Những cách vui xuân...

Tết là dịp mà người Việt chúng ta đón đợi nhất trong năm, một đợt nghỉ theo chính sách nhà nước dài nhất dành cho tất cả mọi người, một lễ hội tốn kém tiền bạc lẫn tốn nhiều giấy mực nhất. Năm nào cũng lặp lại như thế nhưng rồi mỗi năm Tết đến chúng ta lại vẫn nao nức. Tuy vậy, cùng với sự phát triển của cuộc sống, cách đón Tết truyền thống của dân tộc cũng dần dần có nhiều đổi thay.

Nhà nhà đón xuân

Cách nay vài ba thập kỷ, tuyệt đại đa số người Việt sống trong nước, từ Nam chí Bắc, từ thành phố đến nông thôn đều có một cách đón xuân khá giống nhau. Bắt đầu từ 23 tháng chạp âm lịch, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn tùy theo công việc và điều kiện thu nhập… mọi gia đình bắt đầu dọn dẹp trang trí nhà cửa, mua sắm quần áo mới, mua cây kiểng, bánh mứt, giò chả… để cúng kiếng trong gia đình và biếu những người thân quen. Nhiều người cũng lên kế hoạch thăm viếng những ai trong những ngày tết. Thường những người ruột thịt, lớn tuổi  hoặc quan trọng được ưu tiên đi thăm và chúc tết sớm nhất, như ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo… Nếu ai kiêng cữ ngày mùng 1 Tết không dám đến nhà người khác thì đi thăm mộ tổ tiên hoặc đi viếng đền, chùa… Những ngày tết đúng là… vui như Tết. Nhà nào cũng rộn rã tiếng nói cười chúc tụng, mời mọc nhau ăn, uống. Với bọn trẻ thì Tết là thiên đường, vì không phải đến trường, không phải lo học bài, không bị mắng mỏ nặng lời khi lỡ mắc lỗi, được ăn bánh mứt thỏa thê lại rủng rỉnh tiền lì xì trong túi… Với những người nông dân lam lũ, đó là những ngày được nghỉ ngơi, hưởng được chút phong lưu bên tách trà trước bàn thờ ông bà ấm áp hương khói…

“Ăn tết” là chữ cửa miệng của mọi người, khi cuộc sống còn khó khăn, chuyện bữa ăn hàng ngày còn chưa đủ thì Tết là dịp người dân mổ heo mổ bò chia nhau ăn tết hoặc mua thịt cá bánh trái để đầy nhà là nét tiêu biểu cho một cái tết sung túc đáng mơ ước. Thế nhưng ngày nay cuộc sống đã khấm khá hơn, nhất là với nhiều người dân thành phố, ngày nào bữa ăn của họ cũng đủ thịt cá, rượu bia, ngày nào cũng được diện quần áo đẹp đẽ thì điều họ muốn được hưởng trong những ngày đầu năm mới, nhất là khi kỳ nghỉ tết hiện nay kéo dài cả tuần lễ hoặc hơn mười ngày, đó là nhu cầu « chơi tết ».

Du xuân

Có lẽ khái niệm du xuân ngày xưa chỉ là đi thăm viếng, thưởng lãm những nơi có phong cảnh đẹp, sông núi hữu tình, nơi thiên nhiên trở nên đẹp hơn vào mùa xuân hay di tích lịch sử nổi tiếng hoặc đơn giản là nơi có bạn bè tri âm, tri kỷ… Thế nhưng ngày nay, du xuân còn là dịp mọi người chu du rất xa, không chỉ ở những thành phố đẹp trong nước như Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc hay Hạ Long, Yên Tử… mà còn qua tận Bắc Mỹ, châu Âu hay những nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Đài Loan…

Chị Lan là chủ một doanh nghiệp ăn nên làm ra, từ gần mười năm nay, tết đến là ngôi nhà khang trang của chị luôn cửa đóng then cài, chỉ gởi chìa khóa cổng cho người hàng xóm thân thiết nhờ trông coi và vài ngày qua tưới hoa trong vườn. Chị kể, ban đầu chị chỉ đi gần gần như Nha Trang, Đà Lạt để được nghỉ ngơi, vì quanh năm vất vả, tết đến lại phải lo lắng mua sắm, tiếp khách, rồi bạn chồng chị, bạn con trai chị đến thăm phải bày ra ăn nhậu khiến chị rất mệt mỏi, còn cực hơn cả ngày thường. Cho nên cứ tết đến là phải tìm cách đi đâu đó để… trốn nhậu. Quen dần thành nhu cầu đi chơi trong dịp tết, vì đó là lúc các cháu chị cũng nghỉ học nên cả nhà mới được cùng nhau đi chơi. Khi dư giả hơn, gia đình chị đi chơi Thái Lan, Malaysia, Pháp. Năm rồi gia đình chị sang tận California (Mỹ) để đón xuân cùng họ hàng đã định cư lâu năm bên đó… Bây giờ, họ hàng bạn bè thân thiết không còn ai đến tặng quà hay thăm chị vào ngày tết.

Dân thành phố nhiều người du xuân kiểu như gia đình chị Lan có lẽ ngày càng phổ biến. Một anh bạn trẻ làm trong ngành du lịch kể, cứ tết đến là anh bận lu bù, muốn ăn tết ở nhà cũng không được, dân Sài Gòn bây giờ đi du lịch vào dịp tết đông lắm, nào Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai, Pháp, Ý, Hà Lan, Nam Phi…

Nhưng không phải ai cũng ham đi chơi xa vào dịp tết như thế, vợ chồng ông Bảo là chủ của nhiều bất động sản cho thuê nên thu nhập khá cao, con cái đã lớn nên họ đi du lịch được nhiều nước và càng đi thì càng “nghiện”. Thế nhưng tết đến dù bạn bè có rủ rê, mời mọc họ cũng cương quyết ở nhà đón tết. Họ bảo rằng không thể để nhà cửa, nhất là bàn thờ ông bà lạnh lẽo trong những ngày tết. Đã mấy chục năm xa quê đến Sài Gòn lập nghiệp, họ vẫn giữ được nề nếp ngày tết. Sáng mùng 1 gọi các con dậy sớm, thay quần áo tươm tất để cả nhà cúng ông bà tổ tiên, sau đó các con chúc tết ba mẹ, họ chúc lại và lì xì cho các con. Chiều đến, cả nhà về chúc tết gia đình bên ngoại – vì bên nội ở xa. Những ngày còn lại họ ở nhà đón khách hoặc đi thăm họ hàng, bạn bè, nhất là những người cả năm không có dịp thăm viếng… Hoặc cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức những món ăn ngon,  có hương hoa lan, hoa mai thoảng nhạt trong làn gió xuân mơn man là họ cảm nhận được hạnh phúc thật rõ ràng, trong giây phút hiện tại…

Xuân sum họp

Tết đến, có người ra đi thì cũng có nhiều người trở về. Vào dịp tết, chuyện tàu xe luôn là vấn đề của ngành giao thông vận tải và của những người đang làm ăn sinh sống, học hành xa quê. Bản thân tôi khi còn là một sinh viên xa nhà, tết đến tôi phải về quê bằng mọi giá, bởi với tôi, một trăm niềm vui ở thành phố không bằng một ngọn lửa ấm nơi xó bếp quê nhà. Những năm gần đây, những kiều bào sống ở nhiều nước trên thế giới, tết đến cũng tìm cách về Việt Nam ăn tết. Còn gì hạnh phúc bằng trong ngày đầu năm mới, những người thương yêu nhau được ở bên nhau, tổ tiên đã khuất cũng được rước về trên bàn thờ để sum họp cùng con cháu. Được cùng nhau ăn uống những món truyền thống, được nhìn thấy nhau, được chuyện trò chia sẻ, âu yếm, chăm sóc nhau.

Bởi ngày tết chính là dịp để thực hiện khát vọng căn cơ, sâu sắc nhất của con người, là được sống bình yên, được ăn ngon mặc đẹp, được cận kề những người thân yêu nhất của mình, trở về nơi mình gắn bó, nơi mình luôn đau đáu nhớ thương…

Thúy Ái