Để tìm hiểu tâm tính người Thụy Điển, tôi đã có dịp gặp ở Goteborg hai giáo sư xã hội học Edmund Dahlstrom và Goran Therborn. Trong những điểm hai ông nêu lên, có một số điểm giống nhau, đặc biệt về tính thích đơn lẻ, cô đơn, dè dặt, khuynh hướng nội tâm mạnh, khía cạnh u sầu. Giải thích điều này có lẽ là do khí hậu Bắc Âu lạnh giá và ảnh hưởng tôn giáo Tin Lành Luther.
Tôi nhớ lại một lần đi thăm một nhà thờ cổ Thụy Điển. Dưới bầu trời xám giữa tháng 9, trên xa lộ trải nhựa đen, chiếc xe Renault đỏ rất thịnh hành ở Thụy Điển chạy êm như ru trong vùng đồi núi thoai thoải rừng thông bao phủ. Trên những cây bu lô là loại cây yếu chịu rét nhất, lá đã bắt đầu ngả vàng: lá nhiều cây nhỏ ở bờ rào cũng đỏ rực, báo thu sang. Chúng tôi đến làng cổ Taby ở cách thủ đô Stockholm độ 30km. Gọi là làng, nhưng ta có cảm giác đó là nơi nghỉ mát với những biệt thự cách biệt nhau. Bên vệ đường, dựng một số phiến đá có khắc chữ viết và hình vẽ màu nâu, đặc biệt là hình con rắn, đó là những công trình điêu khắc cổ nhất của Thụy Điển, di tích của người Viking xưa, vừa làm hải tặc vừa buôn bán, xâm chiếm nhiều miền ở bờ biển Tây Âu (thế kỷ VIII-XII).
Chúng tôi đỗ xe vào xem lễ Misa ngày chủ nhật vào buổi trưa trong một nhà thờ làm từ thế kỷ XI, nhà thờ này nguyên là một pháo đài bằng đá được chuyển thành giáo đường. Có hai mục sư đạo Tin Lành thuộc giáo phái Luther, một nam, một nữ đang làm lễ. Giáo dân có độ hơn hai chục người cầu kinh và hát trong tiếng đàn đệm du dương. Những ngọn nến, cùng một số đèn điện ánh sáng vàng gợi lại một không khí xa xưa. Nhà thờ này nổi tiếng vì còn giữ được những tranh thánh vẽ trên tường và trần từ gần một nghìn năm nay.
Đạo Thiên Chúa có một đại diện xuất sắc vào thế kỷ XIV: Bà thánh Birgitta (1303-1373) là người lập ra một dòng tu riêng. Bà thuộc gia đình thần thế, học rộng, rất mộ đạo và đã cùng chồng đi hành hương tại Tây Ban Nha. Chồng mất sau chuyến đi đó, bà lại càng dốc lòng vì Chúa. Bà đến La Mã ở và trước khi chết, đi hành hương ở Jerusalem. Bà để lại 8 tập Thiên khải được coi là tuyệt tác của văn học Thụy Điển, khiến bà trở thành nhà văn và là nhà văn nữ đầu tiên của nước này. Đến thế kỷ XVI, trong phong tào Cải cách tôn giáo ở châu Âu, vua Gustav Vasa đã bỏ đạo Thiên Chúa, theo đạo Tin Lành Luther, nhà vua trở thành giáo chủ của quốc gia mới. Hơn 90% người Thụy Điển trên danh nghĩa là giáo dân nhà thờ Luther. Công dân khi ra đời là giáo dân của quốc giáo ngay. Nhưng bất cứ lúc nào, giáo dân cũng có thể bỏ đạo, chỉ cần viết đơn. Nước Thụy Điển hiện đại được coi là một quốc gia trong đó sự “thế tục hóa” rất mạnh. Theo thống kê, chỉ có 5% dân đi lễ nhà thờ hàng tuần. Hoạt động tôn giáo khá mạnh trong những giáo phái Tin Lành mệnh danh là “giáo phái tự do”. Nhà thờ không có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị. Có một đảng Dân chủ Kitô giáo chưa vào được quốc hội: vì chưa vượt số phiếu 4% cần thiết. Có nhiều người lấy làm lạ sao người Thụy Điển ít đi lễ thế. Có thể là vì quốc giáo Luther không đáp ứng được những biến đổi của thời đại mới, trong khi phong trào công nhân và nhiều phong trào quần chúng khác lại đáp ứng được.
Nguồn gốc của đạo Luther: Martin Luther (1483-1546) là một nhà thần học Đức, nhà văn và nhà dịch thuật. Ông học luật, làm tu sĩ, là tiến sĩ thần học. Công phẫn vì tình trạng thối nát của tăng lữ Công giáo La Mã, ông phê phán Giáo hoàng cho phép bán những “chứng chỉ xá tội” cho con chiên và một phong trào quần chúng rộng rãi đồng tình với ông. Đến năm 1519, ông công khai đoạn tuyệt với Nhà thờ Công giáo, ông tố cáo chính sách Tòa thánh La Mã đã hành động ngược lời dạy của Kinh Thánh (sùng đạo xuất phát từ nội tâm chứ không dựa vào nghi lễ hình thức, quyền thế ngoài đời, dù là của Giáo hoàng!). Tác động của Luther vừa tích cực (phát triển ý thức dân tộc, thúc đẩy nông dân nổi dậy, gây ra tiền đề cách mạng tư sản ở Đức) vừa tiêu cực (về sau, ông phản lại quyền lợi của nông dân nổi dậy, ngừng lại ở thái độ cải lương, thỏa hiệp với vua chúa phong kiến để bảo vệ giáo phái của mình…). “Luther giáo” dân chủ hóa tôn giáo: Nhân dân có vai trò lớn trong việc thờ cúng. Luther viết bằng tiếng Đức (thôi dùng tiếng Latinh) nhiều bài hát nhà thờ và dịch nhiều tập ngụ ngôn luân lý. Công lớn nhất của ông là dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức, đóng góp lớn vào việc thống nhất ngôn ngữ Đức…