để ngăn chận, nhưng thả nổi cho nó lên ngôi như thế này nghĩa là tự mình đẩy lùi thị hiếu thẩm mỹ của công chúng xuống thấp.
Công chúng đến đông đảo vì hiếu kỳ, và tất nhiên không ít người cảm thấy mình bị lừa. Vấn đề ở đây là trách nhiệm phải đi cùng với lương tâm, không để đồng tiền làm đảo lộn mọi giá trị… Nhưng tôi vẫn có niềm tin rằng, mọi giá trị ảo rồi sẽ chết, còn những giá trị thực thì sẽ tồn tại mãi, ví như nhạc cách mạng, nhạc Trịnh Công Sơn, nửa thế kỷ qua nhưng nó vẫn sống mãi qua nhiều thế hệ…
- Những đêm nhạc kiểu như Tuấn Vũ chưa bao giờ diễn được ở phía Nam, anh nghĩ vì sao? Có phải đúng như nhận định của một số người cho là “phía Nam bảo hoàng hơn vua”?
- Nếu đúng như chị nói thì từ bảo hoàng này là có ý nghĩa tốt quá. Chúng ta đang cố gắng trồng hoa trái cho khu vườn âm nhạc của mình mà. Không ai cấm, nhưng tôi nghĩ thời điểm chưa phù hợp, còn bao nhiêu việc phải làm, cả năm nay tháng nào cũng có chương trình kỷ niệm, mình lo trồng hoa trước đi thì tốt hơn…
Nhóm Những người bạn vừa công diễn tuy nhạc sĩ toàn những ông già, nhưng chương trình nhận được sự cổ vũ đông đảo của công chúng. Rõ ràng chất xúc tác từ các nhà quản lý rất hiệu quả trong việc định hướng thẩm mỹ công chúng, nếu chúng ta làm lệch cán cân thì sẽ gặt lấy hệ quả tương xứng…
- Nhưng anh không nghĩ là anh đang cố xây thì một số cơ quan truyền thông đang góp phần phá vỡ…?
- Chị muốn nói đến truyền hình chăng? Thực sự truyền hình cũng có những cống hiến lớn, có nhiều chương trình tốt ví như cuộc vận động sáng tác về Quê hương - Đất nước mà chúng tôi đang tham gia. Nhưng bên cạnh ấy, truyền hình cũng góp phần làm lệch thị hiếu của giới trẻ không ít. Vấn đề cũng dễ hiểu thôi, chỉ là do đồng tiền cả. Chương trình tốt thì không có tài trợ, nên mọi hoạt động của đài, nhất là các đài tỉnh đều bị sự khuynh đảo của các nhà tài trợ. Điều này do chính anh Trưởng phòng âm nhạc, đồng thời là Chủ tịch Hội Âm nhạc Bình Định tâm sự.
Nhà nước sắm nhiều đài, nhưng không nuôi nổi thì tất nhiên các đài phải tự lực bằng cách liên kết theo kiểu ấy. Nhà nước chủ trương không được thương mại hóa văn hóa nghệ thuật, nhưng sự thực hầu như các chương trình truyền hình đều có đồng tiền nhúng vào. Như vậy làm sao mà ta giữ định hướng nổi, từ phương tiện để tuyên truyền cho cách mạng thì bây giờ chiều hướng lệch pha ngày càng rõ cho những thương vụ làm ăn, thu lợi…
Đài nộp ngân sách nhiều từ quảng cáo, mà quảng cáo bây giờ đang có hàng đống vấn đề phải xem xét lại do sự phản cảm của nó. Chính nhạc quảng cáo làm méo mó tâm hồn trẻ nhỏ từ khi nó mới biết bập bẹ, bởi trẻ con nào cũng thích coi quảng cáo… Chúng ta chỉ thấy cái lợi trước mắt là tiền, nhưng không thấy cái mầm độc tố thấm dần làm thương tổn tâm hồn của cả thế hệ. Chúng ta kêu thị hiếu thẩm mỹ công chúng và dân trí ta ngày càng thấp, nhưng chúng ta có nhìn thấy cái gì tác động theo kiểu mưa dầm thấm lâu này. Bác Hồ nói về việc trăm năm trồng người, nhưng lâm tặc trong văn hóa bây giờ ngày càng nhiều, con người đang bị tàn phá dữ dội, chủ nghĩa thực dụng và sùng bái đồng tiền ngày càng lớn trong giới trẻ!!

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM.
- Khi GS Ca Lê Thuần sang Pháp trong chuyến công du tìm hiểu về vấn đề bảo vệ truyền thống dân tộc trong toàn cầu hóa hiện nay, vị Vụ trưởng Vụ Văn hóa đã cảnh báo: “Việt Nam phải giữ thế mạnh của người cộng sản để giữ đất nước, nếu để các yếu tố tư bản nổi lên thì các anh sẽ không quản lý nổi đâu”. Anh có nghĩ chúng ta đang lâm vào tình cảnh này?
- Đúng là ta đang sa vào tình thế này. Đồng tiền thực sự đang làm mưa làm gió trên các lãnh vực Văn học Nghệ thuật, không riêng âm nhạc. Điện ảnh cũng vậy thôi, phim truyền hình giao phó cho các nhà sản xuất, hay dở, tốt xấu gì cũng phát tuốt. Bây giờ, thông tin thì quá nhiều, nhưng tri thức con người lại kém đi. Cái nguy hiểm nhất là những phương tiện truyền thông của các thế lực thù địch.
Ở Trung Quốc không hề có tự do kiểu như Việt Nam, họ chỉ cho một số đài nước ngoài phát trong sự chọn lọc kỹ càng, còn Việt Nam thì tha hồ, vì cứ sợ là mất dân chủ, nên thượng vàng hạ cám đều tràn vào Việt Nam và bỏ mặc cho con trẻ chọn lựa. Chương trình truyền hình thì hầu như lấy lại từ các phiên bản của các đài nước ngoài, chứ không chịu sáng tạo. Nhưng có khi sáng tạo cái của mình chắc gì có người tài trợ?
- Với cương vị là Chủ tịch Hội Âm nhạc, anh đánh giá thế nào về những chương trình kỷ niệm 10 năm Trịnh Công Sơn?
- Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi có một số lượng khán giả hâm mộ yêu quý đông đảo đến như vậy. Có lẽ vì sáng tác của anh thực sự đi vào lòng người, nói được những điều thầm kín của con người bằng ngôn ngữ của thi ca. Cái lớn nhất của anh là tấm lòng trung thực. Anh từng nói, anh chỉ được tự do sáng tác từ khi thành phố mang tên Bác. Anh đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, nhưng tôi cho rằng hiện nay còn có cái nhìn khập khiễng trong cách nhận định về anh.
Một số chương trình ca nhạc tưởng niệm anh chỉ loanh quanh một số bài tình ca với một cái nhìn phiến diện về anh. Tôi chơi thân với anh Sơn nên tôi tin rằng tôi hiểu anh. Sau giải phóng, anh viết báo, viết tùy bút rất nhiều, đây là một nhạc sĩ rất chịu khó đi thực tế, anh yêu cầu được đi thì đúng hơn. Báo Tuổi Trẻ còn một số bài Quê hương của những ca khúc của anh, anh nói anh chỉ có thể viết được khi ở Việt Nam, và anh viết nhiều ca khúc về quê hương, đất nước, nhưng không ai khai thác.
- Chỉ khai thác nhạc tình mà bỏ qua mảng nhạc đấu tranh cho hòa bình, và những ca khúc ngợi ca quê hương, đất nước, có phải chăng đây là sự cố tình để đưa Trịnh Công Sơn đi theo hướng mà người dựng chương trình muốn?
- Cố tình hay không hiểu biết đều làm hại anh Sơn. Họ không hát Huyền thoại Mẹ, Em còn nhớ hay em đã quên, Em là bông hồng nhỏ, Em ở nông trường, em ra biên giới… dù đó là những bài hát sinh thời anh Sơn rất thích. Thôi thì cứ cho mỗi người yêu thương anh Sơn theo cách của mình như người ta sờ voi vậy. Anh Sơn phải được nhìn một cách toàn diện, đó là một con người rất bao dung, độ lượng, anh sống rất nhân hậu, không giận ai bao giờ, dù có kẻ đối với anh rất xấu. Không phải anh ba phải, dĩ hòa vi quý mà là vì tâm hồn anh lớn, vượt qua hết những vặt vãnh, nhỏ nhen của đời thường.
Tôi có một tâm nguyện là làm sao tổ chức được Cuộc hội thảo lớn về Trịnh Công Sơn, nhìn từ nhiều phía, nhiều góc cạnh để hiểu toàn diện về con người anh, mời cả những người nước ngoài yêu nhạc anh và hát nhạc anh…
- Anh nghĩ sao về ý kiến trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Trịnh Công Sơn?
- Anh Trịnh Công Sơn quá xứng đáng và ở Hội Âm nhạc Việt Nam, vài người cũng đã có ý kiến như thế rồi. Nhưng đây là một việc khá tế nhị, bởi gia đình phải tự làm bản khai thì mới xét được. Trong việc này chúng ta phải ứng xử vừa có trách nhiệm, trân trọng vừa tế nhị. Trước mắt đã có con đường ở Huế mang tên anh. Đó là một việc làm hết sức đúng đắn ở quê hương anh, bởi anh rất xứng đáng được tôn vinh như thế.
Thực ra, chính công chúng mới là người phán xét tuyệt vời nhất, ngày giỗ tưởng niệm 10 năm anh mất, rất nhiều người đã mang hoa đến và hát nhạc Trịnh suốt buổi bên mộ anh, hỏi tên, họ chỉ cười mà không nói. Họ chính là đám đông rất lớn thầm lặng, thủy chung bên cạnh anh mà chúng ta không bao giờ biết hết, nhưng từ đó ta hiểu rằng, anh sẽ còn sống mãi trong trái tim công chúng.