Nhìn qua nội dung tuồng Việt Nam và hí khúc Trung Quốc

Bài viết nhấn mạnh sự liên hệ giữa tuồng Việt Nam và hí khúc Trung Quốc, nói rõ về những mặt như chức năng, đề tài… của tuồng Việt Nam, rồi nêu một số ví dụ, tiến hành nghiên cứu so sánh sơ bộ giữa tuồng Việt Nam và hí khúc Trung Quốc. Tuồng Việt Nam và hí khúc Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ, bản viết này sẽ so sánh về mặt chức năng, nội dung và nhân vật...

Là một trong ba loại kịch dân tộc truyền thống ra đời sớm nhất ở Việt Nam, tuồng có lịch sử hình thành và phát triển gần 10 thế kỷ.

Tuồng là một loại hình sân khấu kịch hát ra đời trên cơ sở giao lưu với văn hóa Trung Hoa. Theo sử sách, Lý Nguyên Cát một thầy tuồng người Trung Hoa theo gót chân đoàn quân xâm lược Nguyên Mông sang Việt Nam và được triều đình nhà Trần trọng dụng trong việc dạy hát cho con cháu nhà quý tộc. Vì vậy, có thể tuồng bắt đầu phát triển vào thời Lý - Trần.

Qua sự phân tích đối với chức năng của tuồng và hí khúc Trung Quốc, chúng tôi cho rằng, cả hai loại kịch đều có chức năng “giáo hóa”. Qua so sánh những vở tuồng như Sơn Hậu, Triệu Đình Long cứu chúa và vở Trung Quốc Triệu thị cô nhi, ta thấy tuồng và hí khúc Trung Quốc trong việc miêu tả “trung” và “gian” có sự khác nhau.

Tuồng nhấn mạnh sự mâu thuẫn xảy ra xung quanh “ngai vàng” giữa “trung” và “gian”, mà hí khúc Trung Quốc chủ yếu nhấn mạnh hàm ý “trung” và “gian” cùng với những mâu thuẫn giữa “trung”, và “gian”.

Qua việc phân tích vở tuồng Hoàng Phi Hổ quá Giới bài quan và nhân vật Trương Phi, ta thấy tuồng và những nhân vật trong tuồng không bị câu chuyện và hí khúc Trung Quốc ràng buộc, đều được phát triển với mức độ nhất định.

Tuồng đã thành công trong việc mượn câu chuyện Trung Quốc để phản ánh hiện thực Việt Nam, vả lại các nhân vật tuồng cũng được phát triển trên cơ sở nhân vật hí khúc Trung Quốc và được Việt Nam hóa.

Trong phần thứ 2, chúng tôi sẽ nói rõ về vấn đề chức năng và đề tài tuồng; phần thứ 3 sẽ phân tích tuồng về đề tài quân quốc, và so sánh với hí khúc Trung Quốc về đề tài quân quốc, nhấn mạnh vấn đề “trung” và “gian”; phần thứ 4 chủ yếu phân tích quá trình tuồng tiếp thụ và phát triển hí khúc Trung Quốc; phần thứ 5 là kết luận.


Hát tuồng, loại hình nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam.

* Chức năng và đề tài tuồng

Trong thời đại phong kiến, tuồng có thể nói là dụng cụ tuyên truyền của lớp thống trị phong kiến. Lớp thống trị thông qua tuồng truyền bá tư tưởng trung quân, đặc biệt là vào cái buổi xế chiều của chế độ phong kiến, khi mà các ngai vàng, có nguy cơ lung lay, nguy cơ bị thoán đoạt thì chữ trung càng phải được đề cao hơn.

Những nhân vật chính trong tuồng thường là những anh hùng có tư tưởng trung quân và có thể xả thân vì chúa, như Khương Linh Tá trong Sơn Hậu. Qua đó, chúng ta có thể thấy rõ tuồng có tác dụng “giáo hóa”.

Đi đôi với sự phát triển của xã hội, tuồng cũng được phát triển, đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đề tài của tuồng đã không bị đề tài quân quốc ràng buộc mà xuất hiện những đề tài khác như ca ngợi những con người mang chí chống lại triều đình hoặc là lũ tham quan, phê phán thói hư tật xấu của xã hội v.v…

Nhưng bất cứ đề tài của tuồng được phát triển như thế nào, cũng có chức năng “giáo hóa”, chỉ là nội dung “giáo hóa” khác nhau mà thôi.

Chức năng “giáo hóa” của tuồng Việt Nam, theo tôi là chịu ảnh hưởng tư tưởng “văn dĩ tải đạo” của Trung Quốc mà Hàn Dũ, nhà Nho lớn Trung Quốc nêu ra.

Quan niệm “văn dĩ tải đạo” đã xác nhận mối quan hệ giữa nghệ thuật và giáo hóa. Các nhà văn và nhà tư tưởng của nhà Đường, đều tự giác coi mình là “kỹ sư của tâm hồn”, kết hợp giáo hóa với chủ nghĩa lý tưởng, hòa nhập giáo dục vào tác phẩm của mình.

Chẳng hạn như hí khúc Tham quan hí của nhà Đường thường thêm tác dụng trào phúng vào biểu diễn hài hước; những trò ca múa thịnh hành trong cung đình và dân gian cũng tự giác hoặc không tự giác biểu hiện đạo nhân luân v.v...

Ngoài những văn sĩ ra, những người nghệ nhân sân khấu lúc đó cũng rất quan tâm đến vấn đề xã hội, nên sân khấu Trung Quốc hình thành một truyền thống rất tốt là "hí gián". Các đào kép lúc đó dùng những lời ca hát và biểu diễn hài hước để chế nhạo những việc làm xấu xa về chính trị lúc đó.

Nói chung, tuồng Việt Nam và hí khúc Trung Quốc đều có chức năng "giáo hóa", đều có tác dụng giáo dục nhân dân.

Đề tài tuồng rất đa dạng phong phú, nhưng vì tuồng là một loại nghệ thuật của cung đình, nên đề tài của tuồng chủ yếu là đời sống cung đình, nhân vật chính phần lớn là vua chúa, quan lại, tướng tá.

Nội dung các vở tuồng phần lớn đều lấy đề tài từ các truyện cổ Trung Quốc, riêng lấy đề tài từ “Tam Quốc”, đã có mấy chục vở, chủ yếu đề cao và ca ngợi một số quan niệm đạo đức phong kiến: trung, hiếu, tiết, nghĩa, đặc biệt tập trung vào chủ đề trung quân.

* Đề tài quân quốc của tuồng

Đề tài tuồng rất phong phú, đa dạng nhưng những vở nổi tiếng nhất đa số là những vở về đề tài quân quốc, tức là những vở nói về chuyện vua, chuyện nước.

Các vở tuồng Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Triệu Đình Long, Võ Hùng Vương, Giác oan... đều là tuồng về đề tài quân quốc với nội dung phò vua, diệt ngụy. Các vở tuồng ấy hầu như xây dựng trên một công thức - "vua băng nịnh tiếm, hoàng tử mắc nạn, ông trung bị vây, chém nịnh định đô, tôn vương tước vị".

Chữ trung dưới xã hội phong kiến vốn đã được coi là một trong bốn đức phải luôn luôn đề cao. Trung ở đây phải hiểu là trung quân.

Tuồng tập trung ca ngợi người anh hùng có tư tưởng trung quân. Có thể nói sự thăng hoa của tuồng chính là thăng hoa ở những hình tượng về người anh hùng phong kiến xả thân cứu chúa.

Sự việc diễn ra hầu hết là sự đấu tranh không điều hòa giữa hai lực lượng trung và nịnh dẫn đến sự kết thúc một mất một còn, bằng chiến đấu vũ trang, bằng những hy sinh quyết liệt. Người trung thì trung đến tận cùng, kẻ nịnh thì cũng nịnh đến tột độ.

Như Khương Linh Tá (Sơn Hậu) bị Tạ Ôn Đình chém rơi đầu, tay còn ôm thủ cấp rồi chạy biến đi, hồn hóa ngọn đèn khuya soi đường cho bạn là Đổng Kim Lân cùng thứ phi đưa chúa về vùng căn cứ dựa vào lưng núi; Viên Hòa Ngạn để cứu đứa cháu ngoại là hoàng tử đã tự tay cắt đầu mình mà dâng thủ cấp cho phe phản nghịch theo yêu cầu của chúng (Võ Hùng Vương); Triệu Đình Long để cứa ấu chúa đã đánh tráo con mình thay ấu chúa rồi dang tay ném chính đứa con đẻ đứt ruột ấy xuống vực (Triệu Đình Long cứu chúa)...

Nhìn qua những vở tuồng với đề tài quân quốc, ta thấy rõ nội dung của nó là nhằm khẳng định các trật tự đương thời, cái trật tự “chúa sáng tôi hiền".

Tuồng dùng bút pháp tượng trưng, khoa trương ca ngợi những con người có lý tưởng trung quân và tuyên truyền tư tưởng trung quân.

Những nhân vật anh hùng trong tuồng thà hy sinh tất cả, kể cả tình nghĩa phu thê, phụ tử, kể cả những người thân của mình như bố mẹ, vợ con, kể cả tính mạng của bản thân mình chớ không chịu để mất chúa, dù chúa ấy là một hòn máu trong bụng hay một hài nhi ẵm ngửa trên tay.

Sơn Hậu là một trong những tuồng tiêu biểu về đề tài quân quốc với hình tượng về những anh hùng phong kiến xả thân vì chúa, vì lý tưởng trung quân.

Câu chuyện Sơn Hậu kể về vua nước Tề già sắp băng hà. Phe phản nghịch đứng đầu là Tạ Thiên Lăng nổi lên chiếm ngôi. Những trung thần như Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá quyết tâm bảo vệ dòng dõi của nhà Tề.

 

Trên đường đưa thứ phi và thái tử về nơi căn cứ của phe chính nghĩa ở sau núi, Khương Linh Tá để bảo vệ thái tử mà bị Tạ Ôn Đình, một nghịch tuồng khét tiếng gian tà chém rụng đầu.

Tuy Khuông Linh Tá chết, nhưng linh hồn của ông đã hóa ngọn đèn khuya soi đường dẫn thứ phi và thái tử về Sơn Hậu. Cuối cùng, phe trung thần chiến thắng phe nịnh, thái tử lên ngôi tiếp tục trị vì đất nước. Tạ Ôn Đình cũng bị hồn Khương Linh Tá hiện lên chém chết.

Cuộc đấu tranh trung nịnh trong vở này chủ yếu là quanh cái "ngai vàng", mâu thuẫn giữa họ là một bên muốn tiếm quyền, hại ấu chúa, một bên
muốn bảo vệ ấu chúa, tiếp tục sự nghiệp tiên đế.

Mâu thuẫn ở đây không phải là mâu thuẫn giữa bản thân trung thần và nghịch thần, mà là mâu thuẫn vì vua chúa mà xảy ra. Điểm này cũng có thể được coi là đặc điểm của tuồng về đề tài quân quốc.

Trong những vở đề tài quân quốc, hí khúc Trung Quốc và tuồng Việt Nam về mặt ca ngợi trung thần, phê phán nghịch thần thì giống nhau, tư tưởng được tuyên truyền đều là "trung quân", kết quả cũng là trung thần chiến thắng nghịch thần.

Nhưng hí khúc Trung Quốc càng coi trọng phản ánh sự mâu thuẫn bản thân giữa trung thần và nghịch thần, nội dung kịch cũng không diễn lại xung quanh cái “ngai vàng”.

Như vở tạp kịch Triệu thị cô nhi Trung Quốc kể một câu chuyện xảy ra vào thời kỳ Xuân Thu. Đồ Ngạn Cổ, gian thần nước Tấn vu cáo phò mã Triệu Thuẫn mưu phản, giết hơn 300 người họ Triệu, ngay đến con của công chúa và Triệu Thuẫn cũng không được tha.

Để bảo vệ đứa con mồ côi họ Triệu, trung thần Trình Anh mang đứa bé về nhà, và đưa con mình đến nhà Công Tôn Chử Cữu rồi báo tin cho Đồ Ngạn Cổ. Ông Chử Cữu dùng con Trình Anh thay đứa mồ côi họ Triệu rồi tự tử. Đồ Ngạn Cổ nhận con Trình Anh (thực ra là đứa con mồ côi họ Triệu) làm con nghĩa.

Sau 20 năm, đứa bé nay đã trưởng thành, Trình Anh bảo con biết cảnh đời của con. Rút cuộc, đứa con mồ côi họ Triệu giết chết Đồ Ngạn Cổ trả thù cho gia tộc.

Vở này biểu hiện mâu thuẫn trung nịnh một cách rõ ràng, sự đấu tranh cũng được diễn lại một cách quyết liệt nhưng từ đầu đến cuối vở đều không nhắc đến cái “ngai vàng”.

Chúng ta có thể so sánh một vở tuồng Việt Nam tên là Triệu Đình Long cứu chúa có nội dung giống với vở trên. Trong vở này, Triệu Đình Long để cứu ấu chúa mà đưa con mình vào thay vị trí của ấu chúa, rồi ném con đẻ mình xuống vực.

Hai vở đều áp dụng tình tiết là trung thần hy sinh con đẻ của mình nhưng đối tượng được cứu của họ thì khác, một là con của một vị trung thần bị vu cáo, một là ấu chúa. Hiện tượng này cho thấy vở tuồng Triệu Đình Long cứu chúa càng nhấn mạnh tính quan trọng của hoàng tử.

Cái “trung” trong vở này chỉ là đối với ngai vàng, vua chúa, hoàng tử, mà cái “gian” là đối với những hoạt động “tiếm ngôi” vua, lật đổ một chính quyền. Do đó, sự đấu tranh giữa trung và gian trong tuồng Việt Nam nói chung, vở Triệu Đình Long cứu chúa nói riêng nhất thiết phải xung quanh cái “ngai vàng" mà diễn lại.

Tuy nhiên, vở Triệu thị cô nhi cũng phản ánh sự đấu tranh giữa trung và gian nhưng cái “trung” và “gian”, ở đây không bị ngai vàng hạn chế. Đứa con được trung thần cứu trong vở này không phải là thái tử nào đó, mà là con của trung thần.

Theo tôi, vở này đã biểu hiện bản chất của trung và gian, tức là cái “trung” đại biểu cho chính nghĩa, cái “gian” đại biểu cho tàn ác. Do đó chúng ta có thể thấy rõ những vở hí khúc Trung Quốc về đề tài quân quốc phản ánh sâu sắc hơn mối quan hệ giữa trung và gian, biểu hiện một loại đạo đức quan, và tuyên dương chính nghĩa.

Tóm lại, tuồng Việt Nam về đề tài quân quốc đã chịu công thức “vua băng nịnh tiếm” ràng buộc, nó cực lực tuyên truyền tư tưởng “trung quân”, như vậy thì sự mâu thuẫn trung gian không thể thoát khỏi vấn đề “ngai vàng”.

Và hí khúc Trung Quốc không bị công thức nào đó hạn chế, nên nó có thể phản ánh xung đột trung - gian từ nhiều mặt chứ không cần chỉ xung quanh “ngai vàng” mà diễn lại quyết liệt như tuồng.

Như vậy theo tôi hí khúc Trung Quốc sâu sắc hơn trong việc nói rõ hàm ý “trung” và “gian” cũng như sự mâu thuẫn trung và gian so với tuồng Việt Nam.

* Quá trình tiếp thu ảnh hưởng của hí khúc Trung Quốc và sự phát triển của tuồng.

Như trên đã nói, tuồng Việt Nam chịu ảnh hưởng hí khúc Trung Quốc rất lớn, nhiều vở tuồng đều lấy đề tài từ câu chuyện Trung Quốc như Tam Quốc Chí, Phong Thần Diễn Nghĩa… những nhân vật như Trương Phi, Hoàng Phi Hổ, Lữ Bố, Triệu Tử Long.... đã được người Việt Nam chấp nhận từ lâu.

Tuy nhiên, tuồng Việt Nam cũng không phải sao chép nguyên câu chuyện Trung Quốc. Nó thường muợn câu chuyện Trung Quốc để phản ánh hiện thực Việt Nam, những nhân vật trong đó cũng đã được Việt hóa, bản địa hóa.

Vở Hoàng Phi Hổ quá Giới bài quan lấy từ Phản ngũ quan của vở Phong thần diễn nghĩa Trung Quốc. Nhân vật chính trong đó là Hoàng Phi Hổ, một tín đồ của đạo quân thần.

Quân vương của Hoàng Phi Hổ là Trụ Vương, một tên vua khét tiếng tàn bạo và dâm dục. Nghe tin về cái chết của Giả thị, vợ của Hoàng Phi Hổ do Trụ Vương gây nên, Hoàng Phi Hổ vạch trời mà thét lên: “Cái chí trung quân ắt khó thành”, và sau những cuộc giằng xé tâm can, họ Hoàng đã đi đến một quyết định hết sức khó khăn cho một tín đồ của đạo quân thần là “Phản Trụ đầu Chu”.

Vở Hoàng Phi Hổ quá Giới bài quan mặc dù mượn truyện Phong thần của Trung Quốc nhưng là để phản ánh một mảng hiện thực trong cung cấm thời Thành Thái, diễn tả cái thối nát, cái xấu của nội bộ cung đình.

Vở tuồng này là một cái mốc mới trong nội dung và giọng điệu của tuồng về đề tài quân quốc. Từ ca ngợi trung quân đến bi kịch ngu trung, tuồng cổ đã xây dựng hình tượng con người mới của xã hội phong kiến ở buổi suy tàn, khi mà thần tượng của những tín đồ đạo quân thần đã trở thành cái giẻ rách.

Đối tượng phản đối của vở tuồng này đánh dấu sự phá sản của đề tài quân quốc và nhân vật trung tâm của tuồng cổ với linh hồn là lý tưởng trung quân. Vở Phản ngũ quan của Trung Quốc cũng phản ánh chủ đề này.


Nghệ sĩ biểu diễn hí khúc của Trung Quốc.

Nhiều nhân vật của tuồng Việt Nam đều lấy từ hí khúc Trung Quốc. Thế thì những nhân vật này trong tuồng và hí khúc Trung Quốc có gì khác nhau không?

Chúng ta hãy phân tích nhân vật Trương Phi. Chúng ta đều biết Trương Phi là một nhân vật trong Tam Quốc Chí, tính nóng nảy, thẳng thắn, đánh địch vô cùng dũng mãnh.

Nhưng Trương Phi trong vở Trương Phi uống rượu của ông Đào Tấn đã mượn tác phẩm cũ của Trung Quốc để nói lên một vấn đề thời đại của Việt Nam, và trên cơ sở không phủ định hoàn toàn hình tượng Trương Phi đã hình thành ở Trung Quốc, ông đã "tái tạo" Trương Phi theo thế giới quan và nhân sinh quan của mình.

“Trương Phi Việt Nam” có đặc điểm là nhân vật này vừa nóng nảy vừa trữ tình khác với Trương Phi Trung Quốc chỉ có nóng nảy lỗ mãng.

Nói đến tính trữ tình của Trương Phi Việt Nam, thì không thể không nhắc đến bút pháp vở Trương Phi uống rượu.

Trong vở này, ông Đào Tấn đã khéo léo kết hợp đặc tính kịch cao với tính trữ tình cao, đã khéo phân tích sự diễn biến tâm trạng của Trường Phi (Trong truyện Tam Quốc Chí, sự phân tích rất đơn giản, chỉ có một câu là “tâm trạng bất thường”), và khéo vận dụng những lời thơ giàu hình tượng với những câu nói giàu tiết tấu để biểu hiện cái tâm trạng ấy.

Đồng thời, ông Đào Tấn cũng khéo lợi dụng ngôn ngữ của Trương Phi để đả kích vào thuyết quyền biến của Hoàng Cao Khải và Tôn Thọ Tường và gởi gắm tâm sự u uất của ông trước tình cảnh nguy khốn của nước nhà mà ông chưa tìm thấy hướng giải quyết.

Từ những lời hát trong vở chúng ta có thể thấy rõ tính trữ tình của Trương Phi:

Quạnh quẽ tình riêng dạ khó khuây
Chày sương rời rạc, trống canh chầy
Ngựa Hồ hí gió nghe dồn dập
Giọt lệ anh hùng gạt lại đầy
Nhớ ruỗng ca mưa lệ dầm dề
Tưởng Tào tặc sóng lòng cuồn cuộn.

Đào Tấn đã cho nhân vật Trương Phi này càng giàu tình cảm, làm cho hình tượng nhân vật sinh động hơn. Khi biểu hiện tâm trạng của Trương Phi, con người vốn nóng nảy, lỗ mãng trong tác phẩm Trung Quốc bằng một bút pháp trữ tình, Đào Tấn đã làm cho nhân vật ấy thành những sáng tạo độc đáo của riêng ông, làm cho nó có sinh mệnh mới, mang tính thời đại Việt Nam.

Nói chung, tính cách nhân vật Trương Phi trong vở tuồng này đã được phát triển, tính lỗ mãng của anh chàng không còn là một cá tính chủ yếu nữa. Nhân vật Trương Phi Việt Nam càng giàu tình cảm so với Trường Phi Trung Quốc, lời nói của anh chàng càng có tính trữ tình.

Qua vở Hoàng Phi Hổ quá Giới bài quan và nhân vật Trương Phi, chúng ta được thấy rõ, những vở tuồng lấy đề tài từ câu chuyện, hí khúc Trung Quốc không phải là sao chép nguyên đơn giản và tính cách của những nhân vật trong đó cũng không bị tính cách nhân vật vốn có ràng buộc.

Các tác giả thêm nhiều nhân tố bản địa vào tuồng, làm cho những câu chuyện hí khúc Trung Quốc và những nhân vật trong đó đã được việt Nam hóa.

Nói chung, tuồng là mượn câu chuyện Trung Quốc để phản ánh hiện thực của Việt Nam.

Qua sự nghiên cứu sơ bộ, chúng ta được biết tuồng Việt Nam và hí khúc Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ, mối quan hệ này bắt đầu từ sự ra đời của tuồng và thấu suốt quá trình phát triển của tuồng.

Cho nên, tuồng đã chịu ảnh hưởng của hí khúc Trung Quốc và văn hóa Trung Hoa rất nặng về các mặt: chức năng, đề tài, phương thức biểu diễn lời nói....

Tuy tuồng và hí khúc Trung Quốc giống nhau về nhiều mặt nhưng phương thức biểu hiện của hai loại kịch này cũng có chỗ khác nhau.

Chẳng hạn như phương thức biểu hiện sự mâu thuẫn giữa trung với gian trong đề tài quân quốc. Tuồng chú trọng phản ánh cái mâu thuẫn này xung quanh “ngai vàng”, mà hí khúc Trung Quốc chủ yếu từ bản chất trung và gian để phản ánh mâu thuẫn này.

Phải chăng điều này đã phản ánh sự khác nhau giữa văn hóa hai nước? Tuy tuồng và hí khúc Trung Quốc có liên hệ chặt chẽ nhưng sự phát triển của tuồng không bị hí khúc Trung Quốc hạn chế.

Qua gần mười thế kỷ phát triển, tuồng đã thành công trong sự hòa nhập nhân tố bản địa vào trong, làm cho nội dung và nhân vật trong đó có sắc thái dân tộc Việt Nam rõ ràng.

Tuồng đã khéo léo mượn câu chuyện hí khúc Trung Quốc để phản ánh vấn đề hiện thực Việt Nam.

Tóm lại, tuồng Việt Nam ra đời trên cơ sở giao lưu với văn hóa Trung Hoa, qua mấy thế kỷ phát triển đã trở thành một loại hình sân khấu kịch hát có đặc điểm dân tộc mình.

Trong đó, sự ảnh hưởng của hí khúc và văn hóa Trung Quốc đối với tuồng là hết sức lớn lao, là không thể coi nhẹ được nhưng chúng ta cũng cần thấy rõ những đặc sắc của tuồng Việt Nam về mặt nội dung cũng như về mặt hình thức biểu diễn. Như thế, chúng ta mới có thể đánh giá một cách toàn diện.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Mịch Quang, Đặc trưng nghệ thuật tuồng, Nhà xuất bản Sân Khấu 1995.

2. Nhiều tác giả, Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật, Hà Nội – 1998.

3. Sân khấu Việt Nam, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 1998.

4. Chu Dục Đức, Văn hóa hí khúc Trung Quốc, Công ty xuất bản Hữu nghị 1996.

Bài liên quan:

VƯƠNG GIA