Vào mấy năm sau giải phóng, trật tự giao thông Hà Nội đang được đưa vào nề nếp, đã có phân chia đường thuận chiều, ngược chiều. Có một ông già người gầy nhom, khắc khổ, đạp vội vàng trên chiếc xe cũ kĩ không còn rõ “mác” hiệu là gì? Ông đi ngược chiều từ phía vườn hoa Hoàng Đậu về phía Hồ Tây trên đường Quán Thánh.
Bỗng “tuýt, tuýt!” tiếng còi…một anh công an áo vàng dang tay kịp thời nắm lấy ghi-đông khi ông già chưa kịp dừng vì phanh xe không ăn. Ông già có vẻ bực. Anh công an giơ tay lên mũ chào:
- Xin bác chú ý: Từ hai đầu ngã tư đã có biển đề, bác nên rẽ đi lối khác… Ông già hơi sừng sộ - Sao lại phải đi lối khác? Biển gì? Sao lại ngăn lối tôi đi?
- Thế bác không đọc biển à? Bác đi sai đường rồi! Anh công an bị vặn hỏi đã bắt đầu phật ý.
Ông già cũng bắt đầu cáu: Biển gì? Anh nói nghe xem nào!
- Biển CẤM ĐƯỜNG. Rành rành hai chữ “cấm đường” to tướng màu đỏ chói, bác không nhìn ư?
- À, ra thế. Biết sai, ông già toan đấu dịu, nhưng vì thấy cậu công an này trẻ quá, gương mặt kháu khỉnh còn “búng ra sữa”, càng ra vẻ nghiêm, nom cũng dễ thương… Ông nảy ý muốn trêu chọc… bèn tỏ ý căng thêm.
- À… biển cấm đường ư? Thế anh cấm đường chứ đâu có cấm tôi? Anh xem lại cái biển của anh xem!

Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995).
Anh công an vụt nhận ra ông già cố chấp này cũng có lý… Tuổi ông dễ còn lớn hơn tuổi bố mình… Thế là anh xuống giọng xuề xòa… “Thôi, con xin bố… Bố cứ đi tiếp một quãng nữa là tới Hồ Tây rồi. Bận sau xin bố chú ý cho vì đây là đường ngược chiều theo quy định…”.
Khi ông già râu tóc bạc phơ đạp xe xa rồi, anh vẫn nhìn theo, anh buồn cười thật. Nhưng anh còn chưa hay rằng anh vừa được tiếp xúc với nhạc sĩ Văn Cao - một nhạc sĩ nổi tiếng với bài Tiến quân ca, Suối mơ mà anh vẫn hát… Ông còn có tài làm thơ. Và những bức tranh minh họa của ông trên báo Văn Nghệ, ông vẫn thường kí tên VĂN.