Nhân một bức thư cuối năm: Lòng quê

Cuối năm, tôi nhận được một bức thư của một độc giả không quen biết gửi từ Đức sang, mang địa chỉ bà Marie JeanneH, phố Goethestr, tỉnh Nauheim.

Thư được viết bằng tiếng Pháp, dịch như sau:

“Xin chào ông Hữu Ngọc!

Trong nhiều năm, tôi cố lùng tìm một cuốn sách miêu tả văn hóa Việt Nam một cách chi tiết. Người ta khuyên tôi nên tìm tác phẩm của ông. Tôi sống ở bên Đức. Để có được sách của ông, tôi đã nảy ra sáng kiến đi Việt Nam một chuyến. Tôi đã làm việc này, và đó cũng là dịp cho chồng tôi là người Đức được biết đến đất nước Việt Nam. Anh đã đọc nhiều thiên phóng sự và được biết đến đất nước ông qua sách báo. Tôi rất sung sướng có được quyển sách của ông La Découverte De La Culture Vietnamienne (Khám phá văn hóa Việt Nam). Tôi trân trọng giữ cuốn sách này, không dám cho ai mượn, vì sợ mất.

Tôi sinh ra ở Sài Gòn năm 1945. Tôi là người lai, mẹ Việt, bố Pháp. Năm 1958, tôi rời Sài Gòn đi Paris và học hành ở đó. Hiện tôi vẫn nói được tiếng Việt, khiến ai cũng ngạc nhiên. Còn tôi thì rất vui và tự hào là vẫn nói được tiếng Việt, nơi tôi ra đời. Mẹ tôi cũng là người lai Việt - Âu, bà sinh năm 1908 ở Nam Lan (?), sống ở Sài Gòn đến năm 1962. Bà được các bà Xơ (Soeur) dòng Thiên Hựu ở Sóc Trăng nuôi dưỡng. Thời đó, ai cũng coi nhau là bạn cả, con cái chúng tôi đều gọi bạn mẹ là dì: dì Colette, dì Aline…

Vào thời mẹ tôi, tôi đã được hưởng sự tốt bụng và chân thành của người Việt Nam, ngày nay điều này thật hiếm. Tôi chỉ còn lại vài người bạn thời thơ ấu ở Việt Nam còn giữ được tính tình ấy. Bố mẹ tôi và nhiều bà dì tôi đã qua đời. Chúng tôi thiếu lòng tốt ngày xưa. Nếu có dịp lại sang Việt Nam, tôi có thể được gặp ông không? Tôi coi ông thuộc số những người Việt Nam thời mẹ tôi. Tôi chắc chắn sẽ tìm thấy ở ông sự tốt bụng của người xưa mà tôi tìm kiếm. Tôi hay nói chuyện về Việt Nam với những bạn gái thời tôi còn quen ở Việt Nam.

Bạn thời thơ ấu của tôi và tôi có ý định đi Việt Nam để tìm hiểu văn hóa Việt Nam và nhất là tìm gặp những người xưa để trao đổi chút ít về dĩ vãng. Tôi thật muốn ghi lại những kỷ niệm thời thơ ấu ở Việt Nam. Mẹ đỡ đầu của tôi là bà Perrucca, giáo viên dạy toán ở Hà Nội. Ông có học bà không? Bà Azambe, bạn thân mẹ tôi, rời khỏi Sài Gòn khoảng năm 1953 hay 1954. Tôi nhớ mãi ngày hai vợ chồng bà đến từ biệt chúng tôi, mắt đầy lệ. Lúc đó, tôi còn nhỏ, nhưng quên làm sao được cuộc biệt ly cảm động ấy.

Tôi muốn sang Việt Nam lần nữa. Tôi có thể gặp ông để nói về cái ngày xưa tốt đẹp không? Chúng tôi, những người lai Âu - Á, không tài nào quên đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Mong chờ được cái vui làm quen với ông, tôi đang tìm mua một chiếc vé máy bay rẻ tiền, để sẽ gặp ông. Nếu thượng đế ban ơn, tôi sẽ trở lại Việt Nam, chắc chắn sẽ đến chào ông. Xin kính chào ông”.

Tôi đọc đi đọc lại bức thư của người không quen biết, lòng bâng khuâng.

Tôi nhớ lại trường hợp chị Kim Lefèvre, mà tôi có dịp gặp vài lần ở Paris và ở Hà Nội. Chị kể lại cuộc đời mình trong cuốn Cô đầm lai (Métisse blanche), 1989. Những kỷ niệm thời thơ ấu và niên thiếu của chị cay đắng chứ không tươi sáng như của bà H. Mẹ Việt, bố là lính Pháp bỏ Việt Nam về nước. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, tinh thần dân tộc lên rất cao trong dân chúng Việt Nam. Cô bé Kim từ Cô nhi viện ra, long đong theo mẹ từ Bắc vào Nam, đi đâu cũng bị hắt hủi vì mang nửa dòng máu Tây. “Còn bé, tôi mơ ước có những tai nạn may mắn nào thải hết dòng máu nguyền rủa ấy để tôi thành người Việt Nam thuần khiết, để mình hòa giải với những người xung quanh và với bản thân mình… Tôi tránh soi gương, và mỗi khi đi qua vũng nước tôi không dám nhìn xuống bóng mình”.

Tác giả phân tích một cách tỉnh táo mình là nạn nhân của một dân tộc, dân tộc ấy lại là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân: “Tôi miễn cưỡng nhớ lại sự cai trị thực dân gây nhục nhã và tính ngạo mạn của người da trắng. Tôi là cái quả hôi tanh của sự phản bội của một người Việt Nam là mẹ tôi (đi lấy Tây)”. Cũng may, ngoài 20 tuổi, cô Kim được một “bà Xơ” giới thiệu với một “bà Eva” ngoan đạo cho đi học ở Đà Lạt, đỗ tú tài, có được học bổng sang học ở Paris, đỗ tiến sĩ và ở lại Pháp.

Khổ sở ở Việt Nam như vậy, mà cô Kim vẫn nhớ và yêu da diết đất Việt: “Tôi đã yêu đất nước này, quê hương tôi, những con người quen thuộc biết bao, da nâu đồng, đôi mắt bầu dục đen sáng và thông minh của cậu tôi, cử chỉ bà tôi giơ đũa kêu “khè khà” khi có thức ăn ngon, dáng đi nhún nhảy của bà hàng xóm gánh nước, hàm răng bà đen như hạt na… Nước Việt Nam, đó là nét mặt dịu dàng của mẹ tôi. Ngày nay, tôi yêu đất nước này một cách khác, không còn như một đứa trẻ khổ đau, mà là một người lớn. Tôi có thể phân biệt cái nó mang lại cho tôi cũng như cái nó loại trừ tôi”.

Bà H. và chị Kim, hai phụ nữ Việt lai Pháp, một sống ở Đức và một sống ở Pháp, một thì sung sướng, một khổ đau thời thơ ấu và tuổi trẻ ở Việt Nam. Cả hai đều hướng về đất Việt thân thương, một người mong tìm lại tình người vắng bóng dưới trời Tây, một người muốn tìm lại hình bóng thân thương một thời.

Có lẽ hàng nghìn hàng vạn Việt kiều ở trên khắp năm châu nhớ đất Việt chắc chắn cũng vì lý do tình cảm và hồn Việt. Làm sao đất Việt giữ được mối tình quê hương bằng những nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam. GDP tăng chậm một chút cũng không sao, miễn là thực sự “công bằng, dân chủ và văn minh”, chống tham nhũng, xóa đói giảm nghèo có hiệu quả hơn. Có thể, số Việt kiều về nước ăn Tết tăng lên, nhất là đối với thế hệ thứ hai, thứ ba. Để bà con Việt kiều khỏi “Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang” (Kiều).

HỮU NGỌC