Nhân xem vở ballet Hồ Thiên Nga ở Hà Nội

Tôi bao giờ cũng nghĩ rằng: hòa nhập vào văn hóa nhân loại, thì điều đầu tiên, điều quan trọng nhất phải là học tập, hòa nhập vào vốn văn hóa cổ điển - vốn văn hóa đã được thử thách, được lọc qua thời gian, không gian…, vượt thời gian, vượt biên giới mà trở thành tuyệt phẩm của toàn nhân loại.

Đối với Nga, thì đó trước hết là văn học Nga, là tác phẩm của những tên tuổi bậc thầy của nhân loại như L. Tolstoi, M. Dostoievski, A. Tchekhov… Còn Hồ thiên nga của P. Tchaikovsky là đỉnh cao thiên tài sánh ngang với những tác phẩm văn học nghệ thuật mọi thời đại.

Chúng ta nghe nói, và cũng có thể đã thưởng thức một vài trích đoạn, nhưng đây là lần đầu tiên một vở diễn huyền thoại như vậy được diễn trọn vẹn ở Hà Nội (Trung tâm Hội nghị Quốc gia) vào tối ngày 1-8-2015 bởi một trăm nghệ sĩ tài danh của Nhà hát ballet Nga Talarium et Lux, dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của huyền thoại ballet thế giới Mikhail Leonidovich Lavrovsky. Đó là những vũ điệu ballet truyền thống kết hợp với phong cách truyền tải hiện đại công nghệ đa phương tiện và ánh sáng.

Có tận mắt chứng kiến, thưởng ngoạn những đôi chân - những gót hài được rèn luyện, được đào tạo và diễn xuất độc đáo, công phu… của các cô gái Nga, vũ điệu bên cạnh âm nhạc thiên tài mà Tchaikovsky trút hết tất cả tâm huyết của đời mình sáng tạo, chúng ta mới thấy được cái kỳ vĩ, cái thế giới nghệ thuật được sáng tạo ra, tượng trưng cho cái Đẹp tuyệt diệu… là như thế nào. Không thể tưởng tượng được con người lại có thể làm ra một tuyệt phẩm như vậy, và con người có thể biểu diễn bằng hình thể của mình, diệu kỳ nhất là bằng đôi chân, mũi chân… những ý tưởng huyền diệu như vậy.

Câu chuyện Hồ thiên nga là một câu chuyện cổ tích như mọi câu chuyện cổ tích; nó là câu chuyện tình yêu, chuyện nhầm lẫn và lừa dối, và cuối cùng thì sự thật và tình yêu thắng - một kết thúc có hậu và đẹp (trong lần diễn này, kết thúc có khác với kết thúc ở nguyên tác là một bi kịch). Nhưng làm thế nào để âm nhạc và vũ đạo có thể thể hiện nó bằng ngôn ngữ của mình, thì đó là một bí ẩn của thiên tài.

Món quà của văn hóa Nga đem đến cho đất nước Việt Nam, nơi có nhiều người hiểu và yêu những giá trị văn hóa Nga, thật quý giá. Một vở diễn như vậy, thì cả thế giới muốn xem! Mà ngay cả ở Nga, muốn xem cũng phải đặt vé trước cả năm. Nhớ lại xuân 1988 tôi lội trong bùn tuyết lạnh lẽo, xếp hàng ở Nhà hát Lớn Moskva để xem diễn ballet, đến lượt mình thì hết vé! (Vì số vé bán ra rất ít, và lúc đó nếu có “ngoại tệ mạnh” may ra mới mua được). Từ đó đến nay đã gần ba chục năm, không ngờ lại được xem tại Hà Nội. Thật là diễm phúc!

Nhưng tôi ao ước, giá như Kiều, Lục Vân Tiên… của mình được sáng tạo thành âm nhạc - múa, và có lẽ là múa ballet pha với múa dân gian - dân tộc Việt Nam, thì thích biết chừng nào! Cũng như vậy, giá như những vở “tuồng thầy” của ta như Sơn Hậu (mà một nữ giáo sư sân khấu Ba Lan sau khi xem đã thốt lên: “Tôi đã gặp Shakespeare trên sân khấu tuồng Việt Nam”), cùng những trích đoạn chèo kinh điển khác như Thị Màu lên chùa, Xúy Vân giả dại… được xuất ngoại!

Tại sao không? Tôi nghĩ rằng, đáy sâu của những vở chèo ấy là chủ nghĩa nhân văn sâu đậm Việt Nam, và nó chuyên chở tài năng sáng tạo Việt Nam. Ta nên tìm cách giới thiệu với thế giới. Còn với ta, thì nên cho học sinh học, xem… để gieo hạt giống tốt văn hóa dân tộc vào tương lai.

NGỌC TỈNH