Những bà hoàng hai vua

Niềm hạnh phúc nhất của người phụ nữ là ấm êm bề gia thất, con cháu đề huề, có ai lại thích cảnh “nửa đường gãy gánh”. Các bậc mẫu nghi thiên hạ cũng thế, tuy nhiên binh đao thời cuộc đảo điên đã khiến cho biết bao bà hoàng hậu khắp năm châu mang tiếng oan “Hoàng hậu hai vua”.

1. Thái hậu Dương Vân Nga

Thái hậu họ Dương qua diễn xuất của NSND Bạch Tuyết.

Bà là vợ vua Đinh Tiên Hoàng, Hoàng hậu của vua Lê Đại Hành, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh về nhà Tiền Lê. Con trai của bà với Đinh Tiên Hoàng tên Đinh Toàn, là vua cuối của nhà Đinh còn con gái của bà với Lê Hoàn là Lê Thị Phất Ngân trở thành hoàng hậu của Lý Thái Tổ, mẹ vua Lý Thái Tông sau này.

Nhắc đến Dương hậu, không ít người biết giai thoại khi bà mới sinh thường hay khóc dạ đề. Một hôm có người đạo sĩ đi qua, ông đọc hai câu thơ khiến bà nín bặt: “Nín đi thôi, nín đi thôi!/ Một vai gánh vác cả đôi sơn hà”. Lời tiên tri của ông đạo sĩ ứng nghiệm vào việc bà lấy Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành.

Theo các truyền thuyết dân gian, sinh thời Dương Vân Nga rất xinh đẹp. Bà có khuôn mặt bầu bĩnh rất phúc hậu song vẫn có nét thanh tú, cao sang. Nước da trắng hồng, cặp mắt phượng, mày ngài lúc nào cũng long lanh đầy tình tứ. Vẻ đẹp của bà quyến rũ đến nỗi mỗi nước đi cũng làm cả vùng thiên nhiên, cây cỏ xao động, bừng sáng. Chắc hẳn chính vẻ đẹp thanh tú, mỹ miều và uyển chuyển của bà đã khiến cho cả vị chúa động Hoa Lư Đinh Bộ Lĩnh và sau này Thập đạo tướng quân Lê Hoàn mê đắm.

2. Công chúa Lê Ngọc Bình

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ca dao phổ biến ở kinh đô Phú Xuân xưa có câu: “Số đâu có số lạ lùng/ Con vua mà lấy hai chồng làm vua”. Người ứng với câu ca dao ấy là công chúa Lê Ngọc Bình, em gái Lê Ngọc Hân. Lê Ngọc Bình là con gái thứ 29 và cũng là con gái út của vua Lê Hiển Tông và bà Nguyễn Thị Điều.

Ngọc Bình sinh năm 1783 thua Ngọc Hân 13 tuổi. Năm 1795, Ngọc Hân làm mối em gái của mình cho Quang Toản. Năm đó, Ngọc Bình mới 12 tuổi. Ngọc Bình được phong làm Chính cung hoàng hậu, ở trong cung 6 năm trời nhưng chưa sinh con.

Tháng 5/1801, khi Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân, vua tôi Quang Toản bỏ chạy ra Bắc Hà, Ngọc Bình và một số cung nữ bị kẹt lại Phú Xuân. Thấy nàng là một người con gái trẻ đẹp, ăn nói dịu dàng, dáng điệu thướt tha, Gia Long rất ưng ý. Mặc cho các cận thần nhà Nguyễn kịch liệt phản đối vì cho rằng “thiên hạ thiếu gì đàn bà mà lại lấy thừa vợ của vua ngụy”, Gia Long vẫn bỏ ngoài tai tất cả “Ta đã lấy được cả giang san Tây Sơn, há lại không lấy được một người đàn bà của Tây Sơn sao?”.

Ngọc Bình được nạp làm phi và sau đó được phong Đệ tam cung Đức Phi (đứng thứ ba sau hai bà hoàng hậu là Thừa Thiên, mẹ hoàng tử Cảnh và Thuận Thiên, mẹ vua Minh Mạng). Bà sinh được bốn người con (hai trai, hai gái). Hai hoàng tử là Quảng Oai công Nguyễn Phúc Quân (1809) và Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự (1810); Hai công chúa là Mỹ Khê Ngọc Khuê và An Nghĩa Ngọc Ngôn. Đức Phi Ngọc Bình mất vào năm 1810, sau khi sinh hoàng tử Phúc Cự.

3. Vương Chiêu Quân

Tranh vẽ Vương Chiêu Quân. Nguồn: Internet.

Là một trong Tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Với sắc đẹp được ví là “lạc nhạn” (làm cho chim sa), Chiêu Quân như một người đẹp hòa bình trong 60 năm giữa nhà Hán và Hung Nô. Nàng tên thật Vương Tường, con một gia đình thường dân ở Tỉ Quy, Nam Quận, nay là huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc.

Theo nhà sử học Ngô Quân (469-520) vì cung phi trong hậu cung vua Nguyên Đế quá đông, nên vua lệnh họa sĩ vẽ hình các cung phi để vua chọn. Các cung phi thường lo lót tiền cho họa sĩ để được vẽ cho đẹp, mong vua để ý tới. Chiêu Quân từ chối đút lót họa sĩ Mao Diên Thọ, hậu quả bức chân dung nàng thật xấu xí nên không được vua để mắt tới.

Một hôm, Vương Chính Quân tình cờ biết tới Chiêu Quân qua tiếng đàn lâm ly ai oán của nàng. Bà đưa Chiêu Quân tới gặp vua, Hán Nguyên Đế ngỡ ngàng vì sắc đẹp nàng, phong ngay làm Tây phi. Mao Diên Thọ bị khiển trách nặng nề đem lòng oán hận Chiêu Quân, lấy chân dung nàng nạp cho thiền vu (vua) Hung Nô là Hô Hàn Tà. Vua Hung Nô say đắm sắc đẹp nàng, cất quân sang đánh, buộc Nguyên Đế phải cống nạp Chiêu Quân thì mới bãi binh. Nguyên Đế đành phải đem Chiêu Quân cho Hung Nô.

Nhưng sự thật thì năm 33 TCN, thiền vu Hung Nô là Hô Hàn Tà đến kinh đô Trường An để tỏ lòng thần phục nhà Hán. Ông này xin được trở thành con rể vua Nguyên Đế. Thay vì cưới công chúa thì Hô Hàn Tà được ban 5 cung nữ từ hậu cung, một trong số này có Chiêu Quân. Khi được vời đến triều đình thì vẻ đẹp của Chiêu Quân đã làm cho Nguyên Đế sững sờ và muốn thay đổi quyết định của chính mình. Nguyên Đế phong nàng làm hoàng hậu trước khi đưa sang Hung Nô.

Rồi Chiêu Quân thành vợ yêu quý của Hô Hàn Tà, được phong Ninh Hồ Yên Chi. Năm 31 TCN, Hô Hàn Tà chết, Chiêu Quân phải theo tập quán nối dây của người Hung Nô thành vợ của thiền vu tiếp theo là Phục Chu Luy Nhược Đề con trai lớn của Hô Hàn Tà. Sau khi chết, Chiêu Quân được táng tại “Thanh Trủng”, tại phía nam thành Hô Hòa Hạo Đặc, Nội Mông Cổ.

4. Nữ Anh

Những ngày tháng hạnh phúc của Lý Dục và Tiểu Chiêu Hậu. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Lý Dục là vua thứ 3 và cũng là Đời vua cuối cùng của triều Nam Đường. Vốn Lý Dục có hai người vợ là Châu Tường, hay gọi là Nga Hoàng và sử sách gọi là “Đại Châu Hậu”, người vợ thứ hai là Châu Vi, thường gọi là Nữ Anh, sử sách gọi là “Tiểu Châu Hậu”. Hai người này vốn là hai chị em ruột. Đại Châu Hậu còn đang ốm liệt giường, Lý Dục đã bắt đầu nghĩ tới người em vợ xinh đẹp.

Năm 968, 3 năm sau khi Đại Châu Hậu qua đời, Lý Dục bèn cưới cô em vợ xinh như hoa về làm vợ lẽ. Năm đó, Tiểu Châu Hậu mới 18 tuổi. Ngày ngày Tiểu Châu Hậu cùng Lý Dục làm thơ, ca hát và chìm đắm trong men tình. Tuy nhiên, những tháng ngày cực lạc không kéo dài được bao lâu thì Triệu Khuông Dận đem quân tới đánh.

Năm thứ 5 Khai Bảo (974), thành Kim Lăng bị phá vỡ, triều đại Nam Đường bị diệt vong. Triệu Khuông Dận không cần mạng của Lý Dục nên đã cho Lý Dục hư chức “Vi Mệnh Hầu” còn Tiểu Châu Hậu được phong làm “Trịnh quốc phu nhân”. Tiểu Châu Hậu quá xinh đẹp và lọt vào mắt xanh của chủ mới.

Mùa đông năm 967, Triệu Khuông Dận qua đời con Khuông Dận còn nhỏ nên em trai là Triệu Quang Nghĩa, nổi tiếng là một kẻ háo sắc lên thay. Triệu Quang Nghĩa sớm đã thèm thuồng Tiểu Châu Hậu. Từ Tết Nguyên tiêu 978 đến Tết Khất xảo năm đó, Tiểu Châu Hậu đã bị Triệu Quang Nghĩa liên tục cưỡng bức.

Đêm sinh nhật 42 tuổi của Lý Dục, hoàng đế ban rượu mừng có thuốc độc, Lý Dục uống xong, cơ bắp bỗng dưng đau nhức, co giật, run rẩy, nước mắt trào dâng và chết trong sự sợ hãi tột độ của Tiểu Châu Hậu. Cùng năm Lý Dục bị hãm hại, Tiểu Châu Hậu cũng qua đời, thọ 28 tuổi. Trong các hoàng hậu hai vua thì Nữ Anh-Tiểu Châu Hậu có cuộc đời buồn thảm nhất.

5. Võ Tắc Thiên

Chân dung Võ Tắc Thiên. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Võ Tắc Thiên (625-705), tên thật Võ Chiếu. Bà là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bà được đưa vào hậu cung Đường Thái Tông nhà Đường vào khoảng năm 635 là một Tài Nhân Đường Thái Tông đặt tên cho bà là Võ Mị Nương. Năm 649, Đường Thái Tông băng hà, theo luật lệ, Võ Mị Nương phải rời cung để vào chùa Cảm Nghiệp xuống tóc. Thái tử Lý Trị lên ngôi, tức là Đường Cao Tông.

Năm 651, Đường Cao Tông đưa bà trở lại hoàng cung sau khi đi cúng tế cho cha tại chùa Cảm Nghiệp. Tháng 5/651, bà được phong Chiêu Nghi, việc này bị các nhà nho chỉ trích nặng nề vì đã từng là vợ của vua trước. Năm 654, Võ Tắc Thiên sinh một con gái, nhưng đứa trẻ bị chết sau khi sinh vài ngày. Truyền thuyết cho rằng chính Võ Tắc Thiên đã giết con để vu tội cho hoàng hậu. Võ Chiêu Nghi được phong làm Hoàng phi.

Năm 655, Đường Cao Tông phế bỏ Vương hoàng hậu, phong Võ Hoàng phi làm hoàng hậu trước sự phản đối của nhiều đại thần. Năm 660, Đường Cao Tông bị trúng gió đột quỵ, Võ hậu liền tham gia chính sự từ phía sau rèm cùng vua, nên gọi là Nhị thánh lâm triều.

Tháng 9/690, Võ hậu lên ngôi Hoàng đế, qua đời vào tháng 11 năm 705. Khi lâm chung, bà yêu cầu dùng thụy hiệu là Hoàng hậu chứ không phải Hoàng đế, bia mộ của bà là một tấm bia để trống hoàn toàn (Vô tự bi), với ý là để đời sau phán xét.

6. Cleopatra

Elizabeth Taylor đóng vai nữ hoàng Cleopatra.

Cleopatra là một trong những người nổi tiếng nhất mọi thời đại. Nàng đã chinh phục được trái tim và cưới lần lượt hai “ông vua La Mã” thời ấy. Thật ra họ chỉ là những dũng tướng bậc nhất La Mã nhưng vị trí của họ còn hơn cả vua nên có thể xem Cleopatra là một nữ hoàng hai vua: vua Gaius Julius Caesar và Marcus Antonius.

Trong tình thế hỗn loạn tranh giành ngai vàng ở Ai Cập lúc đó và quân La Mã ồ ạt tiến vào, nàng thông minh tài trí nghĩ ngay cách chinh phục Julius Caesar. Mùa thu năm 48 TCN, Cleopatra tự quấn mình trong tấm thảm quý giá, sai quân lính mang đến thuyền của Caesar như một món quà hữu nghị. Và khi tấm thảm được mở ra thì nàng lộng lẫy dùng hết tài quyến rũ thu phục tướng La Mã kiêu hùng dưới chân nàng. Nàng được Caesar đưa lên ngôi báu. Năm 44 TCN, Caesar bị sát hại.

Năm 42 TCN, Marcus Antonius, một trong những thành viên Tam đầu chế cai trị Roma khi có khoảng trống quyền lực sau khi Caesar chết, mời Cleopatra tới gặp ông ở thành phố Tarsus để giải đáp những câu hỏi về sự trung thành của nàng. Cleopatra tới với sắc đẹp và sự quyến rũ tới mức Antonius quyết định cùng nàng yêu đương mặn nồng suốt mùa đông năm 42-41 TCN ở Alexandria.

Bốn năm sau, 37 TCN, Antonius lại tới thăm Alexandria trên đường đi chiến đấu với người Parthia, ông cưới Cleopatra theo nghi lễ Ai Cập dù khi ấy ông đã cưới Octavia Minor, em gái của người bạn trong Tam đầu chế là Augustus, khiến Augustus tức giận. Cleopatra được phong danh hiệu Nữ hoàng của các ông vua.

Năm 31 TCN các lực lượng của Marcus Antonius đối mặt với Augustus trong một trận thủy chiến ngoài khơi Actium. Cleopatra có mặt với một hạm đội của riêng mình. Dù các binh sĩ của Antonius đã dũng cảm chống trả 7 ngày liền nhưng cuối cùng bị thua các tàu chiến La Mã.

Sau trận Actium, Augustus xâm chiếm Ai Cập. Khi ông tiến tới Alexandria, quân đội của Marcus Antonius đã rời khỏi đó ngày 12 tháng 8 năm 30 TCN. Thử lòng chung thủy của Marcus Antonius, Cleopatra sai người báo với ông rằng nàng đã chết. Marcus Antonius đau khổ tự sát.

Vài ngày sau, Cleopatra cũng tự sát bằng một con rắn mào gà cắn vô tay cùng với hai người hầu. Ai Cập trở thành một tỉnh của đế quốc La Mã dưới quyền hoàng đế Augustus.

Minh Lộc