Một ông bạn quê làng Phượng Dực có nhã ý cho tôi mượn xem cuốn “sử làng” này. Tôi đọc một hơi, thấy rất thú vị, bổ ích. Cuộc kháng chiến của chúng ta là rất vĩ đại, nhưng cứ nói và viết lung tung, thì không thấy hết cái vĩ đại đó. Phải về tận làng, tận dân, ở cơ sở, nơi gánh chịu thương đau và cũng là nơi chiến đấu kiên cường, mới hiểu thêm được những trang lịch sử vẻ vang.
Đây là cuốn sách viết về thời kháng Pháp của làng Phượng Dực (Hà Tây cũ), mà đỉnh cao là 4 năm 3 tháng 7 ngày Phượng Dực bị giặc Pháp chiếm đóng. “Cuốn sách giúp bạn đọc thấy được phần nào cảnh khủng bố, tàn sát dã man của địch, tinh thần đấu tranh kiên cường và sáng tạo của nhân dân địa phương”, đồng thời nhận rõ “được nhân dân tin theo, che chở và đùm bọc, chi bộ Đảng đã lãnh đạo nhân dân trong xã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình…”, Bí thư BCH Đảng bộ xã Doãn Tòng Đức viết trong Lời giới thiệu.
Ngoài chương I, chương II nói về Cách mạng Tháng 8 và xây dựng - bảo vệ chính quyền (9/1945 đến 12/1946), chương III: Kháng chiến chống thực dân Pháp (19/12/1946 đến 27/7/1954) là chương trọng tâm của cuốn sách.
Trong chương đó, cuộc đấu tranh bi tráng của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, trải qua nhiều bước thăng trầm, hy sinh, được tái hiện rất cụ thể và sinh động. Từ việc diệt bốt, diệt tà trừ gian, chống càn, phục kích, chống khủng bố…, đến việc gây dựng cơ sở, củng cố lòng tin của nhân dân…; Phượng Dực đã vô cùng kiên trung, oanh liệt… Trải qua những trận đánh, những trận khủng bố dã man của địch (như cuộc thảm sát man rợ của địch ở xứ đạo Hoàng Nguyên, giết 93 người, làm bị thương 38 người đều là dân quanh vùng chạy đến Nhà Thờ để lánh nạn; đốt, cướp, giết, hãm hiếp không nương tay…; hay như 3 giờ chiều 26/7/1954, nghĩa là trước khi lệnh ngừng bắn theo Hiệp định Genève có hiệu lực, địch còn bắn đại bác vào làng giết chết 4 dân thường, đốt cháy 201 gian nhà…
“Để có được cuộc sống thanh bình như ngày nay, nhân dân trong xã đã phải chịu biết bao tổn thất: 95 cán bộ, đảng viên, dân quân du kích và nhân dân bị giặc giết hại, 16 người bị thương nặng, 67 người bị giặc bắt tra tấn, 376 thiếu nữ, phụ nữ, bà già bị giặc hãm hiếp, 605 ngôi nhà bị đốt trụi, 60 nhà gạch và đình, chùa bị giặc phá hủy. Giặc cũng đã cướp 220 tấn lương thực, 480 con trâu, 1628 con lợn…, trong xã không nhà nào là không có hận thù với bọn giặc cướp nước và bán nước” (Kết luận, tr.136).
***
Làng Phượng Dực là làng có truyền thống yêu nước, có truyền thống văn hiến, nhiều người đỗ đạt, nhiều nhà hoạt động văn hóa, văn chương, báo chí… Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Vĩnh là người làng này.
Do vậy, khi đọc lịch sử làng, ngoài những cứ liệu lịch sử đấu tranh giữ làng, như một sự tình cờ, ta cũng bắt gặp những chi tiết liên quan đến văn hóa.
Chẳng hạn: “Ở Phượng Vũ, sau nhiều lần bọn địch ở bốt Đồng Quan và bốt Tía đến lùng sục, lập bốt Hương Dũng. Nguyễn Văn Sợi, một tên lưu manh, chuyên sống bằng nghề trộm cắp, được anh họ là Nguyễn Phùng làm quan hai phòng nhì ở Hà Đông bảo lãnh cho lập bốt Hương Dũng ở Phượng Vũ.” (tr.76-77).
... “Nguy hiểm hơn cho phong trào địa phương là tiểu khu quân sự này (gồm 1 tiểu đoàn Âu Phi) có cả lính phòng nhì do tên Quản Thăng là cấp dưới của quan hai Phùng mà Phùng lại có nguồn gốc ông cha hắn là người làng Phượng Vũ” (tr.90).
Có một đường phố ở Pháp mang tên Nguyễn Phùng mà những người làm phim văn hóa gần đây quay phim và tự hào, chính là tên Nguyễn Phùng quan hai phòng nhì này. Sau đó y còn làm Tỉnh trưởng Hà Đông, tham chiến ở Algérie, nên có công với “Đại Pháp”.
***
Làm sao để mỗi xã của ta, từ chống Pháp, chống Mỹ và trước đó nữa, có một bộ sử làng. Từ đó mới làm nên sử tỉnh, sử cả nước. Từ đó mới làm nên Đại Từ điển tên người, tên đất và sử văn hóa. Việc làm này không khó nếu ta biết tổ chức, rung động những người đã từng chiến đấu, những nhân chứng, những người có văn hóa ở làng ở các trường học và có kế hoạch, có phương pháp, có chỉ đạo từ trên xuống.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên đứng ra làm việc này. Ngày xưa, Pháp đã tổ chức cho các làng sưu tầm và nộp về thần tích, cổ tích, tục ngữ, ca dao. Các học sinh cấp 3 và các thầy giáo, các cán bộ văn hóa ở huyện, ở xã, ở tỉnh… (không cần tới các Viện, các Đại học… tốn tiền vô ích!) có thể làm việc này rất tốt, miễn là họ được “tập huấn” và được cấp ít nhiều kinh phí. Tác dụng giáo dục trở lại là rất lớn. Học chay sao bằng tự mình sưu tầm, nghiên cứu. Để viết được một bộ sử Việt Nam mấy chục năm kháng chiến và những năm trước đó, rất cần những tư liệu này. Không có một nhà làm sử nào dám bỏ qua nó. Còn như về văn hóa thì vô cùng lớn. Chạy theo những công trình tiền tỉ rỗng tuếch hay những luận án nhợt nhạt, sao bằng làm chuyện này?
Công việc không khó quá, nhưng để lâu thì hết người. Chậm quá rồi, nhưng chậm còn hơn không. Đừng để những chiến công, những người anh hùng một thời bị lãng quên, bị trôi ra biển cả im lặng!