Nhân đọc bài Văn nhân vẽ mỹ nhân

Hồn Việt số 54 (tháng 1/2012) có đăng bài Văn nhân vẽ mỹ nhân của tác giả Trầm Hương. Chắc nhiều độc giả thích thú bài văn này, vì chuyện nói về cha con Tào Tháo mà lại là chuyện tình yêu éo le lãng mạn. Tác giả là nhà văn nên bài viết lại càng hấp dẫn.

Nhân đây, tôi xin trao đổi thêm một số điểm để góp vui. Một là: Mỹ nhân trong bài Lạc thần phú của Tào Thực có đúng là Chân thị hay không? Hai là: Nếu không phải Chân thị thì là ai? Tào Thực viết bài phú này nhằm ngụ ý gì?

Vấn đề này từng được tranh cãi nhiều và cho đến nay vẫn được các nhà nghiên cứu xem là “thiên cổ chi mê”- một câu đố ngàn đời chưa được giải đáp thật sự.

Bài phú này của Tào Thực xưa nay được đánh giá là một thiên “tuyệt bút”, được các văn nhân thi sĩ nhiều thời đại bình luận so sánh với các áng văn chương nổi tiếng của Khuất Nguyên và Tống Ngọc – Cửu caThần nữ phú.

Song, vấn đề được biện luận nhiều là nhân vật Lạc thần mà Tào Thực miêu tả tuyệt diệu như vậy có đúng là Chân thị - vợ Tào Phi, và là người tình yêu dấu của Tào Thực không?

Căn cứ vào các nghiên cứu thì chuyện mối quan hệ giữa cặp “chị dâu em chồng” này được nêu lên và loan truyền bắt đầu từ đời Đường. Học giả đời Đường là Lý Thiện trong bộ Văn tuyển có chú thích: “Lạc thần phú  do Tào Thực viết để tưởng nhớ Chân thị…” và còn thêm đoạn Chân thị bộc bạch tình cảm của mình với người yêu trong giấc mơ của Tào Thực (như trong bài viết của tác giả Trầm Hương đã nêu).

Dung nhan của Chân thị vợ Tào Phi

 

Nhưng học giả Lưu Khắc Trang đời Tống lại nói: “Đó chỉ là bọn người “hiếu sự” đặt chuyện mua vui mà thôi”.

Vương Thế Trinh đời Minh thì nói: “Để Lạc thần gặp gỡ với mình thì sao tránh khỏi người đời chê cười Tử Kiến (tức Tào Thực) là kẻ vô luân!”.

Nhiều học giả đời Thanh cũng kịch liệt phê phán chuyện đó. Có thể tổng hợp luận điểm của họ vào mấy ý sau:

  1. Tào Thực viết Lạc thần phú không phải để tưởng nhớ Chân thị. Tào Thực không thể tư tình với Chân thị được, vì khi gặp nhau, Tào Thực mới quá 13 tuổi mà Chân thị đã 24. Cậu bé dù có đa tình lãng mạn đến mấy cũng không thể “tư tình” với một người lớn hơn 10 tuổi, lại là chị dâu, vợ chính thức của anh ruột mình. Đạo lý sẽ có sức mạnh kiềm chế ngay lòng tư dục bất chính đó.
  2.  

  3. Ngay từ nhỏ, Tào Thực đã bị Tào Phi ganh ghét do được lòng cha thiên ái (Tào Tháo nhiều lần công khai tỏ ý định lập Tào Thực làm người kế vị). Tào Phi lên ngôi vua rồi càng không ưa Tào Thực, luôn hiềm nghi phòng bị sự tranh đoạt quyền vị, thậm chí dụng ý trừ diệt.

    Vậy thì một người tâm hồn nhạy cảm như Tào Thực không thể không biết số phận của mình, mạng sống của mình luôn đứng trước nguy cơ. Vì thế, không thể phát triển tình cảm với Chân thị, càng không thể công khai viết Cảm Chân phú để bộc lộ tình cảm, để hứng tội bị chặt đầu!
  4.  

  5. Lễ giáo phong kiến xem hành vi tư thông với chị dâu là của loài cầm thú. Dân dã còn không làm vậy huống chi đế vương. Nếu Tào Thực và Chân thị có quan hệ bất chính thì Tào Phi có cớ diệt ngay lập tức chứ sao lại bỏ qua, rồi còn có chuyện tặng chiếc gối lạ lùng như vậy. Chi tiết “tặng gối” này khá hấp dẫn, gây xúc động, song không hợp tình hợp lý.

    Dư luận có thể chê cười cả 3 nhân vật: Tào Phi không chỉ là hoàng đế đương triều mà còn là nhà thơ, nhà lý luận văn nghệ khá nổi tiếng, sao lại có hành vi xuẩn ngốc như vậy? Tào Thực là văn nhân tài hoa phong nhã, thông phép tắc, hiểu lễ nghi, nhận chiếc gối để công nhận mối tình bất chính, tức hành vi bất trung của mình hay sao? Chân thị công khai bộc lộ tình cảm của mình đối với em chồng như vậy (trong bài của tác giả Trầm Hương có ghi đoạn Chân thị bộc lộ niềm hạnh phúc khi được Tào Thực gối đầu lên chiếc gối thân yêu của mình), nàng ta không thấy thẹn lòng, thẹn với chồng và với con trai sao?
  6.  

  7. Chân thị không thể có quan hệ tình cảm quá mức đối với Tào Thực. Vì xuất thân danh gia, có giáo dục, trọng kỷ cương, hiểu lễ nghĩa, dù có đa tình đa cảm, có thật sự rung động trước tình cảm và tài hoa của Tào Thực cũng không thể vượt quá vị thế của bản thân và của gia đình đế vương như vậy.

    Nếu quả thực Chân thị có tư tình với Tào Thực thì cậu con trai Tào Duệ vốn thông minh nhạy cảm (sau là một nhà thơ có tiếng) không thể không biết. Nếu biết thì sao vẫn bỏ qua và đến khi Chân thị qua đời lại truy phong làm Chân hậu trong khi trước đó chỉ là Chân phi. Nếu bà mẹ có tai tiếng xấu thì một ông vua sáng suốt không khi nào làm như vậy.

Những ý kiến trên đây biện luận cho vấn đề Lạc thần phú của Tào Thực không phải viết về Chân thị.

Vậy thì người đẹp được miêu tả tuyệt vời ấy là ai? Và Tào Thực viết bài phú nhằm ngụ ý gì?

Về vấn đề này, cần lưu ý đến tư tưởng và tính cách của Tào Thực thể hiện qua văn chương ông. Là người tài hoa, đa tình, phóng túng, song Tào Thực ngay từ tuổi thiếu niên đã có hoài bão, đã có lý tưởng tích cực. Nhiều thơ ca của ông (ở giai đoạn đầu) đã bộc lộ nhiệt huyết thiết tha với đời, muốn đem tài năng của mình làm nên sự nghiệp với nước với dân. Song lý tưởng và hoài bão đó không thực hiện được, vì bị Tào Phi ganh ghét, cản trở chí tiến thủ, thậm chí bị bức hại.

Khi Tào Duệ lên ngôi, vẫn tiếp tục bị lạnh nhạt, bị đẩy đi nhiều nơi xa với những tước vương hư hão vô dụng. Vì vậy trong lòng ông luôn có mối bi phẫn triền miên. Nếu như xưa kia Khuất Nguyên bi phẫn, mượn người đẹp trong Ly tao, trong Cửu ca để oán trách Sở Hoài vương và bọn cận thần, Tống Ngọc miêu tả hình tượng mỹ nhân trong Thần nữ phú để ám dụ Sở Tương vương, thì Tào Thực, khi qua sông Lạc, cảm hứng trào dâng đã dùng hình tượng Lạc thần tuyệt mỹ, tuyệt thiện để tượng trưng cho tâm hồn trong sáng và lý tưởng cao đẹp của mình.

Lý tưởng ấy, tài năng chí hướng ấy không có được tri kỷ, không có được “bạn lòng” (như Khuất Nguyên nói trong Ly tao), không có được đối tượng sẻ chia vì hiện thực cách trở, cũng giống như thần và người là hai phạm trù khác biệt, không thể đến với nhau được. Lý tưởng đẹp không tương ngộ được với hiện thực.

 

Chân dung của Tào Thực

Bài phú của Tào Thực, vốn tên là Cảm Chân phú, sau khi Tào Duệ lên ngôi mới đổi thành Lạc thần phú. Chính vì chữ “Chân” này mà người đời cho rằng bài viết cảm nhớ Chân thị.

Song, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định chữ “Chân” này là 鄄  (còn đọc âm quyên) tức đất phong của Tào Thực. Còn họ của Chân thị là 甄. Thời xưa hai chữ này được dùng như nhau.

Tào Thực viết Cảm Chân phú là để trữ phát tâm sự của mình khi ở thành Chân - vùng đất phong đầy cực khổ ai oán. Trường hợp như vậy thời xưa không hiếm. Nhiều văn nhân thi sĩ mượn văn chương để gửi gắi tâm trạng của mình. Và hình tượng người đẹp thường được dùng để tượng trưng cho cái đẹp, trỏ phẩm cách cao khiết và tài năng hơn người; có khi trỏ giang sơn tươi đẹp (như trong Thần nữ phú của Tống Ngọc).

Tào Thực bộc lộ nỗi lòng không chỉ trong Cảm Chân phú mà còn trong Thất ai và nhiều hình tượng “oán phụ” trong các bài thơ khác.

Những ý kiến trên được giới chính sử tán đồng nhiều. Bộ Trung Quốc lịch đại văn học tác phẩm do Chu Đông Nhuận chủ biên viết: “Lạc thần phú mượn chuyện Lạc thần để ký ngụ tâm trạng, phản ánh nỗi khổ tình trung thực mà không được tương thông” Bộ Đại từ điển văn học do Nhà xuất bản Từ Thư Thượng Hải xuất bản năm 2000 giải mục Lạc thần phú như sau: “Tác phẩm nổi tiếng do Tào Thực sáng tác. Tào Thực không được toại chí, khi qua sông Lạc làm bài phú này, mượn chuyện Mật Phi để gửi gắm lòng mình, biểu đạt sự truy cầu lý tưởng và sự oán sầu vì thất chí…”.

Nhiều giáo sư đại học khi phân tích Lạc thần phú cũng khẳng định ý này và thường nêu chuyện tình yêu với Chân thị là một truyền thuyết kể thêm cho vui. Nhưng nhiều người vẫn thích tin theo truyền thuyết “lãng mạn” kia. Có lẽ là do tâm lý nói chung, thời đại nào người ta cũng thích nói về tình yêu, càng lâm li bi đát càng hay, càng mơ mộng huyền ảo càng thú.

Cũng giống như trường hợp Lý Bạch và cái chết “vớt trăng” của ông. Từ lâu, giới nghiên cứu đã có cứ liệu khẳng định Lý Bạch chết vì bệnh ở Đăng Hồ. Song vì yêu Lý Bạch, yêu tâm hồn bay bổng và tính cách cao ngạo phóng khoáng của ông, yêu vầng trăng luôn có mặt trong thơ ông, người ta đã gắn cái chết của ông với vầng trăng: Ông đi thuyền trên sông, yêu vầng trăng in bóng dưới nước, nhảy ào xuống vớt trăng và chết đuối… Câu chuyện thật lãng mạn, nên thơ, được lưu truyền rất rộng rãi. Trường hợp Lạc thần phú của Tào Thực cũng có phần nào tương tự chăng?

Chúng tôi nêu một số ý kiến này để quý vị quan tâm phán đoán thêm. Chắc có vị tán thành quan điểm lễ giáo đạo đức, cảm thụ bài văn theo cách truyền thống, song lại có vị theo quan điểm hiện đại, thậm chí theo thuyết “phân tâm học” trong văn chương, chú ý khai thác chất nhân văn qua bi kịch tình yêu. Bài phú này hiện vẫn còn là câu đố khó.
 


Bài liên quan
PHẠM THỊ HẢO