Những bất cập trong việc dạy và học môn Lịch sử bậc phổ thông

BÙI THIẾT

Vì sao người ta bắt học sinh học lịch sử như vậy, họ cung cấp cho học sinh kiến thức lịch sử như đánh đố học sinh về lịch sử? Chẳng hạn, mở sách Lịch sử lớp 7, bản in năm 2003, bao quát lịch sử từ năm 938 (Ngô Quyền) đến năm 1858 (Nhà Nguyễn), tất cả 122 trang (từ trang 25 đến trang 147), đặt ra 130 vấn đề và 99 câu hỏi bắt buộc học sinh phải học, có nghĩa là cứ mỗi trang bài học có đến 2 nội dung và câu hỏi mà học sinh trả lời, cũng đồng nghĩa là học sinh phải học thuộc lòng 122 trang có trong sách giáo khoa…

BỐN NGUYÊN NHÂN HỌC SINH QUAY LƯNG VỚI
MÔN LỊCH SỬ

Vì sao học sinh phổ thông quay lưng với môn Lịch sử và chuyên ngành Sử học? Có nhiều lẽ:

Thứ nhất: Nhận thức sai lầm.

Ngay nhận thức của ngành giáo dục đã không phân biệt rõ những môn học nào chỉ nhằm đào tạo nhân cách con người, những môn học nào đào tạo nghề nghiệp, mà ngay trong chương trình THCS và THPT đã có thể định hướng cho học sinh trong lựa chọn nghề nghiệp.


Thí sinh trao đổi bài làm sau giờ thi. Ảnh Hoàng Hà.

Dĩ nhiên văn học, sử học ở bậc phổ thông là bộ môn bắt buộc phải học, nhưng nghề nghiên cứu văn học và nghiên cứu sử học thì không thể đào tạo đại trà như xây dựng, nông nghiệp và hóa chất… và hiện nay, văn học, sử học chỉ chiếm không quá 10% trong tổng số sinh viên được đào tạo chính quy.

Thứ hai: Xem nhẹ môn Lịch sử…

Cũng vì vậy, mà nghề cần phải đào tạo, môn học đã không bắt buộc thì học làm gì cho phí, miễn là học để đạt điểm trung bình, và nhiều năm môn Lịch sử không bắt buộc trong các kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp.

Thứ ba: Giáo trình, giáo án dạy môn Lịch sử, hoàn toàn không phù hợp với học sinh từ lớp 6 đến lớp 12.

Nói thật ra rằng, sau khi người ta viết thành giáo trình lịch sử Việt Nam giảng dạy cho sinh viên khoa lịch sử các trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và Đại học Sư phạm, họ đã tóm tắt lại nội dung giáo trình đại học đó để dạy cho học sinh phổ thông từ lớp 6 đến lớp 12.

Chẳng hạn sách Lịch sử lớp 6, dạy lịch sử Việt Nam từ thuở sơ khai (từ người vượn – thời nguyên thủy…) cho đến thời Ngô Quyền dựng nền độc lập (năm 938-945 sau công nguyên), mấy ngàn (vạn) năm lịch sử đất nước, lại là thời kỳ sơ khai - hồng hoang… mà đem dạy cho học sinh lứa tuổi 11, 12 liệu có ích gì cho kiến thức, đứa bé mới vào đời phải học lịch sử đất nước thời mù mờ ấy, chỉ làm tăng thêm cái mù mờ cho con trẻ.

Lịch sử là môn học “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng” (như Lê-nin nói), nhưng ngay từ lớp 6 người ta đã cố nhồi nhét cho học sinh rằng nhân dân ta là cần cù, là yêu nước… nhưng cần cù, yêu nước… không thấy đâu trong các bài học lịch sử! Sự dàn trải lịch sử của 7 năm phổ thông (lớp 6 đến lớp 12) đúng gọn vào lịch sử Việt Nam của 4 năm đại học chuyên ngành Lịch sử.

Thứ tư: Kiến thức đánh đố học sinh…

Quả thật, lướt qua giáo trình lịch sử từ lớp 6 đến lớp 12, chúng tôi là người làm chuyên ngành Sử gần 50 năm nay, vẫn không hiểu vì sao người ta bắt học sinh học lịch sử như vậy, họ cung cấp cho học sinh kiến thức lịch sử như đánh đố học sinh về lịch sử? Chẳng hạn, mở sách Lịch sử lớp 7, bản in năm 2003, bao quát lịch sử từ năm 938 (Ngô Quyền) đến năm 1858 (Nhà Nguyễn), tất cả 122 trang (từ trang 25 đến trang 147), đặt ra 130 vấn đề và 99 câu hỏi bắt buộc học sinh phải học, có nghĩa là cứ mỗi trang bài học có đến 2 nội dung và câu hỏi mà học sinh trả lời, cũng đồng nghĩa là học sinh phải học thuộc lòng 122 trang có trong sách giáo khoa.

Lịch sử Việt Nam kéo dài gần 1000 năm và đây là giai đoạn lịch sử vô cùng trọng đại của đất nước nhưng chỉ được gói gọn trong 122 trang, trung bình mỗi trang 200 chữ, tổng cộng khoảng 25.000 chữ. 25.000 chữ để trả lời cho 230 vấn đề, quả là vô cùng khó khăn cho lứa tuổi 11-12, các em lấy đâu ra kiến thức lịch sử gần 1000 năm để trả bài cho thầy cô?

Chúng tôi dẫn chứng một số vấn đề, câu hỏi trong sách Lịch sử lớp 7 để độc giả tự kiểm tra mình, xem thử những nguồn như chúng ta đã học qua đại học, có thể trả lời được phần nào trong đó.

  1. Em có nhận xét gì về tổ chức nhà nước thời Ngô Quyền?

  2. Em hãy vẽ sơ đồ tổ chức bộ máy triều đình Trung ương thời tiền Lê?

  3. Em hãy điểm qua tình hình nông nghiệp nước ta thời Đinh – tiền Lê?

  4. Hãy trình bày tình hình thủ công nghiệp, thương nghiệp thời Đinh – tiền Lê?

  5. Em hãy vẽ sơ đồ bộ máy chính quyền Trung ương và địa phương thời Lý?

  6. Từ nhận xét trên (…) em hãy nêu sự cần thiết và tác dụng của bộ Hình thư thời Lý?

  7. Quân đội thời Lý được tổ chức như thế nào? Em có nhận xét gì về cách tổ chức quân đội thời Lý?

  8. Hãy nêu các tầng lớp dân cư và đời sống của họ trong xã hội thời Lý?

  9. Xã hội thời Lý có những thay đổi như thế nào so với thời Đinh – tiền Lê?

  10. Em hãy vẽ sơ đồ bộ máy nhà nước thời Trần?

  11. Em có nhận xét gì về chính sách quân sự, quốc phòng thời Hồ Quý Ly?

  12. Em có nhận xét gì về tình hình triều đình nhà Lê đầu thế kỷ XVI?

  13. Em có nhận xét gì về phong trào nông dân Đàng Ngoài đầu thế kỷ XVIII?

  14. Em có nhận xét gì về đời sống nhân dân dưới triều Nguyễn?

  15. Em có nhận xét gì về đề tài tranh dân gian?

Chỉ trích tiêu đề của 15 vấn đề và câu hỏi trong tổng số 230 câu để bạn đọc thử kiểm tra mình và đánh giá trình độ của con em ở tuổi học lớp 7, có phải đây là gánh nặng hàng triệu triệu cân đặt lên đầu bọn trẻ lớp 7 ngây thơ, lứa tuổi đang thích khám phá chung quanh là THẾ NÀO mà thôi chứ trả lời VÌ SAO thì đó là chuyện của người lớn.

Học sinh lớp 6 mà có đánh giá và nhận xét những vấn đề quá ư to tát đó của lịch sử đất nước. Các câu hỏi, vấn đề thuộc về tổ chức hành chính từ triều đình Trung ương đến địa phương từ thời Ngô Quyền đến nhà Nguyễn là vô cùng khó khăn, làm sao mà bắt học sinh lớp 7 đánh giá, nhận xét được.

Dường như các vị chủ biên đang đánh đố học sinh, mà tôi dự liệu rằng nếu như học sinh lớp 7 trong cả nước, em nào trả lời đúng chỉ 1 câu trong 230 câu, thì nên cấp cho em đó văn bằng cử nhân Lịch sử.

Chúng ta đều biết rằng, đối tượng đang được giảng dạy là học sinh lớp 7, cái tuổi đang quan sát xem thử xung quanh mình ra sao? Lịch sử cũng vậy, ông Ngô Quyền là người thế nào?

Ông Lý Thường Kiệt là người thế nào? Có như Hạng Vũ, Lưu Bang trong phim của Trung Quốc không? Vua Lý Thánh Tông có được mến mộ như vua Khang Hy trong các chuyến vi hành khắp đất nước? Một khi chưa trình bày lịch sử nó xảy ra như THẾ NÀO, các em chưa biết lịch sử nó ra sao, thì làm sao mà nói được VÌ SAO lại như thế?

Xem 230 câu hỏi và vấn đề, toàn là các vấn đề và câu hỏi dành riêng cho sinh viên chuyên ngành Lịch sử của các trường đại học – cao đẳng, và có những vấn đề trong đó là luận án cao học, tiến sĩ và nhiều khi là đề tài cấp Nhà nước! Học sinh không thể học bài học Lịch sử theo tinh thần mà sách Lịch sử lớp 7 vận dụng, không bao giờ muốn chấp nhận các bài học đó, nhưng không học thì không được mà học lại càng không được, nên dẫn đến tâm lý bất bình và phản kháng.

Đó là 4 nguyên nhân chính, dẫn đến tình trạng suy thoái của dạy lịch sử ở bậc học phổ thông, từ sai lầm định hướng của giáo dục lịch sử đến sai lầm của giáo trình.

Vì thế, thầy dạy và học trò học lịch sử chán nản môn học này đã lâu mà tự mình không kêu đến đâu được…

PHẢI MẠNH DẠN THAY ĐỔI…

Theo tôi nghĩ, có nhiều vấn đề của dạy và học lịch sử ở bậc phổ thông phải mạnh dạn thay đổi, nhưng trong phạm vi này tôi xin nhấn mạnh một số vấn đề cần thiết.

  1. Nhận thức lại mục đích của môn lịch sử ở bậc phổ thông. Như đã nói ở trên, người ta đã chưa coi trọng đúng mực mục đích dạy lịch sử cho học sinh phổ thông; phải đặt lịch sử là môn học bắt buộc đối với học sinh phổ thông, đây là hiểu biết cơ bản làm nên nhân cách con người Việt Nam mà học sinh cần phải học.

    Cần phải biết, nếu ví với các môn khác như môn tiếng Việt, học sinh không những phải đọc thông viết thạo mà còn phải làm tốt những thao tác các văn bản tiếng Việt thông thường như viết thư, viết đơn, viết những bài văn ngắn,… đúng ngữ pháp, không sai chính tả hoặc như môn toán, học sinh buộc phải thành thạo làm nhanh, làm đúng 4 phép toán cộng, trừ, nhân, chia.

    Coi lịch sử là môn giáo dục NHÂN CÁCH, và ở bậc phổ thông môn lịch sử chưa phải là môn học cho nghề nghiên cứu lịch sử để định hướng cho học sinh vào các lớp chuyên sử như lâu nay.

  2. Nội dung dạy và học lịch sử ở bậc phổ thông nên tập trung vào hai mảng cơ bản nhất, đó là lịch sử xây dựng đất nước và lịch sử bảo vệ tổ quốc, và đó cũng là biểu hiện nổi bật nhất của truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc ta.

    Điểm qua 230 vấn đề, câu hỏi trong lịch sử lớp 7, chúng ta thấy người ta đòi hỏi học sinh biết nhiều thứ quá, ngoài 2 nội dung trên, người ta bắt học sinh phải biết lịch sử tổ chức bộ máy hành chính các cấp của các triều đại phong kiến, lịch sử pháp luật, lịch sử nghệ thuật, hiểu biết về chữ Nôm, lịch sử thủ công nghiệp, lịch sử khai hoang… đang tuổi còn thơ dại, sao phải nhét vào đầu các em đủ thứ bà rằn như thế làm gì?

    Có lẽ sau khi học xong lịch sử lớp 7, các em lên các lớp cao hơn, hãy hỏi các em lớp 11, 12, xem thử có nhớ gì về nội dung lịch sử đã học ở lớp 6, lớp 7 hay không? Tôi cam đoan rằng, những vết mờ lịch sử lớp 6, lớp 7 bị xua đuổi ngay sau những kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp và kỳ thi tuyển vào đại học.

    Ngay trong lịch sử xây dựng đất nước và lịch sử bảo vệ tổ quốc cũng cần có những chọn lọc tiêu biểu để không dàn trải kiến thức, học lịch sử cũng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, học bài nào cho ra bài ấy, đó là những bài học nhập tâm mãi mãi đi theo hành trang của các em ở lứa tuổi vào đời – thành đạt.

  3. Các bài học lịch sử cần phải viết lại, theo tinh thần cung cấp kiến thức lịch sử cơ bản cho học sinh; chẳng hạn, bài số 8: Nước ta buổi đầu độc lập, từ trang 25-29 (lịch sử lớp 7) với 3 mục: - Ngô Quyền dựng nền độc lập. - Tình hình chính trị cuối thời Ngô. - Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước. Mà nội dung là tóm tắt giáo trình lịch sử Việt Nam của bậc đại học. Bài học số 8 này theo tôi chỉ chú trọng 3 bài về: Ngô Quyền; Mười hai sứ quân và Sự nghiệp ban đầu của Đinh Bộ Lĩnh. Bài viết ở dạng ký lịch sử, nêu bật 3 sự kiện tiêu biểu nửa cuối thế kỷ thứ 10 này.

    Những bài học đó có thể bắt học sinh học thuộc lòng bằng cách kiểm tra thế nào đó để học sinh tham gia thoải mái và hứng thú. Như vậy, không thể giữ lại cách trình bày cũ, xơ cứng, nặng phần đánh giá nhận xét lịch sử, mà chỉ nên trình bày diễn biến của các sự kiện lịch sử đó để học sinh có những nhận xét của mình về sự kiện lịch sử đó.

  4. Dạy và học lịch sử ở bậc phổ thông cần tuân thủ trình tự, dạy từ đơn giản đến phức tạp, dạy từ dễ đến khó. Trong cuốn lịch sử lớp 7, trong 30 bài học, học sinh phải đọc hàng loạt các thuật ngữ xa lạ với sự hiểu biết và ngôn ngữ thường ngày, cuối sách người ta chọn 60 thuật ngữ để giải thích nội dung các thuật ngữ đó để học sinh tra cứu.

    Đó là những thuật ngữ khó quá đối với học sinh, chẳng hạn như: Cục Bách tác, Cử nhân (Hương cống), Đồn điền sứ, Hà đê sứ, ngụ binh ư nông, Tứ Thư – Ngũ Kinh… Không hiểu thuật ngữ thì làm sao hiểu được bài học? 30 bài học lịch sử với hàng trăm thuật ngữ như vậy, học trong mấy chục giờ học, liệu học sinh có lĩnh hội được không?

Những gì vừa trình bày là kiểm nghiệm của chúng tôi khi theo dõi việc dạy và học lịch sử ở bậc phổ thông; những đề xuất của chúng tôi nhằm hoàn thiện hơn mục đích dạy và học lịch sử ở bậc học này.

Hà Nội, ngày Hạ chí – Kỷ Sửu