Đầu những năm hai mươi của thế kỷ XX, nghĩa là ngay từ thời Tây còn làm chủ Đông Dương, tại Sài Gòn có một tờ báo viết bằng tiếng Pháp có tên là La Cloche Fêlée xuất hiện, thì ông Nguyễn An Ninh được đồng bào ở khắp ba miền Nam - Trung - Bắc biết đến như một nhân sĩ có tinh thần yêu nước, như một nhà trí thức dũng cảm dám chống Tây. Nhất là đồng bào ở Nam Kỳ không ai là không nhắc đến tên tuổi của ông Ninh, không ai là không kể cho nhau nghe những chuyện về ông Ninh…
Hồi còn nhỏ, một vài lần, tình cờ tôi đã được nghe những người xung quanh nói chuyện với nhau về ông Ninh. Nhưng với cái tuổi khoảng mười, mười một gì đó thì tôi đâu có ý thức gì về đất nước, về chính trị để thấy được vai trò và tầm vóc lịch sử của một con người mà tôi thấy ai ai mỗi khi nhắc đến tên ông cũng đều tỏ lòng kính trọng.

Nguyễn An Ninh.
Rồi khi lớn lên, mười sáu mười bảy tuổi, khi học trung học và hiểu biết thêm đôi chút, tôi có dịp đọc một cuốn sách, cuốn Hội kín Nguyễn An Ninh mà tôi không còn nhớ tên tác giả, và đọc mấy bài báo đã cho tôi biết thêm một câu chuyện nữa là cụ Nguyễn An Khương trước khi cho phép ông Ninh qua Tây học, đã dắt ông Ninh lên Lăng Ông Bà Chiểu, bắt ông Ninh phải thề là khi học thành tài trở về phải đem tài học ra để giúp dân giúp nước chớ không phải để hại dân hại nước.
Tôi cũng được nghe nói đến tờ La Cloche Fêlée nhưng chưa được thấy mặt mũi của nó bao giờ và cũng chưa được đọc một bài nào của ông Ninh đăng trên tờ báo đó.
Đầu năm 2008, khi Trung tâm Nghiên cứu Quốc học nhờ tôi dịch những bài báo, gồm đủ thể loại của ông Nguyễn An Ninh trên những tờ La Cloche Fêlée, L’Annam và La Lutte để làm thành Tuyển tập Nguyễn An Ninh.
Những bài báo này được ông Nguyễn Sơn, một thành viên gần gũi nhất trong gia đình ông Nguyễn An Ninh ra công sưu tầm đầy đủ và sắp xếp thứ tự theo từng số báo, theo từng năm, từ những năm 1923 đến 1927. Tôi được đề nghị dịch mấy chục bài trong La Cloche Fêlée và La Lutte. Nhờ dịp đó, điều mà trước kia tôi vẫn ước ao nhưng có cảm tưởng là có lẽ sẽ chẳng bao giờ thoả nguyện thì bây giờ đã thành hiện thực.

Bìa tờ Au Pay de la Cloche Fêlée.
Càng đọc những bài báo ông viết cách đây hơn tám mươi năm, lúc viết những bài báo này ông chỉ mới hai mươi mấy tuổi vì ông sinh năm 1900, tôi càng thấy rõ đang quay lại trước mắt tôi khúc phim về những chặng đường tranh đấu của ông, đầy bất trắc, đầy nguy hiểm, gian khổ hy sinh nhưng cũng đầy dũng cảm.
Bài báo đầu tiên mà tôi đọc là bài Ordre et Anarchie (Trật tự và Hỗn loạn) đăng trên La Cloche Fêlée số 4 ra ngày 31 tháng 12 năm 1923. Dưới cái “tít” của bài báo là mấy hàng chữ nhỏ của một câu được nêu làm tiêu chí (mis en exergue):
Frappe, mais e’coute
Il s’agit de nous, de notre vie, de notre destin
Il s’agit aussi des intérêts et du renom de notre patrie
Hãy cứ đánh, nhưng hãy nghe đây
Đây là chuyện liên quan đến chúng tôi, đến cuộc đời, đến định mạng của chúng tôi.
Cũng liên quan đến cả những quyền lợi và thanh danh của tổ quốc chúng tôi nữa.
Bằng câu trích dẫn dựng lên làm câu tiêu chí cho bài báo, ông Ninh đã đưa ra cả một tuyên ngôn, cả một đề cương tranh đấu của ông và những người bạn cùng chí hướng với ông.
Ba chữ “Hãy cứ đánh” cho thấy ông và các bạn ông trong toà soạn La Cloche Fêlée sẽ không bao giờ sợ, sẽ cứ tiến tới, sẽ không thay đổi lập trường, bất chấp những ngón đòn đàn áp, đánh đập, bắt bớ, giam cầm, đầy ải.

Nhà của một cư dân Pháp ở An Nam đầu thế kỷ XX. Ảnh TL.
Đề tài của những bài báo đi sát theo sự kiện của từng ngày, theo từng tình hình, theo từng vấn đề đang được đặt ra, theo từng biến chuyển. Những bất công, hiếp đáp, bóc lột được phơi bày, bị vạch trần, bị tố cáo, bị lên án. Những kẻ vì quyền lợi riêng cam tâm liếm gót giày của bọn chủ Tây để phản lại đồng bào đều bị vạch mặt chỉ tên qua nhiều số báo.
Ngoài những bài đả kích, chống đối, tranh biện với đối phương ông còn có những bài bàn về những vấn đề xã hội, về quốc kế dân sinh, về văn học, về các ngành nghệ thuật từ điện ảnh (bài L’Indochine et le film) đến bộ môn sân khấu truyền thống của Việt Nam (bài L’influence française par le théâtre annamite) và đáng ngạc nhiên là ông có cả một bài về Giáo dục tình dục (bài L’Education sexuelle trên La Cloche Fêlée số 171 ra ngày 2 tháng 6 năm 1924) với những ý kiến rất mới, rất táo bạo (rất mới và rất táo bạo đối với quan niệm bảo thủ hồi ấy), rất xây dựng và rất nghiêm túc.
Đứng về mặt xã hội, về mặt chính trị mà nói thì những bài báo trên La Cloche Fêlée, L’Annam và La Lutte là một tập tài liệu ghi lại toàn cảnh đời sống xã hội và chính trị của Nam Kỳ nói riêng và cả nước Việt Nam thời đó.
Những bài báo của ông Nguyễn An Ninh bên cạnh giá trị lịch sử còn có nhiều giá trị khác: giá trị văn chương và giá trị văn minh văn hoá.
Ông xuất thân là một luật gia nên tài hùng biện của ông thì khỏi phải bàn. Càng đọc chúng ta càng phải khâm phục những lập luận sắc bén, gọn gàng như rựa chém xuống đá của ông.
Những lối maïeutique theo cách của Socrate, không hung hăng, không ồ ạt nhưng thấm thía, đầy thuyết phục khiến đối phương dầu cứng đầu ngoan cố không công khai thú nhận nhưng trong thâm tâm vẫn phải nghĩ thầm: “Cái ông Ninh này đã đi guốc trong bụng ta, đã nói trúng tim đen của ta. Quả là đáng sợ”.
Có bản lãnh như vậy, có lập luận rất khoa học, rất lô-gích như vậy ông mới làm cho những tên thực dân đầu sỏ hồi ấy như De la Chevrotière, Camille Devilar, Marquis, Ernest Outrey, Monet, Cognacq… và những ông An-na-mít có ít nhiều học thức và thủ đoạn là những tay sai cao cấp của Tây như Nguyễn Phan Long, Lê Quang Trinh, Nguyễn Phú Khải, Bùi Quang Chiêu phải nhiều lần cứng họng và biện pháp duy nhất mà chúng dùng để đối phó lại những bài báo đanh thép của ông là kiếm cớ bắt ông, nhốt ông vào nhà tù để bịt miệng chớ không còn biết làm gì khác.
Tôi nhớ là lâu rồi tôi có đọc không biết ở đâu đó một câu nói của một tay người Pháp có chức quyền to, rất thực dân nhưng cũng rất có tài văn học. Tôi quên mất tay người Pháp ấy tên gì, nhưng khi nhận xét về một số những nhà cách mạng Việt Nam, một số những người Việt Nam chống Pháp và chửi Pháp, tay ấy nói:
“Qua xứ này bị họ chửi nghĩ cũng bực mình, nhưng được cái an ủi, cái hể hả là những câu chống đối, chửi bới của họ không thuộc loại tiếng Pháp bồi, tiếng Pháp cu li mà là loại tiếng Pháp rất văn hoa, rất trí thức, rất hàn lâm. Đúng là tiếng Pháp của Voltaire, của Descartes”.
Tôi nghĩ là ngày trước khi bị ông Nguyễn An Ninh đả kích qua những bài báo trên La Cloche Fêlée, L’Annam, La Lutte, Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne và Thống đốc Nam Kỳ Cognacq có lẽ cũng đã nói thầm như thế.
Vì càng đọc những bài báo của ông Nguyễn An Ninh chúng ta càng phục tài sử dụng tiếng Pháp và sự uyên bác những tri thức văn hoá của ông. Thể văn và ngôn từ của ông thì phong phú đủ loại. Từ thể văn châm biếm đến thể văn trào lộng móc lò, từ thể nói cách vách đến thể nói đâm họng, từ những calembours đến những ẩn dụ parabole như trong Kinh Thánh.

Người Pháp ở Đông Dương. Ảnh TL.
Trong một bài đả kích một tên đại biểu của Hội đồng tư vấn Nam Kỳ ông có một câu theo lối vừa chơi chữ vừa chơi âm chữ thì cái tên cúng cơm Outrey của tên đại biểu này. Tôi không dịch mà chép nguyên tiếng Pháp ra và in đậm những chỗ có chơi chữ.
“Monsieur Ernest Outrey se montre outrageant à l’égard de ses collègues au Couseil. Eu outre c’est un individu à la fois outrancier et outrecuidant. À en croire certaine rumeur il aurait voulu mener à outrance sa campagne électorale (Trong hai câu này có sáu chỗ chơi chữ với âm outre của chữ Outrey).
Cái tài chơi chữ, cái giọng trào phúng châm biếm lẳng lơ, những kiểu calembour, những lối coutrepèterie bằng tiếng Pháp ngay ở bên Pháp, ngoài một số cây bút của tờ Le Canard enchaîné nổi tiếng trào lộng châm chích chính phủ thì cũng không có mấy những người Pháp hội đủ những tài này, huống gì ở nước ta. Ông Nguyễn An Ninh quả là một trường hợp đặc biệt nên Tây sợ những bài viết của ông là phải.
1. Và chưa hết. Ông còn sử dụng rất nhuần nhuyễn những tournures de phrase, những expressions idiomatiques trong tiếng Pháp, những điển tích, những allusions littéraires. Riêng việc ông dùng mấy chữ “la substantifique moelle” mượn trong “les Essais” của Montaigne đủ cho thấy ông nắm vững những tinh hoa của văn hoá Pháp, của văn hoá Cổ Hy Lạp, Cổ La Mã đến bậc nào.
Một chi tiết nhỏ nữa. Có một bài báo được ông đặt cho cái “tít” les chevaliers de la cartable kể chuyện những cậu học trò bỏ trường bỏ học để phản đối ông thầy học của họ đã bợ Tây quá mức. Lối chơi chữ, chơi allusion littéraire ở đây nho nhỏ thôi nhưng rất thú vị, rất hóm hỉnh, rất trí tuệ.
Đọc cái “tít” chúng ta nhớ đến “Les chevaliers de la Table ronde” trong văn học cổ đại Pháp. Một chi tiết tuy nhỏ nhưng không nhỏ vì những người có tài thì tài từ cái nhỏ nhất trở đi cũng như những người vĩ đại thì vĩ đại từ những cái nhỏ nhất trở đi.
Càng đọc càng thấy mến phục ông là chỗ đó. Qua những bài ông viết chúng ta thấy rõ cái tài, cái tâm của ông (ngày xưa Nguyễn Du cũng đã bảo cái tâm bằng ba cái tài), cái bản lãnh, cái chí khí, cái dũng cảm và cái tận tụy hy sinh vì nghĩa lớn của ông.
Trong một bài nằm trong số những bài mà tôi được phân công dịch tôi đã gặp một câu tóm tắt được tất cả những gì cao quý thiêng liêng nhất mà chúng ta có thể thấy ở Nguyễn An Ninh. Nguyên văn bằng tiếng Pháp:
- “Nous ne sommes pas de ceux qui dosent leur amour pour la patrie à l’éclat de sou étoile”.
Tôi tạm dịch:
- “Chúng tôi không phải là trong đám những kẻ đo đếm gia giảm lòng yêu nước tuỳ theo sự lu mờ hay sự sáng chói của ngôi sao vận mạng của tổ quốc”. Câu nói có tầm vóc một danh ngôn.
Hồi ấy vận nước ngả nghiêng nhưng ông Nguyễn An Ninh vẫn một lòng kiên định mặc dầu có đủ điều kiện để làm một kẻ bàng quan thản nhiên nhìn đồng bào mình đang lặn ngụp trong cảnh điêu linh tan nhà mất nước.
Một con người như vậy, một khí phách như vậy, một tấm lòng sắt son như vậy, một lời nói còn vẳng mãi đến thiên thu như vậy há chẳng xứng đáng để chúng ta càng đọc càng thấy kính phục hay sao?